Đăng ký

Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam thời xưa qua bài thương vợ của Trần Tế Xương

3,540 từ Phân tích

Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam thời xưa qua bài thương vợ của Trần Tế Xương

     Cùng CungHocVui khám phá hình ảnh người phụ nữ Việt Nam thời xưa qua bài thương vợ của Trần Tế Xương để thấu hiểu phần nào nỗi vất vả của họ. Hòa mình vào ánh thơ bất tử để thấy được đức tính cao cả, nổi bật lên là sự tần tảo, hy sinh và tình yêu thương cho gia đình, chồng con.

Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam thời xưa qua bài thương vợ của Trần Tế Xương- CungHocVui

Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam thời xưa qua bài Thương Vợ

Mở bài phân tích hình ảnh người phụ nữ Việt Nam thời xưa qua bài thương vợ

       Tự bao đời nay, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam hiện lên luôn gắn với những đức tính hy sinh, tần tảo, vất vả vì chồng con. Hình ảnh ấy đã đi vào văn học, khi được thể hiện qua những câu ca dao mà cha ông để lại cho đời sau, khi hòa mình vào những áng thơ bất tử. Đi dọc chiều dài phát triển của nhân loại, từ phong kiến cho đến hiện đại, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam được hiện lên khác nhau nhưng vẫn giữ được những đức tính chung là tần tảo, hy sinh. Bài thơ “Thương Vợ” của Trần Tế Xương là một trong những áng thơ đã phát hiện và ca ngợi đức tính cao đẹp ấy.

Xem thêm:

Hình ảnh người phụ nữ Việt qua bài thơ tự tình 2 và thương vợ

Phân tích bài thơ Tự Tình 

Thân bài hình ảnh người phụ nữ Việt Nam thời xưa qua bài thương vợ

Giới thiệu chung về tác giả và tác phẩm

       Tú Xương tên thật là Trần Tế Xương ông là người xuất thân từ dòng dõi nho gia thế nên bản thân ông cũng là một nhà thơ lớn của nền văn học Việt Nam thời phong kiến. Tuy là người có tài, học rộng hiểu sâu, xuất thân từ gia đình có truyền thống nhiều đời đỗ đạt nhưng bản thân ông lại thi cử lận đận. Thơ ông chuyên tâm viết về thể loại trào phúng trữ tình, hòa quyện trong thơ ông là tình yêu quê hương, đất nước sâu sắc. Tuy cuộc đời ngắn ngủi song Trần Tế Xương đã để lại cho đời một sự nghiệp thơ ca bất tử.

       Bất lực trước gia cảnh nghèo khó lại đông con, bản thân mình lại nhiều lần thi rớt, tất cả miệng ăn của gia đình đều trông chờ vào gian hàng nhỏ của bà Tú nơi mom sông. Bài thơ phản ánh rõ nét nỗi vất vả, gian truân của bà Tú đồng thời đó cũng là tiếng lòng của hàng trăm, hàng nghìn kiếp đời phụ nữ dưới xã hội phong kiến. Bằng thể loại tự trào đặc sắc, bài thơ nêu cao lên tầm vóc, giá trị của người phụ nữ và cũng là sự căm phẫn với xã hội phong kiến đương thời.

Công việc mưu sinh vất vả và gánh nặng gia đình của người phụ nữ

                                   “Quanh năm buôn bán ở mom sông

                                   Nuôi đủ năm con với một chồng”

       Mở đầu bài thơ bằng một câu thơ tưởng chừng đơn giản, tác giả đã khéo léo vẽ nên không gian, thời gian làm việc vất vả của những người phụ nữ phải gánh vác lên đôi vai nhỏ bé cả gia đình. “Quanh năm” như gợi lên sự vô cùng của thời gian, ngày qua ngày cứ nối đuôi nhau kéo dài vô tận, trong vòng lặp của thời gian ấy thì người phụ nữ chẳng có nổi một khắc nghỉ ngơi.

