Phân tích Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu - Ngữ văn 12
Với bài Chiếc thuyền ngoài xa của nhà văn Nguyễn Minh Châu, Cunghocvui.com xin gửi đến các bạn bài phân tích Chiếc thuyền ngoài xa, cụ thể là phân tích tình huống truyện Chiếc thuyền ngoài xa hay nhất. Cùng tham khảo qua bài viết dưới đây nhé!
Bài làm
Để một truyện ngắn được coi là thành công thì nó hẳn phải ghi được dấu ấn đậm nét bởi thông điệp và nội dung mà nó truyền tải đến với người đọc. Những thứ làm nên thành công của một truyện ngắn có thể kể đến như là các nhân vật, phong cách ngôn ngữ của tác giả, giá trị hiện thực hay giá trị nhân đạo.... Nhưng yếu tố mạnh mẽ nhất có thể kể đến là tình huống truyện. Truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của nhà văn Nguyễn Minh Châu đã thành công trong việc xây dựng một tình huống truyện vô cùng độc đáo, làm hiện lên sự đối lập giữa nghệ thuật và cuộc đời. Đọc Chiếc thuyền ngoài xa, người đọc không chỉ cảm thấy ấn tượng với tình huống truyện mà còn nhận ra được một bài học, một nhận định sâu sắc về cuộc đời.
“Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu được sáng tác vào tháng 8/1983, lúc đầu được in trong tập “Bến quê”, sau đó có vinh dự được nhà văn dùng để đặt tên cho cả tập truyện ngắn, xuất bản năm 1987. Đây là thời kì cả nước đang xây dựng xã hội mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội cho nên Nguyễn Minh Châu cũng có những nét cảm nhận về cuộc sống mới, thời kì mới.
Xem thêm Tóm tắt Chiếc thuyền ngoài xa
Dàn ý phân tích Chiếc thuyền ngoài xa
Tình huống truyện là hoàn cảnh diễn ra sự việc của câu chuyện. Tình huống truyện có thể nêu ra thời gian, không gian, lí do, địa điểm, bản chất của sự việc đó. Tình huống truyện có thể được chia ra làm ba loại, đó là tình huống truyện hành động - khắc họa những chuyển biến trong hành động, cảm xúc của nhân vật, tình huống truyện tâm trạng - bộc lộ nội tâm nhân vật, những diễn biến tâm trạng của nhân vật trong hoàn cảnh đó và tình huống truyện nhận thức - thể hiện những sự thay đổi rõ rệt trong nhận thức của nhân vật đối với ngoại cảnh hay đối với chính bản thân nhân vật thông qua tình huống truyện. Có thể nói, tình huống truyện trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của nhà văn Nguyễn Minh Châu là thể loại tình huống truyện nhận thức: Thông qua cảnh con thuyền và cảnh người đàn ông đánh vợ đã làm gợi ra cho nhân vật Phùng những thay đổi trong cái nhìn về cuộc sống.
