Phân tích ai đã đặt tên cho dòng sông chi tiết nhất- ngữ văn lớp 12
Phân tích ai đã đặt tên cho dòng sông
Phân tích ai đã đặt tên cho dòng sông góp phần cho người đọc một ánh nhìn, một ấn tượng mới mẻ về vẻ đẹp của một dòng sông ở một vùng của tổ quốc. Qua đó, người đọc cảm nhận rõ hơn về cảnh sắc thiên nhiên, văn hóa, lịch sử và cả tình yêu xứ Huế sắt son của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Hãy theo dõi bài viết để bắt trọn từng vẻ đẹp ấy nhé.
Phân tích ai đã đặt tên cho dòng sông chi tiết
Mở bài phân tích ai đã đặt tên cho dòng sông
Sông Hương núi Ngự đậm đà
Ngàn năm vang khúc hò ca duyên tình
Ai ơi ! Qua xứ Huế mình
Để thương để nhớ thắm tình thủy chung!
Dòng Hương Giang ngự trị và làm say đắm trái tim bao người. Bởi lẽ dòng sông mang những hình hài, vẻ đẹp riêng mà qua mỗi một trang thơ, trang văn, vẻ đẹp ấy càng được tô điểm. Có lẽ Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng bị dòng Hương Giang làm cho quyến luyến, mê mệt. Vì thế, nhà thơ đã chấm bút tạo nên những trang văn tuyệt diệu để miêu tả sông Hương. Sông Hương trong cách hình dung của nhà văn mang một vẻ đẹp đa dạng. Đó là vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên, của lịch sử, của văn hóa và cả vẻ đẹp tâm hồn của Hoàng Phủ Ngọc Tường gửi gắm.
Xem thêm:
Phân tích ai đã đặt tên cho dòng sông hay nhất
Soạn bài ai đã đặt tên cho dòng sông
Thân bài
Giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm và vị trí đoạn trích
Hoàng Phủ Ngọc Tường là nhà thơ của xứ Huế và là “một trong mấy nhà văn viết bút kí hay nhất của văn học ta hiện nay” (Nguyên Ngọc). Nét tinh tế, độc đáo trong bút kí của tác giả chính là đã gợi lên vẻ đẹp của đất nước, của cảnh sắc và con người Việt Nam. Trong đó có thể nói bài bút kí “Ai đã đặt tên cho dòng sông” đã thể hiện rõ nét đặc sắc ấy.
Là một trong những bút kí xuất sắc của Hoàng Phủ Ngọc Tường, được viết tại Huế năm 1981, sau đó được in trong tập sách cùng tên, bài bút kí ấy đã mang đến cho người đọc những cảm nhận riêng về dòng sông Hương thơ mộng. Đặc biệt, đoạn trích thuộc phần thứ nhất của bài kí càng làm rõ hơn điều đó.
Phân tích ai đã đặt tên cho dòng sông
Bài phân tích ai đã đặt tên cho dòng sông chi tiết
Vẻ đẹp cảnh sắc thiên nhiên gắn với các chặng thủy trình
Vẻ đẹp thiên nhiên của dòng sông được tác giả miêu tả vô cùng kỹ càng. Cùng CungHocVui đi vào khám phá vẻ đẹp cảnh sắc thiên nhiên này nhé.
Ở nơi khởi nguồn:
Ai đã từng đến Huế, yêu Huế, gắn bó với Huế và được tận mắt ngắm nhìn dòng Hương Giang đang lững lờ trôi thì mới cảm được hết sự tài hoa, tinh tế trong bút pháp miêu tả dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Bút pháp ấy thể hiện trước hết ở vẻ đẹp thiên nhiên của sông Hương. Vẻ đẹp của dòng sông gắn với các chặng thủy trình của riêng nó.
Sông Hương ở vùng thượng lưu được ví như “bản trường ca của rừng già”. Dòng sông ấy đã sống gần nửa đời mình giữa đại ngàn Trường Sơn với những bóng cây đại ngàn, cuộn xoáy, ghềnh thác, dặm dài chói lọi mùa đỏ của hoa đỗ quyên rừng, … Sự gắn bó mật thiết với cánh rừng Trường Sơn đã mang lại cho sông Hương một vẻ đẹp vừa mãnh liệt, vừa trữ tình quá đỗi.
