Đăng ký

Cảm nhận 6 câu cuối bài Cảnh ngày xuân Nguyễn Du chi tiết, hay nhất

4,252 từ Cảm nhận

Cảm nhận 6 câu cuối bài Cảnh ngày xuân (Nguyễn Du)

      Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du không chỉ được mệnh danh là một tuyệt tác nghệ thuật với những giá trị xã hội sâu sắc, mà nó còn làm say đắm lòng người từ giá trị nhân đạo cùng bút pháp tả cảnh ngụ tình đặc sắc. Để thấy rõ những độc đáo nghệ thuật đó, hãy đến với bài viết dưới đây để cùng Cunghocvui cảm nhận 6 câu thơ cuối bài Cảnh ngày xuân.

Cảm nhận 6 câu cuối bài Cảnh ngày xuân Nguyễn Du chi tiết, hay nhất- CungHocVui

Cảm nhận 6 câu cuối cảnh ngày xuân 

Mở bài cảm nhận 6 câu cuối bài Cảnh ngày xuân

      Mùa xuân luôn là thời khắc tuyệt đẹp gợi cho ta cảm giác về sự tươi mới, rực rỡ sắc màu. Nhưng trong sáu câu cuối của đoạn trích Cảnh ngày xuân, bức tranh mùa xuân ấy lại không mang vẻ tươi vui sinh động như ngày thường mà ngược lại, nó còn nhuốm một màu ảm đạm làm gợn sóng bao ưu tư trong lòng người.

                                   “Tà tà bóng ngả về Tây

                              Chị em thơ thẩn dan tay ra về

                                   Bước dần theo ngọn tiểu khê

                              Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh

                                   Nao nao dòng nước uốn quanh

Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang.”

Xem thêm:

Đóng vai Thúy Kiều kể lại cảnh ngày xuân

Phân tích cảnh ngày xuân hay nhất

Thân bài Cảm nhận 6 câu cuối bài Cảnh ngày xuân

Cảm nhận 6 câu cuối bài Cảnh ngày xuân Nguyễn Du chi tiết, hay nhất- CungHocVui

Hình ảnh về cảnh ngày xuân trong truyện Kiều

Sơ nét về đoạn trích Cảnh ngày xuân

      Truyện Kiều là một kiệt tác nghệ thuật của đại thi hào Nguyễn Du. Tác phẩm này được viết theo bố cục ba phần, bao gồm gặp gỡ đính ước - gia biến - hội ngộ. Cảnh ngày xuân chính là một phần của gặp gỡ và đính ước, nó diễn ra sau khi miêu tả hai chị em Kiều và trước khi gặp mộ Đạm Tiên rồi kết duyên cùng Kim Trọng.

      Trong Cảnh ngày xuân, đại thi hào Nguyễn Du đã miêu tả lại một cách tài tình vẻ đẹp thiên nhiên tươi đẹp kết hợp cùng cảnh sinh hoạt của chị em Kiều khi du xuân trong Tiết thanh minh. Nếu như những dòng đầu hiện lên với cảnh thiên nhiên tươi đẹp, thanh thoát và nhộn nhịp, thì những câu thơ cuối của đoạn trích lại được cảm nhận bởi những nét phác họa đượm màu u buồn. Có lẽ vì thế mà giọng điệu tại đây cũng trầm lắng hơn.

Bức tranh mùa xuân vào cuối ngày

Những giây cuối chuẩn bị cho phút giao mùa sắp đến hiện ra trong một cảnh chiều tà đượm buồn:

                                   Tà tà bóng ngả về Tây

      Tác giả đã sử dụng từ láy “tà tà” để gợi nên cảm giác thời gian đang trôi qua một cách chậm chạp. Ánh nắng tươi vui mới ban sáng nay đã nhường chỗ cho buổi xế chiều, bắt đầu mệt mỏi, chậm rãi ẩn dần nơi cuối chân trời. Ta như thoáng cảm nhận chút gì đó chùng chình như không nỡ, như nuối tiếc, như đang níu kéo thời gian để giữ lại khung cảnh tươi đẹp, tinh khôi nhất còn sót lại của mùa xuân đã sắp tàn.

      Sức sống tươi mới, nhộn nhịp ban ngày cũng dần biến mất, thay vào đó là bóng tối đang chậm rãi bao phủ khắp không gian. Chiều tà thường mang lại cho ta những nỗi buồn man mác, rất khó lý giải. Phải chăng, đó chính là nỗi buồn nhân thế, là nỗi buồn cho một kiếp người ngắn ngủi?

