Phân tích Bài thơ về tiểu đội xe không kính - Ngữ văn 9
“Bài thơ về tiểu đội xe không kính” là một trong những đứa con thơ tiêu biểu của Phạm Tiến Duật . Cùng Cunghocvui.com phân tích Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật, về hình ảnh người lính lái xe Trường Sơn trong những năm chiến tranh chống Mĩ cứu nước đầy khốc liệt. Mong tài liệu tham khảo này sẽ giúp ích các bạn.
Hình ảnh về những chiếc xe không kính
Đề bài: Hãy phân tích bài thơ về tiểu đội xe không kính ngắn gọn
A. Dàn ý phân tích bài thơ về tiểu đội xe không kính
1. Mở bài: Giới thiệu về nhà thơ Phạm Tiến Duật và “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”
2. Thân bài
Phần 1: Hình ảnh những chiếc xe không kính
Phần 2: Hình ảnh người lính lái xe
3. Kết bài
B. Phân tích Bài thơ về tiểu đội xe không kính hay nhất
Cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước của dân tộc ta không chỉ là một bản anh hùng ca bất diệt mà nó còn phả vào trong văn chương một luồng không khí mới, góp phần làm phong phú thêm thế giới văn chương cách mạng. Trong khí thế “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai” ấy, nhân dân miền Bắc đã không ngừng chi viện cho miền Nam ruột thịt về cả vật chất lẫn tinh thần. Những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi trùng trùng điệp điệp nối nhau ra tiền tuyến ngày đêm và Phạm Tiến Duật cũng có mặt trong hàng ngũ ấy. Hiện thực cuộc chiến đã tôi luyện cho ông một tinh thần lạc quan, yêu đời. Và “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” là một trong những tác phẩm thể hiện rõ nhất tinh thần ấy của ông.
Phạm Tiến Duật được mệnh danh là nhà thơ của Trường Sơn, là thi sĩ huyền thoại của đường mòn Hồ Chí Minh trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước. Quãng đời gắn bó với Trường Sơn huyền thoại là quãng đời đẹp nhất trong thơ Phạm Tiến Duật. Ông từng bộc bạch rằng đó là cuộc phiêu bạt lớn của số phận. Khói lửa Trường Sơn đã thấm đượm trong thơ ông qua hình ảnh những chiến sĩ mở đường, những người lái xe. Thơ Phạm Tiến Duật không đi vào lòng bạn đọc bằng những hình ảnh lãng mạn, du dương hay bằng ngôn ngữ trau chuốt, cầu kỳ âm điệu du dương, nhẹ nhàng và êm ái. Thơ Phạm Tiến Duật say mê lòng người bởi sự sống động, tự nhiên, gân guốc, táo bạo và độc đáo. “Thơ ông mang hơi thở của cả một thời đại nhưng bằng một khí phách ngang tàng, chất bụi bặm và kiêu bạc của người lính thời chống Mỹ” ( Nguyễn Văn Thọ). Và “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của ông, thể hiện một khí phách ngang tàn, hồn nhiên của người sĩ lái xe, in trong tập “Vầng trăng quầng lửa” (1970).
Nhà thơ Phạm Tiến Duật - Thi sĩ của Trường Sơn
“Bài thơ về tiểu đội xe không kính” được Phạm Tiến Duật sáng tác vào năm 1969 - khi cuộc chống Mỹ đang diễn ra vô cùng ác liệt. Máy bay giặc Mỹ trút hàng ngàn, hàng vạn tấn bom đạn và chất độc hóa học xuống con đường chiến lược mang tên con đường Hồ Chí Minh. Trên con đường rừng Trường Sơn huyết mạch và nổi tiếng với tên gọi “đường mòn Hồ Chí Minh”, những chiếc xe thuộc đơn vị vận tải vẫn lao nhanh ra chiến trường tiếp viện cho miền Nam ruột thịt. Những chiếc xe và chiến sĩ lái xe trở thành quen thuộc, đáng yêu và trở thành nguồn cảm hứng để Phạm Tiến Duật chắp bút, viết nên những vần thơ về hình ảnh vô giá này.
