Đăng ký

Cảm nhận bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu - Văn hay 11

2,420 từ Cảm nhận

Với bài thơ Vội vàng của nhà thơ Xuân Diệu, Cunghocvui.com xin gửi đến các bạn bài Cảm nhận bài thơ Vội vàng, cụ thể là Cảm nhận bài thơ Vội vàng 13 câu đầu, cùng tham khảo qua bài viết dưới đây nhé!

Bài làm

   Nhắc đến ông hoàng thơ tình Xuân Diệu, ta thường nhớ tới những vần thơ lãng mạn, dịu dàng xen lẫn sự đằm thắm, thiết tha. Tiếng thơ Xuân Diệu lúc nào cũng là một sự mới mẻ, viết những điều không mới nhưng cách diễn đạt vô cùng độc đáo, đi sâu vào lòng người. Bài thơ Vội vàng chính là một bài thơ như vậy. Tình cảm yêu mến, say mê của tác giả đối với cuộc đời được thể hiện qua 13 câu thơ đầu. Chỉ thông qua 13 câu thơ đầu ngắn ngủi cũng đủ để thấy cái tôi lãng mạn của nhà thơ trước vẻ đẹp của thiên nhiên, đất nước. 

   Ngay từ những câu thơ mở đầu, Xuân Diệu đã thể hiện ước muốn cháy bỏng của mình:

"Tôi muốn tắt nắng đi

Cho màu đừng nhạt mất

Tôi muốn buộc gió lại

Cho hương đừng bay đi"

cảm nhận bài thơ vội vàng

Xem thêm Vẻ đẹp bức tranh cuộc sống trong Vội vàng

Triết lí nhân sinh trong bài thơ Vội vàng

Nắng và gió là hai hiện tượng tự nhiên không thể nào kiểm soát được, ấy thế nhưng Xuân Diệu lại muốn "tắt nắng", muốn "buộc gió", thể hiện một khát khao như muốn đoạt quyền của tạo hóa. Các điệp từ "Tôi muốn", "cho" như nhấn mạnh niềm mong mỏi, ao ước của thi nhân. Sở dĩ Xuân Diệu lại có suy nghĩ như vậy là bởi thiên nhiên đất nước tươi đẹp quá, ông muốn níu giữ những hương sắc của cuộc đời, để tận hưởng nó một cách trọn vẹn nhất. Màu của nắng ơi, đừng phai nhạt đi vội, cũng như những hương gió được cảm nhận bằng xúc giác, sao nỡ lòng nào vội bỏ ta mà đi! Ta có thể thấy cách bày tỏ tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc đời của Xuân Diệu thực sự rất mới mẻ, như một lời ca cất lên tự đáy lòng của một tâm hồn đa cảm.

   Bức tranh thiên nhiên ở những câu thơ tiếp theo hé lộ tại sao nhà thơ lại yêu nó đắm say đến như vậy:

"Của ong bướm này đây tuần tháng mật

Này đây hoa của đồng nội xanh rì

Này đây lá của cành tơ phơ phất

Của yến anh này đây khúc tình si

Và này đây ánh sáng chớp hàng mi"

Một loạt những hình ảnh đẹp đẽ của tự nhiên được tác giả nêu ra: "Ong bướm, hoa cỏ, yến anh...." cùng với điệp từ "Này đây" như khơi gợi ra trước mặt bạn đọc rằng: "Hãy nhìn kìa, bức tranh thiên nhiên mùa xuân thật tươi đẹp!" Xuân Diệu đã vẽ nên một bức tranh tràn đầy sức sống của sự vật, nào là sự tốt tươi của hoa lá, của cây cỏ, nào là sự nhộn nhịp của chim muông, sự ngọt ngào của ong bướm.... Đứng trước một cảnh vô cùng nên thơ, quyến rũ như vậy, làm sao con người ta không say mê cho được? Hai câu thơ tiếp theo là một sự so sánh mà chỉ Xuân Diệu mới có thể diễn tả hay đến như vậy:

"Mỗi buổi sớm, thần vui hằng gõ cửa

Tháng giêng ngon như một cặp môi gần"

