Đăng ký

Phân tích vẻ đẹp thiên nhiên trong bài thơ Vội vàng

2,256 từ Phân tích
Đề bài

Đề bài: Phân tích vẻ đẹp thiên nhiên trong bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu.

Hướng dẫn giải

   Nếu nhắc tới thiên nhiên – một đề tài đã quá quen thuộc trong thơ ca, không thể không đề cập tới phong trào thơ mới của Việt Nam những năm 1930 của thế kỉ XX. Người ta được thưởng thức những cảnh sắc thiên nhiên đẹp nhưng buồn trong thơ Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử, Huy Cận,… Trong đó phải kể đến Xuân Diệu. Từ những vẻ đẹp ấn tượng về thiên nhiên trong Thơ duyên hay Đây mùa thu tới… nhà thơ tiếp tục mang đến sự đặc biệt về thiên nhiên trong bài thơ Vội vàng. Bài thơ tuy không mang tới một thiên nhiên vốn có trong thi ca nhưng vẻ đẹp của nó đã góp phần đắc lực trong việc thể hiện quan niệm sống của nhà thơ Xuân Diệu.

   Như đã biết, thiên nhiên là một nguồn cảm hứng dễ gợi cảm trong lòng thi nhân. Người nghệ sĩ vô cùng nhạy cảm trước những vẻ đẹp ấy dù là nhỏ bé, bình thường. Thiên nhiên đôi khi là bầu bạn, là chỗ dựa tinh thần để thi nhân trải lòng và phô diễn tài năng. Xuân Diệu đã bao lần tìm đến thiên nhiên để hòa mình vào đó, để cảm nhận từng khoảnh khắc, từng chuyển biến tinh vi của nó. Đến Vội vàng ông vẫn kịp ghi lại cho mình những khoảnh khắc thiên nhiên đặc biệt: đẹp đẽ, tươi non, mơn mởn nhựa sống nhưng cũng có cả sự mất mát, chia lìa. Sở dĩ có điều trái ngược ấy là vì thiên nhiên đóng vai trò như những “dẫn chứng” trong lời tranh biện của nhà thơ về cuộc đời, thời gian. Tuy nhiên, thiên nhiên trong bài thơ vẫn hiện ra với những nét độc đáo, riêng có ở Xuân Diệu.

   Trước hết đó là một bức tranh thiên nhiên vô cùng tươi đẹp, non xanh, mơn mởn, căng tràn nhựa sống trong khoảng khắc xuân thì. Vốn bắt nguồn từ hai ước muốn rất ngông cuồng, táo bạo là tắt nắng, buộc gió để giữ chặt hương sắc của cuộc đời, bức tranh thiên nhiên hiện lên là minh chứng cho điều khát khao đó.

    Của ong bướm ngày đây tuần tháng mật

   

    Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.

   Thật dễ dàng nhận ra, bức tranh thiên nhiên ở đoạn thơ này thật lạ và độc đáo. Bởi nó không phải một khung cảnh cố định ở một vùng, một nơi nào đó trên cõi trần gian. Chẳng hạn như dòng sông Hồng mênh mang, rộng lớn trong Tràng giang của Huy Cận, hay xứ Huế mộng mơ trong Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử,… Xuân Diệu vẽ nên một bức tranh có sự pha trộn của nhiều hình ảnh, nhiều trạng thái, nhiều dáng vẻ để có một “bữa tiệc trần gian” ngập tràn hương sắc mùa xuân. Bằng thủ pháp liệt kê, nhà thơ mang tới những hình ảnh: ong bướm, hoa đồng nội, lá cành tơ, yến anh, ánh sáng… chẳng thuộc về một vùng quê nào, nhưng lại thuộc về bất cứ đâu, hiện hữu ngay xung quanh chúng ta. Vấn đề là ở chỗ đó, thiên nhiên trong thơ Xuân Diệu ai cũng bắt gặp, ai cũng thấy quen thuộc như ở cuộc đời trần thế hằng ngày vẫn có vậy. Không xa lạ, không sang trọng mà gần gũi, quen thuộc, ai cũng thấy ở ngoài đời.

   Bởi vậy trong cách miêu tả, Xuân Diệu không dùng đến những thủ pháp cầu kì, khoa trương, mà chỉ đơn thuần ông thổi hồn sức sống của vạn vật bằng những khoảnh khắc tươi đẹp nhất của nó. Ong bướm trong thời khắc tuần tháng mật, hoa đồng nội trong lúc xanh rì, lá cành tơ phơ phất, yến anh trong khúc tình si. Đó là khoảnh khắc của mùa xuân, của tình yêu thật viên mãn, tròn đầy. Thiên nhiên bởi thế mà lung linh, đẹp đẽ, tươi non ở mức độ căng tràn sức sống nhất. Xuân Diệu đã đưa cặp mắt “xanh non, biếc rờn” của mình để thổi cải cảm xúc “thiết tha, rạo rực” được huy động từ mọi giác quan và lăng kính tình yêu để làm nên sức sống ấy cho cảnh vật. Giọng thơ sôi nổi, phấn trấn như chiếc bút vẽ nên một bức tranh đẹp đẽ giữa chốn trần gian. Điệp từ của, này đây như bàn tay vẫy chào, mời gọi cùng bước vào chốn thiên đường của mặt đất ngay trước mắt chúng ta. Không ngạc nhiên khi gọi Xuân Diệu là con người của trần thế, bởi ngay cả bức tranh thiên nhiên ở đây cũng vô cùng trần thế mà chẳng phải chốn bồng lai tiên cảnh nào quá xa xôi.

