Phân tích tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường (Bài 2)
Đề bài
Đề bài: Phân tích tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường
Hướng dẫn giải
Hoàng Phủ Ngọc Tường là người có vốn hiểu biết phong phú, sâu rộng trên nhiều lĩnh vực văn hóa, lịch sử địa lý. Các tác phẩm của ông thường có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất trí tuệ và trữ tình với những liên tưởng mạnh mẽ và một lối hành văn mê đắm tài hoa. Ai đã đặt tên cho dòng sông là bài kí xuất sắc nhất của ông, thể hiện đặc trưng phong cách của nhà văn tài hoa, uyên bác này.
Ngay từ nhan đề của tác phẩm đã đem đến cho người đọc sự tò mò, hứng thú. Đồng thời đó như một gợi mở về vẻ đẹp của dòng sông Hương, và huyền thoại về sông Hương.
Để làm nổi bật vẻ đẹp của dòng sông Hương, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã soi ngắm nó trên nhiều góc độ. Đầu tiên ông nhìn sông Hương trên phương diện địa lí, cảnh sắc thiên nhiên vô cùng đa dạng, quyến rũ. Sông Hương khi ở trong rừng núi Trường Sơn là bản trường ca của rừng gia thâm u, huyền bí. Đây là nơi khởi nguồn của dòng chảy, gắn liền với đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, con sông toát lên vẻ đẹp vừa hùng vĩ vừa trữ tình, mang một sức sống mãnh liệt. Hoàng Phủ Ngọc Tường ví dòng sông Hương như một cô gái Di-gan vô cùng quyến rũ : “sông hương đã sống một nửa cuộc đời mình như một cô gái Di-gan phóng khoáng và gan dạ”. Bằng biện pháp nhân hóa đã gợi ra vẻ đẹp hoang dại nhưng cũng rất tình tứ của dòng sông. Nhưng khi ra khỏi rừng già, dòng sông nhanh chóng mang vẻ đẹp “dịu dàng và trí tuệ”, góp phần hình thành, gìn giữ và bảo tồn văn hóa của xứ Huế. Hoàng Phủ Ngọc Tường đã tỏ ra vô cùng tinh tế, uyên bác và kì công để khám phá, thấu hiểu từng vẻ đẹp của dòng sông: “dòng sông hình như không muốn bộc lộ, đã đóng kín lại ở cửa rừng và ném chìa khóa trong những hang đá dưới chân núi Kim Phụng”.
Bằng con mắt quan sát tinh tế của mình, tác giả còn nhận thấy, sông Hương như một người con gái đẹp bừng tỉnh sau một giấc ngủ dài. Trong cảm nghĩ của nhà văn, sông Hương giống như “người gái đẹp nằm ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại” được “người tình mong đợi đến đánh thức”. Từ đây, thủy trình về xuôi của sông Hương giống như một cuộc tìm kiếm người tình nhân đích thực của một người gái đẹp trong câu chuyện tình yêu lãng mạn. Hành trình về xuôi của dòng sông Hương quả thực là một bức tranh đa dạng màu sắc, ở mỗi địa danh khác nhau, sông Hương lại khoác trên mình một vẻ đẹp mới lạ: khi thì như tấm lụa mềm, khi thì sắc nước xanh thăm thẳm, … “Phải chăng người con gái khi đến với người yêu không chỉ để dâng tặng tình yêu mà còn để hoàn thiện và phơi bày vẻ đẹp của mình?”.
Trong không gian kinh thành Huế cổ kính, u tịch, sông Hương tiếp tục phô diễn những vẻ đẹp khác nhau. Bắt đầu đi vào thành phố, sông Hương được ví như một người tình vui tươi và vô cùng duyên dáng. Dòng sông vui hẳn lên khi bắt gặp tiếng chuông chùa Thiên Mụ thân thuộc, đây đồng thời cũng là dấu hiệu con sông sắp đi vào thành phố. Người con gái xinh đẹp – sông Hương làm duyên, làm dáng lần cuối cùng trước khi chảy vào thành phố, về với người tình nhân đích thực của mình: uốn một cánh cung rất nhẹ sang đến Cồn Hến, khiến dòng sông mềm hẳn đi, như một tiếng vâng không nói ra của tình yêu. Vào đến thành phố sông Hương không còn mang cái man dại, mãnh liệt như khi ở Trường Sơn mà nó như điệu slow tình cảm, chạy chậm chạp, có chăng “chỉ còn là một một hồ yên tĩnh”. Bằng vốn hiểu biết phong phú của mình, ông đã lí giải từ nhiều góc độ khác nhau, đầu tiền là do đặc điểm tự nhiên: những chi lưu ấy, cùng với hai hòn đảo nhỏ trên sông đã làm giảm hẳn lưu tốc của dòng nước, nhưng đặc biệt hơn là khi ông lí giải từ lí lẽ của trái tim thì “điệu chảy lặng lờ”, “ngập ngừng muốn đi muốn ở” của sông Hương là do tình cảm dành riêng cho Huế, do quá yêu thành phố của mình, do muốn được nhìn ngắm nhiều hơn nữa thành phố thân thương trước khi phải rời xa. Khi rời thành phố sông Hương còn là một người tình chung thủy, đã đi rồi còn lưu luyến vòng quay trở lại một lần nữa.