Chẳng những thế, nhà văn còn nhân cách hóa Hương Giang như là “cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại” với sự liên tưởng độc đáo và thú vị “Rừng già đã hun đúc cho nó một bản lĩnh gan dạ, một tâm hồn tự do và phóng khoáng”. Không chỉ cho người đọc cảm nhận được vẻ đẹp hùng vĩ và trữ tình của sông Hương mà nhà văn còn giúp ta nhận thức được giá trị của con sông trong tiến trình văn hóa. Sông Hương giờ đây đã trở thành người mẹ phù sa, là cái nôi sản sinh ra nền văn minh xứ Huế. Nó đã lặng lẽ chảy và cống hiến trong bao thế kỉ qua. Và đây chính là nét đẹp đáng trân quý của Hương Giang góp phần tạo nên một vùng văn hóa thẩm mỹ của Huế. Thủ pháp so sánh và nhân hóa được kết hợp nhuần nhuyễn, đã gợi ra chiều sâu vẻ đẹp của thiên nhiên và nét tính cách hiền hòa nhưng cũng rất mạnh mẽ của sông Hương.
Xem thêm:
Dàn ý phân tích hình tượng người lái đò sông Đà trong tùy bút Người lái đò sông Đà
Dàn ý phân tích hình tượng con sông Đà trong người lái đò sông Đà
Đến ngoại vi thành phố Huế:
Khi chảy qua vùng ngoại vi của thành phố Huế, sông Hương có dịp phô hết vẻ đẹp của mình. Từ một người con gái đẹp choàng tỉnh sau một giấc ngủ dài, dòng sông ấy đã thể hiện một vóc dáng hoàn toàn mới “chuyển dòng một cách liên tục”, “uốn mình theo những đường cong thật mềm” và rồi sau đó nó “đột ngột vẽ một hình cung thật tròn về phía đông bắc, ôm lấy chân đồi Thiên Mụ xuôi dần về Huế”. Hành trình về xuôi của dòng Hương Giang là một hành trình nhọc nhằn nhưng vô cùng thú vị. Nhờ cách miêu tả bước chuyển của dòng sông hết sức sống động và thu hút, Hoàng Phủ Ngọc Tường càng làm nổi bật thêm vẻ đẹp thiên nhiên của dòng sông.
Đắm mình trong dòng chảy không ngừng của sông Hương, nhà văn đã có dịp phát hiện ra một vẻ đẹp đa màu sắc của dòng sông ấy. Vẻ đẹp chuyển hóa của sắc màu “sớm xanh, trưa vàng, chiều tím” đã chấm phá một nét vẽ khéo léo vào thiên nhiên xứ Huế. Chất giọng êm đềm như lời ru kết hợp với bút pháp miêu tả điêu luyện của Hoàng Phủ Ngọc Tường đã khiến người đọc phải trầm trồ trước vẻ đẹp của xứ Huế nên thơ.
Trong cách cảm nhận của Hoàng Phủ Ngọc Tường, thủy trình về xuôi của dòng Hương Giang không đơn thuần là một cuộc hành trình tự nhiên, vô thức. Đó là “một cuộc tìm kiếm có ý thức” của một người con gái đẹp, tình tứ và duyên dáng.
Chính bởi “ý thức” được chặng đường của mình, dòng sông Hương khi đi giữa thiên nhiên đã chuyển mình bên những lăng tẩm của vua triều Nguyễn. Nó đã khoác lên mình một vẻ đẹp trầm mặc mang cái triết cổ thi của cố nhân.
Có khi sông Hương lặng lẽ chảy dưới chân của những rừng thông u tịch, nơi “giấc ngủ nghìn năm của những vua chúa được phong kín”, cũng có khi nó trở nên mơ màng, phẳng lặng trong âm hưởng của “tiếng chuông chùa Thiên Mụ ngân nga tận bờ bên kia, giữa những xóm làng trung du bát ngát tiếng gà”.
Khi đến giữa thành phố Huế:
Phân tích vẻ đẹp của dòng dông Hương trong ai đã đặt tên cho dòng sông
Trong chặng thủy trình đầy gian nan của mình, sông Hương đã mang bao dáng hình, bao xúc cảm: lúc dịu dàng, đắm say; lúc phóng khoáng, man dại; lúc trầm mặc, cổ kính. Song khi đến giữa thành phố Huế, sông Hương như trở lại là chính mình, như đi đúng đường về nên “vui tươi hẳn lên”. Gặp được thành phố thân yêu, sông Hương không những tươi vui mà còn thật an tâm khi nó thấy chiếc cầu trắng của thành phố in trên nền trời.
Trong hình dung của một nhà thơ xứ Huế, sông Hương khi gặp được người tình mong đợi, nó làm dáng, làm duyên bằng cái cách “uốn một cánh cung rất nhẹ sang cồn Hến”, nét đẹp của đường cong ấy “như một tiếng vâng không nói ra của tình yêu”. Dòng Hương Giang trong tâm tưởng, trong cách miêu tả của Hoàng Phủ Ngọc Tường đâu chỉ có thế. Sông Hương trong lòng thành phố còn có những đường nét tỉ mỉ, sắc nét, đẹp như “điệu slow tình cảm dành riêng cho Huế”. Cách vận dụng ngôn từ kết hợp với hình ảnh thơ đầy sáng tạo của tác giả đã cho thấy điệu chảy ngọt ngào, tươi mát của dòng sông.
