Đăng ký

Suy nghĩ của em về nhân vật lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao. (dàn bài)

2,055 từ

Suy nghĩ của em về nhân vật lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao. (dàn bài)

1. Tìm hiểu đề

Đây là kiểu bài nghị luận về một nhân vật văn học. Để làm được dạng bài này, các em cần đọc và nhớ kĩ tác phẩm, đặc biệt là những chi tiết, tình huống liên quan đến cuộc đời, hành động, lời nói, tâm trạng... cua nhân vật. Có nhớ được những chi tiết ấy thì ta mới có thể khái quát, đánh giá về nhân vật được. Bởi tất cả những hành động, lời nói, tâm trạng... ấy đều góp phần thể hiện tính cách, phẩm chất (hoặc bản chất) của nhân vật trong tác phẩm.

Trong truyện ngắn Lão Hạc, để có thể hiểu rõ, hiểu sâu về nhân vật chính, các em cần lưu ý đọc và suy nghĩ kĩ những cuộc trò chuyện giữa lão Hạc và ông giáo về thằng con trai, về con chó Vàng, về cuộc đời..., những cuộc trò chuyện (cũng có thể hiểu là độc thoại) giữa lão Hạc với con chó Vàng, những lời nhận xét của ông giáo về lão Hạc... Tất cả đều giúp người đọc cảm nhận được một cách rõ nét, sâu sắc và cảm động một lão Hạc chân chất, lam lũ, giàu tình yêu thương con, nhân hậu và tự trọng.
 
Vì là bài văn nghị luận nên các em cần tìm và sắp xếp thành một hệ thống gồm các luận điểm (mỗi luận điểm khái quát một phẩm chất nổi bật của nhân vật) thì bài viết sẽ rõ ràng, mạch lạc. Trong quá trình viết bài, cũng nên sử dụng kết hợp với các yếu tố miêu tả, tự sự, biểu cảm để bài viết thuyết phục và sinh động hơn.
 
2. Dàn ý sơ lược
Mở bài:
- Giới thiệu khái quát về tác giả.
- Giới thiệu tác phẩm, nhân vật.
 
Thân bài:
- Giới thiệu khái quát cuộc đời, hoàn cảnh của lão Hạc.
- Trình bày suy nghĩ, cảm nhận về những phẩm chất cao đẹp, đáng quý, tiêu biểu của nhân vật:

+ Lão Hạc - người nông dân hiền lành, chăm chỉ, lam lũ.
+ Lão Hạc - con người nhân hậu, luôn nghĩ cho những người xung quanh.
+ Lão Hạc - người cha hết lòng thương con.
+ Lão Hạc - con người giàu lòng tự trọng.
- Khái quát, nâng cao: Số phận đau khổ của lão Hạc — Số phận đau khố của những người nông dân Việt Nam trong xã hội phong kiến.
Kết bài:
- Cảm thương trước số phận đau khổ, cuộc đời bế tắc của những người nông dân trong xã hội cũ.
- Trân trọng, đề cao vẻ đẹp tâm hồn của họ.

3. Dàn ý chi tiết
Mở bài:
- Nam Cao là nhà văn hiện thực xuất sắc với những tác phẩm viết về cuộc sống đói nghèo, cơ cực, bế tắc của người nông dân trong xã hội cũ.
- Lão Hạc là một trong những tác phẩm tiêu biểu của ông.

- Trong tác phẩm này, Nam Cao đã xây dựng thành công hình tượng nhân vật lão Hạc - một người nông dân không bị cái đói, cái nghèo làm mất đi vẻ đẹp tâm hồn...
 
Thân bài:
- Giới thiệu sơ lược về hoàn cảnh của lão Hạc:
+ Vợ đã mất, con trai lão vì không đủ tiền cưới vợ nên phẫn chí bỏ đi đồn điền cao su, lão sống một mình với con Vàng.
+ Lão ốm đau liên miên rồi mất mùa... Tất cả làm cho cuộc sống của lão ngày càng khó khăn, cùng quẫn.
+ Lão thường sang nhà ông giáo trò chuyện, chia sẻ... để vơi đi nỗi buồn và sự cô đơn.

- Lão Hạc là một người nông dân hiền lành, chăm chỉ: cả đời lão quen với công việc đồng áng, tuổi đã cao nhưng lão vẫn đi làm thuê, làm mướn để sống cho qua ngày...
- Lão Hạc là một con người có trái tim nhân hậu, luôn nghĩ và sống vì người khác:
+ Lão không cho mình quyền được sở hữu bất cứ cái gì (ba đồng bạc: lão bảo của con trai, lão không tiêu; con chó Vàng cũng là của thằng con trai; mảnh vườn là mồ hôi, công sức của người vợ đã mất...). Lão trân trọng tất cả như những báu vật.
+ Lão yêu con chó Vàng như yêu quý một con người: lão trò chuyện, tâm sự với nó; lão vô cùng ân hận, đau khổ khi lừa bán nó đi... (dẫn chứng, phân tích).
- Lão Hạc là một người cha hết lòng yêu thương con:
+ Lão luôn nhớ con: Thằng con trai có mặt trong mọi cuộc trò chuyện của lão với ông giáo.
+ Lão ân hận, đau xót vì không mang lại hạnh phúc cho con, để nó phải đi đồn điền cao su.
+ Lão chắt chiu, dành dụm vì muốn để tiền cho con.
+ Lão hi sinh sự sống của mình vì con, để hi vọng con trai lão sẽ có một cuộc sống tốt đẹp hơn: lão gửi lại mảnh vườn cho con, lão tự kết thúc cuộc sống của mình (vì không muốn bán mảnh vườn để sống...).
- Lão Hạc là một con người giàu lòng tự trọng:
+ Lão từ chối mọi sự giúp đỡ của ông giáo.
+ Lão tự vẫn bằng bả chó.
+ Lão gửi ông giáo tiền lo hậu sự.
- Khái quát, nâng cao vấn đề:
+ Cuộc đời của lão Hạc tiêu biểu cho cuộc đời, số phận đau khổ, bế tắc của người nông dân trong xã hội cũ.
+ Câu chuyện về cuộc đời của lão Hạc cho độc giả hiểu thêm về sự mục nát của xã hội phong kiến đương thời, xã hội ấy đã không thể mang lại một cuộc sống bình thường với những mong ước giản dị cho con người.
 
Kết bài:
- Cảm thông cho số phận đau khổ của lão Hạc nói riêng và những người nông dân nói chung trong xã hội cũ.
- Càng trân trọng hơn những vẻ đẹp tỏa sáng của những con người bình dị “thà chết trong còn hơn sống đục”.

shoppe