Khơi nguồn cảm hứng bằng hình ảnh những chiếc xe “không kính” độc đáo và bằng tài năng của mình, Phạm Tiến Duật đã khắc họa thành công hình ảnh độc đáo ấy. Bên trong vỏ ngoài tưởng chừng như đổ nát, thiếu thốn về vật chất ấy là một khí phách ngang tàn, một trái tim nhiệt huyết, lạc quan của những người lính trẻ.Mở đầu bài thơ, tác giả đã đưa ra lý do về những chiếc xe không kính bằng những ngôn ngữ tự nhiên, giản dị nhưng lại pha một chút ngang tàn:
“Không có kính không phải vì xe không có kính”
Câu thơ nghe qua như một lời kể, lời tâm sự. Cấu trúc điệp từ “không” vừa nhấn mạnh tính phủ định, vừa thể hiện sự hóm hỉnh, hồn nhiên của những người lính lái xe Trường Sơn. Và vô hình trung, những chiếc xe không kính ấy trở thành biểu tượng của mảnh đất Trường Sơn. Lời giải thích cho những chiếc xe không kính độc đáo ấy cũng chân thực như lột tả hình ảnh bằng ngôn từ:
“Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi”
Điệp từ “bom” kết hợp với các động từ mạnh như “giật”, ”rung”đã tái hiện lại không khí, tính chất khốc liệt, gay go của cuộc chiến, lộ rõ bản chất hung bạo, ngông cuồng của đế quốc, bất chấp theo đuổi mục đích phi nghĩa bằng mọi giá. Bao nhiêu tấn bom đạn dội xuống mảnh đất Trường Sơn để tàn phá con người và thiên nhiên, làm lung lay ý chí quật cường, tinh thần quyết chiến của những chàng trai trẻ. Bom giật, bom rung làm những chiếc kính vỡ tan tành. Những lời thơ như toát ra một sự bình thản của người cầm lái:
Ung dung buồng lái ta ngồi
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng
Từ “ung dung” đặt trong phép đảo ngữ như đang diễn tả thái độ tự tin, bình tĩnh, không một chút nao núng, run sợ của người chiến sĩ. Hai chữ “ta ngồi” với điệp từ nhìn lặp lại ba lần thể hiện một phong thái đĩnh đạc, mạnh mẽ. Không màng đến những thiếu thốn về vật chất, sự hiểm nguy nơi chiến trường khốc liệt, những chàng trai mặc áo lính vẫn lên đường để hoàn thành nhiệm vụ. Trạng thái đối lập giữa hoàn cảnh khốc liệt của chiến tranh và tâm thế của những con người cầm lái càng làm rõ hơn phẩm chất của anh bộ đội cụ Hồ: gan dạ, đầy khí chất.
Câu thơ toát lên sự nhịp nhàng, thăng bằng của chiếc xe đang bon bon trên tuyến đường Trường Sơn và thái độ ngoan cường của những người lính trẻ. Nó đã khắc sâu vào trong tâm khảm về một hình tượng người lính “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” - một vẻ đẹp sáng ngời tỏa ra từ tâm hồn. Cách nhìn chăm chú đó biểu lộ niềm yêu thương của anh với thiên nhiên và cuộc sống, sự quyết tâm vững vàng trong nhiệm vụ. Bởi thế, mặc cho sự thét gào của bom đạn, các anh vẫn cứ tiến lên, tiến về phía trước, phía ánh sáng của độc lập, tự do.
