Phân tích các yếu tố nghị luận trong bài Tương tư của Nguyễn Bính
Phân tích các yếu tố nghị luận trong bài Tương tư của Nguyễn Bính
Tương tư nguyên nghĩa tiếng Hán là nhớ nhau, đây là một tâm trạng phổ biến trong tình yêu. Đã yêu nhau thì thường phải có tương tư. Chính nhà thơ Nguyễn Bính đã viết: “Gió mưa là chuyện của giời - Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”. Rất nhiều nhà thơ khác khi viết về tình yêu đã coi trạng thái tương tư là tâm trạng phổ biến của mọi lứa yêu nhau:
- Xa anh nói nhớ làm sao
Chân đứng tổ kiến lòng chao gió cành.
(Lý Phương Liên)
- Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét
(Chế Lan Viên)
- Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức
(Xuân Quỳnh)
Nhà thơ Xuân Diệu viết về nỗi nhớ trong tình yêu có lẽ đặc biệt nhất: “Anh nhớ tiếng, anh nhớ hình, anh nhớ ảnh - Anh nhớ em, anh nhớ lắm em ơi”. Thậm chí khi ông viết: “Yêu là chết ở trong lòng một ít”, thì cái mà Xuân Diệu “phóng đại” lên là chết đó thực ra cũng là một biến thể của trạng thái nhớ nhung, khổ sở trong tình yêu mà thôi.
Tuy nhiên, trong thói quen sử dụng ngôn ngữ của người Việt, tương tư thường được hiểu nghiêng về sự biểu đạt tình cảm nhớ nhung đơn phương, sắc thái tương tư trong bài thơ của Nguyễn Bính cũng phần nào nói lên điều đó. Do tâm trạng phổ biến khi yêu nhau là người ta thường có những đòi hỏi, khát vọng vượt quá mức bình thường, nên khi không được đáp ứng đầy đủ, người ta cũng có thể buồn bã, khổ đau, trách móc. Trong bài thơ của mình, Nguyễn Bính hết sức tinh tế trong việc diễn tả các sắc thái tình cảm trong tương tư. Tương tư không đơn giản chí dừng lại ở nỗi nhớ nhung, cả bài thơ là sự vận động tám trạng hết sức sống động của cái tôi trữ tình, bới cũng giống như tình yêu, để tồn tại, tình cảm tương tư luôn luôn vận động. Vận động cũng chính là tâm trạng băn khoăn, hờn dỗi. Khi vẫn không nhận được tín hiệu trả lời, chủ thể trữ tình chuyển sang hờn trách, thở than. Cuối cùng là những ước vọng mơ hồ về một tình yêu được đền đáp. Nghĩa là, ngay cả khi bi đát nhất, những cặp tình nhân vẫn tin vào phép màu của tình yêu. Nguyễn Bính trong Tương tư cũng thế.
Trong bài thơ Tương tư, nhân vật người con trai khi không được đáp ứng tình cảm yêu thương, tỏ ý hờn dỗi, trách móc người con gái. Điều này vừa có lí lại vừa không có lí. Không có lí vì chàng trai không có cơ sở nào để đòi hỏi người con gái đáp ứng tình cảm của mình, nếu cô ta không tìm thấy ở anh sự đồng cảm yêu thương. Và nữa, cũng không có cơ sở nào cho biết người con gái đã nhận lời yêu chàng trai. Khi chưa có tình yêu thực sự, người con gái làm sao có thể chủ động hỏi han, đáp ứng tình cảm người con trai được. Thậm chí ngay cả khi đã yêu nhau, tình cảm và cách đối xử của người con gái cũng không hoàn toàn giống với người con trai. Trong tình yêu, người con gái thường chỉ bày tỏ nhẹ nhàng, kín đáo chứ không cuồng nhiệt vồ vập như người bạn khác giới. Nhà thơ Nguyễn Duy đã từng so sánh sự khác nhau trong tình cảm yêu đương của hai giới như thế này trong bài Bầu trời vuông:
Mặt trời là trái tim anh
Mặt trăng vành vạnh là tình của em.
Ở một góc độ khác, sự trách móc, dỗi hờn của người con trai trong Tương tư, lại hoàn toàn có lí. Trong tình yêu, người con trai thường có những đòi hỏi, yêu sách cuồng nhiệt, mạnh mẽ hơn người bạn gái của mình. Hoặc cũng có thể, khi tỏ ra “yếu thế” hơn trong tình yêu, người con trai phải “chứng minh” bằng sự nồng nhiệt của mình. Và vì thế anh ta phải trách móc hờn dỗi. Trong tình yêu, “hành động” này đôi khi cũng là cách bày tỏ rõ ràng, trực tiếp tình cảm yêu thương.
