Phân tích bài thơ Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão_bài 1
Nổi lên trong bài thơ là chân dung con người Việt Nam thế kỉ XIII. Đó vừa là con người vũ trụ, con người cộng đồng vừa là con người hữu tâm. Nói cách khác Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão là bài thơ tiêu biểu thể hiện rõ nét quan niệm về con người trong văn học Phương Đông.
Hoành sóc giang san kháp kỉ thu
Tam quân tì hổ khí thôn ngưu
Nan nhi vị liễu công danh trái
Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu.
Bản dịch 1:
Múa giáo non sông trải mấy thu,
Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu.
Công danh nam tử còn vương nợ,
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ hầu.
(Bùi Văn Nguyên dịch)
Bản dịch 2:
Múa giáo non sông trải mấy thâu,
Ba quân hùng khí át sao Ngưu.
Công danh nam tử còn vương nợ,
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ hầu.
(Trần Trọng Kim dịch)
Thuật hoài là bài thơ thất ngôn tứ tuyệt, chia thành hai phần khá rõ: ở hai câu đầu là hình tượng con người và hình tượng quân đội thời Trần, hai câu sau là “nỗi lòng” của tác gia. Mở đầu bài thơ là hình ảnh tráng lệ với âm hưởng hào hùng, sảng khoái:
Hoàng sóc giang san kháp kỉ thu
Tam quân tì hổ khí thôn ngưu
Hai câu thơ có hai hình ảnh: hình ảnh tráng sĩ (con người thời Trần) và hình ảnh ba quân (quân đội thời Trần, thời đại, dân tộc). Tráng sĩ hiện lên trong hành động cắp ngang ngọn giáo với mục đích giữ gìn non sông đã mấy thu rồi. Các bản dịch thơ dịch “hoành sóc” bằng “múa giáo”. Theo tôi, cách dịch như vậy là hay nhưng chưa có sức âm vang. “Múa giáo” thể hiện sự điêu luyện, bền bỉ, dẻo dai nhưng thiếu đi độ cứng rắn, mạnh mẽ. “Cầm ngang ngọn giáo” khắc hoạ được tư thế hiên ngang, lẫm liệt, vững chãi của người trai thời Trần. Câu thơ nguyên tác dựng lên hình ảnh con người cầm ngang ngọn giáo trấn giữ đất nước. Đó chính là dáng đứng của con người Việt Nam đời Trần.
Nếu câu thơ đầu thể hiện vẻ đẹp của con người với tầm vóc, tư thế, hành động lớn lao, kỳ vĩ thì câu thơ thứ hai tô đậm hình ảnh “ba quân” tượng trưng cho sức mạnh dân tộc.
Tam quân tì hổ khí khôn ngưu
“Tam quân” là chỉ quân đội, dân tộc; “Ngưu” có nghĩa: là sao Ngưu, là trâu. Hình ảnh ba quân trong tư thế xông lên giết giặc với khí thế bừng bừng. Thủ pháp nghệ thuật so sánh vừa cụ thể hoá sức mạnh vật chất vừa hướng tới sự khái quát hoá sức mạnh tinh thần của “hào khí Đông A”. Câu thơ gây ấn tượng mạnh bởi sự kết hợp giữa hình ảnh khách quan và cảm nhận chủ quan, giữa hiện thực và lãng mạn.
Tác giả Trần Trọng Kim dịch là “Ba quân hùng khí át sao Ngưu”, còn Bùi Văn Nguyên dịch là “Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu”. Tôi thích cách dịch của Trần Trọng Kim, bởi lẽ dịch “Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu” nói được sức mạnh, khí thế dũng mãnh “Sát Thát” của quân đội, sẵn sàng lăn xả vào bọn giặc dữ một khi chúng tràn tới… nhưng chưa nói được tầm vóc. Hơn nữa dịch “át sao Ngưu”… câu thơ có lẽ giàu hình ảnh, gợi cảm hơn, kết hợp với câu thơ thứ nhất mở ra cả một không gian rộng lớn, vì thế ý thơ cũng giàu sức khái quát hơn.