       Vất vả là thế, không gian lao động của người phụ nữ là ở “mom sông” ” là khoảng đất nhô ra khỏi sông, đầy cheo leo, bấp bênh, trắc trở như tô đậm thêm những khó khăn mà những người phụ nữ phải gánh vác. Thời gian cứ lặp đi lặp lại miên viễn, vĩnh hằng, người phụ nữ ở một nơi vất vả như thế phải ngày ngày chạy theo cơm áo gạo tiền mà chẳng có thì giờ ngơi tay.

       Ấy vậy mà đôi bàn tay yếu đuối, mỏng manh ấy lại “nuôi đủ năm con với một chồng”, không sót một ai, người phụ nữ đảm đương hết trách nhiệm về phần mình mà dành những điều tốt đẹp nhất cho chồng con. Theo lẽ đời, người chồng phải gánh lên vai trọng trách gia đình, đảm bảo cho vợ con được ăn no mặc ấm, thế nhưng lúc này bà Tú lại một tay quán xuyến, chăm lo cho cả chồng. Câu thơ như sự tự trào của ông Tú vì bất lực trước bản thân thi cử lận đận lại làm nặng trĩu thêm đôi vai vốn đã gầy guộc kia.

Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam thời xưa qua bài thương vợ của Trần Tế Xương- CungHocVui

Hình ảnh lao động vất vả của người phụ nữ

                                   “Lặn lội thân cò khi quãng vắng

                                   Eo sèo mặt nước buổi đò đông”

       Bao nhiêu vất vả của người phụ nữ Việt Nam xưa được chắt lọc rồi kết tinh được thể hiện rõ qua hai câu thơ. Nghệ thuật “lặn lội” “eo sèo” như gom góp hết những vất vả, lo toan mà làm câu thơ thêm phần nặng trĩu. Tú Xương đã sử dụng thi liệu văn hóa dân gian vào trong câu thơ này khiến câu thơ như chất đầy tâm tư, gánh nặng. Như những cánh cò tận tụy, khi người người đang say giấc thì cò mẹ còn bì bõm kiếm từng con tép cho đàn con thơ.

Xem thêm:

Top 3 cách mở bài thương vợ hay nhất

Cảm nhận về bài thơ thương vợ ngắn gọn

       Câu thơ vừa có tính gợi hình, gợi cảm bởi vừa mang hàm ý chỉ dáng vẻ nhỏ bé, yếu đuối, vừa muốn ám chỉ sự tần tảo, bôn ba, thức khuya, dậy sớm tận tụy vì chồng con. Bất chấp không gian “quãng vắng” ít người, chất chứa đầy hiểm nguy rủi ro, cánh cò mẹ vẫn chưa từng buông lơi.

       Đối với “khi quãng vắng” chính là “buổi đò đông”. Dù là hoàn cảnh nào thì không gian lao động của những người phụ nữ cũng tiềm tàng những hiểm nguy. “Buổi đò đông” gợi cảm gian chen lấn, xô xát, đâu đâu cũng ầm ĩ tiếng người.

       Phép đối đã mô tả rất đúng với hiện thực của những người phụ nữ buôn bán nhỏ phải chịu đựng hiện thực khốc liệt nhưng vẫn dốc hết lòng dạ để mưu sinh vì chồng vì con. Bà Tú đại diện cho những người phụ nữ Việt Nam vì gia đình chấp nhận cuộc sống bôn ba, lăn lộn khắp nơi mặc cho hoàn cảnh khắc nghiệt để mang để bữa ăn, giấc ngủ trọn vẹn cho chồng con.

Cảnh đời oái oăm mà bà Tú và những khó khăn mà bà Tú cùng nhiều thế hệ phụ nữ khác phải chịu đựng

                                   “Một duyên hai nợ, âu đành phận,

                                   Năm nắng mười mưa, dám quản công.”

