Giới thiệu tập thơ Nhật kí trong tù (Ngục trung nhật ký)
“Ngục trung nhật kí" gồm có 133 bài thơ chữ Hán, phần lớn là thơ thất ngôn tứ tuyệt. Tập nhật kí bằng thơ được Hồ Chí Minh viết trong một hoàn cảnh đặc biệt từ tháng 8-1942 đến tháng 9-1943 khi Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam một cách vô cớ, đày đọa khắp các nhà tù trên tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc:
“Quảng Tây giải khắp mười ba huyện,
Mười tám nhà lao đã ở qua".
("Đến phòng chinh trị chiến khu IV")
“Nhật kí trong tù” phản ánh một dũng khí lớn, một tâm hồn lớn, một trí tuệ lớn của người chiến sĩ vĩ đại. Nó cho thấy một ngòi bút vừa hồn nhiên giản dị, vừa hàm súc sâu sắc. Chất thép và chất tĩnh, màu sắc cổ điển và tính chất hiện đại, bình dị kết hợp một cách hài hòa.
“Nhật kí trong tù” có tác dụng bồi dưỡng lòng yêu nước, tình nhân ái và nhân sinh quan cách mạng cho thế hệ trẻ chúng ta.
Trong bài “Đọc thơ Bác”, thi sĩ Hoàng Trung Thông viết:
“Ngục tối trái tim càng cháy lửa,
Xích xiềng không khóa nổi lời ca.
Trăm sông nghìn núi chân không ngã,
Yêu nước, yêu người, yêu cỏ hoa”.