Phân tích bài thơ Đảo Côn Lôn của Phan Châu Trinh
Đề bài: Phân tích bài thơ Đảo Côn Lôn của Phan Châu Trinh
Bài làm
Bài thơ "Đảo Côn Lôn” được Phan Châu Trinh viết trong những ngày đầu khi cụ và nhiều chiến sĩ yêu nước khác bị thực dân Pháp bắt bớ giam cầm tại nhà ngục An Lôn, đó là vào năm 1908. Bài thơ viết theo thể thất ngôn bát cú Đường luật.
Là một tù nhân khổ sai, nhưng nhà thơ vẫn có một cái nhìn rất đẹp rất đáng yêu về đảo Côn Lôn. Bài thơ tả cảnh ngụ tình: cảnh đảo Côn Lỏn hùng vĩ xinh đẹp; đó là mảnh hình hài của giang sơn gấm vóc, tình yêu thiên nhiên chan hòa với tình yêu Côn Lôn, tình yêu Tổ quốc.
Hai câu đê gợi tả hình thế đảo Côn Lôn:
‘Tang thương dời đổi mấy thu đông
Cụm núi Côn Lôn đứng vững trồng.”
‘Tang thương" do cụm từ ‘Tang điền thương hải” rút gọn lại, nghĩa đen là bể dâu, chỉ sự biến thiên biến đổi. Câu thứ nhất có dịch bản ghi: “Bể dâu dời đổi mấy thu đông". Mấy thu đông là mấy năm dài. Côn Lôn không phải là một đảo mà là một “cụm núi", một quần đảo ở cực nam (đông nam) của Tổ quốc. ‘Vững trồng’ do thành ngữ “vững như trời trồng", chỉ sự hùng vĩ, bền vững. Hai câu thơ gợi tả quần đảo Côn Lôn hùng vĩ, vững bền, bất di bất dịch trước bể dâu dời đổi năm tháng. Đó là sự khẳng định sự trường tồn của Côn Lôn.
Hai câu thực (3, 4) tiếp theo miêu tả đảo Côn Lôn nằm giữa biển khơi, cả bốn phía bốn mặt đều bị sóng gió bao vậy “giày vò". Mặc dù thực dân Pháp đã biến Côn Lôn thành một nhà tù để giam hãm, đày đọa, âm mưu tiêu diệt những nhà nho yêu nước, những chí sĩ cách mạng của dân tộc ta, nhưng Phan Châu Trinh vẫn nhìn quần đảo - một mảnh hồn Mẹ Tổ quốc yêu thương, đang bảo vệ, đang “che chở" những đứa con thân yêu vì mưu đồ sự nghiệp cứu nước mà bị cầm tù:
“Bốn mặt giày vò oai sóng gió,
Một mình che chở tội non sông"
Hai chữ “che chở" đã nhân hóa đảo Côn Lôn, khẳng định Côn Lôn mang nặng tình thương đối với nhà chí sĩ. Đó là một cách nhìn nồng hậu, ấm áp, biểu lộ một tình cảm cao đẹp với Côn Lôn, một tình yêu sâu nặng đối với đất nước.
Xem thêm Soạn bài Đập đá ở Côn Lôn
Em hãy nhận xét về giọng điệu bài thơ Đập đá ở Côn Lôn của nhà thơ Phan Châu Trinh
Hai câu 5, 6 trong phần luận là bức tranh sơn thủy tứ bình tuyệt đẹp, đăng đối hài hòa. Có cỏ hoa. Có cây trăm thức. Có rồng cá. Có biển một vùng. Một không gian mênh mông bao la có đất, trời, biển. Một cách viết tài hoa:
“Có hoa đất nảy cây trăm thức,
Rồng cá trời riêng biển một vùng."
Phải giàu tình yêu thiên nhiên, phải có bản lĩnh phi thường và rất lạc quan yêu đời mới có cái nhìn ấy, mới có thể viết được những câu thơ đẹp như thế. Sâu xa hơn, phần luận bài “Đảo Côn Lôn" hé lộ cho ta thấy tâm hồn thanh cao, phong thái ung dung tự tại của một nhà nho chân chính, một kẻ sĩ mang cốt cách “lão thực".
Hai câu kết vừa là lời cầu mong đối với đảo “thiêng" nơi có “nước thẳm non xanh” vừa là niềm tin của khách anh hùng “Những kẻ vá trời khi lỡ bước":
“Nước thẳm non xanh thiêng chẳng nhẽ,
Gian nan xin hộ bước anh hùng.”
Niềm tin sẽ vượt qua mọi hiểm nguy thử thách. Niềm tin vào một ngày mai sẽ thoát khỏi cảnh tù đày, tin vào sự nghiệp cách mạng. Câu thơ “Gian nan xin hộ bước anh hùng" nói lên niềm tin mãnh liệt ấy.
Phan Châu Trinh là nhà chí sĩ cách mạng lỗi lạc của dân tộc ta. Cùng với Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, cụ là một trong những biểu tượng cao quý về tinh thần yêu nước được quốc dân đồng bào kính trọng và ngưỡng mộ. Thơ văn là một phần nhỏ bé trong cuộc đời hoạt động vô cùng sôi nổi và phong phú của nhà chí sĩ. Bài thơ “Đảo Côn Lôn" là một bài thơ độc đáo. Cách nhìn, cách tả, cách nghĩ của tác giả thể hiện chất nghệ sĩ lồng trong cốt cách anh hùng. Yêu cảnh sắc thiên nhiên Côn Lôn, lạc quan yêu đời và tin tưởng ngày mai là vẻ đẹp tâm hồn nhà thơ chí sĩ.