Trong mỗi chiếc xe, kính là bộ phận bảo vệ để ngăn bên trong buồng lái với thế giới bên ngoài. Nhưng giờ đây, các anh như được hòa mình vào với thiên nhiên, với không khí của cuộc chiến bên ngoài:
Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng
Thấy con đường chạy thẳng vào tim
Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Như sa, như ùa vào buồng lái
Cảm giác của người chiến sĩ về cơn gió là cảm giác trực diện. Anh không chỉ cảm thấy mà còn nhìn thấy cả những cơn gió vô hình. Để làm giảm bớt vị đắng, sự khó chịu nơi con mắt bởi những ngày đêm thức trắng để lái xe không nghỉ, anh đã cho chị gió xoa mắt đắng, xoa nó đi để rồi ngày mai anh đi tiếp, đi tiếp về tương lai. Sự liên tưởng ấy thật đẹp và thật độc đáo khi chiếc xe lao tới, con đường lúc ấy như chạy ngược về phía trước. Sự tin tưởng phù hợp với tấm lòng của người lái, đó là tấm lòng nhiệt tình, hăng say trong nhiệm vụ. Trái tim người chiến sĩ luôn luôn dạt dào tình yêu Tổ quốc, quê hương mà đặc biệt là con đường thân thuộc, gần gũi, con đường hứng chịu bao bom đạn máu lửa. Chiếc xe vẫn cứ lao nhanh, lao xa đi mãi, tiến lên phía trước vì miền Nam ruột thịt.
Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Như sa như ùa vào buồng lái
Dù sống chung với cuộc kháng chiến đầy mưa bom, bão đạn nhưng không vì thế mà những người lính trẻ sống trong lo âu, sợ hãi mà tâm hồn họ vẫn tràn đầy sự lãng mạn, bay bỗng khi anh mở rộng tầm mắt, quan sát từ bên trong qua những ô cửa kính vỡ để thấy sao trời, thấy cánh chim. Có lẽ tâm hồn các anh phải hân hoan, phơi phới yêu đời lắm nên mới có được cảm nhận được những cánh chim như sa, như ùa vào khoang buồng lái để trò chuyện tâm tình với họ. Nếu từ “nhìn thấy” diễn tả tâm thế chủ động của người chiến sĩ đối với cảnh vật thiên nhiên bên ngoài thì điệp từ “thấy” lại nhấn mạnh đến sự xuất hiện bất ngờ, mau lẹ, “đột ngột” của cánh chim đêm. Một ngôi sao trên bầu trời, một cánh chim lạc đàn cũng làm anh chú ý và xao xuyến. Nhịp thơ trở nên nhanh gấp, sôi nổi thể hiện tâm hồn yêu đời, yêu thiên nhiên, sự lạc quan của người chiến sĩ giải phóng quân thời chống Mĩ. Đối với người chiến sĩ lái xe, chiếc xe “không kính” đem lại những cảm giác khi lao đi. Nhưng đó cũng là nguyên nhân gây ra hậu quả:
Không có kính, ừ thì có bụi
Bụi phun tóc trắng như người già.
Không có kính, ừ thì ướt áo
Mất đi bộ phận chắn che, người lái và chiếc xe như hòa mình vào để cảm nhận rõ không khí của cuộc chiến. Nhà thơ dùng động từ mạnh “phun” kết hợp với điệp từ “bụi” diễn tả, nhấn mạnh mức độ ghê gớm đến đáng sợ của chiến trường. Tất cả đều mờ nhòa trong khói bụi, bụi làm cản trở tầm mắt, trùm lấy cả đất trời trong mỗi lần xe chạy suốt dọc tuyến đường Trường Sơn. Đối diện với sự thiếu thốn về vật chất ấy, những người lính không kêu ca, than vãn mà chỉ “Ừ thì”. Phạm Tiến Duật đã thể hiện tài năng dùng ngôn từ khi chỉ với hai từ đã thể hiện được khí phách ngang tàn, thái độ bất chấp, coi thường mọi khó khăn, hiểm nguy của cuộc chiến để bước tiếp về phía tương lai. Cái khó khăn, gian khổ đối với những chàng trai trẻ sao lại nhẹ nhàng đến thế. Trong hoàn cảnh ấy, họ chấp nhận một cách tự nguyện và động viên nhau bằng những nụ cười “ha ha” rất sảng khoái, làm phong phú thêm tâm hồn của người bộ đội cụ Hồ. Gian khổ, bom đạn không thể quật ngã được họ mà chỉ tôi luyện thêm ý chí kiên cường và làm ấm nóng thêm tình yêu quê hương đất nước.
