Đăng ký

Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố...

2,252 từ Văn mẫu
Đề bài

Đề bài: "Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi... toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là nhũng người đáng thương. " (Nam Cao - Lão Hạc). Hãy chứng minh nhận xét này qua các nhân vật trong truyện ngắn "Lão Hạc" của Nam Cao.

Hướng dẫn giải

    Cuộc sống của chúng ta muôn màu muôn vẻ, nào đâu chỉ có trắng và đen mà còn có rất nhiều màu sắc khác nhau. Những màu sắc đó khiến cho cuộc sống vừa phong phú, đa dạng nhưng đồng thời cũng khiến nó trở nên phức tạp, khó nắm bắt đặc biệt là đối với mỗi con người. Bởi vậy mà Nam Cao đã từng đúc kết lại trong tác phẩm Lão Hạc của mình bằng một câu văn thấm đẫm chất triết lí: “Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi … toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương”.

    Lão Hạc là một trong những truyện ngắn thành công nhất của nhà văn Nam Cao khi viết về đề tài người nông dân. Các tác phẩm của ông giàu chất triết lí và thường được đặt vào những lời nói, câu thoại của nhân vật. Lời nhận định trên chính là một dẫn chứng điển hình. Câu nói đó được ông giáo – người kể chuyện, người bạn hàng xóm của lão Hạc nói ra sau khi lão Hạc gửi gắm tiền bạc, vườn tược và từ chối sự giúp đỡ của ông giáo sống cuộc đời khổ sở. Đối với lão Hạc, mỗi nhân vật trong tác phẩm này đều có những nhận xét và đánh giá riêng. Để người đọc từ đó có cái nhìn toàn diện và sâu sắc nhất về nhân vật.

    Trước hết là nhân vật Binh Tư. Binh Tư vốn không được người ta ưa, vì làm nghề ăn trộm chó. Phải chăng trước khi làm cái nghề đó, Binh Tư cũng là người nông dân lương thiện và bị đẩy vào bước đường cùng phải lấy nghề đó mà mưu sinh, sống qua ngày. Khi Binh Tư thấy lão Hạc sang xin bả chó của mình, ngay lập tức anh ta đã nghĩ rằng: “Lão làm bộ đấy! Thật ra thì lão chỉ tẩm ngẩm thế, nhưng cũng ra phết chứ chả vừa đâu: lão vừa xin tôi một ít bả chó” . Nhận xét của Binh Tư đã khiến cho ông giáo bị lạc hưởng, và tưởng rằng một con người lương thiện nhường ấy cũng đi đến bước đường tha hóa. Nhưng khi ông giáo và ngay cả Binh Tư khi chứng kiến cái chết đột ngột, dữ dội của lão Hạc thì họ đã hiểu cả, đã hiểu hết phẩm chất đẹp đẽ của lão Hạc. Cái nhìn của Binh Tư cũng đã thay đổi, không còn là cái nhìn của người “cùng hội cùng thuyền” kinh thường sự tha hóa của lão Hạc, mà là cái nhìn thương cảm, xót xa cho số phận lão.

    Bên cạnh đó lão Hạc còn được soi chiếu dưới con mắt của mụ vợ ông giáo. Vợ ông giáo cũng là một người nông dân nghèo khổ, bị dồn tới bước đường cùng. Khi nghe được những lời tâm tình, mong mỏi giúp đỡ lão Hạc của chồng bà gạt phắt ngay đi: “Cho lão chết! Ai bảo lão có tiền mà chịu khổ? Lão làm lão khổ chứ ai làm lão khổ! Nhà mình sung sướng gì mà giúp lão? Chính con mình cũng đói…”. Nhìn bề ngoài có vẻ lời nói của bà vợ ông giáo là tuyệt tình, không có tình nghĩa, không giúp đỡ người khác. Nhưng ở một góc nhìn khác, ta lại thấu hiểu và cảm thông cho mụ. Thiên tính là một phụ nữ, tất yếu sẽ phải chăm sóc, vun vén cho gia đình, bởi vậy khi con của mụ vẫn còn đói, cuộc sống gia đình vẫn còn khổ cực bà không còn thể suy nghĩ cho người khác. Tấm lòng bao dung bị cái đói, cái nghèo che khuất mất, đúng như ông giáo đã nói: “Vợ tôi không ác, nhưng thị khổ quá rồi. Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa. Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau, ích kỉ che lấp mất” . Cũng bởi vậy ta không thể trách hoàn toàn người vợ của ông giáo là vô tâm, ích kỉ, không thấu hiểu cho những suy nghĩ của lão Hạc. Mà hơn nữa lão Hạc lại là người có đời sống nội tâm phong phú, phức tạp nên việc mụ vợ ông giáo không hiểu hết con người lão là hoàn toàn dể hiểu.

