Đăng ký

Cảm nhận của em về đoạn trích Cảnh ngày xuân- văn mẫu hay lớp 9

3,235 từ Cảm nhận

Cảm nhận của em về đoạn trích Cảnh ngày xuân - Truyện Kiều

     Cùng theo dõi bài cảm nhận của em về đoạn trích cảnh ngày xuân chi tiết, hay nhất được CungHocVui tổng hợp và biên soạn dưới đây để có thể học tập tốt hơn.

Mở bài cảm nhận của em về đoạn trích cảnh ngày xuân

     Kiệt tác “Truyện Kiều” của Nguyễn Du không chỉ mang những giá trị nghệ thuật kiệt xuất mà còn mang giá trị nhân văn sâu sắc với những đoạn thơ tả cảnh tuyệt bút. Một những đoạn trích miêu tả hay nhất là đoạn trích “Cảnh ngày xuân” mà chúng ta đã được học trong chương trình Ngữ văn 9, tập một - NXB Giáo dục, 2008.

     Đoạn trích nằm ở phần đầu của tác phẩm chỉ sau đoạn miêu tả vẻ đẹp của chị em Thúy Kiều. Vào ngày tiết Thanh minh tháng ba, chị em Thúy Kiều cũng như bao người đi tảo mộ. Thiên nhiên và con người trong tiết ngày xuân hiện lên tươi tắn, trong trẻo và đông vui nhộn nhịp dưới đôi mắt “xanh non biếc rờn” của những nam thanh nữ tú đi du xuân.

Cảm nhận của em về đoạn trích Cảnh ngày xuân- CungHocVui

Cảm nhận của em về đoạn trích Cảnh ngày xuân

Cảm nhận về đoạn trích cảnh ngày xuân

     Bốn câu thơ đầu là khung cảnh mùa xuân tươi đẹp, trong trẻo:

                              Ngày xuân con én đưa thoi,

                         Thiều quan chín chục đã ngoài sáu mươi.

                              Cỏ non xanh tận chân trời,

                         Cành lê trắng điểm một vài bông hoa

     Không gian ngày xuân được vẽ nên bởi những hình ảnh cánh én đang chao liệng rập rờn như thoi đưa. Sự mạnh mẽ, khỏe khoắn của những sải cánh cho thấy rằng mùa xuân đang thời điểm đẹp tròn đầy nhất. “Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi” có nghĩa là những ngày xuân như thế này đã qua đi được hơn sáu mươi ngày rồi, như vậy bấy giờ đang còn là tháng ba trong tiết thanh minh.

     Nền của bức tranh thiên nhiên ngày xuân này được hoạ nên bởi màu xanh non, tươi mát của thảm cỏ trải ra bao la: “Cỏ non xanh tận chân trời”. Sắc cỏ tháng ba là sắc xanh non, chồi xanh mềm mượt êm ái. Huống chi cái sắc ấy mở ra “tận chân trời” khiến ta như thấy trước mắt cả một biển cỏ đang trải ra rập rờn, vô tận. 

Xem thêm:

Cảm nhận 6 câu cuối cảnh ngày xuân

Phân tích cảnh ngày xuân hay nhất

     Hàn Mặc Tử hơn một thế kỷ sau vẫn phải say mê mà viết nên câu thơ tuyệt bút này: “Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời”. Trên nền trời và cỏ xanh tươi, trong trẻo ấy điểm xuyết sắc trắng tinh khôi của vài bông hoa lê trắng. “Vài bông” hoa lê đang thì chúm chím chớm nở, chưa muốn nở hết. Hình ảnh này tưởng như  người thiếu nữ còn đang e ấp trong ngày xuân. Chữ “điểm” gợi vẻ sinh động, nhẹ nhàng mà hài hoà. Ở đây, tác giả sử dụng bút pháp chấm phá trong thơ văn hội họa đặc trưng của phương Đông.

     Hai câu thơ miêu tả cảnh thiên nhiên trong tiết ngày xuân của Nguyễn Du có thể khiến chúng ta liên tưởng đến hai câu thơ cổ của Trung Quốc. Hương thơm nhè nhẹ của cỏ non, màu xanh mướt của những thảm cỏ tiếp nối với màu xanh ngọc của trời, cành lê mới vừa điểm một vài bông hoa. Những cảnh trong hai câu thơ này đẹp mà tĩnh lặng. 

     Màu xanh non của thảm cỏ xanh kéo dài đến tận chân trời đã tạo nên một gam màu nền hết sức nịnh mắt. Trên cái màu xanh của cỏ non ấy, điểm xuyết một vài bông lê trắng, vượt qua cả những câu thơ cổ Trung Quốc không nói tới màu sắc của hoa lê. Sắc trắng của hoa lê hoà hợp cùng màu xanh non mơn mởn của cỏ chính là nét riêng trong hai câu thơ của Nguyễn Du. Mùa xuân trong mắt Nguyễn Du hiện lên mới mẻ, trong trẻo, tinh khôi và tươi đẹp hơn mọi vẻ đẹp khác.