Hình ảnh "Thần vui" gợi liên tưởng đến vị thần mặt trời của Hy lạp hằng ngày mang ánh sáng đến khắp thế gian. Với Xuân Diệu, thần vui cũng mang ý nghĩa như vậy. Nhà thơ coi mỗi một ngày của cuộc sống là một ngày vui, được thỏa lòng chiêm ngưỡng vẻ đẹp khắp nhân gian, để vui đùa với trần thế. Nhà thơ cũng muốn đem những niềm vui ấy đến với mọi người, để cùng san sẻ những điều hạnh phúc trong cuộc sống. Hình ảnh so sánh "Tháng giêng ngon như một cặp môi gần" là một sự hình dung vô cùng chân phương, kiều diễm và không kém phần tình tứ của nhà thơ. Cặp môi gần của người thiếu nữ vừa quyến rũ, vừa đằm thắm, lại rất trẻ trung, nó làm say mê không biết bao nhiêu người. Hình ảnh tháng giêng - tháng đầu tiên của mùa xuân cũng đẹp đẽ, quyến rũ như đôi môi của người con gái vậy. Rõ ràng, Xuân Diệu đã cảm nhận thiên nhiên bằng cả tấm lòng mình, từ thị giác, xúc giác cho đến thính giác....

   Hai câu thơ cuối trong 13 câu thơ này như là một sự khẳng định chắc nịch của nhà thơ:

"Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa

Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân"

Đứng trước vẻ đẹp của thiên nhiên, nhà thơ nói với bạn đọc cái cảm xúc của chính mình, đó là sự sung sướng. Nhưng đan xen với niềm vui sướng, hạnh phúc ấy là một sự "vội vàng". Mùa xuân chưa qua đi nhưng tác giả đã cảm thấy tiếc nuối, tuổi trẻ chưa qua đi nhưng nhà thơ đã sợ nó sắp đi mất rồi. Phải chăng vì quá yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống nên Xuân Diệu mới vội vã đến như vậy? Ta hiểu được sâu sắc cái ước muốn "tắt nắng", "buộc gió" ban đầu của nhà thơ. Chốt lại 13 câu thơ đầu, Xuân Diệu khẳng định: "Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân". Nhà thơ không thể chờ đợi được nữa, ông cho rằng mỗi giây phút mình sống trên cuộc đời đều phải sống thật ý nghĩa. Con người là một sinh vật nhỏ bé giữa cuộc đời, làm sao so sánh được với sự to lớn, sự trôi chảy nhanh chóng của thời gian. Tuổi trẻ, tuổi xuân của con người cũng như vậy, cần sống và cống hiến hết mình để không phải nuối tiếc sau này. Ý thơ dễ hiểu, cách diễn đạt sâu sắc mà thấm thía như gieo vào lòng bạn đọc tình cảm yêu mến trước cuộc đời và lời nhắn nhủ phải sống tích cực, sống trọn vẹn từng phút giây là điều mà Xuân Diệu muốn truyền tải đến với mọi người. Ta cũng thêm cảm phục trước tài năng miêu tả tài tình của nhà thơ.

   Mạch thơ gắn kết, cô đọng nhiều tầng ý nghĩa chỉ trong 13 câu thơ đầu, ta cảm nhận được một bức tranh thiên nhiên mùa xuân vô cùng tươi đẹp, tràn trề sức sống cùng với tình yêu cuộc đời tha thiết của nhà thơ. Cách cảm nhận chỉ qua những sự vật quen thuộc, đơn giản nhưng lại thể hiện một sự mới mẻ trong từ ngữ khiến cho ta hiểu vì sao Xuân Diệu được coi là ông hoàng thơ tình của văn học Việt Nam hiện đại. Có lẽ cho đến mãi sau này cũng khó có ai có thể diễn đạt mạch cảm xúc trôi chảy, tự nhiên và nồng thắm như trong thơ của ông.

Với bài Cảm nhận bài thơ Vội vàng, cụ thể là Cảm nhận bài thơ Vội vàng 13 câu đầu, Cunghocvui hy vọng các bạn học sinh sẽ cảm nhận được bài thơ này một cách trọn vẹn và giàu cảm xúc nhất. Chúc các bạn học tốt!

shoppe