    Nhưng để có thể làm nổi bật toàn bộ vẻ đẹp nhân cách của lão Hạc, Nam Cao đã cho người đọc cảm nhận qua cái nhìn của ông giáo. Ông giáo là người bạn, luôn bên cạnh đồng hành cùng lão Hạc, phải chẳng ông giáo là người thấu hiểu lão nhất. Lớp lang câu chuyện dần dần hé mở giúp bạn đọc hiểu rõ toàn bộ câu chuyện.

    Ban đầu ông giáo cho lão Hạc chỉ là một ông già lẩm cẩm, đối với một con chó lại lưu luyến quá mức. Những lần lão Hạc thông báo với ông giáo sẽ bán con chó, mặt ông vờ như là chú tâm, nhưng thực tế “lòng tôi rất dửng dửng” vì đã nghe câu ấy quá nhiều lần, bởi chẳng bao giờ lão Hạc sẽ bán đi cậu Vàng. Và phũ phàng hơn ông giáo còn cho rằng: “Và lại, có bán thật nữ thì sao? Làm quái gì một con chó mà lão có vẻ băn khoăn quá thế”. Và lão quý con vàng chắc gì đã “thấm vào đâu với tôi quý năm quyển sách của tôi” . Nhưng để rồi sau đó nghe những lời bộc bạch, tâm tình của lão Hạc thì ông giáo đã hiểu, thì ra cậu Vàng không đơn thuần chỉ là một con chó, mà nó còn là kỉ vật do con trai lão để lại, là người bạn để lão giải khuây khi buồn, khi nhớ con.

    Hành trình tìm hiểu bản chất con người lão Hạc tiêp tục khi ông giáo nhận được thông báo lão Hạc đã bán cậu Vàng. Lão cố làm ra vẻ vui mừng, nhưng kì thực lão cười như mếu, đôi mắt ầng ậng nước, và khi không thể kìm nén cảm xúc nữa, lão bưng mặt khóc như một đứa trẻ. Ông giáo thực sự thấu hiểu và cảm thông cho hoàn cảnh của lão. Từng bước một ông giáo ngày càng hiểu hơn con người đáng kính trọng này. Nghe những lời tâm sự của lão Hạc, giao lại mảnh vườn nhờ ông giáo giữ hộ cho con, đưa tiền cho ông giáo để làm ma chay không phiền lụy hàng xóm. Ông mới cảm nhận được hết tình mẫu tử thiêng liêng và lòng tự trong sâu sắc trong con người lão Hạc. Có lẽ làm bạn với nhau lâu năm, nhưng phải đến giờ phút này ông giáo mới hiểu được con người lão Hạc.

    Phần cuối truyện có những bước ngoặt lớn trong quá trình tìm hiểu lão Hạc. Khi ông giáo hay tin lão Hạc xin bả chó, ông giáo đau đớn, bởi đến bước đường cùng “lão cũng có thể làm liều như ai hết” và “cuộc đời quả thật cứ mỗi ngày một thêm đáng buồn” . Nhưng khi chứng kiến cái chết đau đớn, dữ dội của lão Hạc, ông giáo đã hiểu ra mọi chuyện: “Không! Cuộc đời chưa hẳn đã đáng buồn, hay vẫn đáng buồn nhưng lại đáng buồn theo một nghĩa khác”. Cái chết của lão Hạc đau đớn, vật vã, dữ dội đã giúp ông giáo cũng như toàn thể người đọc hiểu rõ phẩm chất trong sạch, nhân cách cao đẹp của lão Hạc

    Quả thực, cuộc đời này vốn lắm đa đoan, phức tạp. Để thấu hiểu và cảm thông cho mỗi số phận, hoàn cảnh cần có cái nhìn linh hoạt, toàn diện. Lời triết lí của Nam Cao tuy ngắn gọn nhưng lại có ý nghĩa sâu sắc cho muôn đời, muôn thế hệ sau trong cách hành xử, đánh giá mọi sự việc, mọi vấn đề trong cuộc sống.

shoppe