Bình luận câu nói: "Trong mắt người khác bạn có thể thất bại vài ba lần,..."
Bình luận câu nói: "Trong mắt người khác bạn có thể thất bại vài ba lần,..."
Anh (chị) hãy bình luận câu nói sau:
"Trong mắt người khác bạn có thể thất bại vài ba lần, nhưng với bản thân bạn không được phép trở nên mềm yếu, vì đấy là sự thất bại thảm hại nhất".
(Trích Lời cỏ cây - Bàn về thân phận con người trong cuộc đời, Márai Sádor)
Ai trong cuộc đời cũng từng ít nhất một lần gánh chịu thất bại. Không ai có thể vươn đến thành công mà không phải nếm trải cảm giác thất bại. Sau mỗi lần thất bại lại là một lần ta có thêm được những kinh nghiệm trong cuộc sống và trưởng thành hơn. Tuy nhiên, có một sự thất bại không thể tha thứ được vì nó đồng nghĩa với sự sụp đổ hoàn toàn: mềm yếu với chính bản thân mình. Chính vì vậy trong cuốn "Lời cỏ cây- Bàn về thân phận con người trong cuộc đời", tác giả Márai Sádor người Hungary đã từng nói: "Trong mắt người khác bạn có thể thất bại vài ba lần, nhưng với bản thân bạn không được phép trở nên mềm yếu, vì đấy là sự thất bại thàm hại nhất".
Thất bại là một từ không có gì lạ lẫm trong cuộc đời mỗi con người. Nhiều người giải thích thất bại là sự thua cuộc. Đúng nhưng chưa đủ, chưa bao quát toàn bộ vấn đề. Thất bại còn là việc không thể đạt được, không thể vươn tới một cái đích nào đó mà bản thân đã đặt ra từ trước: quyền lực, tiền tài, danh vọng, sự nghiệp..., thua trong một trận đấu, một cuộc thi hay đơn giản chỉ là kết quả không tốt của một bài kiểm tra. Thất bại với từng người cũng khác nhau. Với một vận động viên thể thao, sẽ là thất bại nếu người ấy không thể chiến thắng đối thủ; với người kĩ sư xây dựng, sẽ là thất bại nếu như những công trình của anh không đạt được sự vững chắc, an toàn và độ thẩm mĩ cần thiết; với người học sinh, thất bại là việc không thể vượt qua một kì thi hết sức quan trọng nào đó hoặc chỉ đơn giản là ganh đua hết sức mình cho vị trí hạng nhất để rồi cuối cùng cũng phải ngậm ngùi về nhì. Thất bại là hết sức cần thiết cho con người vì sau mỗi lần thất bại ta sẽ phải biết đứng dậy để làm lại từ đầu, để cố gắng nhiều hơn nữa cho tương lau không còn phải nhận trái đắng. Quan trọng hơn là sau mỗi lần thất bại, ta lại có thêm kinh nghiệm để không mắc sai lầm nữa.
Tuy nhiên, mềm yếu với bản thân lại là một thất bại hoàn toàn khác. Đó có thể coi là sự đầu hàng với những ham muốn, cám dỗ của bản thân hoặc sau mỗi lần thất bại thì trở nên sụp đổ, yếu đuối đến mức không thể đứng dậy được nữa. Con người luôn luôn bị những cám dỗ, ám ảnh về những giá trị vật chất, sự giàu sang hay sự thành công chỉ trong tích tắc cuốn hút khiến cho họ có thể đánh mất bản chất tốt đẹp của mình nếu không có được tâm lí vững vàng. Trong mọi việc, ta phải luôn chế ngự bản thân, không được phép cho mình trở nên mềm yếu vì khi ấy bản lĩnh của ta sẽ được thử thách. Lằn ranh mong manh giữa tốt và xấu có thể biến mất bất cứ lúc nào nếu không biết làm chủ bản thân.