Phải di chuyển trong một chiếc xe không có kính, nếu những ngày nắng thì bụi Trường Sơn “phun tóc trắng như người già” còn những ngày mưa gió, những hạt mưa rừng tạt vào mặt người lính, che khuất tầm nhìn của họ, khó khăn giờ đây lại chồng chất những khó khăn. Người lính nếm trải đủ mùi gian khổ dù mưa hay nắng nhưng các anh không bỏ cuộc, không nản lòng nhụt chí mà thái độ thì vẫn phơi phới, lạc quan:
Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa
Mưa ngừng, gió lùa khô mau thôi
Điệp ngữ “mưa” kết hợp với những từ gợi tả thật đẹp “tuôn, xối” gợi lên những cơn mưa thật dữ dội, khiến người lính lái xe bị “ướt áo”. Thái độ của người lính của người lính được thể hiện dứt khoát “chưa cần thay". Họ mặc kệ cái ướt át, lạnh giá để tiếp tục nhiệm vụ “lái trăm cây số nữa”. Lời nói thật giản dị, đơn sơ nhưng thể hiện quyết tâm lớn của người chiến sĩ: xe phải đến tới đích của sự giải phóng, sự tự do, ý thức trách nhiệm, đóng góp cho cuộc chiến. Họ lái xe cho đến khi “mưa ngừng” và trong suy nghĩ của họ cũng thật, bình dị:
Mưa ngừng, gió lùa khô mau thôi
Sau bao ngày gió bụi vượt nắng, vượt mưa qua hàng trăm cây số sau những tháng ngày gian khổ, những người lính trẻ đã có cuộc gặp mặt giữa rừng Trường Sơn đầy khốc liệt. Những cuộc gặp gỡ, những cái bắt tay đầy độc đáo:
Những chiếc xe từ trong bom rơi
Đã về đây họp thành tiểu đội.
Giờ đây, nguy hiểm của cuộc chiến đã lùi xa trong kí ức, nhường chỗ cho những cuộc hội ngộ, toàn tụ của những chiếc xe không kính cùng những con người hóm hỉnh, trẻ trung nhưng đầy ngang tàn khí phách. Họ thương nhau còn hơn ruột thịt, sống chết có nhau, san sẻ những khốn khó của cuộc chiến và hưởng chung niềm vui từ những tin chiến thắng của cuộc chiến. Có lẽ rằng, những khoảnh khắc ấy là vô giá. Và lạ lùng thay, bất giác trong cuộc hội ngộ, tác giả đã nhận ra điều thú vị rằng những chiếc xe không kính từ bất tiện giờ đây đã trở thành tiện lợi cho những cái bắt tay thoáng qua xuyên suốt dọc tuyến đường Trường Sơn.