Không chỉ nhìn sông Hương từ góc nhìn địa lý, Hoàng Phủ Ngọc Tường còn đi sâu vào lịch sử để khám phá một vẻ đẹp khác của sông Hương. Ở mỗi thời kì lịch sử, sông Hương đều có những đóng góp quang vinh với Tổ quốc. Sông Hương đã chứng kiến biết bao trận chiến đấu oanh liệt bảo vệ biên giới phía Nam của Tổ quốc Đại Việt qua những thế kỉ trung đại theo sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi. Là dòng sông “Vẻ vang soi bóng kinh thành Phú Xuân của người anh hùng Nguyễn Huệ” vào TK XVIII. Ở thế kỉ XX, sông Hương đi vào chiến công rung chuyển thời đại với cách mạng tháng Tám lịch sử. Bằng cách đặt sông Hương vào những thời điểm lịch sử trọng đại khác nhau, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã ngầm khẳng định sự thiêng liêng, vĩ đại của dòng sông này.
Dòng sông Hương thơ, mộng, trữ tình còn là nguồn cảm hứng cho biết bao thế hệ thi sĩ. Sông Hương trước hết khơi nguồn cảm hứng âm nhạc, như một “người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya”. Hình ảnh so sánh này xuất phát từ thực tế, sông Hương là sông âm nhạc, với những khúc ca Huế dịu dàng, thiết tha. Đây là nơi gặp gỡ của âm nhạc cổ điển cũng như những câu hò dân gian đều đã được sinh thành trên mặt nước sông Hương, nên nó chỉ vang lên hay nhất “trong một khoang thuyền nào đó, giữa tiếng nước rơi bán âm của những mái chèo khuya”.
Không chỉ vậy, sông Hương còn khơi dậy cảm hứng thi ca. Ở điểm này sông Hương thực sự đã trở thành nàng thơ của tâm hồn thi sĩ. Với diện mạo phong phú, khi dữ dội, man dại, khi e ấp, thướt tha, sông Hương là nguồn cảm hứng thi ca muôn đời. Mỗi người bằng khám phá riêng, bằng cảm nhận riêng lại khám phá ra những vẻ đẹp khác nhau của sông Hương: “Từ xanh biếc thường ngày, nó bỗng thay màu thực bất ngờ “dòng sông trắng- lá cây xanh” trong cái nhìn tinh tế của Tản Đà”; “từ tha thướt mơ màng nó chợt nhiên hùng tráng lên như “kiếm dựng trời xanh” trong khí phách của Cao Bá Quát”
Đặc biệt, sông Hương còn được cảm nhận trong trí tưởng tượng đầy sáng tạo, tài hoa của tác giả. Qua dòng chảy của dòng sông, Hoảng Phủ Ngọc Tường còn nhận được tính cách của con người xứ Huế. Ông nhìn sông Hương như một thiếu nữ xinh đẹp và tài hoa, dịu dàng và sâu sắc, đa tình và kín đáo, lẳng lơ nhưng rất mực chung tình. Ở người thiếu nữ ấy nổi bật lên vẻ đẹp của sự nữ tính, khi là cô gai Digan phóng khoáng và man dại với bản lĩnh gan dạ, tâm hồn tự do và trong sáng, khi là một người con gái đẹp ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại, khi là người con gái dịu dàng của đất nước, khi là người mẹ phù sa của một vùng văn hoá xứ sở với một sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ, lúc lại là người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya... Không chỉ vậy, sông Hương còn mang vẻ đẹp đa tình, nó được ông phản ánh trong mối quan hệ với thành phố, đó là quan hệ của cặp tình nhần lý tưởng trong Truyện Kiều “tìm kiếm và đuổi bắt, hào hoa và đam mê, thi ca và âm nhạc”.
Trong bài tùy bút này sông Hương đã được đặt trong một cái nhìn tổng thể và toàn diện: địa lí, lịch sử, văn hóa … Trong các mối liên hệ ấy, sông Hương vừa tươi đẹp, vừa thơ mộng và quyến rũ trong các sắc thái thiên nhiên vừa sâu lắng trong các giá trị văn hóa, vừa phong phú đến bất ngờ trong khả năng gợi hứng thú sáng tạo cho những người nghệ sĩ, vừa kiên cường bất khuất trong thế đứng và tinh thần khi đối diện với giặc ngoại xâm… Song dường như sau tất cả những điều đó, sông Hương vẫn mãi còn những điều bí ẩn chưa được khám phá hết nên vẫn mãi gợi niềm bâng khuâng trong tâm hồn con người.