Đăng ký

Hướng dẫn phân tích bài thơ "Chiều tối" (Hồ Chí Minh)

1,060 từ

Bài thơ là một bức tranh xinh xắn vẽ cảnh trời chiều nơi núi rừng, có ánh lửa hồng của lò than nhà ai chiếu sáng hình ảnh một cô gái xay ngô nơi xóm núi để chuẩn bị bữa ăn chiều. Ở thơ trữ tinh, ngoại cảnh cũng là tâm cảnh. Từ bức tranh thơ, người đọc thấy được một tâm hồn luôn luôn hướng về sự sống và ánh sáng, một tấm lòng nhân hậu đối với nhân dân và những rung động tinh tế trước phong cảnh thiên nhiên.

Khi phân tích bài thơ cần cảm được và hiểu được những điểm cơ bản sau đây:

1. Cảnh chiều buồn, vắng, con người cảm thấy nỗi cô đơn như thấm cả vào cảnh vật.

Có người cho rằng cảnh vẫn có một cái gì ấm áp, thậm chí vui nữa ở hình ảnh chim bay về tổ (vì nó sẽ được nghỉ ngơi trong tổ ấm nơi một vòm cây nào đó - "tầm túc thụ"). Dù vậy, cảnh như thế là buồn, đã thế lại thêm hình ảnh cô đơn của đám mây chiều ("cô vân" là đám mây cô đơn) chầm chậm trôi qua lưng trời ("mạn mạn độ thiên không").

Nhưng hai câu sau thì thật bất ngờ. Đêm tối buông hẳn xuống đã làm bật sáng lên nơi xóm nhỏ hình ảnh sinh hoạt của con người: một cô gái lao động bên lò than rực hồng. Sinh hoạt con người, sự sống của con người, ngọn lửa của con người nổi bật lên và tỏa ấm trên bức tranh thơ, xua tan cái lạnh, cái buồn, cái vắng vẻ cô đơn của cảnh vật nơi núi rừng lúc chiều tối. 

Đây là đặc điểm phổ biến của thơ Bác: tư tưởng và hình tượng thường luôn luôn vận động hướng về sự sống và ánh sáng. 

Chiều tối

2. Bài thơ có một vẻ đẹp cổ điển. 

Lối vẽ tranh cổ ( vẽ bằng tranh và họa bằng thơ) là chỉ chấm phá vài nét: vẽ cảnh chiều nơi núi rừng, bao quát cả bầu trời, mặt đất, cả thiên nhiên và đời sống con người. Vậy mà chỉ ghi loáng thoáng vài nét đơn sơ: Một cánh chim, một chòm mây, một cô gái bên lò than nơi xóm núi. Nhưng người xưa tuy chỉ chấm phá vài nét đơn sơ nhưng lại muốn ghi lại được linh hồn của tạo vật. Bài "Chiều tối" của Hồ Chí Minh cũng chỉ đơn sơ vài nét vốn quen thuộc với thơ cổ, nhưng ta cảm nhận được cái hồn của cảnh chiều. Có nhiều ngoại cảnh cũng là tâm cảnh. Cái hồn của cảnh cũng là cái hồn của nhà thơ Hồ Chí Minh - nhà cách mạng vĩ đại, bậc chí nhân - vì thế cảnh tuy buồn mà vẫn ấm áp, đặc biệt lại có niềm vui bình dị  đời thường của nhà ai bên bếp lửa hồng với hình ảnh khỏe khoắn của cô gái xay ngô tỏa sáng cả bài thơ.

3. Đặt trong bối cảnh sáng tác

Người làm thơ là một tù nhân bị đày ải trên đường, cô độc, đói, mệt, biết trước cái đang chờ mình không có gì khác là một nhà lao khác lãnh lẽo và đầy muỗi rệp. Cảnh ngộ riêng của người tù có gì đáng vui đâu,đã thế lại đứng trước cảnh núi rừng nơi đất khách quê người vào lúc chiều muộn.

Vậy mà cảnh thơ vẫn có cái gì ấm áp, thậm chí còn có ánh lửa rực sáng lên nữa. Vẽ được một bức tranh như thế trong hoàn cảnh ấy, Hồ Chí Minh quả là có một bản lĩnh khác thường, có một tấm lòng nhân đạo bao la, nhân đạo quên mình: mọi buồn vui đều gắn với vui buồn của dân tộc và nhân loại mà hầu như không phụ thuộc vào cảnh ngộ của riêng mình.

Hi vọng những hướng dẫn trên đây sẽ giúp các em cảm và hiểu trọn vẹn bài thơ "Chiều tối" (Hồ Chí Minh).

shoppe