Những ấn tượng về người nông dân trong văn học hiện thực giai đoạn 1930 - 1945
Những ấn tượng sâu sắc của anh (chị) về hình tượng người nông dân trong văn học hiện thực phê phán Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945.
Có những tác phẩm văn học đọc xong, gấp sách lại và ta quên đi, khép luôn cả trí nhớ của mình về nó. Cho đến lúc cầm lại nó, ta mới chợt nghĩ mình đã đọc rồi. Nhưng có những khi, có những cuốn sách như dòng sông chảy qua tâm hồn ta để lại một lớp phù sa, để lại những ấn tượng khắc chạm trong tâm khảm.
Như con người nông dân trong văn học hiện thực phê phán 1930-1945 đọc rồi thì không thể quên được, nó cứ ám ảnh đeo đuổi ta mãi. Người nông dân bước vào văn học từ những câu ca xưa, từ những áng văn cổ điển. Đến với dòng văn học thực hiện phê phán 1930-1945, ta gặp nhũng chị Dâu, anh Dậu, cái Tí, cái Bần, Chí Phèo, Thị Nở, lão Hạc, anh Pha .... Họ đến và họ không ra đi, họ bắt tay, xót xa, cay đắng mãi với cuộc đời họ. Họ bắt ta phải ngẫm nghĩ mãi về ánh sáng lương tâm, lương tri trong con người họ về sự cùng cực để bức ra cuộc sống ngột ngạt ấy của họ.
Sao cuộc sống của những người ấy lại có thể khổ đến thế? Có những lúc ta buột miệng nói: " Khổ như chị Dậu". Cái nghèo khổ đè nặng, ấn mãi cuộc đời chị xuống. Cuộc đời được nảy sinh, tồn tại trong túp lều như nhà chứa tro hoặc chứa phân, cuộc đời "quanh năm không dám chơi không ngày nào" mà cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Cái nghèo khổ dồn nén, chất chứa trong hai đồng bảy bạc sưu. Hơn cả sự nghèo đói, trong đêm đen “Tắt đèn” chị đã quằn quại, chị đã đau cái nỗi đau lớn nhất của người mẹ: bán con. Ôi đứa con nuôi từ hòn máu nuôi đi, mang nặng đẻ đau, bán nó đi chị rứt từng khúc ruột. Đó là một phần máu mủ, một phần xương thịt của chị. Tiếng kêu trời của chị cứ bám lấy ta, cào cấu trong ta: “Trời ơi tôi bán cả con lẫn chó và hai gánh khoai mới được hai đồng bảy bạc. Tưởng rằng đủ tiền nạp sưu cho chồng thì chồng tôi khỏi bị hành hạ đêm nay. Ai ngờ lại còn suất sưu của người chết nữa, khốn nạn thân tôi! Trời ơi! Em tôi chết rồi còn phải đóng sưu hở trời! Tôi biết đâm đầu vào đâu cho được hai đồng bảy bây giờ?" Đâm đầu vào đâu? Câu hỏi của chị nhức nhối lòng ta. Ta phải thốt lên “Trời ơi là trời, sống làm sao được đây! Quanh chị Dậu, quanh cái thuế sưu, thực cả một “ thiên la địa võng bóc lột sự sống, bức tử sự sống” (Nguyễn Tuân). Có ai trong chúng ta khi bưng bát cơm ăn mà không nghẹn ngào nghĩ đến chị Dậu. Có ai trong chúng ta khi sà vào lòng mẹ mà không nghẹn ngào nghĩ đến chị Dậu. Có ai trong chúng ta khi bưng bát cơm ăn mà không nghẹn ngào nghĩ đến chị Dậu. Có ai trong chúng ta khi khi sà vào lòng mẹ mà không thổn thức cùng với cái Tí “con van thầy, con van u, thầy cho con ở với nhà chơi với em con”, “con ăn với ai, con ngủ với ai”. Tí khổ lắm, bảy tuổi đầu Tí đã phải lo toan, bảy tuổi đầu Tí đã phải chia lìa gia đình, cắp sách đến trường sung sướng, ta lại càng xót xa khi nghĩ đến cái Tí. Đọc “Tắt đèn" rồi cứ đêm đêm, điện sáng lên, cái tối tăm, cái cay cực của cuộc sống lại giày vò ta. Sống lại cuộc đời của họ ta lại thấy ngột ngạt, tức thở.
