Mục đích viết Chiếu dời đô của vua Lý Công Uẩn
Đề bài: Mục đích viết Chiếu dời đô của vua Lý Công Uẩn
Bài làm
Năm 1009, Lê Ngọa Triều, một tên vua hoang dâm vô độ, tàn bạo đã chết. Quần thần nhà Lê và giới tăng lữ cao cấp đã tôn Lý Công Uẩn, Điện Tiền chỉ huy sứ lên làm vua, mở đầu triều đại nhà Lý (1009-1225) đánh dấu bước phát triển mới của chế độ phong kiến Việt Nam.
Năm 1010, Lý Thái Tổ dã dời đô từ Hoa Lư ra Đại La. Có thể nói đây là một kì tích đầu tiên của vương triều nhà Lý. Lý Công Uẩn đã tự tay mình thảo “Chiếu dời đô“ bằng chữ Hán, một văn kiện có ý nghĩa lịch sử trọng đại. “Chiếu dời đô“ đánh dấu bước phát triển mới của đất nước Đại Việt, thể hiện ý chí tự cường của nhân dân ta trên đà lớn mạnh.
“Chiếu” là thể văn do vua dùng để ban bố mệnh lệnh. “Chiếu dời đô“ được viết bằng văn xuôi cổ, câu văn có vế đối. Các yếu tố nghị luận, miêu tả, tự sự và trữ tình kết hợp một cách rất chặt chẽ, hài hòa.
Phần đầu bài “Chiếu”, Lý Công uẩn giải thích nguyên nhân, mục đích việc dời đô. Tác giả có một lối viết ngắn, lí lẽ sắc sảo, các dẫn chứng nêu ra đầy sức thuyết phục.
Mở đầu, bài chiếu nêu lên những sự kiện lịch sử: nhà Thươmg đến vua Bàn Canh năm lần dời đô, nhà Chu đến vua Thành Vương cũng ba lần dời đô. Đó là những tiền lệ lịch sử, những kinh nghiệm lịch sử. Việc dời đô của các vua thời Tam đại (bên Tàu) là do yêu cầu khách quan của xã hội, do xu thế của lịch sử, chứ không phải “theo ý niệm" mình mà tự tiện chuyển dời?”
Việc dời đô là do mục đích sâu xa tốt đẹp. Lí lẽ nhà vua nêu lên rất sâu sắc, vừa có tình vừa có lí. Dời đô “chỉ vì muốn đóng dô ở nơi trung tâm, mưu toan nghiệp lớn, tính kế muôn dời cho con cháu”. Dời đô là vì nước vì dân, vì đạo nghĩa “trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân”... Dời đô sẽ mang lại lợi ích tốt đẹp: “vận nước lâu dài, phong tục phồn thịnh”. Dời đô là để xây dựng và bảo vệ đất nước giàu đẹp, bền vững đến muôn đời mai sau.
Lý Công Uẩn nhắc đến bài học lịch sử của hai triều đại nhà Đinh và nhà Lê. Từ khi Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế năm 968 đến khi Lê Ngọa Triều chết vào năm 1009, hai triều đại Đinh, Lê chỉ tồn tại trong vòng 42 năm. Loạn lạc kéo dài, đất nước không phát triển. Nhà Đinh và nhà Lê đã “theo ý riêng mình, khinh thường mệnh trời, không theo dấu của Thương, Chu, cứ đóng yên đô” ở Hoa Lư. Một sự thật cay đắng đã xảy ra: “khiến cho triều dại không dược bền lâu, sổ vận ngắn ngủi, trăm họ phải hao tổn, muôn vật không được thích nghi”.
Tác giả không chỉ giải thích, nêu lên nhiều dẫn chứng lịch sử, làm rõ cái lợi của việc dời đô, cái hại của việc nhà Đinh, nhà Lê “cứ đóng yên đô thành” ở Hoa Lư..., mà còn biểu lộ cảm xúc của mình trước bài học lịch sử: “Trẫm rất đau xót về việc đó, không thể không dời đổi”. Với Lý Công uẩn thì việc dời đô từ Hoa Lư ra Đại La là một yêu cầu cấp thiết của lịch sử, là một đòi hỏi nóng bỏng của dân tộc và đất nước trên đà phát triển.
Phần đầu “Chiếu dời đô“ đã thể hiện tâm hồn và trí tuệ Đại Việt, bản lĩnh đổi mới và vươn lên của Đại Việt.