Cảm nhận 6 câu cuối bài Cảnh ngày xuân Nguyễn Du chi tiết, hay nhất- CungHocVui

Cảm nhận 6 câu cuối trong đoạn trích cảnh ngày xuân

      Thiên nhiên rộng lớn, bao la là thế, nhưng cũng chẳng thể tránh khỏi quy luật thịnh suy. Huống chi là một kiếp người nhỏ bé, làm sao thoát khỏi sinh lão bệnh tử - sự tuần hoàn của kiếp người? Trong cảnh ngày tàn ấy, con người hiện ra bé nhỏ hơn bao giờ hết. Có lẽ vì thế mà người ta bỗng mủi lòng, rồi thả hồn phơi bày mọi nỗi niềm ưu tư của mình.

                              Chị em thơ thẩn dan tay ra về

      Chị em Kiều dường như vẫn còn vương vấn mãi sự huy hoàng, tinh khôi buổi ban sáng. Cho đến chiều tàn, chẳng còn điều gì sót lại của không khí nhộn nhịp ấy, nên liền cảm thấy trống trải. Sự trống trải ấy đã được cô đọng qua từ láy “thơ thẩn”.

      Chị em họ cứ từng bước từng bước chậm rãi đi về. Họ cũng cảm nhận được thời gian ngày tàn dù không muốn cũng đã đến rồi, để rồi khung cảnh yên bình ấy len lỏi vào tâm trạng của họ, gợi lên nhiều cảm xúc khó tả. Cái “dan tay ra về” ấy dường như chứa đựng bao tâm tư, bao nỗi niềm tiếc nuối khó thành lời. Cuộc vui vừa diễn ra, chưa kịp hưởng trọn niềm nô nức thì ngày buồn thoắt cái đã đến. Nhưng con người ta chẳng thể làm gì để níu kéo, và vì chẳng thể ngăn cản bước đi của thời gian, người ta lại càng buồn thẩn thơ.

Tia nắng vàng nhạt chiếm dần lấy không gian khiến cho cảnh vật trông thật ấm áp nhưng cũng thật buồn.

                                    “Bước dần theo ngọn tiểu khê

                              Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh

                                   Nao nao dòng nước uốn quanh

                              Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang.”

      Việc sử dụng từ “bước dần” đã gợi nên trạng thái di chuyển chậm rãi, từ tốn lại thêm chút trầm buồn. Đó có thể là bước chân thơ thẩn của chị em Kiều, cũng có thể là nhịp bước chậm rãi của thời gian. Nhưng dẫu hiểu theo cách nào, thì “bước chân” từ tốn ấy đều hòa quyện vào nỗi buồn của buổi chiều tà.

Xem thêm:

Phân tích vẻ đẹp của Thúy Kiều qua đoạn trích chị em Thúy Kiều

Phân tích 6 câu thơ đầu cảnh ngày xuân

      Ngọn tiểu khê chính là một dòng suối nhỏ. Dòng suối nhỏ chảy nước róc rách chảy một cách yên ả ấy chẳng làm cho không gian thêm phần náo nhiệt, mà nó cũng đang hòa vào nỗi buồn chung. Tất cả sự vật dường như đang thu mình lại vào thời khắc ấy, để rồi làm nổi bật cái buồn man mác, cái buồn đầy trầm tư khó tả.

      “Lần theo phong cảnh” chính là điểm nhìn của Kiều. Trong đôi mắt của người con gái đang độ tuổi đẹp nhất cuộc đời, đáng lẽ phải nhìn mọi thứ một cách vô tư, tươi vui và bình an. Nhưng trong đôi mắt ấy, lại đang nhuốm màu tâm trạng đầy buồn thương.

      Phong cảnh vào buổi chiều tà nào có tráng lệ nguy nga, nó chỉ là “có bề thanh thanh”. Mọi thứ đều diễn ra một cách nhẹ nhàng, yên ả, nhưng dường như chính cái nhẹ nhàng, yên ả ấy lại khiến hồn người thêm chất chứa nỗi buồn nhẹ nhàng thanh tao. Nguyên nhân nào khiến nỗi buồn bủa vây tâm hồn người thiếu nữ xinh đẹp, mong manh ấy? Lẽ nào là vì cảm nhận được ngày sắp tàn, luyến tiếc khung cảnh vui nhộn của ngày xuân ban sáng? Hay vì nàng ta đang tự cảm nhận được tương lai trắc trở của chính mình? Trong nỗi buồn ấy, nhìn thấy sự thanh tao của cảnh vật càng khiến lòng nàng thêm u hoài khó tả.

      Nguyễn Du đã sử dụng tinh tế từ láy “nao nao” để gợi tả trạng thái cảnh vật và lòng người lúc ấy. Nao nao chính là sự chuyển động nhỏ nhưng lặp đi lặp lại, chẳng hề có kết thúc. Đó là trạng thái chuyển động của “dòng nước uốn quanh”, hay chính là trạng thái tâm trạng của nhân vật trữ tình. Dòng nước chuyển động một cách trầm tĩnh càng tô đậm sự yên lặng của không gian. Lòng người cũng vì thế mà gợn sóng những nỗi niềm không tên.

