Đăng ký

Hình tượng người phụ nữ gợi cho anh (chị) nhiều suy nghi nhất trong các tác phẩm văn học xưa

3,369 từ

Hình tượng người phụ nữ gợi cho anh (chị) nhiều suy nghi nhất trong các tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài, Vợ nhặt của Kim Lân, người Hà Nội của Nguyễn Khải và Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu.

Trong văn học thế giới nói chung và văn học Việt Nam nói riêng, những trang viết về người phụ nữ luôn là những trang hay nhất, đẹp nhất và cũng đời nhất. Người phụ nữ nào cũng đều mang theo một nổi lòng, một cảnh ngộ, để rồi, có thấu hiểu nỗi lòng ấy, cảnh ngộ ấy, chúng ta mới càng thấy thương yêu, trân trọng họ. Mỗi lần đọc Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài), Vợ nhặt (Kim Lân), Một người Hà Nội (Nguyễn Khải), Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu), tôi lại vẫn thường tự hỏi, trong tất cả những người phụ nữ ấy, ai là người khiến chúng ta phải suy nghĩ nhất?

Trên cùng dải văn học hiện đại, bốn tác phẩm trên đều là những trang viết cảm động về người phụ nữ. Sự nhanh nhạy của các nhà văn đã mang đến chúng ta hình ảnh người phụ nữ ở mọi miền đất nước: Có người ở miền biển, có người ở miền núi, có người ở chốn thị thành, có người ở xóm ngụ cư. Phần lớn họ là những người lao động nghèo, quanh năm suốt tháng phải đầu tắt mặt tối. Mỗi người trong số họ có một cảnh ngộ riêng. Mị - cô gái tài sắc vẹn toàn - là nạn nhân thảm hại của chế độ phong kiến và thần quyền ở miền núi phía bắc. Người “vợ nhặt” - bóng ma dật dờ trong nạn đói khủng khiếp năm 1945 - là nạn nhân đáng thương dưới ách áp bức của bọn đế quốc Pháp, Nhật. Người đàn bà miền biển trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu không là nạn nhân của chế độ áp bức nào nhưng cuộc đời mụ lại triền miên trong những trận đòn dã man của người chồng vũ phu. Ba con người ấy là ba số kiếp mang nặng những cơn bĩ cực, nhưng hoàn cảnh dù khắc nghiệt thế nào cũng không làm mất đi trong họ vẻ đẹp tâm hồn. Ở Mị tiềm tàng một sức sống mãnh liệt, ở mẹ thằng Phác là lòng thương yêu con vô bờ và ở người “vợ nhặt” là khát khao hạnh phúc. Mẫu số chung của ba người phụ nữ này là sự chịu thương, chịu khó, là đức hi sinh. Chúng là vũ khí vũ trang họ bước lên trên bao cay cực của cuộc đời. Họ thuộc típ người sinh ra để vượt khó. Họ như cậu học trò có hoàn cảnh khó khăn nhưng biết vượt qua chính mình để trở thành người tài. Những nổ lực đó bao giờ cũng đáng trân trọng. Nhung thử hãy thử nghĩ mà xem, một học sinh được sinh ra, lớn lên trong sự giàu có, mọi giá trị vật chất đều đủ đầy. Học sinh nghèo vượt khó đã quí nhưng học sinh giàu vượt khó có đáng quí không? Vượt qua sự sung túc của hoàn cảnh, không để những cám dỗ trong cuộc sống là hư hỏng, cậu ta cũng đáng trân trọng lắm chứ?
 
Vẫn biết mọi sự so sánh đều khập khiễng nhưng không hiểu sao khi nghĩ về nhân vật Hiền trong truyện ngắn Một người Hà Nội của Nguyễn Khải, tôi luôn liên tưởng đến hình ảnh cậu học sinh giàu vượt khó. Trong tương quan với Mị, với người “vợ nhặt”, mẹ thằng Phác, rõ ràng ở cô Hiền có nhiều điều khác lạ. Cô Hiền thuộc giai cấp tư sản - giai cấp trên trong xã hội Việt Nam bấy giờ. Cô có một cuộc sống khá giả (nếu không muốn nói là giàu có) và tương đối bình yên. Nói như vậy không có nghĩa là nhân vật này không có thử thách để khẳng định bản thân. Cô Hiền hiện diện như một con người của thời đại mới nổi bật với bản lĩnh cá nhân, khả năng tự ý thức và một nhân cách đẹp.

Đọc Một người Hà Nội, tôi phục nhất nhân vật cô Hiền ở bản lĩnh dám sống, dám là chính mình bất luận thời thế có đổi thay thế nào. Là người phụ nữ, lại là một tiểu thư “lá ngọc cành vàng” nhưng không bao giờ cô Hiền dựa dẫm vào người khác, nương theo người khác mà sống. Trong vai trò người mẹ, người vợ, cô luôn chú động thu xếp công việc gia đình. Từ thời son trẻ, là thiếu nữ có nhan sắc, yêu văn chương, giao thiệp rộng nhưng cô Hiền không chạy theo những tình cảm lãng mạn viễn vông. "Cả Hà Nội phải kinh ngạc" khi cô Hiền quyết định chọn bạn trăm năm là một ông giáo tiểu học hiền lành, chăm chỉ. Danh lợi phù phiếm ở những người đàn ông hào nhoáng không cám dỗ được cô. Cô hiểu mình phải lấy người đàn ông như thế nào để phù hợp với bản thân mình.