Còn Chí Phèo, cái anh Chí Phèo ấy đã găm lại trong ta bởi cái kì dị, quái gở của cả hình thức lẫn cuộc đời và con người. Những cái đó, làm cho tôi, lần đầu tiên tiếp xúc với tác phẩm, cảm thấy sợ hãi. Sợ hãi cái con quỷ dữ ấy, sợ hãi cái thằng người say triền miên, sợ hãi, ám ảnh cái bóng Chí Phèo vật vờ dưới chân hắn trong đêm trăng. Tưởng như ngửi thấy mùi rượu, thấy được máu đang tưa ra trên khuôn mặt không tuổi ấy. Rồi cái sợ ấy ngấm mãi vào người và dần dần, trở thành sự chà xát ghê gớm. Chua xót lắm chứ, cái chua xót lớn nhất - Chí Phèo không được sống như một người. Chị Dậu khổ, nhưng chị là một con người, là người mẹ, là người vợ. Còn Chí Phèo, hãy thử hỏi xem có nỗi đau đớn nào lớn hơn thế nữa! Không có gì khốn nạn và cùng cực hơn anh nông dân Chí Phèo ấy. Cho đến bao giờ, tiếng thét, tiếng kêu của anh ta mới nguôi đi trong tôi "tao muốn làm người lương thiện".
Không, tiếng kêu đó sẽ chẳng bao giờ dịu đi, nó vật vã cái phần nhân bản cao quý của con người, nó giày vò cái phần lương tri, lương năng trong con người. Nó không còn là khổ, là đau nữa, nó sâu, đau tận trong tâm can ta.
Những con người nông dân ấy đã phải sống quằn quại trong lòng chảo của xã hội xấu xa. Xã hội không cho họ con đường sống. Đọc rồi ta nhớ mãi những con người, những cuộc đời, những số phận bi thảm, những kết cục đau đớn của họ. Nhát dao của Chí Phèo cho đến bây giờ vẫn còn đau trong tôi. Cái nhát dao kết liễu cuộc đời anh Chí và đó cũng là cái nhát dao khoét sâu trong ta. Nam Cao đã để cho lão Hạc cào cấu ta bởi cơn giãy chết điên dại của lão. Sao họ khổ đến thế, đến cái chết cũng cứ phải khổ, cũng cứ phải vật vã. Cái chết đau đớn, cái chết rùng rợn, bao nhiêu cái khắc nghiệt của cuộc sống đã dồn cả hai tiếng đồng hồ giãy chết của lão Hạc. Và cho đến khi đã vào hòm rồi, người nông dân cứ vẫn còn phải khổ.
Cuộc sống của những người nông dân ấy tăm tối đớn đau, làm gì có cảnh:
"Trên đồng lúa xanh rờn và ướt lặng
Lũ cò con chốc chốc vụt bay lên
Làm giật mình những cô nàng yếm thắm
Cúi cuốc cào cỏ ruộng sắp ra hoa".
"Cô nàng yếm thắm" ấy chợt đến rồi chợt đi, trong ta những chị Dậu, Chí Phèo thì sống mãi. Ôi những người nông dân thưở ấy càng nghĩ lại càng thương, càng đau. Càng sung sướng trong cuộc sống “Lúa mượt đồng ấm áp làng quê” lại càng xót xa cho họ.
Họ không chỉ găm lại trong ta bởi cái khổ, họ còn đọng lại trong ta bởi ánh sáng lương tâm, lương tri trong họ, bởi sức sống ngầm trong con người họ. Dù cuộc đời có cay cực, bất công, dù cuộc sống quá tối tăm, chị Dậu vẫn sáng lên những phẩm cách trong sạch. Tôi nhớ mãi những ánh mắt, là nghị lực, lả sức sống của chị. Ánh mắt sáng rực nhân cách ấy rọi chiếu như tia đèn pha, dường như muốn thiêu đốt những rác rưởi trong đình làng, trong xã hội. Ánh mắt đầy sức mạnh theo sát ta trên chặng đường đời, góp sức đốt trụi những ý nghĩ thấp hèn, những lời van vĩ, dựng ta dậy, xốc ta đi. Giữa bãi bùn lầy nhơ nhuốc của lòng chảo " tắt đèn", chị là thứ “hương sen dã ngoại”. Một mùi hương không thể lẫn, một mùi hương thoang thoảng thôi nhưng không bao giờ hết. Cuối tác phẩm, chị Dậu rứt ra, lao vào đêm đen. Nhưng chính chị, bằng cuộc đời bị dồn đến chân tường ấy vẫn gieo trong ta một niềm tin mãnh liệt, dù hiện thực có nghiệt ngã hơn thế nữa thì chị Dậu vẫn đẹp, vẫn trong sáng. Niềm tin ấy hoà trong máu ta đốt thành niềm yêu say cuộc sống.