Trong cách bày tỏ tình cảm yêu thương, so với Xuân Diệu,“nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới”, Nguyễn Bính trong Tương tư đậm màu sắc “chân quê”. Cả bài thơ Tương tư là một sự vận động diễn biến qua các trạng thái tình cảm phức tạp mà tinh tế của tác giả. Âm điệu lục bát trong bài thơ từ đầu đến cuối luôn giữ được nhịp điệu chậm chạp, buồn buồn rất phù hợp với tình cảm yêu đương của một chàng trai thôn quê. Cách ngắt nhịp câu thơ lục bát vẫn luôn giữ được nét truyền thống: câu thơ chủ yếu được ngắt theo nhịp 2/2/2, chứ không hoàn toàn bị phá vỡ như quan điểm của tác giả biên soạn sách giáo viên, khi cho rằng nó ngắt nhịp 3/3. Chẳng hạn câu thơ: “Ngày qua/ngày lại/qua ngày - Lá xanh/nhuộm đã thành cây/lá vàng”. Đây là câu thơ diễn tả thời gian và tâm trạng tình yêu thật tinh tế của Nguyễn Bính. Ngay cả khi như không còn giữ được sự bình tĩnh, người con trai từ hờn dỗi, băn khoăn chuyển sang tâm trạng thở than, lo lắng, nhịp thơ vẫn giữ được vẻ đều đều bình thản. Cuộc đời con người ngắn ngủi, thời gian chẳng đợi chờ ai, tình yêu lại chẳng dễ dàng. Không như Xuân Diệu, khi xác định tình yêu là quý giá, đời người thì ngắn ngủi, vì thế phải “vội vàng” (“Mau với chứ, vội vàng lên với chứ - Em em ơi tình non đã già rồi”), trong Tương tư, Nguyễn Bính không hô hào, không nói những lời to tát. Ngay cả khi đã thấm thìa nỗi phiền muộn vì đợi chờ, khi đàng lòng phải than thở, chàng trai vẫn nhẹ nhàng, thủng thẳng: “Ngày qua ngày lại qua ngày - Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng”. Đọc những câu thơ của Xuân Diệu trong bài Đây mùa thu tới: “Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh”, ta thấy thời gian trôi đi vùn vụt. Còn khi Nguyễn Bính viết “Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng”, ta thấy thời gian trôi đi thật chậm chạp. Tâm trạng sốt ruột, lo lắng hiện dần lên qua những hình ảnh, ví von tinh tế, sâu sắc. Trong câu thơ trên, Nguyễn Bính dùng chữ “nhuộm”, lại đặt trước từ chỉ thời gian “đã”, ông viết: “Lá xanh nhuộm đã...” chứ không viết “lá xanh đã nhuộm..”. Viết như thế, nhà thơ chỉ ra được sắc thái thời gian được chiêm nghiệm từ bên trong, nghĩa là có cả thời gian khách quan và chủ quan, vì thế nó chậm chạp... Và nữa, Nguyễn Bính cũng không viết như Nguyễn Du: “Người lên ngựa kẻ chia bào - Rừng phong thu dã nhuốm màu quan san”. “Nhuốm” chỉ nói đến sự thay đổi sắc màu mới diễn ra, hoặc đang diễn ra, chưa hẳn đã kết thúc. “Nhuốm” mới chỉ được sự thay đổi màu sắc bên ngoài, do tác động của ngoại cảnh. Mùa thu đã làm cho rừng phong nhuốm “màu quan san”. Trong khi đó, Nguyễn Bính dùng chữ nhuộm, lại đặt trước từ dã, nhằm khẳng định mạnh mẽ sự biến đổi về mặt thời gian. Sắc màu thời gian ở đây có thể còn được hiểu tinh tế hơn nữa: phải chăng không chỉ thời gian mà cả “tương tư” cũng góp phần làm cho “Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng”?
Trong số các nhà thơ mới Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945, khác với Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hàn Mạc Tử,... thường được coi là những nhà thơ “hiện đại, mới mẻ”, đặc biệt như Xuân Diệu - “mới nhất trong những nhà thơ mới” - Nguyễn Bính, ngược lại, rất cổ điển, truyền thống, những giếng nước, ao làng, sân đình, những chàng trai, cô gái tình cảm mộc mạc, chân thành tha thiết và quyến rủ. Bên cạnh Anh Thơ, Đoàn Văn Cừ, Bàng Bá Lân,... những nhà Thơ mới vẫn lưu lại được vẻ đẹp từ ngàn đời bức tranh làng quê Việt Nam. Nguyễn Bính, ở mức độ đậm đặc hơn, còn khơi dậy trong hồn thơ dân tộc, những cảnh quan thiên nhiên quen thuộc, dân dã. Tương tư là một trong số những bài thơ thể hiện cho đặc điểm trên.
