Phân tích 13 câu đầu bài Vội vàng - Xuân Diệu
Phân tích 13 câu đầu bài Vội vàng - Xuân Diệu
Nhà thơ Xuân Diệu là một trong những nhà thơ nổi tiếng đi đầu trong phong trào thơ mới giai đoạn những năm 1945. Nhắc đến ông không thể nào không kể đến tác phẩm Vội vàng đã đi cùng năm tháng. Bài học dưới đây sẽ hướng dẫn phân tích 13 câu đầu bài thơ Vội vàng của nhà thơ Xuân Diệu!
I. Dàn bài phân tích 13 câu đầu của bài thơ Vội vàng
1. Mở bài:
- Giới thiệu về tác giả Xuân Diệu.
- Giới thiệu về tác phẩm và hoàn cảnh sáng tác.
- Trích dẫn 13 câu đầu và nêu nội dung.
2. Thân bài:
- Phân tích 4 câu thơ đầu:
+ Chứa đựng những khát vọng mãnh liệt và táo bạo của thi nhân.
+ Nó là thể thơ phù hợp cho việc thể hiện những cảm xúc vồ vập của Xuân Diệu bởi câu thơ ngắn lại giàu nhịp điệu. Điệp ngữ “tôi muốn” được nhắc lại hai lần cùng với đó là hai động từ mạnh “tắt, buộc” đã làm nổi bật khao khát của nhà thơ.
- Phân tích 7 câu tiếp theo:
+ Thể hiện tâm hồn khát sống, khát yêu, tận hiến, tận hưởng và khát khao giao cảm mãnh liệt, Xuân Diệu đã khám phá ra vẻ đẹp xuân tươi phơi phới, đầy tình tứ ở những cảnh vật thiên nhiên quen thuộc quanh ta.
+ Bảy câu thơ trên là một bước tranh thiên nhiên mùa xuân được vẽ nên bằng một hồn thơ có “Cặp mắt xanh non biếc rờn”. Cảnh vật đang vào độ thanh tân, diễm lệ.
- Phân tích 2 câu cuối:
+ Tâm trạng “sung sướng” là tâm trạng: ” hạnh phúc, lạc quan, yêu đời, tươi vui đón nhận cuộc sống bằng tình cảm trìu mến, thiết tha gắn bó.
3. Kết bài:
Nêu cảm nhận bản thân về đoạn thơ.
Xem thêm:
II. Bài mẫu phân tích 13 câu đầu của bài Vội vàng
Xuân Diệu là nhà thơ của tình yêu và tuổi trẻ. Ông được mệnh danh là “ông hoàng của thi ca tình yêu”. Trước cách mạng, với hai tập “Thơ Thơ” và “Gửi hương cho gió”, Xuân Diệu đã chính thức trờ thành “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới”. Bài thơ “Vội Vàng” nằm trong tập “Thơ Thơ” là bài thơ rất tiêu biểu cho phong cách thơ tình yêu của Xuân Diệu viết về mùa xuân, tuổi trẻ, tình yêu. Tác phẩm để lại dấu ấn về nội dung và nghệ thuật đặc sắc mà tiêu biểu là đoạn thơ sau đây: “Tôi muốn tắt nắng đi … Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”
Bài thơ “Vội Vàng” nằm trong tập “Thơ Thơ”, xuất bản năm 1938 là bài thơ tiêu biểu của tập thơ nói riêng, của hồn thơ Xuân Diệu nói chung. Cả bài thơ thể hiện một nhân sinh quan mang ý nghĩa nhân bản sâu sắc. Thiên đường là ở ngay trên mặt đất. Vì vậy hãy yêu mến, hãy gắn bó và sống hết mình với cuộc sống thực tại đầy tươi vui này. Nó bộc lộ niềm ham sống, khát sống, tận hưởng đến vô biên và tuyệt đích của thi nhân:
“Ta ôm bó cánh tay ta làm rắn
Làm dây đa quấn quít cả mình xuân
Không muốn đi mãi mãi ở vườn trần
Chân hóa rễ để hút mùa dưới đất”
Đoạn thơ mở đầu bằng bốn câu thơ ngũ ngôn chứa đựng những khát vọng mãnh liệt và táo bạo của thi nhân:
“Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi”
Bốn câu đầu có lẽ là độc đáo nhất trong bài thơ vì chỉ riêng nó là thể ngũ ngôn. Nó là thể thơ phù hợp cho việc thể hiện những cảm xúc vồ vập của Xuân Diệu bởi câu thơ ngắn lại giàu nhịp điệu. Điệp ngữ “tôi muốn” được nhắc lại hai lần cùng với đó là hai động từ mạnh “tắt, buộc” đã làm nổi bật khao khát của nhà thơ. Đó là khao khát “tăt nắng, buộc gió” để giữ lại màu hoa “Cho màu đừng nhạt mất” để giữ lại sắc hương “ cho hương đừng bay đi”. Đó là khát vọng chiếm đoạt quyền năng của tạo hóa để buộc hương hoa tươi thắm mãi bên đời. Ngông cuồng hơn cả là nhà thơ muốn vũ trụ ngừng quay, thời gian dừng lại để thi nhân tận hưởng được những phút giây tuổi trẻ của đời mình. Bởi nhà thơ sợ” tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại”, sợ ”đời trôi chảy, lòng ta không vĩnh viễn”. Suy cho cùng khát vọng ấy của Xuân Diệu thật ngông cuồng nhưng cũng rất hợp lí.
