Phân tích hình ảnh người lính lái xe trong tác phẩm Bài thơ về tiểu đội xe không kính
Đề bài
Đề bài: Phân tích hình ảnh người lính lái xe trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật
Hướng dẫn giải
Những năm tháng chiến tranh diễn ra ác liệt vẻ đẹp của những cô gái thanh niên xung phong, của những người lính trên tuyến đường Trường Sơn trở thành một đề tài hết sức hấp dẫn, luôn nhận được sự quan tâm, sáng tác của nhiều tác giả. Và trong những tác phẩm ấy, ta không thể không nhắc đến những người lính trên chiếc xe không kính trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật. Chân dung họ hiện lên với những khám phá mới mẻ mà vẫn vô cùng thống nhất.
Nếu như, trong bài thơ Đồng chí của Chính Hữu hình ảnh người lính nông dân hiện lên trong sự đồng cam cộng khổ, thấu hiểu những nỗi niềm của nhau, nhớ cây đa, bến nước, cùng nhau vượt qua thiếu thốn : Áo anh rách vai/ Quần tôi có vài mảnh vá/ Miệng cười buốt giá/ Chân không giày/ Thương nhau tay nắm lấy bàn tay . Thì người lính trong tác phẩm này lại hiện lên với một chân dung mới lạ, khác hẳn. Họ là những con người trẻ trung mang trong mình vẻ ung dung, hiên ngang trước những thử thách trên tuyến đường Trường Sơn :
Ung dung buồng lái ta ngồi
Nhìn đất nhìn trời, nhìn thẳng
Trong cuộc chiến tranh vô cùng khốc liệt, nhưng người lính vẫn giữ được phong thái ung dung, với cái nhìn thẳng đầy tự tin, tràn đầy nhiệt huyết. Nhịp thơ 2/2/2 kết hợp với từ láy ung dung được đảo lên đầu câu nhấn mạnh vào tư thế hiên ngang, làm chủ chiến trường của những người lính. Cái nhìn thẳng của họ không chỉ là nhìn vào con đường phía trước với sự tập trung cao độ mà đó còn là cái nhìn thẳng vào hiện thực chiến tranh khốc liệt, tinh thần sẵn sàng tiến lên phía trước. Sau cái nhìn đó là cảm nhận của người chiến sĩ trên tuyến đường Trường Sơn: Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng/ Thấy con đường chạy thẳng vào tim/ Thấy sao trời và đột ngột cánh chim/ Như sa như ùa vào buồng lái. Bốn câu thơ vừa khắc họa khung cảnh hiện thực nhưng đồng thời cũng hết sức nên thơ, lãng mạn. Những chiếc xe không kính di chuyển trên đường nên tất yếu các cơn gió sẽ ùa vào khoang lái, gió bụi ùa vào khiến họ cảm thấy bỏng rát, nhất là vào những trưa hè. Nhưng dưới con mắt lãng mạn của người chiến sĩ thì những ngọn gió đó vào xoa dịu những vất vả của họ. Hình ảnh con đường chạy thẳng vào tim là một trường liên tưởng vô cùng thú vị. Diễn tả được tốc độ di chuyển nhanh của những chiếc xe không kính, lao mình trong mưa bom bão đạn, không sợ hiểm nguy. Không chỉ vậy, dưới con mắt đầy thi sĩ của người chiến sĩ, họ còn thấy những chú chim và sao trời sa, ùa vào buồng lái, làm bạn với họ trên quãng đường đầy gian khổ, ác liệt. Với nghệ thuật nhân hóa, sử dụng động từ mạnh sa, ùa tác giả đã cho thấy cái nhìn lạc quan của những người lính: thiên nhiên không phải trở ngại, cản bước họ tiến lên mà trở thành người bạn thân thiết, chia sẻ với họ những gian lao trên con đường tiến vào miền Nam.
