Đăng ký

Giải thích câu tục ngữ: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”

1,712 từ

Giải thích câu tục ngữ: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Bản thân em đã vận dụng câu tục ngữ ấy như thế nào trong cuộc sống của mình?

Qua bao kinh nghiệm rút ra từ mối quan hệ giữa người với người trong cuộc sống hàng ngày, cha ông ta đã thấy tác động của hoàn cảnh xung quanh đối với mỗi người thật là to lớn.

“Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”.
 
Có đúng như vậy không? Nghĩa đen của câu tục ngữ này thật rõ ràng: gần với mực thì sẽ bị lấm lem vì mực, gần với đèn thì được đèn chiếu sáng. Tuy vậy, ý nghĩa chủ yếu của câu nói này là nghĩa bóng của nó: sống trong hoàn cảnh tốt, tiếp xúc, gần gũi thân thiết với người tốt, ta sẽ trở nên tốt; trái lại, sống trong hoàn cảnh xấu xa, có quan hệ mật thiết với người xấu, người đó cũng dễ xấu đi.
 
Quả có thật như vậy. Vì sao? Vì sống giữa hoàn cảnh xấu, mắt luôn nhìn thấy việc xấu, tai luôn nghe những lời xấu, cái xấu khi ấy trở thành bình thường quen thuộc, con người thật dễ dàng tiêm nhiễm những thói hư tật xấu để rồi cũng làm việc xấu, nói điều xấu, nghĩ điều xấu theo với người bên cạnh mình. Sống cạnh người xấu, việc mình làm tốt thì không được ủng hộ, việc mình làm xấu thì không những không bị chê bai cản trở mà còn được ca ngợi, khuyến khích, cuối cùng chính mình cũng không phân biệt được tốt xấu, lầm tốt ra xấu, biến tốt thành xấu. Trái lại, sống với người mình tốt, giữa môi trường tốt, những việc tốt là tấm gương cho mình noi theo; những ý kiến hay, những lời nói tốt sẽ giúp mình biết cái đúng để theo, biết cái sai để tránh. Mỗi hành động, cử chỉ, lời nói của mình sẽ được người tốt đánh giá để biết rõ đúng sai, phải trái. Cái xấu của mình nhờ thế mà sẽ bớt đi, cái tốt của mình sẽ nhân lên và dần dần mình thành người tốt hơn.

Hoàn cảnh giao tiếp đối với mỗi con người quan trọng lắm. Cho nên các bậc cha mẹ vẫn khuyên răn con cái “chọn bạn mà chơi”. Câu tục ngữ trên chính là một bài học đối với mọi người nói chung và với mỗi học sinh nói riêng. Trong cuộc sống hôm nay, có biết bao bạn học sinh vốn mà chỉ vì là giao du với bạn bè xấu, bị kẻ xấu lôi kéo, lợi dụng, đã bỏ học hành, bỏ cả gia đình, tập nhiễm các thói xấu: bài bạc, xì ke rồi chẳng mấy chốc sinh ra bê tha, trộm cắp, đó là chưa nói tới những hành động phạm pháp có thể nghiêm trọng hơn. Trái lại, cũng không phải ít những bạn may mắn nhờ có được bạn tốt, được cuộc sống tốt của bạn làm gương, được những hành động và lời khuyên tốt của bạn giúp đỡ, đã vượt được mình mà trở nên con ngoan, trò giỏi.
 
Ngày nay, nói “gần mực” hay “gần đèn”, ta không chỉ nghĩ đến cả những mối tác động khác. Những sách nhảm nhí, những bản nhạc và phim ảnh độc hại, những “video đen” với các cảnh đâm chém liên miên... là gì nếu không phải chính là “mực”? Biết tìm sách tốt mà đọc, nhạc hay mà hát, phim lành mạnh mà xem... chính là một cách tránh cái “đen” của “mực” để tìm đến cái “sáng” của “đèn”.

Chọn bạn mà chơi, tránh “gần mực” để “gần đèn”, lời khuyên ấy thật là xác đáng. Nhưng có người sẽ hỏi: nếu ai cũng tìm cách “gần đèn”, giao thiệp với người tốt, thì người chưa tốt biết gần ai? Làm sao cho người trót “gần mực” có thể lại được “gần đèn”? Đúng thế. Có lẽ ta không nên hiểu câu tục ngữ này một cách cứng nhắc mà nên hiểu như thế này thì phải hơn: phải chọn bạn mà chơi, chọn người mà thân thiết; tốt nhất nên sống giữa hoàn cảnh lành mạnh. Nếu không may sống giữa một môi trường xấu thì phải luôn luôn tỉnh táo, cảnh giác, phải biết làm chủ hoàn cảnh, làm chủ mình, đừng để cho mình trở nên “đen” vì “mực”. Chơi với bạn chưa tốt, phải biết giữ mình đừng đi theo cái xấu của bạn, phải biết chân thành giúp đỡ bạn vươn tới “gần đèn” mà “sáng” hơn lên.

Mỗi người sống trong một hoàn cảnh khác nhau. Mỗi người, ai cũng có bạn. “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, câu tục ngữ ấy hiểu cho đúng, là một bài học rất thiết thân và rất quan trọng. Bài học ấy quý cho ta hôm nay và càng quý cho ta trong cả chặng đường đời mai sau.

shoppe