 

 Cảm nhận của em về cảnh ngày xuân- CungHocVui

Cảm nhận của em về cảnh ngày xuân

     Sáu câu thơ tiếp của bài thơ tái hiện cảnh mọi người đi tảo mộ (viếng mộ, sửa sang phần mộ của người thân) và và đi du xuân (hội đạp thanh) trong tiết Thanh minh. Không khí rộn ràng của lễ hội mùa xuân được gợi lên bởi hàng loạt các từ ghép danh động tính: “yến anh”, “chị em”, “tài tử”, “giai nhân”, “sắm sửa”, “dập dìu”, “gần xa”, “nô nức”. Chúng được Nguyễn Du liệt kê ra một cách dồn dập gợi nên một không khí đông đúc, vui tươi sôi nổi. Đó không chỉ là không khí lễ hội mà còn mang đậm màu sắc truyền thống của những nam thanh nữ tú ngày xưa:

                              Gần xa nô nức yến anh

                         Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân

                              Dập dìu tài tử giai nhân

                         Ngựa xe như nước áo quần như nêm”.

     Nhưng hội họp rồi cũng đến lúc hội phải tan. Sau những giây phút sôi nổi, chị em Thúy Kiều phải rảo bước trở về:

                              “Tà tà bóng ngả về tây,

                         Chị em thơ thẩn dan tay ra về.

                              Bước lần theo ngọn tiểu khê,

                         Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh.

                              Nao nao dòng nước uốn quanh,

                         Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang” …

     Bên cạnh vẻ dịu nhẹ trong trẻo của mùa xuân như ở những câu thơ trước, khung cảnh mùa xuân đến đây chuyển mình và mang một sắc thái khác với bức tranh lễ hội rộn ràng, nhộn nhịp. Cảnh vật như toát lên tâm trạng vương vấn khi cuộc du xuân đã hết. Các từ láy “tà tà”, “thơ thẩn”, “thanh thanh”, “nao nao”, “nho nhỏ” vừa gợi tả cảnh vật vừa mang nặng tâm trạng của nhân vật trữ tình. 

Xem thêm:

Đóng vai Thúy Kiều kể lại cảnh ngày xuân

Dàn ý cảm nhận 4 câu đầu bài cảnh ngày xuân

     Dường như có cái gì đó đang mơ hồ xa xăm, cảnh vật đã nhuốm sắc thái vương vấn, man mác của tâm trạng con người. Ở đây, Nguyễn Du đã sử dụng bút pháp tả cảnh ngụ tình để mượn cảnh vật mà diễn tả những cảm xúc tinh tế trong tâm hồn những người, thiếu nữ. 

     Những từ láy được sử dụng trong đoạn thơ đều là những từ láy mang tính chất giảm nhẹ. “Tà tà” diễn tả hoàng hôn đang từ từ nghiêng xuống; “thanh thanh” vừa có ý nghĩa là màu sắc xanh nhẹ nhàng vừa có ý nghĩa là hình dáng thanh thoát, thanh mảnh; “thơ thẩn” lại diễn tả cảm xúc bâng khuâng dịu nhẹ không rõ nguyên nhân, từ “nao nao” trong câu thơ diễn tả thế nước chảy của dòng suối nhưng đồng thời diễn tả tâm trạng man mát buồn và từ “nho nhỏ” gợi dáng nhỏ xinh xắn, vừa vặn với cảnh và vừa vặn với tình. 

     Khung cảnh thiên nhiên cũng theo đó mà biến hóa trở nên nhỏ đi để phù hợp với tâm trạng con người: “ngọn tiểu khê” với dịp cầu “nho nhỏ” lại nằm ở “cuối ghềnh” ở phía xa xa,... Cảnh và người như có sự tương tự để giao hòa trong bầu không khí bâng khuâng, lưu luyến, chia ly này. Chúng ta có thể mơ hồ cảm nhận được cảnh vật đang tạo ra dự cảm về những sự việc sắp xảy ra.

     Đoạn trích Cảnh ngày xuân được Nguyễn Du xây dựng bố cục cân đối, hợp lý. Mặc dù không quá rõ ràng nhưng cũng có thể nói đến kết cấu ba phần: mở đầu, diễn biến và kết thúc. Nguyễn Du đã cho thấy một tài năng miêu tả thiên nhiên điêu luyện, sắc sảo, tả cảnh ngụ tình đặc sắc. Trong đoạn trích, mặc dù chủ yếu là miêu tả cảnh ngày xuân nhưng Nguyễn Du vẫn kết hợp với biểu cảm và tự sự.

Xem thêm:

Bài cảm nhận 4 câu đầu bài cảnh ngày xuân hay nhất

Dàn ý cảm nhận của em về đoạn trích cảnh ngày xuân

Kết bài cảm nhận của em về đoạn trích cảnh ngày xuân

     “Cảnh ngày xuân” là một trong trích đoạn thơ tả cảnh hay nhất trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du. Đọc đoạn trích, người đọc không chỉ xuýt xoa về bức tranh thiên nhiên trong sáng vô ngần mà còn cảm nhận được vẻ đẹp trong một lễ hội truyền thống đầy ý nghĩa của cha ông - tiết Thanh minh. Và qua đây, Nguyễn Du cũng thể hiện nét tài hoa trong việc dựng lên một bức tranh tả cảnh và tả tâm trạng tinh tế,... Với những điều đó, “Cảnh ngày xuân” sẽ luôn sống lại trong lòng người yêu thơ vào mỗi dịp đầu năm khi nàng xuân về với đất trời.

shoppe