Đăng ký

Anh (chị) hãy nêu cảm nghĩ của mình về cảnh kết thúc truyện Chí Phèo

2,369 từ

Anh (chị) hãy nêu cảm nghĩ của mình về cảnh kết thúc truyện Chí Phèo

Truyện ngắn Nam Cao trước cách mạng tháng Tám là thế giới của những số phận bi thảm, nhưng bi kịch đầy xót xa của những kiếp dân cày cùng cực trong xã hội thực dân phong kiến. Chính ở đó, tôi đã gặp, đã biết và đã khóc cho số phận con người - Chí Phèo (Truyện “Chí Phèo”) Người ta gọi Chí Phèo là một thằng lưu manh, côn đồ một gã « đầu bò”, một quỷ dữ. Cả cái làng Vũ Đại sợ Hắn, ghê tởm hắn như thể hắn chui từ địa ngục lên chứ không phải ở tù ra. Mà nói cho cùng thì nhà tù thời ấy nào có khác gì địa ngục. Cũng toàn những kẻ “đầu trâu mặt ngựa”, với những thủ đoạn, mưu mô đủ để biến một chàng trai lực điền khỏe mạnh thành kẻ có bộ dạng “trông gớm chết!”: đầu “trọc lốc”, răng “trắng hớn”, cái mặt “cơng cơng” chằng chịt những vết sẹo ngang, sẹo dọc. Bi kịch của Chí Phèo có lẽ bắt đầu từ cái ngày bà ba trẻ đẹp của ông Lý Kiến bắt hắn lên “bóp chân”, “xoa bụng”, “đấm lưng” mà ông Lý lại được cái “khỏe ghen”. Vậy là làng Vũ Đại mất đi một anh canh điền hiền lành rồi thay vào đó là kẻ lưu manh Chí Phèo. Hắn cứ sống vất vưởng, côn đồ, quậy phá, ăn vạ, say sưa như thế cho đến ngày gặp Thị Nở. Cứ tưởng rằng đau khổ của Chí sẽ chấm dứt, cuộc đời đang ở bên kia dốc của Chí sẽ ấm lại với “bát cháo hành bốc khói”, với tình yêu thương quê mùa, chân chất, đơn giản của một người đàn bà cũng không kém phần giản đơn, quê mùa như thế. Nhưng trời ơi, đó lại là khởi đầu của một bi kịch mới - bi kịch lớn nhất, thảm nhất, xót xa nhất trong đời Chí Phèo! Chính cái lúc Chí tỉnh rượu, lúc chí cảm nhận được sống ấy, tình yêu ấy cũng là lúc Chí nhận ra một sự thực đau lòng: cuộc đời không dang tay đón Chí, không chấp nhận cho Chí làm lại “con người lương thiện”, không cho Chí một con đường về... Đau đớn quá! Đoạn kết trong tác phẩm chính là cao trào của bi kịch ấy.

Chí lại uống rượu, nhưng càng uống, càng tỉnh, càng buồn. Cảm giác “buồn” đã có một thời gian trong cuộc đời Chí bị chìm vào quên lãng, nay trở lại trong tâm hồn hắn càng lúc càng thấm sâu để rồi trở thành nỗi đau tê dại, điên cuồng của một con người bị chính xã hội loài người chối bỏ. Nỗi đau ấy quá sức chịu đựng của Chí. Nỗi đau ấy dẫn Chí thẳng đến ngõ nhà Bá Kiến rồi “xông xông đi vào” với con dao ở thắt lưng. Chí làm cụ Bá thấy bực mình. Cụ chỉ muốn tống hắn đi cho chóng nên đã móc sẵn năm hào. Nhưng than ôi, mấy lần năm hào của cụ thì nào có thấm tháp gì so với nỗi đau khổ triền miên mà Chí Phèo đã từng chịu đựng. Chí đến gặp cụ với bộ dạng của một thằng say nhưng với trí óc và tâm hồn của một người tỉnh táo - một con người vừa ý thức được sự “không tồn tại” của mình. Chí dõng dạc nói:

- “Tao không đến đây xin năm hào”.