Câu thơ miêu tả cuộc gặp gỡ vui vầy trong không khí địan kết, gắn bó, chia sẻ ngọt bùi sau những trận chiến ác liệt, căng thẳng:
Gặp bè bạn suốt dọc đường đi tới
Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi
Chiếc xe không kính kia phải có lúc ngừng chạy. Đó là khi chúng hoàn thành xong nhiệm vụ. Ta bắt gặp được một nét đẹp khác nơi họ. Đó chính là tình đồng đội, đồng chí của những anh lính lái xe. Khác hẳn so với hình ảnh của những anh vệ quốc quân với một nụ cười “buốt giá”, không biết bao giờ mình mới trở lại được quê hương. Còn anh giải phóng quân giữa chiến trường ác liệt, họ cũng không cảm thấy buồn chán, vì quanh họ có biết đồng đội gần gũi, yêu thương. Trong cuộc hành trình vất vả đó, họ đã “gặp bè bạn suốt dọc đường đi tới”, đem đến cho họ sự vui tươi, thân ái. Từ “họp, gặp” diễn tả những cuộc hội ngộ của những người lính trẻ trung, cùng chí hướng thì hình ảnh “bắt tay nhau” thật đẹp đẽ, biểu hiện sự đồng cảm, thân ái, yêu thương của những người chiến sĩ.
Tình đồng chí, đồng đội của anh lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn càng thắm thiết, cảm động hơn khi họ cùng chia sẻ với nhau một bữa cơm trong cuộc chiến:
Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời
Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy
Võng mắc chông chênh đường xe chạy
Lại đi, lại đi trời xanh thêm
Họ trò chuyện, cười đùa với nhau thật thoải mái, thân mật. Họ dựng bếp Hoàng Cầm giữa trời, “võng mắc chông chênh” sau những giây phút căng thẳng giữa chiến trường. Hai hình ảnh “Bếp Hoàng Cầm” và “võng mắc chông chênh” là hai nét vẽ hiện thực làm sống lại hiện thực chiến trường. Các anh vừa nấu cơm vừa chợp mắt trên cái “võng mắc chông chênh”. Bữa cơm chiến trường đơn sơ, giản dị thế mà vẫn rộn lên niềm vui tình đồng đội:
“Thương nhau chia củ sắn lùi
Bát cơm xẻ nửa, chăn sui đắp cùng”
(Tố Hữu)
Để rồi từ đây, cái định nghĩa về gia đình của các anh chiến sĩ mới ngộ nghĩnh làm sao!
“Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy”
Một gia đình vui tươi, trẻ trung gồm những người lính trẻ để hình thành khi “chung bát đũa”. Nhưng chỉ trong một thoáng chốc để rồi sau đó người chiến sĩ lại tiếp tục hành quân:
“Lại đi, lại đi trời xanh thêm.”
Điệp ngữ “lại đi” đã diễn tả một công việc quen thuộc của người lính nhưng đồng thời cũng biểu lộ nhiệt tình, khí thế khẩn trương sôi nổi của họ. Trước mắt họ, “trời xanh thêm” như báo hiệu một ngày công tác, chiến đấu, nhưng lại phù hợp với tâm hồn trẻ trung, yêu đời của người lính cũng như niềm lạc quan, tin tưởng của họ vào tương lai, vào cuộc sống.
Vẫn một giọng thơ mộc mạc, gần với lời nói thường ngày như văn xuôi, nhưng nhạc điệu, hình ảnh trong khổ thơ cuối rất đẹp, rất thơ góp phần hoàn thiện bức chân dung tuyệt vời của người lính lái xe quân sự trên tuyến đường Trường Sơn trong những năm đánh Mỹ.
Bài thơ kết lại bằng một hình ảnh đầy thi vị, hiện thực nghiệt ngã giờ đây đã hòa quyện vào chất lãng mạn bay bổng:
Không có kính, rồi xe không có đèn
Không có mui xe, thùng xe có xước
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:
Chỉ cần trong xe có một trái tim.
