Hướng dẫn soạn văn "Tuyên ngôn Độc lập" chi tiết nhất
1. Về bối cảnh lịch sử
Tuyên ngôn Độc lập ra đời trong một không khí cách mạng hết sức khẩn trương. Đây là thời điểm mà tình hình trong nước và quốc tế rất thuận lợi cho nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Việt Minh giành chính quyền, giành lại nền độc lập dân tộc, đồng thời nguy cơ thực dân Pháp trở lại đô hộ nước ta là một sự thật khi mà phát xít Nhật đã đầu hàng Đồng minh. Bản Tuyên ngôn Độc lập tuyên bố trước nhân dân Việt Nam và toàn thể cộng đồng quốc tế về nền độc lập của nhân dân Việt Nam đã giành được từ tay phát xít Nhật để bác bỏ hoàn toàn âm ưu và tham vọng của thực dân Pháp đang lăm le quay lại đô hộ Việt Nam.
2. Về thể loại "tuyên ngôn"
Trong lịch sử văn học chính luận thế giới đã từng có bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Mĩ năm 1776. Đây là bản tuyên ngôn khẳng định nền độc lập của nước Mĩ đối với nền thống trị của nước Anh. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc và tham khảo kinh nghiệm viết tuyên ngôn độc lập mà bằng chứng rõ rệt là việc Người dẫn lời của Tuyên ngôn Độc lập này.
Người đã dịch rất hay, rất thành công những câu quan trọng nhất trong lời mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập của Mĩ:
"Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc" (All men are created equal, that they are endowed by their Creator with certain unalienable Rights that among these are Life, Liberty and the pursuit of Happiness)
Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp cũng được Người nghiên cứu và trích dẫn. Người cũng dịch rất sáng tạo một tư tưởng quan trọng của bản tuyên ngôn này:
"Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi" (men are born and remain free and equal in rights).
Theo bình luận của một nhà nghiên cứu người Mĩ khái niệm "all men" trong bản Tuyên ngôn Độc lập của Mĩ vào thế kỉ 18, thời điểm viết bản tuyên ngôn đó chỉ bao hàm những người đàn ông (người da trắng, và có tài sản). Như thế all men trong bản dịch của Hồ Chủ tịch là "Tất cả mọi người" là một sáng tạo và tiến bộ hơn. Nhưng tất nhiên, hoàn cảnh đấu tranh giành độc lập của nhân dân ta có những điểm khác, nhân dân ta không chỉ đấu tranh chống chế độ quân chủ phong kiến mà còn lật đổ ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân.
Đây là một áng văn chính luận. Cái đẹp của tác phẩm toát lên từ tính logic của lập luận, sự chính xác của tư liệu và sự kiện, cấu trúc chặt chẽ, câu văn ngắn gọn, sáng tỏ và từ cảm xúc của tác giả - nghĩa là trên cơ sở kết hợp nhuần nhuyễn giữa cảm xúc và lí trí.
3. Bố cục của bản Tuyên ngôn Độc lập
Toàn văn bản có thể chia làm 3 đoạn:
- Đoạn 1 (từ đầu đến "đó là những lẽ phải không ai chối cãi được":
Trích dẫn hai bản tuyên ngôn nổi tiếng thế giới là Tuyên ngôn Độc lập của Mĩ (1776) và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp (1791) về quyề con người được hưởng tự do và độc lập để từ đó suy rộng ra quyền tự do và độc lập của các dân tộc. Đoạn này thể hiện nghệ thuật lập luận và sự uyên bác của tác giả. Để khẳng định tính chân lí của độc lập dân tộc, không có gì tốt hơn là dựa vào những tuyên bố mang tính chân lí của các văn kiện nổi tiếng thế giới như hai bản tuyên ngôn đã được dẫn. Bởi lẽ chúng là tiếng nói chân lí khách quan, đã quen thuộc với nhiều người nhất là đối với người phương Tây. Mặt khác, để có được nghệ thuật lập luận này, tác giả phải có học vấn uyên bác, đọc rộng, biết nhiều Tác giả rõ ràng thể hiện không chỉ là một vị lãnh tụ có lòng yêu nước, thương dân mà còn có cả trí tuệ sắc sảo, uyên bác.