Nguyễn Bính mở đầu bài thơ bằng sự giãi bày tình cảm tự nhiên, chân thành, mộc mạc:
Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
Một người chín nhớ mười mong một người.
Ngay từ hai câu thơ mở đầu, xác lập chủ thể và đối tượng nỗi nhớ nhung, tình cảm được giãi bày trong câu thơ cũng đậm màu sắc làng quê. Mối duyên quê gần như hòa quyện trong từng nét dáng thiên nhiên, cảnh vật, dân dã. Cụ thể, nói về cái tôi. Chủ thể nỗi nhớ, nhà thơ bóng gió rằng, tôi không phải tôi mà là thôn Đoài, nàng, đối tượng của nỗi nhớ, không phải nàng mà thôn Đông. Thôn Đoài, thôn Đông, những cái tên hết đỗi quen thuộc với bất cứ chỗ nào nảy nở mối duyên quê, là ở đó xuất hiện cảnh quê quen thuộc. Những thôn, làng, bến đò, con sông, đầu đình, bướm, hoa, giàn giầu, hàng cau,... có mặt trong khắp mọi nơi của tương tư.. Nói thơ Nguyễn Bính đậm đặc chất chân quê chính là như thế.
Nét đặc sắc nghệ thuật của Nguyễn Bính trong bài thơ Tương tư được thể hiện trước tiên ở tài năng sử dụng nhuần nhuyễn thể thơ lục bát, một thể thơ truyền thống lâu đời của dân tộc Việt. Tương tư giống như một bài ca dao dài với lối tỉ, phú, hứng,... nhuần nhuyễn và hoàn chỉnh. Chất dân gian trong bài thơ của Nguyễn Bính thể hiện trong lối bố cục, lối liên tưởng, cách dùng địa danh và ngôn ngữ gần như thấm đậm trong cả bài thơ. Về cách bố cục, tổ chức lời thơ, Nguyễn Bính bao giờ cũng gắn hình ảnh con người với môi trường, thiên nhiên thân thuộc nơi làng quê: thôn làng, dường xá, đầu đình, bến đò, vườn rau,... Để làm nổi bật sắc thái tương tư, ông bao giờ cũng cố tình chia tách hai đối tượng cái tôi trữ tình và nhân vật trữ tình, em và anh, về hai đầu câu thơ để tạo khoảng cách: “Một người... một người”, “Thôn Đoài... thôn Đông”, “thôn... làng”... Những hình ảnh cặp đôi cũng được khai thác như một hệ thống so sánh, liên tưởng đắc dụng: thôn Đoài/thôn Đông, tôi/nàng, nhà anh/nhà em, cau thôn Đoài/giầu thôn Đông, hoa khuê các/bướm giang hồ,...
Về ngôn ngữ, nhà thơ thường xuyên khai thác chất liệu dân gian, chân quê, từ địa danh: thôn Đoài, thôn Đông, đến thành ngữ: chín nhớ, mười mong, cả những số từ một, chín, mười, vốn là cách nói quen thuộc trong dân gian. “Tương tư là một khúc ca dân gian có sự tương ứng về ý về lời, mạch thơ mở ra và kết thúc vừa mang tâm trạng cá nhân lại mang tình cảm và tâm lí cộng đồng của làng quê trong sinh hoạt đời thường”, đúng như nhận xét của Giáo sư Hà Minh Đức.
Tương tư là bài thơ thể hiện cháy bỏng khát vọng lứa đôi. Gần như từ đầu đến cuối bài thơ, tác giả luôn sử dụng các cặp đôi thể hiện khát vọng này. Có thể liệt kê ở đây các cặp đôi như thế ở từng khổ thơ: thôn Đoài - thôn Đông (câu 1), một người - một người (câu 2), gió mưa của trời - tương tư của người (câu 2 và 3), thôn - làng (câu 5), lá xanh - lá vàng (câu 8), ai - ai (câu 14), bến - đò (câu 15), hoa khuê các - bướm giang hồ (câu 16), nhà em - nhà anh, giàn giầu - hàng cau (câu 17, 18), cau thôn Đoài - giầu thôn Đông (câu 20). Chính những cặp đôi cố ý này đã góp phần đắc lực vào việc diễn tả tâm trạng tương tư, nỗi lòng. Bài thơ đã thể hiện phong cách nghệ thuật cá tính và sáng tạo của nhà thơ Nguyễn Bính - một trong ba "đỉnh cao Thơ mới" (Chu Văn Sơn).