Khổ thơ cuối vốn là ngôn ngữ giản dị, đơn sơ. Điệp ngữ “không có” như nhấn mạnh, làm nổi bật những khó khăn, trở ngại dồn dập, liên tiếp. Khi những bộ phận cần thiết của của chiếc xe đ bị bom đạn làm hư hại. Cái “không có” là kính, là đèn, là mui xe, là “thùng xe có xước”. Thế mà người chiến sĩ vẫn tiếp tục điều khiển cho xe chạy. “Xe vẫn chạy” chứ không chịu ngừng nghỉ, nằm yên. Điều gì đã thôi thúc người chiến sĩ tận tụy, quên mình nhiệm vụ, coi thường những gian khổ, khó khăn? Tất cả là bởi một mục đích, một lý tưởng cao cả “vì miền Nam phía trước”. Lòng yêu nước nồng nàn, ý thức căm thù giặc cao độ đã giúp cho người chiến sĩ sẵn sàng quên mình vì nhiệm vụ. Ước mong cao đẹp nhất là mong muốn giành được độc lập, tự do cho “Tổ quốc”, mang lại hòa bình độc lập cho quê hương. Cội nguồn sức mạnh của người chiến sĩ lái xe, sự dũng cảm kiên cường của người chiến sĩ được diễn tả thật bất ngờ, sâu sắc:
Chỉ cần trong xe có một trái tim
Thì ra “trái tim” cháy bỏng tình yêu thương Tổ quốc đồng bào miền Nam ruột thịt đã khích lệ, động viên người chiến sĩ vượt qua bao gian khó, luôn bình tĩnh, tự tin để cầm chắc tay lái đưa xe đi tới đích. Hình ảnh bất ngờ ở cuối đã lý giải được tất cả mọi vấn đề. Câu thơ bình dị như lời nói hằng ngày nhưng lại ẩn chứa một ý tưởng sâu sắc về một chân lý thời đại. Sức mạnh để chiến thắng không phải vũ khí hiện đại, phương tiện tối tân, đầy đủ tiện nghi mà chính là con người với trái tim nồng nàn yêu thương đất nước nhân dân, sôi sục lòng căm thù quân giặc.
“Bài thơ về tiểu đội xe không kính” là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất, thể hiện phong cách thơ của Phạm Tiến Duật. Chẳng ngẫu nhiên mà nhan đề bài thơ lại là “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”. Tiểu đội là đơn vị cơ sở nhỏ nhất trong biên chế của quân đội ta. Cái tên gợi cho người đọc tính khốc liệt của chiến tranh. Một cái tên trần trụi, không mỹ miều, hàm súc như bao nhan đề bài thơ khác, đối lập với quan niệm cái đẹp văn chương thuần túy. Cái đẹp với Phạm Tiến Duật là từ trong những diễn biến sôi động của cuộc sống mà ùa vào thơ.
Tác giả thêm vào hai chữ bài thơ là muốn thể hiện quan niệm thơ nói, thơ kể nhưng vẫn rất thơ. Chất thơ vút lên từ hiện thực, từ tâm hồn hào hoa lãng mạn, lạc quan yêu đời của người lính - tuổi trẻ Việt Nam giữa khói bom lửa đạn với đầy niềm tự hào, chiến đấu và chiến thắng.
Ra đời gần ba mươi năm, bài thơ vẫn có sức truyền cảm mạnh mẽ đối người chúng ta ngày hôm nay. Nhà thơ đã giúp chúng ta cảm nhận sâu sắc về hình ảnh người lính lái xe một thời gian khổ mà hào hùng, đã quên mình vì quê hương, đất nước. Chúng ta là thế hệ mai sau sẽ sống tiếp nối với truyền thống hào hùng của ông cha xưa kia và để hoàn thành nhiệm vụ hôm nay. Chúng ta tự hào về họ, những người chiến sĩ Trường Sơn:
“Ôi đất anh hùng dễ mấy mươi
Chìm trong khói lửa vẫn xanh tươi
Mưa bom, bão đạn lòng thanh thản
Nhạt muối, vơi cơm miệng vẫn cười"
(Tố Hữu)
Xem thêm >>>Soạn bài: Bài thơ về tiểu đội xe không kính
Cunghocvui đã mang lại cho các bạn dàn ý phân tích Bài thơ về tiểu đội xe không kính của nhà thơ Phạm Tiến Duật, chúc các bạn học tập hiệu quả!