Vào một ngày nắng đẹp, khi ra đường, bạn nhặt được một cái ví với rất nhiều tiền bên trong. Trong bạn, phần ác đang cười bảo:"Cứ lấy đi, có ai biết đâu! Lấy đi để còn mua sách vở, đồ chơi, quần áo". Thế nhưng, phần thiện ra sức khuyên bạn không nên làm như vậy. Bạn sẽ nghe theo ai? Nếu như bạn để cho những ham muốn vật chất lấn át chế ngự lí trí, bạn sẽ nghe theo phần ác. Đó chính là sự mềm yếu với bản thân. Trong giờ kiểm tra, gặp một câu hỏi khó, trong lòng bạn tự đặt ra câu hỏi:"Có nên mở tài liệu ra xem không?". Đây là lúc tính trung thực của người học sinh được thử thách. Bạn không thể để cho cái đích điểm số biến bạn trở thành một học sinh vô kỉ luật được. Bạn không được coi tài liệu vì như vậy bạn đã để cho bản thân chiến thắng một "bạn" quá mềm yếu. Kiểm tra lần này không tốt là do không ôn bài kĩ thì lần sau còn có thể gỡ lại được, còn danh dự và đạo đức của một người học sinh khì đã bị vấy bẩn bởi cái ham muốn tầm thường vì điểm số thì rất khó có thể rửa sạch. Phải chiến thắng chính mình, sau đó mới chiến thắng đối thủ trong các cuộc thi, đó là nguyên tắc. Không được phép trở nên mềm yếu với bản thân. Giả sử bạn tham dự một cuộc thi đấu thể thao. Vinh quang và danh vọng cùng phần thưởng có giá trị liệu có thể biến bạn thành một kẻ thủ đoạn, bất chấp tất cả để giành chiến thắng? Vận động viên khi bước ra sân thi đấu luôn phải mang trong mình tinh thần chơi đẹp, đúng tinh thần thể thao, dẫu có thua cũng không dùng đến thủ đoạn. Nếu bạn là một vận động viên chân chính, chắc chắn bạn sẽ thi đấu bằng tất cả khả năng và nỗ lực của mình. Đó là lúc bạn không thất bại dẫu có thua đi chăng nữa vì bạn đã chiến thắng bản thân, không trở nên mềm yếu trước những cám dỗ.
Mềm yếu với bản thân còn là không đứng dậy được sau những thất bại. Thất bại là điều không thể tránh khỏi trên con đường vươn tới thành công. Nếu như sau mỗi lần thất bại bạn trở nên mềm yếu, sụp đổ hoàn toàn, cảm giác như cả thế giới tràn ngập bóng tối và không thể đứng dậy được nữa, đó là lúc bạn thất bại thảm hại nhất: thất bại với chính mình, với những người yêu mến và hi vọng vào mình. Đứa trẻ ba tuổi lần đầu tập đi chắc chắn phải ngã, vậy mà nó vẫn kiên trì tập cho đến ngày có thể đi bằng 2 chân chứ không phải bò nữa. Bác Nguyễn Ngọc Ký lần đầu tập viết bằng chân đâu có thể trơn tru ngay được, vậy mà giờ bác có thể viết bằng chân đẹp không kém gì tay. Những ví dụ trên cho thấy không thể đứng dậy sau thất bại cũng là một sự mềm yếu với bản thân. Những ai có thể vượt qua cái mềm yếu ấy chính là vượt lên được sự thất bại thảm hại nhất, để có cơ sở thành công trong mỗi việc mình làm. Chế ngự được bản thân không bao giờ là điều đơn giản. Bất cứ con người nào, đôi lúc cũng vì những ham muốn, cám dỗ tầm thường khiến cho mình trở nên phân vân như đứng trước ngã ba đường. Chính vì vậy, để không phải nhận cái thất bại thảm hại nhất chính là mềm yếu với bản thân , ta phải thật sự hiểu được chính mình, phải biết kiềm chế những ham muốn đó lại, phải rèn luyện bản lĩnh của mình qua năm tháng để trở nên cứng cáp hơn trong cuộc sống, có thể đối đầu được với những thử thách khó khăn ấy một cách đường hoàng, tự tin. Không ít người đã vướng vào tội lỗi, đã không thể chiến thắng bản thân chỉ vì họ quá thiếu bản lĩnh. Chúng ta phải luôn cố gắng hết mình trong mọi việc để cho dù có thành công hay thất bại ta cũng cảm thấy nhẹ nhàng và thanh thản vì đã làm bằng tất cả khả năng của mình. Đồng thời, điều này cũng giúp ta tránh được những ám ảnh day dứt về việc sử dụng những cách không tốt để giành chiến thắng. Ngoài ra, sau mỗi lần vấp ngã, ta phải biết tự đứng dậy, rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân và cố gắng nhiều hơn nữa trong tương lai.
Câu nói của Márai Sádor rất sâu sắc và ý nghĩa! Câu nói nhắc nhở chúng ta về việc phải luôn biết thể hiện bản lĩnh cá nhân trong những hoàn cảnh thử thách khó khăn nhất của cuộc sống, nhất là trong bối cảnh của cuộc sống hàng ngày càng trở nên phức tạp, những cám dỗ, những ham muốn càng càng trở nên nguy hiểm và khó lường. Phải giữ gìn nhân cách thật tốt và không ngừng cố gắng, phấn đấu trong mọi việc để vươn tới thành công một cách xứng đáng, đó là điều mà tôi rút ra được từ câu nói của Sador. Chúng ta phải biết làm chủ bản thân mình! Không được đầu hàng hay mềm yếu với bản thân ! Giả sử sau này tôi và bạn có đối đầu nhau trong một cuộc thi, hãy chiến thắng bản thân chúng ta trước các bạn nhé!