Hai câu thơ nhỏ mà mang hai hình ảnh lớn: Hình ảnh một tráng sĩ cắp ngang ngọn giáo đi cứu nước ròng rã bao năm mà chưa hề mảy may mệt mỏi. Hình ảnh “ba quân” xông lên giết giặc bừng bừng hùng khí át cả sao Ngưu, nghĩa là át cả trời cao. Bút pháp miêu tả, so sánh, phóng đại, phép đối hài hoà, giọng thơ hào hùng, sôi nổi tạo ra cách nói hấp dẫn và ấn tượng. Hình ảnh tráng sĩ còn có tính chất cụ thể ít nhiều, hình ảnh ba quân thì rõ ràng chỉ từ ấn tượng, từ cảm hứng chủ quan, dĩ nhiên là rất mãnh liệt và sảng khoái. “Ở đây chủ quan mà lại chân thực, chân thực của ấn tượng chứ không phải chân thực của thị giác. Chân thực ở cái hồn của sự việc chứ không phải ở sự việc cụ thể. Xét cho cùng, chính đó là cái chân thực của thời đại, của đất nước” (Nguyễn Đình Chú).
Nếu cái tư thế của tráng sĩ với hình ảnh cây trường giáo như đo bằng chiều ngang của non sông thì tư thế của ba quân lớn mạnh đo bằng chiều dọc. Nghĩa là không gian mở ra theo chiều rộng của núi sông và mở theo chiều cao đến tận sao Ngưu thăm thẳm. Con người kì vĩ như át cả không gian bao la trong một bối cảnh không – thời gian kì vĩ. Hình ảnh tráng sĩ lồng vào trong hình ảnh dân tộc thật đẹp có tính chất sử thi, hoành tráng. Đó chính là sức mạnh, âm vang của thời đại, vẻ đẹp của người trai thời Trần. Đó chính là sản phẩm của “hào khí Đông A”.
Nói cách khác, đó là hình ảnh con người vũ trụ, mang tầm vóc lớn lao. Con người mang tầm vóc của vũ trụ này vì ai mà xông pha, quyết chiến…? Tất cả xuất phát từ trách nhiệm, ý thức dân tộc và nền thái bình đất nước… Vì thế con người vũ trụ gắn với con người trách nhiệm, con người ý thức, bổn phận, con người hành động, đó chính là những biểu hiện của con người cộng đồng, con người xả thân vì đất nước. Điều đặc biệt ở đây là, khác với văn học Trung Quốc hay Ấn Độ, con người vũ tru, con người cộng đồng trong văn học Việt Nam nói chung và Thuật hoài nói riêng gắn với lòng tự hào, tự tôn dân tộc, gắn với thời đại và đất nước.
Nếu ở hai câu đầu giọng điệu sôi nổi hùng tráng thì đến đây âm hưởng thơ bỗng dưng như một nốt trầm lắng lại. Điều đó rất phù hợp với lời bộc bạch, tâm sự, bày tỏ nỗi lòng của nhà thơ. Nói cách khác âm hưởng thơ góp phần thể hiện nỗi lòng của Phạm Ngũ Lão.
Nam nhi vị liễu công danh trái
Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu.
(Công danh nam tử còn vương nợ
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ hầu).
Vẻ đẹp của người trai thời Trần không chỉ thể hiện ở cái tư thế, khí phách, tầm vóc, sức mạnh mà còn thể hiện ở cái chí, cái tâm của người tráng sĩ. Cái chí, cái tâm ấy gắn liền với quan niệm chí làm trai. Theo Phạm Ngũ Lão chí làm trai phải gắn liền với hai chữ công danh, Chí làm trai này mang tinh thần, tư tưởng tích cực, gắn với ý thức trách nhiệm, lập công (để lại sự nghiệp), lập danh (để lại tiếng thơm cho đời). Chí làm trai đó được coi là món nợ đời phải trả. Trả xong nợ công danh có nghĩa là hoàn thành nghĩa vụ đối với dân, với nước. Quan niệm lập công danh đã trở thành lý tưởng sống của trang nam nhi thời phong kiến. Sau này Nguyễn Công Trứ cũng khẳng định:
Đã mang tiếng ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông
Đặt trong thời đại của Phạm Ngũ Lão, chí làm trai này đã cổ vũ con người từ bỏ lối sống tầm thường, ích kỉ, sẵn sàng chiến đấu hi sinh vì sự nghiệp lớn lao “cùng trời đất muôn đời bất hủ”. Phạm Ngũ Lão cũng từ cái chí, cái nợ nam nhi, nam tử đó mà cùng dân tộc chiến đấu chống xâm lược bền bĩ, ròng rã bao năm. Đặc biệt ở đây cũng từ cái chí, cái nợ đó mà nảy sinh trong tâm trạng một nỗi thẹn. Nói cách khác cái tâm thể hiện qua nỗi thẹn…
Phạm Ngũ Lão “thẹn” chưa có tài mưu lược lớn như Vũ Hầu Gia Cát Lượng đời Hán để trừ giặc, cứu nước. Thẹn bởi vì so với cha ông mình chưa có gì đáng nói. Gia Cát Lượng là quân sư của Lưu Bị, mưu trí tuyệt vời, song điểm làm cho Gia Cát Lượng nổi tiếng là lòng tuyệt đối trung thành với chủ. Vì thế “luống thẹn tai nghe chuyện Vũ hầu” thực chất là một lời thề suốt đời tận tụy với chủ tướng Trần Hưng Đạo, “thẹn” còn được hiểu là cách nói thể hiện khát vọng, hoài bão muốn sánh với Vũ hầu. Xưa nay, những người có nhân cách vẫn thường mang trong mình nỗi thẹn.
