Kể về kỉ niệm với một người bạn mà em nhớ mãi
Kể về kỉ niệm với một người bạn mà em nhớ mãi
Thuở ấy, tôi mới từ miền Trung chuyển vào Nam theo ba mẹ. Chương trình lớp bảy chẳng có gì khó đối với tôi, vấn đề là giọng nói của tôi so với mọi người. Trong lớp học, tôi chẳng dám phát biểu. Giờ ra chơi, tôi cũng chẳng nói chuyện được với ai. Tôi trở nên đơn độc trong trường.
Tôi và Hiển đã quen với nhau trong một dịp đặc biệt mà cũng thật khủng khiếp! Mỗi buổi chiều, sau khi nghỉ trưa, tôi lại ôm tập lò dò bước vào ngôi đình phía sau nhà để học bài. Hôm ấy, tôi mon men đến sờ lên thân cây cổ thụ thô ráp, giật giật những sợi dây leo khổng lồ quấn trên thân cây. Không ngờ một trong những cái dây ấy đột ngột chuyển động. Đến lúc tôi nhận ra đó là một con rắn thì đã quá muộn, nó trườn xuống, nhắm thẳng vào tôi. Tôi thét lên kinh hoàng và bỏ chạy. Bỗng tôi nghe “phập” một tiếng. Con rắn quằn quại rồi chết. Tôi hoàn hồn quay lại, chưa kịp cảm ơn, vị “ân nhân nhỏ tuổi” đã cười ầm lên:
- Trời ơi coi cái mặt xanh lè kìa! Ai biểu khi không lại chọc ghẹo nó làm chi!
Mới thế mà bây giờ đã trở thành bạn rồi đấy! Hóa ra Hiển ở trong đình với ông út. Được cái nó không để ý đến chất giọng miền Trung nặng trịch của tôi nên tôi nói chuyện với nó rất thoải mái. Mùa thu, chúng tôi cũng nhặt những quả đầu có hai cánh và tung nó lên cho nó chấp chới trên không. Lại nhặt những chiếc lá vàng to, đẹp nhất để chơi. Hiển tỏ ra rất khéo tay khi xếp thành những chiếc quạt nhỏ hoặc những bông hoa để tặng tôi. Mùa xuân, đâu đâu cũng nhìn thấy hoa nở. Sân đình ngập tràn ánh nắng dịu dịu tựa ánh trăng rằm. Những cây cao vươn lên mạnh mẽ, những cụm cỏ mơn mởn tốt tươi. Tôi nhớ có lần Hiển trèo lên một cây thật cao chỉ để hái cho tôi một nhánh hoa rừng. Mùa hạ thì khỏi nói cũng đủ biết có đủ thứ trò chơi, lại thoải mái vì được nghỉ hè. Nào là bắt ve ve, hái trái chín, rồi gom từng đóm hoa điệp vàng li ti thả xuống suối. Thích nhất là những cánh bướm ép từ hoa phượng, nó đẹp và thơ mộng quá đỗi! Tiếc là hồi đó tôi chưa biết làm thơ, sau này khi lớn lên thêm vài tuổi, nhớ lại tôi đã viết những câu thơ như thế này: “Cánh bướm xinh - Bay bay suốt hè - Nhạc tiếng ve - Bướm vẫn bay bay mãi”.
Thân với nhau, tôi biết được hoàn cảnh đáng thương của Hiển. Ông Út chỉ là người nuôi dưỡng nó. Hiển kể, ngày xưa nó cũng đi học, nhưng hết cấp I, thấy ông út nuôi cực quá nên nó nghỉ học, ở nhà phụ ông chẻ nhang, đan giỏ. Dù đã nhuộm màu cực khổ của con nhà nghèo nhưng trông Hiển vẫn rất kháu khỉnh, thông minh và dịu dàng hơn hẳn những bạn trai lớp tôi. Thấy nó có vẻ thích thú khi xem sách vở của tôi, tôi khuyên nó đi học lớp bổ túc ban đêm, ban ngày vẫn có thể phụ ông. Hiển hơi chần chừ nhưng được sự khuyến khích của ông út, nó đồng ý. Hiển học rất nhanh, nhảy hai lớp và đuổi kịp tôi. Lúc này, tôi phát hiện ra tài năng làm cô giáo của mình. Tôi chỉ bài nào nó hiểu ngay bài đó, kể cả môn tiếng Anh - môn mà bọn con trai thường “khó nuốt” nhất - nó cũng không bỏ qua. Tôi tự nhận đó là công của mình và bắt nó thưa cô mỗi khi muốn nói với tôi điều gì. Quá tuyệt!
Năm tôi học lớp tám, Hiển nhảy lên lớp bảy. Có lần tôi và Hiển đi chợ tết, bỗng dưng Tuấn xuất hiện, nhếch miệng cười. Tuấn là người bạn xấu nhất trong đời học sinh của tôi. Khi tôi mới vào, nghe giọng nói lạ lùng của tôi, Tuấn đã chạy theo chọc tôi nhiều nhất và đã trở thành nỗi ám ảnh của tôi. Cứ nhìn thấy Tuấn với nụ cười nửa miệng là tôi muốn hoảng hốt quay đi. Nhưng nó không buông tha, nó với theo tôi và Hiển:
- Nè, tụi bây không cưới nhau đi, còn chờ gì nữa?
Tôi đỏ bừng mặt suýt khóc. Hiển quay lại ào tới tát luôn mấy cái vào mặt Tuấn khi tôi chưa kịp ngăn cản. Dĩ nhiên, Hiển cũng bị đánh lại nhưng tôi chỉ hỏi mấy câu nhát gừng dù biết Hiển đánh nhau vì tôi. Tôi mong cho chóng về đến nhà, từ đó, do mắc cỡ, tôi tránh mặt Hiển luôn.
Đôi khi nhớ bóng mát sân đình, nhớ tiếng chim líu ríu, nhớ đàn bướm chấp chới quanh vườn hoa sặc sỡ sắc màu, tôi lại ghé qua, một chút thôi rồi vội vã quay về như chạy trốn. Những lần như thế tôi biết Hiển vẫn dõi theo tôi. Tôi tránh gặp nó, sợ phải nhìn thấy gương mặt bầu bầu với đôi mắt buồn của nó. Nhưng một lần đôi mắt buồn ấy gọi tôi và đó là lần tôi nhìn thấy đôi mắt ấy buồn thê thảm hơn bất cứ khi nào:
- Ngày mai Hiển đi rồi.
Tôi không thoảng thốt hỏi “Đi đâu?”. Tôi cũng không bật khóc.
Tôi chỉ im lặng.
- Ba mẹ Hiển quay lại, họ kể rằng vì ngày ấy làm ăn thua lỗ nên họ đã gửi Hiển lại cho ông út. Giờ thi Hiển ngừng nói, mắt nhìn tôi dò xét rồi cúi đầu.
- Vậy là tốt rồi! Chúc Hiển gặp điều tốt lành.
Phải chi tôi năn nỉ Hiển ở lại vài hôm, phải chi tôi tặng Hiển một cái gì đó làm kỉ niệm để Hiển không quá buồn lúc ra đi. Tôi đã không làm như thế để mỗi khi nhớ lại người bạn nhỏ thở ấy, lòng cứ ray rứt bồi hồi...