Đăng ký

Phân tích vở kịch Ông Giuốc đanh mặc lễ phục

2,429 từ Văn mẫu

Đề bài: Phân tích vở kịch Ông Giuốc đanh mặc lễ phục

Bài làm

Vở hài kịch ‘Trưởng giả học làm sang” là một trong những kiệt tác của Mô- li-e, kịch tác gia vĩ đại của nước Pháp trong thế kỉ XVII. Vở hài kịch này gồm 5 hồi, mỗi hồi là những trận cười nổ ra tưởng như vô tận.

Sau lớp 4 của hồi 2 (Ông Giuốc-đanh muốn trở thành nhà bác học) là lớp 5 (Ông Giuốc-đanh mặc lễ phục). Muốn trở thành quý tộc thì phải giỏi, phải hiểu biết về triết, về ngôn ngữ học, phải biết viết thư tình,... Vẫn chưa đủ. Còn phải sang trọng, phải có lễ phục. Vì thế ông Giuốc-đanh đa ném vàng bạc ra, mua loại vải hoa cực tốt, thuê thợ may bộ lễ phục “đẹp nhất triều đình”, phải sắm đủ tất, giày thứ hảo hạng !

Cảnh thứ nhất có 32 lời thoại giữa ông Giuốc-đanh và gã phó may. Vì háo hức muốn được mặc lễ phục, nên khi phó may xuất hiện, ông Giuốc-đanh vừa vui mừng reo lên, vừa trách móc: “A ! Bác đã tới đấy à ? Tôi sắp phát khùng lên vì bác đấy”.

Vốn là kẻ lắm tiền, thích học đòi làm sang, nhưng ngờ nghệch nên ông Giuốc-đanh đã lần lượt bị gã phó may mơn trớn, lừa bịp. Mọi thứ mà trưởng giả gửi mua, thuê may, nhận về đều là hàng rởm. Bít tất lụa quá chật, mới xỏ chân vào đã đứt mất hai mắt rồi ! Đôi giày không đúng số, đúng cỡ làm chân. Rất buồn cười là khi nghe phó may biến báo bít tất "rồi nó sẽ dãn ra" thì ông Giuốc-đanh ngớ ngẩn phụ họa: “Phải, nếu  tôi cứ làm đứt các mắt thì sẽ rộng thật”. Nghe phó may giải thích: đôi giày không làm ngài đau mà chỉ vì tưởng tượng ra thế” thì vị trưởng giả vừa phân bua vừa hể hả: "Tôi tưởng tượng ra thế vì tôi thấy thế. Bác này lí luận hay nhỉ? Chân to mà giày nhỏ thì đi vào sẽ đau chân; đau chân là cảm giác. Không phân biệt được cảm giác với tưởng tượng là do ngu dốt, ngờ nghệch. Gã phó may dùng hai chữ "Tưởng tượng” là ngụy biện, lừa bịp ,thế mà con người mới thụ giáo thầy triết để làm nhà bác học vẫn nghe rất xuôi tai !

Xem thêm Soạn bài Ông Giuốc đanh mặc lễ phục

Tóm tắt vở kịch Trưởng giả học làm sang của Mô-li-e

Lễ phục quý tộc, đúng mốt thời thượng ở Pháp trong thế ki 16, 17 là may bằng vải hoặc len, dạ màu đen, may xuôi hoa, nhưng bộ lễ phục của ông Giuốc đanh tuy “đẹp nhất triều đình”,  “may vừa mắt nhất", "trang nghiêm mà không phải màu đen,thật là tuyệt tác!”.Oái oăm thay, bộ lễ phục lại may "hoa ngược mất rồi !”. Nghe gã phó may biến báo là “những người quý phái đều mặc như thế này cả”, thì ông Giuốc-đanh rối rít hỏi lại với tất cả sự ngờ nghệch đến hồn nhiên: "người quý phái mặc áo ngược hoa ư ? Ồ ! Thế bộ này may được đấy!

Rồi ông Giuốc đanh hỏi phó may về chiếc áo "có vừa vặn" không, bộ tóc giả và lông đính mũ có được chững chạc không? Khi phát hiện ra gã phó may đã cắt xén vải may lễ phục để may áo mặc, ông Giuốc đanh cất lời trách móc nhưng đã bị gã biến báo đánh trống lảng bằng cách mời ông ta mặc thử bộ lễ phục! Lão phó may tinh quái đã "lấy dây xỏ mũi" ông Giuốc đanh mà dắt đi!