Truyện ngắn bắt đầu với hình ảnh nhân vật Phùng - một nhiếp ảnh gia được trưởng phòng cử đi chụp bộ ảnh cho tờ lịch năm mới. Phùng đã túc trực trên biển nhiều ngày để săn được những cảnh đẹp nhất cho tác phẩm của mình. Cuối cùng, mọi sự chờ đợi của Phùng được đền đáp bởi anh đã thấy "một cảnh đắt trời cho" từ phía xa xa. Tình huống truyện cũng bắt đầu được bộc lộ từ đây. Phùng đang đi dạo trên bờ biển vào sáng sớm thì anh bỗng thấy phía xa xa thấp thoáng một con thuyền lúc ẩn, lúc hiện trong màn sương sớm. Trước mặt Phùng là "một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ. Mũi thuyền in một nét mơ hồ lòe nhòe, trong bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào". Cuộc đời Phùng đã đi nhiều nơi, thấy nhiều cảnh tượng đẹp đẽ của đất trời nhưng chưa bao giờ Phùng thấy một cảnh đẹp tuyệt vời đến thế. Cảnh con thuyền ngoài xa với ánh nắng và màn sương sớm như một bức tranh của tạo hóa, nó hài hòa về bố cục, hòa hợp về màu sắc, lại không có một chút bất hợp lí nào. Đứng trước cái đẹp, làm sao con người ta có thể dửng dưng mà lơ đi được, Phùng ngạc nhiên, hạnh phúc "như có gì đó bóp thắt vào", toàn bộ trái tim và tâm hồn Phùng đã trao trọn cho vẻ đẹp ấy. Thật nhanh tay, Phùng bấm máy liên tục để không bỏ lỡ khoảnh khắc có một không hai này. Có thể nói, nhà văn Nguyễn Minh Châu đã làm hiện lên trước mắt người đọc, trước mắt nhân vật một khung cảnh thiên nhiên có giá trị nghệ thuật cao, là một cảnh đắt giá hiếm khi có được. Hẳn là với mỗi một người khi được chứng kiến thì cũng đều thấy rung động, choáng ngợp vô cùng.
Nhưng cái hay và cái tinh tế của nhà văn là ở chỗ, ông đã đặt cái đẹp toàn diện và hoàn thiện ấy vào một hiện thực đời sống phũ phàng, đối lập với cái thiện là cái ác, đẩy tình huống truyện lên cao trào. Khi con thuyền cập bến, trước mắt Phùng hiện ra cảnh một người đàn ông đang đánh đập người vợ của mình một cách dã man. Càng miêu tả thiên nhiên say đắm bao nhiêu, nhà văn càng lột tả hiện thực tàn bạo bấy nhiêu, anh hàng chài: "mặt đỏ gay, lão rút trong người ra một chiếc thắt lưng của lính ngụy ngày xưa... quật tới tấp vào lưng người đàn bà, hắn vừa đánh vừa thở hồng hộc, hai hàm răng nghiến ken két, cứ mỗi nhát quất xuống lão lại nguyền rủa bằng cái giọng rên rỉ đau đớn: “Mày chết đi cho ông nhờ. Chúng mày chết hết đi cho ông nhờ!" Chao ôi! Phùng không tin vào mắt mình nữa, anh ngạc nhiên, sững sờ đến mức "trong mấy phút đầu cứ há hốc mồm ra mà nhìn", phải chăng nhân vật Phùng lúc này đang thường trực biết bao nhiêu câu hỏi như: "Đây là hiện thực bên trong con thuyền đẹp đẽ kia ư?", "Tại sao người đàn ông lại có thể vũ phu, ngược đãi vợ con mình đến như vậy?". Đứa con thấy mẹ bị đánh cũng lao vào, giằng lấy cái thắt lưng trong tay bố để bảo vệ mẹ. Những hiện tượng bạo lực gia đình vốn không phải là điều gì lạ trong xã hội nhưng đặt trong hoàn cảnh của nhân vật Phùng sau khi vừa tận hưởng cái đẹp của tự nhiên lại phải chứng kiến hiện thực trần trụi và phũ phàng này thì đó quả thật là hai thái cực hoàn toàn đối lập, khiến con người ta không tin vào mắt mình. Từ cao trào của tình huống này, Nguyễn Minh Châu gửi gắm vào đó quan niệm về nghệ thuật, về cái đẹp với hiện thực của đời sống. Rằng nghệ thuật phải gắn liền với cuộc sống, nghệ thuật không thể là ánh trăng lừa dối, nó nên được xuất phát từ chính những gì xảy ra trong xã hội, dù đó là những sự thật đau đớn, tàn khốc nhất. Hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa là hiện thân cho nghệ thuật, còn hiện thực chính là cảnh người đàn ông đang đánh vợ con của mình. Nhân vật Phùng từ đó cũng có những thay đổi trong suy nghĩ, rằng nghệ thuật phải giúp cải tạo cuộc sống tốt đẹp hơn, chứ không phải xây dựng cho con người ta những niềm tin mơ hồ trong tưởng tượng.