Bảy câu thơ tiếp theo, với tâm hồn khát sống, khát yêu, tận hiến, tận hưởng và khát khao giao cảm mãnh liệt, Xuân Diệu đã khám phá ra vẻ đẹp xuân tươi phơi phới, đầy tình tứ ở những cảnh vật thiên nhiên quen thuộc quanh ta:
“Của ong bướm này đây tuần tháng mật
Này đây hoa của đồng nội xanh rì
Này đây lá của cành tơ phơ phất
Của yến anh này đây khúc tình si
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi
Mỗi buổi sớm, thần Vui hằng gõ cửa
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”
Bảy câu thơ trên là một bước tranh thiên nhiên mùa xuân được vẽ nên bằng một hồn thơ có “Cặp mắt xanh non biếc rờn”. Cảnh vật đang vào độ thanh tân, diễm lệ. Bức tranh hội tụ đầy đủ hương thơm, ánh sáng và màu sắc, âm thanh ( đây chính là phép tương giao giữa các giác quan mà Xuân Diệu học được ở thơ ca phương Tây). Cảnh vật hiện lên đều có đôi, có cặp:” Ong bướm- tuần tháng mật” ;“Hoa- đồng nội xanh rì” ;” lá- cành tơ” ;” yến anh- khúc tình si”;…
Điệp ngữ ”này đây” được nhắc lại nhiều lần. Từ ”này đây” lại là từ chỉ trỏ. Xuân Diệu như đang đứng trước bức tranh và liệt kê cho ta thấy vẻ đẹp tươi non, nõn nà của mùa xuân. Thi sĩ như uốn nói với chúng ta rằng: ”Sao người ta cứ phải đi tìm chốn Bồng Lai Tiên Cảnh ở mãi chốn mông lung hão huyền nào? Nó ở ngay giữa cuộc sống quanh ta”. Thiên nhiên như một bữa tiệc trần gian đầy những thực đơn quyến rũ: Ở đó có cảnh ong đưa và bướm lượn, tình tứ ngọt ngào như “tuần tháng mật”. Màu hoa trở nên thắm sắc ngát hương hơn “giữa đồng nội xanh rì”. Cây cối nảy lộc đâm chồi tạo nên những “cành tơ” với những chiếc lá tươi non phất phơ tình tứ. Điểm vào phong cảnh ấy là tiếng hót đắm say của loài chim yến anh đã tạo nên “khúc tình si” say đắm lòng người.
