Thế nào là giáo dục một người
Thế nào là giáo dục một người
Năm xưa, ông Vũ Ngọc Phan có viết một quyển sách về giáo dục: "Con đường mới của thanh niên". Ngay ở những trang đầu tác giả cố ý tìm một định nghĩa xác đáng cho danh từ giáo dục. Sau khi trình bày ý kiến những triết gia xưa và nay, theo Kant: "Mục đích giáo dục là làm cho mỗi con người ta được thật hoàn toàn", theo W. James, S. Mill, H. Spencer: "Giáo dục có mục đích làm cho mọi người trở nên một vật sung sướng cho người ấy và cho đồng loại", ông Phan cho rằng chỉ có định nghĩa sau đây của E. Durkheim là thiết thực và rõ ràng hơn cả: "Giáo dục là ảnh hưởng của những thế hệ người lớn đối với những thế hệ còn chưa chín chắn để tham dự vào cuộc đời trong xã hội. Giáo dục có mục đích là làm cho phát triển ở đứa trẻ những điều kiện vật chất, trí thức và tinh thần, là những điều mà toàn thể xã hội chính trị đang mong mỏi, đến cả cái hoàn cảnh riêng của đứa trẻ cũng mong mỏi nữa". Theo chúng tôi, định nghĩa như thế ấy chỉ sát nghĩa, chưa được rõ rệt và thiết thực cho lắm. Sát nghĩa vì động từ "Eduquer" (tức là giáo dục) của tiếng Pháp, lấy nguồn gốc của một động từ La Tinh "Educere", nghĩa là đem ra ngoài, làm nẩy nở; như vậy, định nghĩa chữ "giáo dục" theo Durkheim là "làm nẩy nở, làm phát triển ở đứa bé những điều về vật chất v.v..." thì không gì sát nghĩa hơn. Song có thể định nghĩa chữ "giáo dục" một cách khác, vẫn đúng nghĩa và được rõ rệt thiết thực và gọn ghẽ hơn: "Sự giáo dục là nghệ thuật làm nên một người". Làm nên một người trước nhất phải dạy cho nó biết cách chinh phục lấy nó, là dạy cho nó những phương pháp để tạo lấy sức khỏe, là rèn đúc cho nó một ý chí đanh thép, để có thể làm chủ thân xác, tư tưởng và tâm hồn của nó. Như vậy để đoạt lấy sức khỏe của thể chất và sự an tĩnh của tâm hồn, tức là để đoạt lấy hạnh phúc. Làm nên một người là dạy cho nó biết cách chinh phục lấy cuộc đời, là dạy cho nó nghề để nuôi sống, là dạy cho nó những điều cần biết để lập gia đình, để lập danh phận, để lập nghiệp, là rèn tập cho nó những đức tính thiết thực; óc thực tiễn, óc tổ chức, làm việc có phương pháp, sống đắc lực, tức là dạy nó cách đoạt lấy thành công.
Đã giúp cho người bạn trẻ có đủ khí giới để chinh phúc lấy sức khỏe, hạnh phúc, thành công tức là đã giúp cho nó sống một cách đầy đủ và điều hòa, nghĩa là đã làm cho nó trở nên người, mà như vậy cũng đủ lắm rồi. Aldous Huxley viết: "Làm một người đầy đủ, điều hòa là một việc khó khăn, nhưng Muốn nên người Phạm Cao Tùng đó là công việc duy nhất của chúng ta. Người ta chỉ xin chúng ta một điều: trở nên người. Một người, anh nghe rõ? Không phải thần minh, cũng không phải là quỷ sứ".
Trích Muốn nên người của Phạm Cao Tùng
Nhà sách Khai Trí.Saigon 1970