Sự đối lập này càng trở nên buồn bã hơn khi người đàn bà hàng chài kia được mời lên chánh án huyện. Mặc cho lời khuyên ngăn của Đẩu - chánh án huyện, cũng là bạn của Phùng - và chính Phùng thì người đàn bà ấy vẫn không chịu bỏ người chồng vũ phu, tệ bạc kia. Người đàn bà kể cho mọi người nghe về câu chuyện của cuộc đời mình, rằng :"lòng chú tốt nhưng các chú đâu có phải là người làm ăn...cho nên các chú đâu có thể hiểu được cái việc của các người làm ăn lam lũ, khó nhọc...", "là bởi các chú không phải là đàn bà, chưa bao giờ các chú biết như thế nào là nỗi vất vả của người đàn bà trên một chiếc thuyền không có đàn ông...Đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không phải sống cho mình như ở trên đất được! Mong các chú lượng tình cho cái sự lạc hậu. Các chú đừng bắt tôi bỏ nó!" Trước sự tình ấy, mọi người mới hiểu ra rằng họ không phải là người trong cuộc, dù họ có muốn tốt cho người đàn bà kia thì chưa chắc điều đó đã thật sự đúng đắn. Một nhiếp ảnh gia chỉ làm công việc nghệ thuật, một chánh án quyền cao chức trọng trên tòa đâu có bao giờ phải đêm ngày chèo thuyền ra khơi đánh bắt, họ đâu có hiểu được sự cực nhọc và vất vả nếu không có một người trụ cột gánh vác.... Số phận của người đàn bà lênh đênh như cuộc sống trên biển vốn có của chị vậy. Ta mới thấy thêm thấm thía từng cách kể chuyện và xây dựng tình huống truyện độc đáo của nhà văn Nguyễn Minh Châu.
Nghịch lí của cuộc đời thật tàn nhẫn, khiến cho con người ta dù tinh tường đến mấy cũng khó có thể hiểu được, huống hồ là muốn giải quyết được nó. Những lời của người đàn bà càng giúp cho Phùng thấu hiểu được những quan niệm về cuộc đời của mình trước kia chưa hẳn là đúng, mình cần có một cái nhìn toàn diện hơn, nhìn sự vật thông qua các khía cạnh chứ không chỉ đánh giá qua vẻ bề ngoài của nó. Tình huống truyện vừa có ý nghĩa cho việc nhìn nhận thực tế, vừa gợi những suy nghĩ sâu xa về cuộc đời. Quả thật là vô cùng độc đáo và giá trị.
Thông qua truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa, nhà văn Nguyễn Minh Châu muốn gửi gắm quan điểm của mình về nghệ thuật, rằng nghệ thuật luôn luôn phải gắn liền với thực tế đời sống, phản ánh đời sống để giúp cải thiện cuộc đời, đừng vẽ ra những thứ phù phiếm, ảo mộng quá đẹp đẽ để con người ta trở nên lầm tưởng giữa những gì được khắc họa với sự thật của cuộc đời. Ông sẽ dùng quan điểm đó để viết văn, để phục vụ cho sự nghiệp văn chương của mình. Mỗi chúng ta luôn thấy trân trọng từng tác phẩm của Nguyễn Minh Châu bởi mỗi tác phẩm không chỉ thể hiện lên câu chuyện cá nhân mà còn là câu chuyện của toàn xã hội, của chính những người đọc như chúng ta.
Với bài phân tích Chiếc thuyền ngoài xa, cụ thể là phân tích tình huống truyện Chiếc thuyền ngoài xa, Cunghocvui.com hy vọng tài liệu này sẽ giúp ích cho việc cảm thụ và bình luận văn chương của các bạn học sinh. Chúc các bạn học tập tốt!