Có phải vì Chí Phèo được mô tả như một con quỷ, một con vật không tuổi nên cái phần “người” trong hắn làm ta bàng hoàng, chỉ một bát cháo hành của Thị Nở, một "đặc ân" mà cuộc đời ban cho hắn cũng đủ thức dậy cái phần lương tâm lương tri cái bản chất con người, trong lúc tưởng như nó đã huỷ diệt trong cái vỏ kì quái, gớm ghiếc. Không, nó vẫn sống và sống mãnh liệt. Tôi nhớ mãi cái buổi sáng Chí Phèo tỉnh dậy. Lần đầu tiên hắn mới lắng nghe âm thanh cuộc sống, tâm hồn rung lên những nhịp rung mới lạ. Chí nhớ lại có một thời Chí cũng có những ước mơ nho nhỏ, có một thời Chí cũng là người là trong Chí khát khao một cuộc sống lương thiện, muốn hoà mình, gia nhập cái xã hội bình dị cúa những người dân. Cái phần người nhỏ bé nhưng kì diệu ấy có sức đốt nóng ghê gớm. Cái ấn tượng ấy không mất đi. Nó thì thầm, trong tôi: Dù người ta có nói gì với bạn đi nữa thì bạn hãy tin rằng cuộc sống vẫn đẹp và con người vẫn đẹp. Tôi lại thấy thoang thoảng đâu đây mùi cháo hành thơm nồng, thấy rạo rực như được sống cái buổi sáng mà Chí Phèo tỉnh giấc, có tiếng chân, có tiếng người đi chợ về hỏi nhau...
Và lão Hạc nữa, lão Hạc có cuộc đời khổ cực, đến giọt nước mắt cũng phải dồn hai gò má lại mà “ép” ra. Có những lúc đói, đào được củ gì ăn củ nấy nhưng lão vẫn không bán một tấc đất, một mảnh vườn của con. Giữa lúc con người sống với nhau như thú vật ấy, cái tình của lão với con chó vàng mới đẹp làm sao. Đôi mắt van vỉ của con chó là cái tình của lão Hạc đấy, nói với lão Hạc là nói với chúng ta, và cái đẹp nhất, cái in đậm nhất trong ta chính là cái tình ấy. Có một thời tôi không dám đọc Lão Hạc vì nó khủng khiếp quá, vì cái chết của lão ghê gớm quá. Nhưng cái tình, cái đẹp trong câu chuyện ấy cũng nhiều lắm. Cái ân tình trĩu nặng như chính mảnh đất lão đã sống, đã chết để gìn giữ.
Tôi muốn giữ chặt lấy thân hình lão đang cào cấu, nắn thẳng lại những cánh tay, bàn chân co quắp, và tôi thấy rõ ràng từ đôi mắt lão ứa ra những giọt nước mắt hiếm hoi, tôi thấy đôi tay lão từ từ nhấc dây vuốt ve con chó vàng, tôi thấy miệng lão mấp máy dặn dò ông giáo canh giữ mảnh vườn. Lão Hạc ơi, lão hãy yên lòng mà nhắm mắt. Trong đêm tối một tia sáng cũng đủ rạch màn đêm, trong khổ đau, người nông dân vẫn giữ cái phần “người” đốt sáng rực cái phần “người” ấy. Chúng ta - người đọc - không thể nào quên được đôi mắt của chị Dậu, bát cháo hành của Thị Nở, nụ hôn đẫm nước mắt của con Tí với em nó. Những hình ảnh đó thấm mãi vị ngọt ngào trong ta.
"Bát cơm chan đầy nước mắt" của người nông dân xưa ấy, ta ăn và thấy nghẹn ngào, đắng chát. Cái ý nghĩ họ sống khổ cứ bám riết lấy ta, bắt ta đau và chính họ cũng đốt lên, hằn sâu trong ta những tia sáng cao đẹp của nhân phẩm. Ta sống, ta lớn lên, mang theo mãi trong mình những ấn tượng, những cảm xúc sâu sắc ấy. Và mỗi lần nghĩ về họ, những người nồng dân ấy, ta lại thấy tất cả còn mới nguyên như lần đầu ta bước vào đêm đen "tắt đèn", như lần đầu ta đến làng Vũ Đại. Và họ đứng bên nhau, hoà vào nhau, trở thành một bức tượng son sắt trong ta: Người nông dân thuở ấy.