Ngạn ngữ: "Học vấn có những chùm rễ đắng cay nhưng hoa quả lại ngọt ngào"
Có người nói: thiên tài có 1% là bẩm sinh còn 99% là mồ hôi và nước mắt.
Thật vậy, kiến thức không tự nhiên mà đến với mỗi con người. Để sáng tác những bài nhạc bất hủ như Mô-da, sáng tạo những phát minh khai sáng loài người như Ga-li-lê, Ê-đi-xơn, viết những áng thơ làm rung động trái tim như Ta-go, Pu-skin,... thì đến 99% những thành tựu của họ là mồ hôi và nước mắt. Thành công không đến với con người như một trái táo chín rụng cành mà là quá trình chinh phục, là một con đường dài, đầy trắc trở nhưng phía trước lại tràn ngập ánh sáng. Đúng như câu ngạn ngữ Hi Lạp nói: "Học vấn có chùm rễ đắng cay nhưng hoa quả lại ngọt ngào
Ông cha ta có câu: "Nhân bất học bất tri lí" (Người không học thì không biết lí lẽ. Vì vậy đã sinh ra là con người phải có học, kẻ không biết lí lẽ thì đâu có thể coi là Con Người đúng nghĩa.
Học vấn là trình độ hiểu biết của con người. Trình độ hiểu biết gắn liền với quá trình học hỏi, nghiên cứu và nâng cao. Quá trình này chẳng phải ngày một, ngày hai mà có được, nó kéo dài thậm chí cả đời người.
Kiến thức là biển rộng, trời cao, là vũ trụ bao la. Càng hiểu biết nhiều, con người càng nhận ra mình quá nhỏ bé trong kho tàng tri thức của nhân loại. Học vấn không chỉ bó hẹp trong phạm vi sách vở, trong một lĩnh vực nào đó. Tất cả những hiểu biết và những điều chưa được khám phá tận cùng đều là tri thức.
Cã danh ngôn nói rằng:”Bộ lông làm đẹp con công, học vấn làm đẹp com người". Nhờ chiếm lĩnh được những tri thức, mà con người từ ăn hang ở lỗ đã tiến đến văn minh như ngày nay, từ nương nhờ thiên nhiên đến bắt thiên nhiên phục vụ cuộc sống của mình... Tất cả đều nhờ khao khát khám phá mãnh liệt kho tri thức bao la vô cùng vô tận của nhân loại. Thế mới biết: "Có học thì như lúa như nếp, không học thì như rơm như có .
Khát vọng chinh phục thúc đẩy con người chiếm lĩnh những tầm cao tri thức. Nhưng đây là con đường đầy chông gai. Người dễ nản lòng, nản chí, không thể đi đến tận cùng. Không ít người đó bỏ cuộc vì không đủ điều kiện và lòng kiên nhẫn... Cũng không ít người bị vấp ngã, thất bại không đứng lên được. "Chùm rễ đắng cay" của học vấn không biết kể đâu cho hết. Đó là khó khăn, vất vả, là thất bại. Tuy nhiên, cũng có nhiều người đã thành công nhờ có nghị lực, có lòng kiên nhẫn..
Nhiều nhà văn, nhà thơ lớn xuất thân từ tầng lớp bình dân, nên họ rất nghèo. Ô.Ban-zắc luôn nợ nần chồng chất, phải gắn mình trên bàn viết 20 tiếng mỗi ngày, nhưng lao động nghệ thuật nghiêm túc cộng với quyết tâm, nỗ lực cao độ đã giúp ông thành công. u. sếch-xpia, cha đẻ của nền sân khấu thế giới, cũng xuất thân là người trông ngựa cho rạp hát. M. Goóc-rki, người mở đầu cho khuynh hướng văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa ở Nga cũng xuất thân là người thợ, từng làm đủ nghề để kiếm sống... Tất cả những danh nhân ấy xứng đáng để người đời sau tôn thờ vì sự nỗ lực vươn lên, vượt qua cả những "chùm rễ đắng" để hái được những chùm "hoa quả ngọt ngào".
Bát cơm manh áo đã từng làm bận lòng biết bao nhà văn, nhà thơ Việt Nam trước cách mạng tháng Tám. Xuân Diệu đó từng viết:
"Cơm áo không đùa với khách thơ"
Thế nhưng, những nghệ sĩ ấy đâu có chịu khuất phục. Họ đã không ngừng học tập, rèn luyện trình độ, nhân cách, ngòi bút của mình để viết nên những tác phẩm lớn cho dân tộc và cho nhân loại.
Một minh chứng điển hình cho tinh thần học tập là Bác Hồ kính yêu của chúng ta. Dù làm phụ việc trên tàu, làm anh quét tuyết ở công viên, làm thợ ảnh, nhà báo... Bác đều nghiêm túc, nỗ lực học tập hết mình. Bác học ngoại ngữ, học viết văn, làm báo, nghiên cứu chủ nghĩa tư bản, tiếp thu học thuyết Mác - Lê-nin... Một mình Bác bôn ba khắp năm châu để cuối cùng tìm được con đường cho Cách mạng Việt Nam. Người là vị lãnh tụ ưu tú của dân tộc, là một trong số ít những lãnh tụ không cần đến người phiên dịch khi tiếp khách nước ngoài, là một nhà thơ tài hoa, một nhà báo điêu luyện. Tất cả đều bắt đầu từ "chùm rễ đắng cay" nhưng lại cho "hoa quả ngọt ngào".
Trong quá trình phấn đấu học tập, ngoài những khó khăn từ ngoại cảnh, khó khăn từ bận thân mình mới chính là kẻ thù đáng sợ nhất. Biết bao tấm gương đã vượt lên trên khó khăn của bản thân mình, chiến thắng chính bản thân mình để dành được thành công viên mãn.
Người tham lam là người không muốn trồng cây nhưng lại muốn hi quả. Người dễ nhụt chí là người biết trồng cây nhưng không biết chăm bón. "Hoa quả ngọt ngào” cuối cùng chỉ dành cho người biết vun trồng bằng sự nỗ lực và cố gắng.
Trong thời đại văn minh hiện nay, kinh tế càng phát triển. vấn đề tri thức, học vấn càng trở nên quan trọng, cần thiết hơn. Vì vậy chúng ta, những con người của thế kỉ mới, dù ở đâu, lúc nào cũng luôn ghi nhớ một chân lí "Học vấn có chùm rễ đắng cay nhưng hoa quả lại ngọt ngào".
(Bài của Nguyễn Thanh Thủy do thầy giáo Lê Hồng Chính cung cấp)
Xem thêm >>> Cách làm bài nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lí
Thường xuyên truy cập Cunghocvui.com để liên tục cập nhật những bài viết mới nhất nhé! Chúc bạn học tập tốt <3