Đăng ký

Giải thích ý nghĩa tình thần đoàn kết của nhân dân ta

1,233 từ

Nhân dân ta thường khuyên nhau:

"Anh em như thể tay chân

Rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần. "

Em giải thích ý nghĩa câu ca dao trên.

Anh em như thể tay chân
Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần.

Câu ca dao trên mở đầu bằng hình ảnh so sánh: “Anh em như thể tay chân”, một lối nói quen thuộc của nhân dân lao động giống như "bầu" và “bí”, "dây trầu và cây cau", "gà cùng một mẹ"... Ai cũng biết “tay” và “chân” là hai bộ phận của một cơ thể con người có quan hệ không thể tách rời, luôn luôn khăng khít hỗ trợ cho nhau. Khác nào anh em trong một gia đình, đều cùng một cha mẹ sinh ra, dưới một mái ấm tình thương, có chung với nhau vô vàn kỉ niệm. Do đó, mà có quan hệ tình cảm gắn bó nhau. Anh em có thể giúp đỡ, đùm bọc nhau giống như quan hệ giữa “tay” và “chân” vậy.

 
Hình ảnh so sánh sinh động và cụ thể trên đây giúp ta hiểu được tình cảm khăng khít giữa anh chị em. Tình cảm này là nền tảng cho cách đối xử mà câu thứ hai đề cập: “Rách, lành đùm bọc, dở hay đỡ đần”.
 
“Rách”, “lành” là hình ảnh tượng trưng giúp ta hình dung hai hoàn cảnh sống trái ngược nhau. “Rách” tượng trưng cho cuộc sống khó khăn, cơ cực, sa cơ lỡ vận. Trái lại, “lành” tượng trưng cho cuộc sống thuận chèo mát mái, sung túc, ấm no. Câu thứ hai là lời khuyên về cách cư xử của anh em một nhà trong các hoàn cảnh biến động của đời. Dẫu khi no, khi đói, khi đầy đủ và khi thiếu thốn, lúc nào anh em cũng phải nâng đỡ, đùm bọc lấy nhau trong tình thương yêu máu thịt. Đã là anh em đừng vì hoàn cảnh sống đổi thay mà tình cảm đậm nhạt biến thiên theo.
 
Câu ca dao trên khẳng định một vấn đề đạo lí mà cũng là vấn đề tình cảm: Đó là tình anh em trong một gia đình. Từ tuổi bé thơ, sống chung với nhau yêu thương, khắng khít nhau như tay chân, anh em, khi lớn lên dù trong hoàn cảnh sống nào cũng phải lưu tâm, giúp đỡ đùm bọc thương yêu nhau.
 
“Một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Vì vậy, giữ trọn vẹn tình anh em ruột thịt thắm thiết chính là bổn phận của mọi thành viên trong gia đình Đây là vấn đề mà nghìn xưa cha ông vẫn quan tâm. Do đó, cùng một ý nghĩa này, ngoài câu ca dao trên, ta còn đọc được nhiều câu khác:

Chị ngã em nâng
 
Khôn ngoan đối đáp người ngoài
 Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau.
 
Môi hở răng lạnh.

Đủ thấy hai câu ca dao trên có một ý nghĩa khá lớn. Đó là bài học đạo lí về tình anh em được thể hiện bằng hình ảnh cụ thể sinh động và gợi cảm.
 
Tuy nhiên chúng ta nên hiểu ý nghĩa của hai câu ca đao trên rộng hơn nữa là mọi người trong nước, trong xã hội đều là “đồng bào” đều là “anh em” nên đều phải biết yêu thương nhau, đùm bọc nhau và chung thủy với nhau theo một đạo lí lớn hơn nữa:

Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng.

Để tiến đến một ngày mai:

Quan san muôn dặm một nhà
Bốn phương vô sản đều là anh em.

Ngày nay, hai câu ca dao ấy vẫn còn có tác dụng lớn lao, giúp chúng ta suy ngẫm để hiểu đầy đủ ý nghĩa và cố gắng làm theo bài học đạo lí của ông cha từ nghìn đời để lại khuyên nhủ cháu con...