Nguyễn Khuyến trong bài thơ “Thu vịnh” từng bày tỏ nỗi thẹn khi nghĩ tới Đào Tiềm – một danh sĩ cao khiết đời Tấn. Đó là nỗi thẹn của người có nhân cách. Trong bài Thuật hoài, Phạm Ngũ Lão thẹn vì chưa trả xong nợ nước. Đó là nỗi thẹn có giá trị nhân cách. Nỗi thẹn ấy không làm cho con người trở nên nhỏ bé mà trái lại nâng cao phẩm giá con người. Đó là cái thẹn của một con người có lý tưởng, hoài bão vừa lớn lao, vừa khiêm nhường. Nỗi thẹn của một con người luôn dành trọn cái tâm cho đất nước, cho cộng đồng. Như vậy, Phạm Ngũ Lão vừa đề cao cái chí, vừa đề cao cái tâm của con người Việt Nam đời Trần. Đó chính là con người hữu tâm trong thơ ca trung đại Việt Nam.
Tóm lại bài thơ Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão đã thể hiện được quan niệm về con người trong văn học phương Đông. Hình ảnh tráng sĩ – con người Việt Nam đời Trần vừa mang tầm vóc vũ trụ, vừa có ý thức, trách nhiệm cộng đồng, vừa lắng sâu một nỗi lòng cao cả. Nói cách khác ba kiểu con người: con người vũ trụ, con người cộng đồng và con người hữu tâm đồng hiện, hài hoà. Chính ý thức trách nhiệm với đất nước (con người cộng đồng) nên sẵn sàng xông pha cứu nước với tư thế và tầm vóc lớn lao (con người vũ trụ) và luôn biết nghĩ suy, khát vọng (con người hữu tâm)… Dáng đứng Việt Nam, con người Việt Nam đời Trần cao đẹp làm sao!
“Bài thơ nêu cao lý tưởng trai thời loạn. Lý tưởng trai thời loạn là “cắp ngang ngọn giáo”, luôn ở tư thế sẵn sàng chiến đấu dẹp giặc cứu nước. “Nợ công danh” lúc này là trách nhiệm của người thanh niên đối với đất nước khi có giặc ngoại xâm… Người thanh niên thời đại ấy đã ý thức được trách nhiệm cao cả của mình đối với Tổ quốc. Từ bài thơ còn nổi lên hình ảnh quân đội cứu nước, ngùn ngụt khí thế của hổ báo nuốt trâu. (Nguyễn Sĩ Cẩn)
“Cầm ngang ngọn giáo mà trấn giữ non sông. Ngọn giáo ấy phải đo bằng chiều ngang của non sông. Thế thì con người cầm ngang ngọn giáo bảo vệ Tổ quốc ấy tất phải được đo bằng kích thước của trời đất. Con người có tầm vóc vũ trụ như vậy đã đồng nhất với non sông . Tầm vóc hoành tráng, tư thế vững chắc ấy của dân tộc ta có cơ sở từ tinh thần làm chủ đất nước sâu sắc, từ ý chí bảo vệ đất nước rất kiên cường. Với tinh thần ấy, nhân dân ta đã làm nên những chiến công oanh liệt ở Chương Dương, Hàm Tử, Chi Lăng, v.v… và nhất là Bạch Đằng” (Đinh Gia Khánh)