- Đoạn 2 (tiếp theo đến "lập nên chế độ Dân chủ cộng hòa"): Lên án tội ác nhiều mặt của thực dân Pháp xâm lược đã gây nên đối với nhân dân ta trong hơn 80 năm, tố cáo sự bất lực, vô trách nhiệm của Pháp trước đế quốc Nhật khi Nhật xâm chiếm Việt Nam năm 1940. Hai mạch lập luận này dẫn đến kết luận tất yếu là nhân dân ta đứng lên lấy lại đất nước từ tay Nhật chứ không phải từ tay Pháp và tuyên bố "Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị", nhân dân ta "đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm" và "đánh đổ ché độ quân chủ" nhiều thế kỉ. Bản Tuyên ngôn ĐỘc lập vừa khẳng định nền độc lập, tự do dân tộc, vừa nêu tính chất của cuộc cách mạng "Dân chủ, Cộng hòa"
- Đoạn 3 (Phần còn lại): Tuyên bố độc lập hoàn toàn đối với Thực dân Pháp và tinh thần quyết tâm đấu tranh để chống lại mọi âm mưu của Pháp, bảo vệ nền độc lập của dân tộc. Tác giả đã khẳng định vấn đề độc lập của Việt Nam là phù hợp với nguyên tắc bình đẳng dân tộc mà cộng đồng thế giới đã khẳng định qua các Hội nghị Tê-hê-răng và Cựu Kim Sơn - Xan-phran-xi-xco.
4. Nghệ thuật lập luận
Một văn kiện có ý nghĩa chính trị trọng đại được xây dựng trên cơ sở những lập luận vững chắc, đanh thép, có sức thuyết phục, thể hiện trí tuệ sâu sắc và tình cảm yêu nước nồng nàn của tác giả.
a) Kết tội thực dân Pháp
Chú ý sơ đồ hình cây về tội ác của thực dân Pháp. Mô hình lập luận này nêu lên nhận định tổng quát sau đó phát triển những lí lẽ chứng minh. "Bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa". Nhận định buộc tội này được làm rõ ràng bằng các phương diện: chính trị, kinh tế. Trong các phương diện này lại được cụ thể hóa thành các ý nhỏ:
- Về chính trị: tác giả vạch trần bản chất chính trị phản động của Thực dân Pháp: chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào, "luật pháp dã man", "lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Băc" hòng ngăn cản việc thống nhất nước ta, "lập ra nhà tù nhiều hơn trường học, thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta, thi hành chính sách ngu dân, dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược.
- Về kinh tế: Chúng bóc lột dân ta đến xương thịt khiến cho nước ta nghèo nàn lạc hậu, chúng giữ độc quyền in giấy bạc, xuất cảng, và nhập cảng, chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lí làm cho dân ta bần cùng, Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên
Điều đáng chú ý là người viết đã đề cập đến tội ác của thực dân Pháp đối với tất cả mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam: từ dân cày, dân buôn tới các nhà tư sản, công nhân, cho tới trí thức.
Một tội ác khác cả thực dân Pháp bị vạch trần: Chúng tuyên bó "bảo hộ nước ta nhưng đã đầu hàng phát xít Nhật, trong thời gian 5 năm", "chúng đã bán nước ta hai lần cho Nhật" . Bản tuyên ngôn chỉ rõ từ năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa.
Tóm lại với 3 lí lẽ vạch tội chính: tội ác chính trị, kinh tế và tội bán nước cho Nhật để đi đến kết luận thuyết phục: dân ta đã lấy lại nước từ tay Nhậ chứ không phải từ tay Pháp" .
Chúng ta có đủ căn cứ tuyên bố thoát hẳn quan hệ với Thực dân Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã kí về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam"
b) Tuyên bố độc lập
Đoạn thứ ba khẳng định lại bản chất của cuộc đấu tranh giành độc lập này là giành độc lập từ thực dân Pháp. Lời tuyên bố độc lập được khẳng định nhiều chiều. Trước hết là từ ý chí của nhân dân Việt Nam: "Toàn dân Việt Nam trên dưới một lòng kiên quyết chống lại âm mưu của bọn thực dân Pháp" . Rồi nhìn từ phía cộng đồng quốc tế: khẳng định sự công nhận tất yếu của cộng đồng quốc tế vì các tổ chức quốc tế đã công nhận các nguyên tắc bình đẳng dân tộc, tổng hợp lại, dân tộc Việt Nam đã đấu tranh suốt hơn 80 năm chống thực dân Pháp (khẳng định quyết tâm giành độc lập của Việt Nam) lại đã đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay "dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập"
Câu kết của bản Tuyên ngôn Độc lập cũng tổng hợp các lí lẽ khác nhau:
"Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy"
5. Hình tượng tác giả
Chủ tịch Hồ Chí Minh bộc lộ tình yêu nước, thương dân nồng nàn trong những dòng văn kết án thực dân Pháp, nhất quán với tinh thần Người đã viết trong Bản án chế độ thực dân Pháp. Các từ ngữ: nhân dân ta, đồng bào ta, nước nhà của ta, những người yêu nước thương nòi của ta, nòi giống ta,.. đã làm rõ tình cảm vô bờ bên đó. Mặt khác lòng căm thù thực dân Pháp xâm lược cũng là một tình cảm mạnh mẽ, dứt khoát. Bản Tuyên ngôn Độc lập không chỉ được viết với trí tuệ sắc sảo mà còn với tình cảm mãnh liệt, chân thành.