Khi trong lòng Huế, dòng Hương Giang chỉ muốn khẽ trôi đi chậm, thực chậm để được quấn quýt mãi bên thành phố nên thơ, mơ mộng ấy. Con sông chảy chậm, điệu chảy lững lờ cũng bởi vì nó yêu mến thiết tha thành phố Huế xinh đẹp. Cũng như các cặp tình nhân không nỡ rời xa, sông Hương cũng không đành rời xa cái nơi mà nó đã “vui tươi hẳn lên”, cái nơi mà nó đã bắt gặp lại chính bản thân mình. Thế mới thấy, Hương Giang đẹp hơn, quyến rũ hơn, tình tứ hơn qua bút pháp miêu tả tài hoa của Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Trước khi từ biệt Huế:
Có giấc mơ nào mà lại không tỉnh giấc, có hoa nào nở mà lại không tàn, có cuộc hành trình nào mà không đến lúc từ biệt. Phải, ấy là quy luật của vũ trụ. Dòng Hương Giang cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Nhưng trước khi đổ ra biển, sông Hương đã chọn cách rời Huế rất đỗi của riêng nó. Dòng sông ôm lấy Cồn hến rồi lưu luyến ra đi như sực nhớ lại một điều gì đó, nó “đột ngột đổi dòng, rẽ ngoặt sang hướng Đông – tây để gặp lại thành phố một lần cuối.”.
Nỗi lòng vấn vương, bịn rịn thành phố Huế của dòng Hương Giang chẳng khác chi “nàng Kiều trong đêm tình tự” chí tình trở lại gặp chàng Kim, để nói một lời thề trước khi bước vào chặng đường mới. Cách cảm nhận đầy lãng mạn của Hoàng Phủ Ngọc Tường đã cho thấy những phát hiện, khám phá đặc sắc, tinh tế về sông Hương. Một chút lẳng lơ kín đáo trong tình yêu của Hương Giang cũng chính là một chút kín đáo, tế nhị trong cách thể hiện tình yêu của nhà thơ đối với dòng sông quê hương, với xứ Huế thân thương.
Bằng sự hình dung, liên tưởng đầy bất ngờ thú vị, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã phác họa sông Hương như một người tình thủy chung và dịu dàng. Sông Hương rời khỏi kinh thành lưu luyến, bận tơ lòng bao nhiêu thì người đọc cũng không khỏi luyến lưu, trìu mến đối với cái tình ấy của dòng sông bấy nhiêu.
Vẻ đẹp lịch sử
Vẻ đẹp lịch sử trong bài phân tích ai đã đặt tên cho dòng sông
Bút kí “Ai đã đặt tên cho dòng sông” hội tụ rất nhiều vẻ đẹp. Dòng sông Hương không chỉ mang vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên gắn với từng chặng thủy trinh, mà nó còn mang vẻ đẹp của lịch sử. Sông Hương đẹp, kiên cường, bất khuất cũng giống như con người xứ Huế vậy đó. Khi cần, dòng sông ấy tự biến mình thành những chiến công. Nó đã ghi dấu bao nhiêu mốc son vang dội của dân tộc: Từ thời các vua Hùng dựng nước, tới thời của người anh hùng Nguyễn Huệ.
Nó tắm mình trong các cuộc khởi nghĩa, đến cách mạng tháng Tám và cả chiến dịch Mậu Thân. Bằng sự quan sát tinh tế cùng với tấm lòng của một người con đất Huế mến thương, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã để dòng Hương Giang khoác lên mình chiếc áo kiêu sa, anh dũng của đất nước. Dòng sông giờ đây không chỉ là “người con gái đẹp nằm ngủ mơ màng” hay một cô gái man dại, phóng khoáng nữa. Nó đã biết “hóa thân cho dáng hình xứ sở” đê trở thành một cô gái kiên cường, một dòng sông lịch sử đầy hào hùng của mảnh đất cố đô.
Để có được một dòng sông đẹp như hôm nay, nó đã phải trải qua bao nỗi vất vả, nhọc nhằn. Nó đã “sống hết thế kỉ quang vinh với nhiệm vụ lịch sử của nó”, chính vì thế ta càng phải trân trọng, yêu quý sông Hương như yêu quý đứa con ruột thịt của mình.
