Văn 10: Nghị luận bài Tỏ lòng của Phạm Ngũ Lão chi tiết, hay nhất
Văn mẫu nghị luận bài thơ Tỏ lòng của Phạm Ngũ Lão
Cunghocvui cung cấp đến bạn đọc nghị luận bài Tỏ lòng của tác giả Phạm Ngũ Lão để nắm rõ kiến thức vận dụng vào bài viết của mình hoàn thiện hơn. Bài viết bao gồm phần dàn ý và phần nghị luận về bài thơ Tỏ lòng một cách rõ ràng và chi tiết để bạn đọc có thể tham khảo một cách trọn vẹn.
Nghị luận bài thơ tỏ lòng của Phạm Ngũ Lão
Thời Nguyên Mông, cái tên Phạm Ngũ Lão xuất hiện với dấu ấn đậm nét và mang về chiến công lẫy lừng cho đất nước, cho dân tộc. Ông là một vị anh hùng hào kiệt tài giỏi đem công sức của mình để chiến đấu quân xâm lược giành lại hòa bình cho nước nhà. Bên cạnh đó, không chỉ có tài chiến đấu mà Phạm Ngũ Lão còn giỏi trong việc thơ văn và “Tỏ lòng” là một trong số những sáng tác hay nhất của ông. Bài thơ hiện lên cho người đọc thấy được khí phách hiên ngang luôn sẵn sàng tư thế chiến đấu của quân và dân nhà Trần, họ có lí tưởng đẹp đẽ và sức mạnh to lớn khi đối đầu với quân xâm lược để đem về hòa bình cho đất nước.
“Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu
Tam quân tì hổ khí thôn ngưu”
(Múa giáo non sông trải mấy thu
Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu)
Chỉ với hai câu đầu tiên, Phạm Ngũ Lão đã cho người đọc thấy được cái khí phách hiên ngang của những con người ra chiến trận có thể sánh được núi non của đất trời. Họ luôn trong tư thế “hoành sóc”, tức hiên ngang cầm ngọn giáo để bảo vệ đất nước khi bị xâm lược. Họ, những con người có ý chí chiến đấu, có lí tưởng và hướng về phía trước được đặt trong bối cảnh không gian rộng lớn. “Giang sơn” vốn chẳng chỉ sự to lớn của núi non mà ngụ ý muốn khẳng định rằng sự to lớn của đất nước được sánh ngang với ý chí chiến đấu của quân và dân nhà Trần. Quân và dân nhà Trần đã luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu ra trận để đem lại sự hòa bình cho Tổ quốc.
Vẻ đẹp ấy còn được Phạm Ngũ Lão miêu tả rõ nét thể hiện qua câu thơ thứ hai, rằng “Tam quân tì hổ khí thôn ngưu”, có nghĩa khí thế của những con người hùng tráng ấy còn át cả sao Ngưu. Ba chữ “khí thôn ngưu” đã khẳng định một điều mạnh mẽ tầm vóc lớn lao của quân đội nhà Trần không gì có thể diễn tả hết được. Những con người ấy đã cùng nhau đoàn kết, cùng nhau xây dựng nên lí tưởng và chính họ đã tạo ra sức mạnh để đem đến những chiến công lẫy lừng. Và không điều gì có thể phủ nhận rằng, sức mạnh của quân đội nhà Trần mạnh như hổ báo và có thể lấn át được sự rộng lớn của núi non đất trời.
Phạm Ngũ Lão đã sử dụng nghệ thuật phóng đại kết hợp với hình ảnh so sánh độc đáo để cho người đọc thấy được sự oai phong lẫm liệt của quân đội nhà Trần khi đồng lòng cùng nhau sẽ tạo nên sức mạnh có thể chống lại quân thù xâm lược. Hai câu thơ đã cho chúng ta thấy được rõ vẻ đẹp của quân và dân nhà Trần với hào khí mạnh mẽ quyết liệt và vẻ đẹp dân tộc ấy chảy dài theo năm tháng, là tấm gương sáng cho bao thế hệ noi theo.
Hai câu thơ cuối của bài thơ, Phạm Ngũ Lão đã ý thức được nỗi lòng và trách nhiệm của đấng nam nhi trong cuộc đời nên ông đã gửi tâm tư của mình qua hai dòng thơ:
“Nam nhi vị liễu công danh trái
Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu”
(Công danh nam tử còn vương nợ
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ hầu)
Trong bối cảnh thời ấy, những đấng nam nhi có một nỗi sợ to lớn đó chính là nỗi sợ công danh. Phạm Ngũ Lão cho rằng, thân sinh ra đã làm nam nhi thì cũng chắc chắn rằng người ấy phải có món nợ công danh, tức là đem lại sự vẻ vang rực rỡ cho đất nước. “Nam nhi vị liễu công danh trái”, nỗi sợ công danh ấy được thể hiện qua hai điều đó là lập công và lập danh. Một đấng nam nhi từ khi sinh ra phải luôn khắc ghi về nỗi sợ công danh ấy mà hướng đến những ước mơ và hoài bão thì mới trả nợ được cho đời. Công danh ở đây tức là lập công và lập danh. Họ phải có chiến công hay góp sức mình với đất nước, họ phải có danh tiếng sau khi làm việc lớn thì mới hoàn thành được món nợ của chính mình trong cuộc đời.
Ngay cả Phạm Ngũ Lão cũng luôn băn khoăn về những nỗi sợ công danh của bản thân mình, rằng “Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu”, tác giả tự hổ thẹn và trách mình chưa thể bằng ai. Phạm Ngũ Lão đưa ra chuyện Vũ Hầu, tức Khổng Minh ngày xưa, đã hoàn thành được hai việc đó là lập công và lập danh. Ông cảm thấy bản thân mình “thẹn” khi so sánh với cha ông vì ông chưa làm được điều gì. Nhưng bên cạnh đó, ở Phạm Ngũ Lão cho ta thấy một điều ông luôn có khát vọng to lớn đó chính là khát vọng của sự cống hiến, ông luôn đặt ra lí tưởng và theo đuổi cái đẹp đẽ đó. Cái thẹn ở đây chính là sự vươn lên của những tráng sĩ thời Trần, họ muốn mang đất nước có thể sánh với những điều to lớn bên ngoài thế giới, và đó là vẻ đẹp đặc biệt của quân và dân nhà Trần thời ấy.
Bài thơ “Tỏ lòng” của Phạm Ngũ Lão với hệ thống ngôn từ xúc tích giàu tính biểu cảm, những hình ảnh so sánh đẹp đẽ mà tác giả vận dụng vào bài thơ đã cho thấy được rằng sức mạnh đẹp đẽ, lí tưởng cao cả luôn là những điều mà quân và dân nhà Trần có được. Họ mang âm hưởng của một thời đại anh hùng mạnh mẽ, có hào khí quyết liệt và sẵn sàng đồng lòng cùng nhau vượt lên kẻ thù để đem sự hòa bình và sự vẻ vang cho Tổ quốc.