Không chỉ là những con người ung dung, hiên ngang, trong tâm hồn những người lính trẻ ấy còn mang trong mình nhiệt huyết cách mạng, dũng cảm, coi thường nguy hiểm, gian khổ và một tinh thần trẻ trung, sôi nổi, lạc quan. Khổ thơ thứ ba và thứ tư đã cho thấy những khó khăn người lính phải đối mặt: không có kính khiến bụi, mưa tuôn mưa xối như ở ngoài trời. Đây là những câu thơ miêu tả hết sức chân thực những khó khăn mà người lính phải trải qua trên con đường Trường Sơn vô cùng nguy hiểm. Các động từ tuôn, xối, phun càng nhấn mạnh hơn nữa sự khắc nghiệt mà thiên nhiên đang thử thách các anh. Nhưng trái lại, những người lính đáp lại bằng câu nói nhẹ nhàng, dường như đó chẳng phải là vấn đề đáng bận tâm: ừ thì có bụi, ừ thì ướt áo. Các anh sẵn sàng đối mặt với tất cả thử thách bằng tinh thần hiên ngang, cứng cỏi, bằng giọng điệu vui đùa, trẻ trung.
Không chỉ vậy họ còn hết sức tinh nghịch, trẻ trung. Dù bụi lùa vào khoang lái họ vẫn có những tiếng cười thật rộn rã: nhìn nhau mặt lấm cười ha ha, tiếng cười khoan khoái đã giúp họ xóa tan bao cực nhọc, tiếp thêm sức mạnh để họ vững bước lên đường. Tinh thần lạc quan yêu đời chính là biểu hiện rõ nét nhất của lòng dũng cảm, của sức mạnh tinh thần ở người chiến sĩ. Khổ thơ đã tạc lên chân dung đẹp đẽ, những phẩm chất thật quý báu của người lính.
Trong những năm tháng kháng chiến, phải sống xa gia đình, thì tình cảm đồng chí đồng đội gắn bó thật đáng quý và đáng trân trọng. Nguồn sức mạnh tinh thần ấy sẽ giúp họ vượt qua mọi khó khăn, trở ngại. Những người lính lái xe cũng vậy, qua những ô cửa kính vỡ chỉ cần cái bắt tay vội vã mà nồng ấm tình thương cũng khiến những con người xa lạ trở nên gần gũi với nhau hơn. Và còn điều gì tuyệt vời hơn, khi tranh thủ cùng ăn bát cơm trắng đạm bạc với nhau giữa rừng. Những lúc đó họ không chỉ còn là những người bạn đường nữa mà đã trở thành gia đình của nhau: Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời/ Chung bát đĩa nghĩa là gia đình đấy. Chính những bữa cơm ấy giúp họ xích lại gần nhau hơn, gắn bó với nhau như những người trong gia đình. Tình cảm đồng chí, đồng đội, tình cảm gia đình gắn bó chính là nguồn động lực tiếp sức họ lên đường: Võng mắc chông chênh đường xe chạy/ Lại đi lại đi trời xanh thêm. Với tinh thần, ý chí chiến đấu kiên cường họ vẫn kiên gan, bền bỉ lại đi, lại đi vì màu xanh hi vọng, độc lập ở phía trước.
Đối lập với những khó khăn, thiếu thốn vật chất bên ngoài là sức mạnh tinh thần bền bỉ, mãnh mẽ của người lính với trái tim nhiệt thành, cháy bỏng: Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước/ Chỉ cần trong xe có một trái tim. Những chiếc xe không chỉ chạy bằng nhiên liệu mà còn chạy bằng ý chí, nghị lực phi thường của những người lính. Chỉ cần có trái tim lạc quan, mang trong mình niềm tin chiến thắng thì người lính có thể đưa đoàn xe đến mọi nẻo đường.
Với ngôn ngữ và giọng điệu độc đáo tác giả đã khắc họa lên tượng đài người lính lái xe vừa hiên ngang, dũng cảm vừa hóm hỉnh, lạc quan yêu đời. Họ là những hình ảnh tiêu biểu cho thế hệ thanh niên Việt Nam Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai. Đó là thế hệ anh hùng, hiêng ngang, dũng cảm, quyết đem cả tính mạng, tuổi trẻ của mình để cứu nước.