       “Một duyên hai nợ” như một cách nói tăng tiến cho cảnh đời lận đận. Những người phụ nữ lẽ ra xứng đáng được nhận sự san sẻ, cảm thông, chia sớt nhưng thật ra vẫn phải gánh trọn trách nhiệm lên vai. Dẫu vậy, họ vẫn cam chịu không một chút oán than, điều đó làm nên nét đẹp rất riêng của phụ nữ Việt Nam là hy sinh, chịu đựng. Áp lực mà họ đảm đương chỉ ngày một dày thêm, sâu thêm chưa từng thuyên giảm.

Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam thời xưa qua bài thương vợ của Trần Tế Xương- CungHocVui

Hình ảnh người phụ nữ trong xã hội phong kiến

       Cụm từ “Âu đành phận” như chất chứa những tiếng thở dài bất lực nhưng đã vội nén đi. Xã hội phong kiến đương thời đã dày vò, dẫm đạp lên giá trị của họ, để họ không thể được sống trọn vẹn là con người.

       Hình ảnh “nắng”, “mưa” kết hợp các lượng từ “năm”, “mười” chỉ xuất hiện nhiều, dày đặc của những vất vả, khó khăn mà những người phụ nữ phải gánh trong quá trình làm tròn thiên chức người mẹ, người vợ. Thế mà xuyên suốt cả cuộc đời dài, ta chừng thấy họ “quản công”. Cứ thế từng ngày, những người phụ nữ miệt mài làm trọn trách nhiệm trên vai mà quên cả việc phải sống cho chính mình.

Xem thêm:

Bài văn chi tiết phân tích thương vợ của Tế Xương

Dàn ý hình ảnh bà Tú trong thương vợ

Lời Tú Xương tự chửi mình cũng là chửi thói đời đen bạc

                                   “Cha mẹ thói đời ăn ở bạc

                                    Có chồng hờ hững cũng như không!”

       “Thói đời” đại diện cho những định kiến, quan niệm của người xưa về giá trị của người phụ nữ lưu truyền qua nhiều thế hệ. Tư tưởng “trọng nam khinh nữ” là ngọn lửa cứ cháy âm ỉ qua bao thế hệ Việt Nam, nó đốt cháy đi hết giá trị của người phụ nữ thành những mảnh tro tàn. “Ăn ở bạc” ám chỉ sự bạc bẽo, không công nhận giá trị của người phụ nữ và xem thường những điều họ tạo ra. Liệu có mấy ai trong xã hội phong kiến đương thời có cái nhìn thấu đáo về những cống hiến thầm lặng mà người phụ nữ đã tạo ra trong suốt một đời dài.  

       Những người phụ nữ khao khát được sự sẻ chia, san sẻ từ những người chồng vậy mà chồng mình cũng “hờ hững” như thói đời kia vậy. Hai câu thơ cuối như lời tự trách của Tú Xương cũng là tiếng chửi của xã hội đã vùi dập giá trị của người phụ nữ. Ông tự nhận bản thân thiếu sót, khẳng định tình yêu thương vợ và là tiếng lòng căm phẫn của ông đến xã hội phong kiến đương thời.

Xem thêm: 

Nghị luận bài thương vợ 

Hình ảnh bà Tú qua bài thơ Thương vợ của Tế Xương

Kết bài hình ảnh người phụ nữ Việt Nam thời xưa qua tác phẩm văn học 

       Bằng sự kết hợp độc đáo giữa trữ tình và trào phúng, bài thơ vừa như sự tri ân tấm lòng của nhà thơ đến với vợ mình, vừa như tiếng lòng bất lực với xã hội nhiễu nhương đã dồn người phụ nữ đến chân tường. Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam thời xưa đã mang một tầm vóc vĩ đại bởi nó đại diện cho sự hy sinh, cho nét đẹp của tâm hồn. Bất kể xã hội đã đẩy họ đến đường cùng nhưng họ vẫn vẹn nguyên những đức tính tốt đẹp, luôn tần tảo không quản công để những người họ yêu thương được sống một cuộc đời trọn vẹn.

shoppe