Vẻ đẹp văn hóa
Phân tích ai đã đặt tên cho dòng sông
Với kho cảm xúc cùng với vốn kiến thức sâu rộng, Hoàng Phủ Ngọc Tường còn khai thác sông Hương ở vẻ đẹp văn hóa của nó. Trước hết, Hương Giang mang vẻ đẹp của thi ca. Với khả năng tự làm mới mình, sông Hương tiếp tục khoác lên cho mình diện mạo mới. Nó khơi nguồn cảm hứng sáng tác cho các bậc nghệ sĩ. Nó đi vào thơ Tản Đà với dáng vẻ quá đỗi mềm mại, nhẹ nhàng “Dòng sông trắng – lá cây xanh”, hay dáng vẻ hùng tráng trong thơ của Cao Bá Quát “Trường Giang như kiếm lập thanh thiên”, …
Điều đặc biệt là cả Nguyễn Du và Tố Hữu đều gặp gỡ trong cảm hứng đối với dòng Hương Giang thơ mộng ấy. Nguyễn Du đã tạo nên khúc đàn bạc mệnh đi suốt đời Kiều khi tác giả lênh đênh trên con thuyền đầy phiến trăng. Còn Tố Hữu vẫn bắt gặp bóng dáng Kiều trên dòng sông hương, nhưng thi sĩ đã có một cách nhìn riêng. Với “Tiếng hát sông Hương”, Tố Hữu đã hướng tới khẳng định sức mạnh phục sinh tâm hồn cho những thân phận Kiều ở trên cõi đời này.
Qua tất cả những điều đó, Hoàng Phủ Ngọc Tường không chỉ thể hiện được tài năng nghệ thuật độc đáo của mình, mà còn cho thấy nền văn hóa thấm đượm tinh thần dân tộc phảng phất trong từng câu chữ, từng trang văn. Cái hay là ở điểm ấy.
Sông Hương đâu chỉ là điệu slow tình cảm dành riêng cho xứ Huế mộng mơ. Dòng sông ấy còn gắn với nền âm nhạc cổ điển Huế. Nhắc đến Huế, người ta thường nghĩ đến nhã nhạc cung đình. Nếu có dịp được một lần thưởng thức nhã nhạc cung đình trên dòng Hương Giang vào lúc đêm khuya, thì ta mới có thể cảm nhận rõ ràng về vẻ đẹp âm nhạc và dấu ấn văn hóa của mảnh đất cố đô.
Không những thế, ngay cả những câu hát, điệu hò du dương, êm ả trên sông nước, “tiếng nước rơi bán âm của những mái chèo khua” trong một khoang thuyền nào đó, hay tiếng chuông chùa Thiên Mụ ngân vang đâu đây cũng góp phần tạo nên vẻ đẹp âm nhạc của sông Hương.
Chất văn trong trẻo làm da diết lòng người của Hoàng Phủ Ngọc Tường cùng với vốn từ ngữ gợi tình, gợi cảm, đã làm toát lên cái sắc điệu riêng, cái vẻ đẹp rất riêng của dòng Hương Giang. Đó là vẻ đẹp trầm mặc, kín đáo nhưng sâu lắng hết mực. Vẻ đẹp ấy tựa hồ như một nét riêng trong vẻ đẹp tâm hồn của con người xứ Huế: trầm tư, mến thương.
Đánh giá chung về nội dung và nghệ thuật
Bút kí “Ai đã đặt tên cho dòng sông” đã cho thấy những phát hiện mới mẻ, độc đáo của Hoàng Phủ Ngọc Tường về dòng sông Hương thơ mộng mà đầy quyến rũ. Những vẻ đẹp của dòng Hương Giang đã làm nên những nét rất riêng của xứ Huế nói riêng và của đất nước nói chung. Một vẻ đẹp không bị tạp nham hay nhầm lẫn với bất kì một vẻ đẹp của dòng sông nào khác.
Đặc biệt, với lối hành văn hướng nội, súc tích, tài hoa, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã khiến người đọc không sao rời mắt được những áng văn da diết, đong đầy giá trị mà ông đã khắc họa.
Kết bài
“Ai đã đặt tên cho dòng sông” quả là một bài kí hay và đặc sắc. Chính mảnh đất mang nặng nghĩa tình đã khiến cho Hoàng Phủ Ngọc Tường dâng trào những cảm xúc mãnh liệt để tạo nên những trang văn vô cùng ấn tượng, súc tích và tài hoa. Chẳng cần phải đi đâu xa, chỉ cần đọc và từng chút cảm nhận cái hương vị, vẻ đẹp trong từng câu chữ phảng phất ở bài kí, người đọc cũng đủ để thêm yêu thương, trân quý một tài năng, một phong cách quá ư là Huế của Hoàng Phủ Ngọc Tường.