      Cảnh vật buổi xế chiều được Nguyễn Du khắc họa toàn bộ đều là những sự vật nhỏ bé, từ ngọn tiểu khê đến dòng nước uốn quanh và một nhịp cầu nho nhỏ. Chuyện động của các sự vật cũng vô cùng chậm rãi, u buồn. Từ láy “nho nhỏ” được sử dụng để diễn tả cảnh vật nhỏ bé. Nếu như cái nhìn trong buổi sáng mùa xuân là cái nhìn hướng lên trên để thấy vạn vật rộng lớn trong tiết thanh minh tinh khôi, thì cái nhìn trong cảnh chiều tàn là cái nhìn hướng xuống đất, hướng về những điều nhỏ bé bình dị.

Xem thêm:

Phân tích giá trị nhân đạo trong truyện Kiều

Kể tóm tắt truyện Kiều qua 3 phần ngắn gọn, chi tiết

      Vạn vật từ đó như thu nhỏ vào tầm mắt nhân vật trữ tình, như nép mình lại trước nỗi niềm riêng của con người. Cũng chính từ cái nhỏ bé đó đã tạo nên một phông nền làm nổi bật bước đi chậm rãi của thời gian. Dẫu tập trung tả về cảnh vật nhưng người đọc vẫn có thể cảm nhận được bước chân và nỗi lòng u buồn của con người. Nguyễn Du cũng đã từng viết:

                                   “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu

                              Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”

      Nếu như cảnh xuân buổi ban ngày được vẻ lên với sức sống tràn đầy, thì ở buổi chiều tàn, mọi thứ như dần chìm vào trạng thái chậm chạp đầy mệt mỏi. Và điều đặc biệt ở hai bức tranh xuân này không chỉ đơn giản là tả cảnh, mà đó chính là sự dự báo về số phận cuộc đời Thúy Kiều.

Cảm nhận 6 câu cuối bài Cảnh ngày xuân Nguyễn Du chi tiết, hay nhất- CungHocVui

      Hiện tại, Kiều đang sống một cuộc sống bình yên như bức tranh xuân đầy thanh sắc khiến ai cũng ngưỡng mộ. Nhưng về sau, cuộc đời Kiều rồi sẽ rẽ ngang sang một con đường khác, với đầy đau thương bi ai. Bức tranh mùa xuân thứ hai vẫn mang những đường nét đẹp đẽ thanh tao, nhưng đượm buồn u uất như chính cuộc đời Kiều sau này sẽ là một bản nhạc với những nốt trầm buồn. 

      Trong 6 câu cuối của đoạn trích Cảnh ngày xuân, Nguyễn Du đã vận dụng một cách thành công bút pháp tả cảnh ngụ tình. Chỉ bằng một vài nét phác họa, ông đã tạo nên một bức tranh mùa xuân với nhiều sắc thái riêng biệt. Nhưng cái tài của Nguyễn Du nào chỉ dừng lại ở đó, bức tranh mà ông vẽ nên còn là lời dự báo những trang bi kịch phía sau của đời Kiều.

      Những hình ảnh ước lệ kết hợp một cách độc đáo với những từ láy thuần Việt đã diễn tả điều đó một cách tinh tế, để rồi tạo nên một bức tranh đa nghĩa, gợi nhiều liên tưởng. Đặc biệt, thành công của Nguyễn Du còn đến từ việc sử dụng thể thơ lục bát của dân tộc. Như vậy, sẽ thật không ngoa khi nói Nguyễn Du xuất hiện trong văn học Việt Nam như một chiếc cầu nối, nối giữa nền văn học bác học với nền văn học bình dân, tất cả hòa hợp với nhau, tạo thành văn học dân tộc.

Kết bài cảm nhận 6 câu cuối Cảnh ngày xuân

      Chỉ với 6 câu thơ ngắn ngủi nhưng đã đủ để gợi lên trong lòng người đọc bao suy nghĩ sâu xa. Sáu câu thơ trên không có bất kỳ chữ “buồn” nào, nhưng len lỏi khắp nhịp thơ chậm rãi vẫn là một nỗi buồn ảm đạm, nhẹ nhàng nhưng miên man và day dứt. Có thể nói, đây chính là bức tranh dự báo số phận Kiều trước khi nàng rẽ sang bi kịch tình yêu. Dẫu buồn, nhưng nó vẫn mang đậm vẻ dịu dàng, thanh tao, không quá đau đớn, dằn vặt cũng đủ làm gợn nên bao cơn sóng lòng thiết tha cho người đọc.

      Đó là bài văn mẫu cảm nhận 6 câu cuối bài Cảnh ngày xuân mà bạn có thể tham khảo. Hi vọng bài viết này sẽ hữu ích và giúp bạn có những cảm nhận sâu sắc nhất về đoạn trích. Đừng quên đón đọc các bài văn mẫu khác tại đây!

shoppe