Soạn bài: Viết bài làm văn số 1: Nghị luận xã hội
Đề 1: Đọc truyện Tấm Cám, anh (chị) suy nghĩ gì về cuộc đấu tranh giữa cái thiện với cái ác, giữa người tốt với kẻ xấu trong xã hội hiện nay?
Gợi ý: Về sự chiến thắng của cái thiện trước cái ác, cái tốt trước cái xấu (từ truyện Tấm Cám) các ý chính cần nêu là:
- Giới thiệu về những quan niệm đạo đức truyền thống liên quan đến thiện – ác, xấu – tốt trong văn học, nhất là văn học dân gian.
- Giới thiệu truyện cổ tích Tấm Cám và bài học đạo đức về sự chiến thắng của cái thiện, cái tốt.
- Bình luận:
+ Miêu tả lại mâu thuẫn giữa cái thiện và cái ác, cái tốt và cái xấu trong truyện Tấm Cám.
+ Cái ác đã chà đạp lên cái thiện như thế nào? (Cám giết Tấm mấy lần? Vì sao?)
+ Cái thiện đã vùng lên đấu tranh với cái ác ra sao? (Từ thụ động đến chủ động, từ phản ứng yếu ớt đến mạnh mẽ, quyết liệt như thế nào?)
- Bài học rút ra: Câu chuyện dân gian còn là bài học răn dạy về cách sống, về con đường hướng thiện tránh ác của con người. Nó cũng giúp mỗi chúng ta biết cách nhường nhịn và đấu tranh trong mỗi hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống.
Đề 2: Bày tỏ ý kiến của mình về vấn đề mà tác giả Thân Nhân Trung đã nêu trong Bài kí đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo thứ ba – 1442 :
“Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp.
Các ý chính cần có:
- Giới thiệu về tác giả Thân Nhân Trung và bài kí.
- Nhấn mạnh: Thân Nhân Trung là người có nhiều quan điểm tiến bộ, sâu sắc thể hiện sự chăm lo cho sự nghiệp hưng thịnh của nước nhà. Một trong những tư tưởng ấy là tư tưởng tôn trọng, đề cao vai trò của hiền tài: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp.
- Bày tỏ quan điểm của mình:
+ Khẳng định ý kiến của Thân Nhân Trung là hoàn toàn đúng đắn và sâu sắc.
+ Giải thích ý nghĩa câu nói của Thân Nhân Trung:
Người hiền tài là những người học rộng, tài cao, thông minh, sáng suốt. Đối với mỗi quốc gia, có thể coi đó là hạt nhân khí chát ban đầu làm nên sự sống còn và phát triển.
Người hiền tài có quan hệ lớn đến sự thịnh suy của mỗi quốc gia. Ở nước ta, người hiền tài luôn được trọng dụng, triều đại nào, chế độ nào được nhiều người hiền tài giúp sức thì phát triển càng mạnh. Ngược lại, nếu đất nước thiếu đi những bậc hiền tài thì tất sẽ suy vong.
- Bài học rút ra từ quan điểm của Thân Nhân Trung:
+ Thời nào thì “hiền tài cũng là nguyên khí của quốc gia”. Vì thế, cần phải biết quý trọng nhân tài, phải có những chính sách đãi ngộ đối với họ, nhất là trong thời kì mở cửa hiện nay.
+ Thấm nhuần tư tưởng này, nhà nước ta hiện nay vẫn luôn coi “giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Nhà nước cũng có nhiều chính sách ưu đãi để người hiền tài có điều kiện được cống hiến hết mình cho đất nước.
Đề 3: Viết bài văn nghị luận bày tỏ ý kiến của mình về phương châm Học đi đôi với hành.
Gợi ý:
- Khẳng định phương châm “Học đi đôi với hành” là điều quan trọng trong phương pháp học tập.
- Giải thích câu nói: Thế nào là “Học đi đôi với hành”?
+ “Học” ở đây hiểu là lí thuyết, là một quá trình mà ở đó chúng ta tiếp thu kiến thức của nhân loại dưới sự hướng dẫn của thầy cô. Học cũng có thể là một quá trình tự vận động. Quá trình ấy gọi là quá trình tự học: học trong sách vở, tài liệu hay học trong cuộc sống. Quá trình này nhằm đến một cái đích chung, đó là làm phong phú những hiểu biết của mình, giúp mình phát triển vẹn toàn nhân cách và đặc biệt học trang bị cho mỗi chúng ta những kiến thức, kĩ năng nghề nghiệp để từ đó tham gia vào hoạt động sản xuất của xã hội đem đến lợi ích cho bản thân, cho gia đình và cho đất nước.
+ “Hành” xưa nay vẫn được hiểu là quá trình vận dụng kiến thức vào cuộc sống. Hành đem lại những cái đã học được vào thực tế để kiểm tra độ đúng sai hay để làm sinh động nó (Những người nông dân làm ruộng đồng sẽ khác với những kĩ sư vận hành máy móc...).
- Học phải đi liền với thực hành. Nó có hai mặt vừa thống nhất, bổ sung cho nhau.
+ Trong mối quan hệ giữa học với hành, học đóng vai trò quyết định. Nhưng nếu như ta chỉ biết học lí thuyết mà không biết đến thực hành thì những lí thuyết chúng ta học cũng chỉ là những tri thức chết, phải biến những lí thuyết đã học thành những tri thức phục vụ cho cuộc sống.
+ Đôi lúc, những lí thuyết chúng ta đã được học khi đưa vào thực hành, gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, chúng ta phải biết kết hợp giữa lý thuyết, và thực hành với những điều đã học, phải biết kết hợp giữa học đi liền với thực hành, có như vậy mới đem hết những gì đã học cống hiến phục vụ cho đất nước.