Phân tích nhân vật ông giáo trong "Lão Hạc" của Nam Cao.
Đề bài
Đề bài: Phân tích nhân vật ông giáo trong "Lão Hạc" của Nam Cao
Hướng dẫn giải
Mỗi nhân vật trong truyện ngắn Lão Hạc của nhà văn Nam Cao là một mảnh đời, một số phận. Ta thương cảm xót xa cho cái chết đầy đau đớn dữ dội của lão Hạc, nhưng cũng không quên đi một ông giáo đầy bất hạnh. Nung nấu trong mình những ý định lớn lao, nhưng tất cả đều sụp đổ bởi “cơm áo không đùa với khách thơ”.
Hai tiếng ông giáo đầy kính trọng, thiêng liêng. Ở cái đất quê mùa, ít học ấy mấy ai được người đời tôn xưng là ông giáo. Đó phải là người hiểu luân lí, lắm chữ nghĩa mới được gọi như vậy. Và ông giáo chính là một người như vậy.
Dưới sự giới thiệu của Nam Cao, người đọc được biết đôi nét về tiểu sử của ông giáo. Thời trẻ ông giáo là một người chăm chỉ, ham học hỏi, sống có mục đích, lí tưởng, thứ ông quý hơn sinh mạng của mình chính là những cuốn sách. Nhưng cuộc sống đưa đẩy, đầy éo le, vào Sài Gòn lập nghiệp không được bao lâu, ông giáo ốm, trận ốm ấy đã khiến ông bán gần hết những gia sản mình có và mang về được một va li sách. Nếu như lão Hạc yêu quý cậu Vàng như thế nào thì ông lão cũng nâng niu những cuốn sách của mình như vậy. Nhưng lấy vợ, rồi cái nghèo cứ đeo bám, ông bán dần bán mòn những quyển sách của mình và giữ lại đúng năm quyển, tự hứa sẽ không bán chúng đi nữa. Nhưng cuộc đời cũng thật biết trêu đùa, con ông ốm đau, sài đẹn, ông phải làm sao? Đành bán vợi, bán dần những cuốn còn lại kia. Cuộc đời của ông giáo cũng chính là một bi kịch khác, bi kịch của một người trí thức nghèo.
Ông giáo còn là một người có tâm lòng nhân hậu, luôn biết yêu thương và san sẻ với mọi người. Ông giáo là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho lão Hạc. Ông giao là nơi để lão Hạc chia sẻ tâm sự, vợi bớt đi bao nỗi buồn, đặc biệt là tư ngày con lão Hạc bỏ đi đồn điền cao su. Những bức thư con lão gửi về cũng chính là ông giáo đọc, để lão thỏa vơi nỗi nhớ con. Rồi khi lão Hạc bán chó, đau đớn, xót xa, tự trách mình, cũng chính ông giáo đã ở bên an ủi, động viên: “Chẳng kiếp gì sung sướng thật, nhưng có cái này là sung sướng: bây giờ cụ ngồi xuống phản này chơi, tôi đi luộc mấy củ khoai lang, nấu một ấm nước chè tươi thật đặc; ông con mình ăn khoai, uống nước chè, rồi hút thuốc lào… Thế là sướng”. Đối với ông giáo, lão Hạc là một người thân trong gia đình, ông thương cảm cho số phận bất hạnh của lão Hạc, vợ mất, một mình gà trống nuôi con, nay lại lụi cụi một mình khi đứa con trai bỏ đi. Lão Hạc nào có ai bên cạnh chăm sóc, ngoài sự quan tâm, sẻ chia của ông giáo.
Dù gia cảnh cũng không khấm khá gì hơn lão Hạc. Nhưng nhìn cảnh lão Hạc sau khi gửi tiền tang ma sau này và giao mảnh vườn lại để cho con, phải ăn uống kham khổ, lấy củ khoai, củ ráy ăn thì ông giáo động lòng thương cảm muốn giúp đỡ. Ông giúp bằng chính cái tâm của mình, nhưng lại bị lão Hạc từ chối gần như là hách dịch. Ông hiểu lắm, bởi lão là người có lòng tự trọng, nên không muốn ai thương hại mình. Cái chết của lão Hạc cũng làm ông giáo bàng hoàng đau đớn. Đến bấy giờ ông mới thực sự hiểu hết con người lương thiện, nhân cách cao đẹp của lão Hạc: “Lão Hạc ơi! Lão Hạc ơi! Lão hãy yên lòng mà nhắm mắt. Lão đừng lo gì cho cái vườn của lão. Tôi sẽ cố giữ gìn cho lão. Đến khi con trai lão về, tôi sẽ trao lại cho hắn và bảo hắn: Đây là cái vườn mà ông cụ thân sinh ra anh đã cố để lại cho anh trọn vẹn; cụ thà chết chứ không chịu bán đi một sào…”.
Ông giáo cũng là người rất hiểu chuyện, nắm bắt rõ tâm lí con người. Khi ông đem chuyện lão Hạc kể với vợ, mụ vợ gắt phắt đi vì cho rằng chính lão tự làm lão khổ nên mặc kệ lão. Ông giáo không trách vợ bởi: “Vợ tôi không ác nhưng thị khổ quá rồi. Một người đau chân có lúc nào quên dược cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu?Khi người ta đau khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa. Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau, ích kỉ che lấp mất”.
Ông giáo là nhân vật tư tưởng của nhà văn Nam Cao, ông đại diện cho Nam Cao phát biểu những suy nghĩ, quan niệm nhân sinh ở đời. Xây dựng nhân vật với chiều sâu tâm lí cho thấy biệt tài của tác giả, đồng thời cũng thể hiện niềm cảm thong sâu sắc của Nam Cao với những trí thức nghèo đương thời.