Cặp mắt “xanh non biếc rờn” của Xuân Diệu còn mang đến cho người đọc một nguồn năng lượng mới từ mùa xuân: ”Và này đây ánh sáng chớp hàng mi/ Mỗi buổi sớm, thần Vui hằng gõ cửa”. Ánh sáng buổi sớm mai như phát ra từ cặp mắt đẹp vô cùng của nàng công chúa có tên là Bình Minh. Nàng vừa tỉnh giấc nồng suốt một đêm qua, mắt chớp chớp hàng mi rồi bừng nở ra muôn vàn hào quang. Chính ánh sáng ấy đã tưới lên cảnh vật càng làm cho bức tranh thiên nhiên giống như một nguồn nhựa sống chảy dào dạt xung quanh cuộc sống của con người. Thế mới hiểu những khao khát của Xuân Diệu là đúng:
Xuân Diệu đã kết lại bức tranh mùa xuân bằng một câu thơ đầy gợi cảm “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”. Đây là một cách so sánh đầy gợi cảm, có một chút nhục cảm. Tháng giêng thanh tân, diễm lệ, đầy ánh sáng, màu sắc, âm thanh và hương thơm trờ thành “cặp môi gần” rất “ngon, ngọt” của người tình nhân. Mùa xuân là mùa đẹp nhất trong năm. Tuổi trẻ là tuổi đẹp nhất của đời người. Và chắc chắn phần ngon nhất của người thiếu nữ là bờ môi chín mọng kia.
Ở đây, trong sự so sánh giữa thiên nhiên và con người, Xuân Diệu đã mang đến cho người đọc một quan niệm nghệ thuật về con người rất mới mẻ. Thơ ca cổ điển thường lấy thiên nhiên làm chuẩn mực cho cái đẹp. Mọi cái đẹp trong vũ trụ phải đem so sánh với cái đẹp của thiên nhiên. Bởi vậy khi miêu tả nét đẹp của Thúy Vân, Nguyễn Du đã lồng vào biết bao nhiêu cái đẹp của thiên nhiên:
“Vân xem trang trọng khác vời/Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang/Hoa cười ngọc thốt đoan trang/ Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da”. Còn Xuân Diệu đưa ra một tiêu chuẩn khác: con người mới là chuẩn mực của cái đẹp trong vũ trụ này. Bởi con người là tác phẩm kì diệu nhất của tạo hóa. Nên mọi vẻ đẹp trong vũ trụ phải đem so sánh với vẻ đẹp của con người. Quan niệm nghệ thuật này là một đóng góp mới mẻ của
Hai câu thơ cuối là tâm trạng của nhân vật trữ tình:
“Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”
Trong một câu thơ mà thi sĩ có hai tâm trạng “Tôi sung sướng” - “Nhưng vội vàng một nửa”. Dấu chấm ở giữa câu đã phân tách nhà thơ thành hai nửa: nửa sung sướng và nửa vội vàng. Tâm trạng “sung sướng” là tâm trạng: ” hạnh phúc, lạc quan, yêu đời, tươi vui đón nhận cuộc sống bằng tình cảm trìu mến, thiết tha gắn bó. Còn “vội vàng” là tâm trạng tiếc nuối bởi nhà thơ sợ tuổi trẻ qua đi, tuổi già mau tới. Vì thế dù đang sống trong mùa xuân nhưng thi nhân đã cảm thấy tiếc nuối mùa xuân ngay khi đang ở trong mùa xuân “Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”.
Đoạn thơ để lại dấu ấn nghệ thuật sâu sắc. Thể thơ tự do, sử dụng nhiều điệp ngữ, điệp từ, so sánh ẩn dụ… Ngôn ngữ thơ chọn lọc. Tất cả đã tạo nên một đoạn thơ hay mang đậm phong cách thơ Xuân Diệu.
Tóm lại, đoạn thơ ta vừa phân tích ở trên là đoạn thơ hay nhất trong bài thơ “Vội vàng”. Bằng ngôn ngữ rất đỗi Tây phương, nhưng tình cảm của nhân vật trữ tình lại rất gần gũi, thân quen. Xuân Diệu đã mang đến cho người đọc một giọng thơ lạ, một cách cảm nhận về mùa xuân rất đỗi nồng nàn. Qua đó thấy được lòng yêu đời và khát vọng sống mãnh liệt của thi nhân. Đúng như nhà phê bình Thế Lữ đã nhận xét “Như một tấm lòng sẵn sàng ân ái, Xuân Diệu dang tay chào đón nhựa sống rào rạt của cuộc đời”.
Trên đây là toàn bộ kiến thức chúng tôi muốn chia sẻ về cách phân tích 13 câu thơ đầu bài Vội vàng, cùng học vui chúc các bạn đạt được điểm số cao!