Khi làm mẹ, cô sáng suốt quyết định chấm dứt sinh đẻ vào năm bốn mươi tuổi với sự tính toán kĩ lưỡng: "nếu ông và tôi sống đến sáu chục thì con út đã hai mươi, có thể tự lập được, khỏi phải sống hám vào các anh chị”. So với quan niệm “đông của không bằng đông con" của các cụ, cách suy nghĩ của cô Hiền là một tiến bộ vượt bậc trong tư tưởng. Ẩn tàng trong suy nghĩ ấy là tình yêu sáng suốt của người mẹ biết nhìn xa trông rộng.

Trong việc quản lí gia đình, cô Hiền luôn là “nội tướng” chủ động trong mọi công việc. Cô tự giác nghĩ đến chuyện làm ăn: “Vui hơi nhiều, nói cũng hơi nhiều phải nghĩ đến chuyện làm ăn chứ?", sắc sảo nhận ra những bất cập của thời đại: "Chế độ này không thích cá nhân làm giàu, họ đủ và nhanh nhạy lựa chọn cho gia đình mình công việc phù hợp: bán hoa giấy. Làm hoa giấy không giàu nhung cũng đủ ăn, lại nhàn và không phải lo lắng gì. Mọi việc trong nhà đều do người phụ nữ ấy toan liệu và không việc nào phải cân nhắc lại. Khi nói chuyện với người cháu, cô Hiền phê bình thói “bắt nạt vợ” của anh ta. Phải có bản lĩnh cứng cỏi, phải ý thức sâu sắc về thiên chức của người phụ nữ, nhân vật mới có thái độ phê phán thẳng thắn như vậy.
 
Không chỉ là người có bản lĩnh, ở bà Hiền còn là lòng tự trọng - nét đẹp nổi bật trong nhân cách con người này. Lòng tự trọng là cái “chuẩn” trong suy nghĩ của bà. Tự trọng nên bà bằng lòng cho các con đi chiến đấu, dù trong lòng rất đau đớn bởi thương con. Bà muốn mình sống bình đẳng với các bà mẹ khác. Bà không muốn các con "sống bám vào sự hi sinh của bạn hè". Lòng tự trọng là ngọn nguồn của ý thức trách nhiệm công dân. Lòng tự trọng từ người mẹ còn có sức lan truyền cả với thế hệ các con. Và những người con của cô Hiền đã biết sống xứng đáng với niềm tự hào của mẹ.

Bản lĩnh cứng cỏi để có thể làm chủ cuộc sống, lòng tự trọng để giữ cho mình luôn trung thực, luôn sống đúng với bổn phận, trách nhiệm của mình và thứ nữa - trong con người này - là ý thức sâu sắc về giá trị bản thân mình. Bà Hiền ý thức sâu sắc về bản thân để luôn giữ cho mình những: phẩm chất thanh cao của người Hà Nội. Nguyễn Khải đặt tên cho truyện là Một người Hà Nội phải chăng vì ông muốn khác đậm vẻ đẹp thanh lịch nổi bật ở bà Hiền?
 
Chẳng thơm cũng thể hoa nhài!
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An.
 
Dù trái đất vẫn quay những vòng bất tận của nó, dù xã hội có bao lần thay đổi, ở bà Hiền không hề suy suyển phong thái sinh hoạt của người Hà Nội. Người đọc nhận ra “chất Hà Nội” ở nhân vật qua nét lịch lãm, sang trọng của căn phòng "suốt mấy chục nam không hề thay đổi", qua lời dạy mấy đứa cháu: "Chúng mày là người Hà Nội thì cách đi đứng nói năng phải có chuẩn, không được sống tuỳ tiện, buông tuồng”, qua hành động lau chùi cái bát cổ để cắm hoa thuỷ tiên... Mặc cho những biến động bên ngoài, bà Hiền vẫn luôn giữ thái độ ung dung, tự tại. Đáng trân trọng hơn, ở bà không bao giờ mất đi niềm tin về sự bất tử của cái đẹp Hà Nội: “Hà Nội thời nào nó cũng đẹp, một vẻ đẹp riêng cho một lứa tuổi". Câu chuyện cây si cổ thu bị bão đánh bật rễ lại hồi sinh càng khẳng định niềm tin bất diệt ấy.
 
Truyện được Nguyễn Khải viết năm 1990, nhân vật trong truyện là nhân vật của thời đại chúng ta, vẻ đẹp của nhân vật trong truyện là vẻ đẹp của con người hiện đại, của người đương thời. Chúng ta hoài niệm quá khứ nhưng không được phép rời bỏ hiện tại. Đó là lí do khiến tôi suy nghĩ nhiều nhất về hình tượng người phụ nữ trong câu chuyện của Nguyễn Khải.

Tôi vẫn nghĩ trong cuộc sống này, không còn những cảnh ngộ éo le như người “vợ nhặt” nhưng ở những kẻ ngách hẻo lánh nhất của đất nước vẫn chưa hết những số phận như Mị, như người đàn bà miền biển. Mặc dù vậy, tôi tin họ là thiểu số, rồi xã hội sẽ sớm đưa họ đến cuộc đời tươi đẹp. Nhưng những người như bà Hiền đang xa dần cõi này, "Một người như cô phải chết đi thật tiếc, một hạt bụi vàng của Hà Nội rơi xuống chìm sâu vào lớp đất cổ. Những hạt bụi vàng lấp lánh đâu đó ở mỗi gốc phố Hà Nội hãy mượn gió mà bay lên cho đất kình kì chói sáng những ảnh vàng". Phải làm thế nào để nhân lên nhiều hơn gấp bội những hạt bụi quí đó là điều chúng ta nên nghĩ tiếp.

shoppe