Sau cảnh ông Giuốc-đanh mặc lễ phục là cảnh xin tiền, moi tiền của bọn thợ phụ đi theo phó may. Cảnh này chỉ có 10 lời thoại. Mô-li-e đã giễu cợt, châm biếm thói háo danh, ưa phỉnh nịnh của ông Giuốc-đanh. Bọn thợ phụ xin tiền thưởng sau khi đã mặc lễ phục cho ông ta. Ông Giuốc-đanh giờ đây đâu còn là trưởng giả nữa. Gã đã trở thành công, bìm bịp đã hóa nên phượng hoàng rối! Bộ lễ phục may ngược hoa đã làm cho ông ta trở nên sang trọng, trở thành quý phái có thể gia nhập tầng lớp quý tộc rồi ! Vốn biết tâm lí ông Giuốc-đanh, bọn thợ phụ xúm vào tâng bốc lão trưởng giả ngờ nghệch hám danh lên tận mây xanh để để moi tiền ! Chỉ ba tiếng “Bẩm ông lớn”chúng đã làm cho Giuốc-đanh vô cùng hả dạ. Rất hào phóng: “Đây, ta thưởng về tiếng “ông lớn" đây này !”. Bọn thợ phụ lại tung hô: “Bẩm cụ lớn, anh em chúng tôi đội ơn cụ lớn lắm lắm”. Quá cảm động, quá sung sướng, hay nhờ thầy triết dạy ngôn ngữ, dạy phát âm, dạy viết thư tình mà ông Giuốc-đanh nói rất kiểu cách: “Cụ lớn”, ồ, ồ, cụ lớn!... Cái tiếng “cụ lớn" đáng thưởng lắm. “Cụ lớn" không phải là một tiếng tầm thường đâu nhé”... Bọn thợ phụ đã được “cụ lớn" thưởng! Bọn thợ phụ ranh ma lại tôn Giuốc-đanh thành “Đức ông!". Hả hê lắm, khoái chí lắm, kẻ háo danh đắc chí nói, cười: Lại “Đức ông" nữa! “Hà hà! Hà hà!". Thật buồn cười là khi lão Giuốc-đanh vừa móc túi lấy tiền thưởng cho bọn thợ phụ, vừa nói riêng với mình. Giuốc-đanh như vừa mê vừa tính, vừa khoái chí được tâng bốc là “Đức ông" nhưng cũng vừa tự biết: “Của đáng tội, nếu nó tôn ta lên bậc tướng công, thì nó sẽ dược cả túi tiền mất". Cảnh bọn thợ phụ “tôn vinh" lão trưởng giả từ “ông lớn” lên “cụ lớn” rồi trở thành “Đức ông”, Mô-!i-e đã nâng cao dần kịch tính làm nổ ra những trận cười châm biếm thói hợm hĩnh, háo danh, ưa phỉnh nịnh, thích được tâng bốc của bọn quý tộc phong kiến lỗi thời, bọn tư sản đang lên nhưng chứa đáy ung nhọt!

Cảnh ông Giuốc-đanh mặc lễ phục đã diễn ra tại tư dinh ông ta. Bên cạnh lão trưởng giả còn có gã phó may, một kẻ ranh ma bịp bợm; bọn thợ phụ giỏi hót, khéo moi tiền. Qua những nhân vật này, Mô-li-e đã châm biếm, giễu cợt và đả kích sự ngu dốt ngờ nghệch, thói háo danh vô cùng lố bịch của Giuốc-đanh, điển hình cho bọn trưởng giả học đòi quý tộc, học làm sang. Tiếng cười trong hài kịch của Mô-li-e là tiếng cười có giá trị phê phán sâu sắc, mang ý nghĩa xã hội rất tiến bộ.

Lớp 5 của hồi 2 đã khép lại bằng những trận cười mà khán giả thú vị hướng về “Đức ông" xúng xính trong bộ lễ phục may ngược hoa! Chân tướng một kẻ trưởng giả học làm sang vừa ngu dốt vừa háo danh, một gã phó may láu lỉnh, bịp bom. một bọn thợ phụ ranh ma hiện ra một cách sinh động. Một cuộc hội ngộ hiếm có đã thể hiện nghệ thuật châm biếm bậc thầy của Mô-li-e, tạo nên những trận cười thoải mái cho khán giả đang hồi hộp, đang thích thú, đang suy ngẫm vể những trò lố bịch của tên trưởng giả học làm sang! Ở đây, sân khấu cũng là cuộc đời!

 

shoppe