   Miêu tả vẻ đẹp bức tranh thiên nhiên như thế, Xuân Diệu đã gửi gắm những giá trị, ý nghĩa mang tính triết lý nhân sinh. Đừng mải mê tìm kiếm ở đâu xa xôi, chỉ cần mỗi chúng ta hãy sống hết mình, cảm nhận hết mình sẽ thấy được cảnh đẹp ở ngay những gì ta có. Và cũng còn bởi một lý do, con người mới thực sự làm cho thiên nhiên trở nên thêm đẹp. Ông đã khéo léo trong cách so sánh để khẳng định thước đo cho cái đẹp không còn thuộc về tự nhiên, mà chính là con người. Và này đây ánh sáng chớp hàng mi, Tháng giêng ngon như một cặp môi gần. Ánh sáng của buổi bình minh như cái chớp hàng mi của người thiếu nữ, tháng giêng “ngon” như một nụ hôn say đắm của tình nhân. Chưa bao giờ thơ ca lại có góc nhìn thẩm mĩ đặc biệt như thế. Thiên nhiên bấy lâu nay là chuẩn mực cho mọi cái đẹp, mà giờ đây cũng trở nên nhỏ bé trước con người. Bởi vậy, vẻ đẹp thiên nhiên trong Vội vàng mang theo ý nghĩa đề cao con người và khẳng định ý nghĩa mang tính triết lý nhân sinh.

   Nhưng vẫn còn một thiên nhiên khác trong Vội vàng. Nếu bức tranh thiên nhiên như chốn thiên đường của mặt đất kia khiến mỗi chúng ta thêm yêu, thêm gắn bó, thêm động lực để tiếp tục sống, thì trước quy luật thời gian thiên nhiên cũng phải lụi tàn. Không còn đẹp đẽ, mơn mởn, xanh non mà thời gian cuốn theo tất cả, một đi không trở lại, nên lòng người ngậm ngùi thì thiên nhiên cũng tan tác, chia lìa. Cảm thức đầy mất mát trong quan niệm về thời gian của Xuân Diệu đã khiến ông nhìn đâu cũng thấy không còn gắn kết nữa. Khi mà xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua, xuân non rồi xuân gìa… thì đâu đó thi nhân ngửi thấy mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi, nghe thấy núi sông than thầm tiễn biệt… Thiên nhiên trong sự biệt li vẫn có cái đẹp, nhưng thực chất nó là nỗi niềm run rẩy, lo lắng, sợ hãi trước quy luật tàn nhẫn của thời gian mà tác giả đã lí luận. Nhà thơ không chấp nhận sự thay thế, bởi con người cũng chỉ có một lần để sống, tuổi trẻ lại quá ngắn ngủi mà cũng chẳng hai lần thắm lại. Thiên nhiên cũng thế! Nên nỗi xót xa, tiếc nuối của thi nhân là không tránh khỏi. Để từ đó mà biết trân trọng từng phút giây, biết nâng niu từng khoảnh khắc, không bỏ lỡ sự sống mới bắt đầu mơn mởn, mây đưa gió lượn, cánh bướm tình yêu… để hưởng trọn cái xuân hồng mà phải cắn mới đã đầy, no nê được. Vẻ đẹp của thiên nhiên găn liền với quan niệm sống vội vàng của nhà thơ, cũng là phương tiện để nhà thơ bộc lộ cách sống ấy.

   Nếu coi Vội vàng là một bài thơ tả cảnh thì sự thực thiên nhiên không giúp ích quá nhiều. Bởi vẻ đẹp thiên nhiên trong bài thơ như đã nhận định nó mang nét độc đáo và riêng có của Xuân Diệu và đóng vai trò để thể hiện quan niệm sống của nhà thơ. Cho nên thiên nhiên không hiện lên trong một hình khối tổng thể, bao quát mà như những mảnh ghép chạy theo mỗi quan điểm yêu đời, yêu cuộc sống của nhà thơ. Tuy nhiên cũng nhờ đó mà thiên nhiên được nhà thơ nhìn nhận ở một góc độ đặc biệt lại càng trở nên có ý nghĩa hơn trong cách sống vội vàng mà ông tuyên ngôn ở tác phẩm này.

shoppe