- “Tao đã bảo tao không đòi tiền”.

- “Tao muốn làm người lương thiện”.

Cả đời, chưa bao giờ Chí Phèo dõng dạc như thế, dứt khoát như thế, kiêu hãnh và đầy tự tin như thế. Phải chăng anh canh điền 20 tuổi khỏe mạnh và đầy lòng tự trọng của ngày trước đã trở về? Trở về để đòi lại thứ quí giá nhất của đời mình. Nhưng muộn rồi, Chí Phèo ơi! Xã hội không cho hắn trở về. In dấu trong suy nghĩ, trong tiềm thức của dân làng Vũ Đại, hắn là một “con quỷ dử”. Và cho dù hắn đã tìm lại được lương thiện của mình người ta cũng vẫn chỉ coi hắn là một thằng bất lương thôi. Người ta không thể nhét vào đầu cái suy nghĩ: “Chí Phèo lại là người lương thiện”. Ngay cả Bá Kiến, đến khi chết dưới lưỡi dao của hắn cũng chẳng thể ngờ được điều đó kia mà. Chính vì thế, hắn không thể sống còn. Thương cho Chí Phèo, đau khổ cả một đời, đến lúc chết cũng không thoát khỏi sự đau khổ ấy. Cái chết của hắn đầy thê thảm, bi đát. Chí Phèo “giẫy đành đạch ở giữa bao nhiêu là máu tươi”, mắt “trợn ngược”, mồm “ngáp ngáp, nhưng không ra tiếng”... Tôi vẫn nghĩ đó là cái chết đầy uất ức. Chí đã được ai trả lời cho câu hỏi lớn của đời mình đâu? “Ai cho tao lương thiện?”. “Ai cho tao lương thiện?”... Câu hỏi ấy ngàn đời còn vang lên. Chí vẫn còn muốn hỏi, muốn nói, muốn kể tội những kẻ đã đầy đọa, đã bóp méo cuộc đời Chí ư? Những Chí Phèo ơi, Bá Kiến và cả làng Vũ Đại làm sao trả lời câu hỏi ấy cho anh đây?


Hình ảnh Chí Phèo quằn quại trong vũng máu mãi mãi là nỗi thương tâm của mọi người.

Cái chết của Chí Phèo cũng là đoạn kết cho tấn bi kịch của những người dân cày cùng cực dưới xã hội “một cổ hai tròng”. Họ không chỉ là những người cùng cực bình thường. Họ còn là những người bị lưu manh hóa, bị tha hóa. Tôi chưa bao giờ muốn gọi Chí Phèo là một thằng lưu manh. Tôi gọi anh là “người - nông - dân - bị - lưu - manh - hóa”. Trở thành lưu manh không phải lỗi của hắn mà là tội của bọn cường hào ác bá đã đẩy con người đến bước đường cùng không lối thoát. Nam Cao hẳn cũng buồn lắm khi không thể mở ra cho nhân vật của mình một con đường, mặc dù ngòi bút của ông khi viết về cuộc đời và cái chết của Chí Phèo có vẻ lạnh lùng, dửng dưng như thể cái chết đó là một điều tất yếu vậy. Cái hay, cái tài của Nam Cao là ở chỗ đã đưa một kẻ đang bị nhận chìm trong vũng bùn của tội lỗi - một con quỷ dữ - vụt đứng dậy trong tư thế của một con người, đầy tình cảm của độc giả từ cao trào của sự ghê tởm, căm ghét, khinh bỉ sang đỉnh điểm của lòng thương cảm, xót xa mà không hề gượng ép chút nào. Sự chuyển đổi cảm xúc ấy diễn ra đầy tự nhiên, không gò bó. Chính nhờ Nam Cao mà Chí Phèo đã có được sức sống mạnh mẽ đến vậy trong lòng độc giả.

Đau lòng và đau đớn lắm dù biết rằng những gì cảm nhận được về cuộc đời cũ vẫn còn ít ỏi lắm, nhỏ bé lắm, hữu hạn lắm!

shoppe