Hãy tả lại một di tích Lịch sử hoặc danh lam thắng cảnh mà em biết (Đèo Hải Vân)
Hãy tả lại một di tích lịch sử hoặc danh lam thắng cảnh mà em biết (Đèo Hải Vân)
Đèo Hải Vân vắt qua dải Trường Sơn, nối liền hai tỉnh Thừa Thiên, Quảng Nam. Đèo dài 21 km, đỉnh đèo cao 496 mét, uốn lượn theo vách núi, phía dưới là biển, sóng vỗ bạc đầu.
Đèo Hải Vân còn có tên là Ái Vân (quan ải mây) vô cùng hiểm trở. Đường đèo quanh co khúc khuỷu, lắm thú dữ, nhiều giặc cướp hoành hành. Trong thế kỉ XV, vua Lê Thánh Tông đã ngự giá thân chinh qua đây, mới đặt tên Hải Vân là “Đệ nhất hùng quan”. Trong thế kỉ XIX, vua Minh Mệnh đã cho dựng cổng đá tại đỉnh đèo, tạc bốn chữ “Đệ nhất hùng quan” vào hai phía Bắc, Nam.
Đèo Hải Vân vô cùng hùng vĩ và hiểm trở. Dân gian vẫn lưu truyền câu ca:
“Đi bộ thì sợ Hải Vân
Đi thuyền thì khiếp sóng thần Hang Dơi”.
Cuối thế kỉ XX, đèo Hải Vân đa được xây dựng lại. Con đường hầm qua ải đã được hiện đại hoá, đủ cho hai làn xe ngược chiều lưu thông.
Đứng trên đỉnh đèo Hải Vân, du khách phóng tầm mắt qua làn mây trắng, nhìn về phương Nam, có thể nhìn thấy sông Hàn, cửa biển Hội An, Cù Lao Chàm xanh biếc, đỉnh Sơn Trà vần vũ trong tầng mây. Lòng bâng khuâng, man mác nhớ:
- “Chiều chiểu máy phủ Ải Vân,
Chim kêu ghềnh đá, gẫm thân lại buồn “.
- “Chiều chiều mây phủ Sơn Trà,
Lòng ta thương bạn, nước mắt và lộn cơm
(Ca dao)
Chân đèo Hải Vân về phía Bắc có nhiều cảnh đẹp: đầm Lập An, làng chài Lăng Cô, bãi tắm trắng phau, thông xanh uốn lượn phủ biếc bãi cát. Lăng Cô đẹp như tranh vẽ, đã và đang trở thành điểm du lịch hấp dẫn của Thừa Thiên Huế.
Đèo Hải Vân làm cho phong cảnh Trường Sơn và biển Đông nơi “khúc ruột miền Trung” thêm hùng vĩ và nồng nàn, thơ mộng.