Dàn ý phân tích bức tranh thiên nhiên trong Hai đứa trẻ
Dàn ý phân tích bức tranh thiên nhiên trong Hai đứa trẻ
Khoảng trời tuổi thơ là điều khó quên nhất trong lòng mỗi người chúng ta, ở đó mãi lưu giữ hình ảnh quê hương, đất trời cực kỳ sắc nét. Với hai chị em trong truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam, phố huyện nghèo là nơi mà chúng luôn yêu dù ước mơ của hai chị em là được du ngoạn cùng từng chuyến tàu đêm ngang qua phố. Cùng phân tích bức tranh thiên nhiên trong “Hai đứa trẻ” - Thạch Lam để chiêm ngưỡng những nét đẹp độc đáo, đặc biệt của phố nghèo ven đường tàu qua lăng kính của hai chị em Liên, An.
Dàn ý chi tiết phân tích bức tranh thiên nhiên trong Hai đứa trẻ
Mở bài:
- Thạch Lam là thành viên của nhóm Tự lực văn đoàn, ông theo đuổi dòng văn học lãng mạn. Theo Thạch Lam, văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực, nó tác động sâu sắc đến tư tưởng, tình cảm của con người. Ông quan niệm: “Đối với tôi văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát ly hay sự quên, trái lại văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn".
- Những tác phẩm của Thạch Lam mang giọng văn nhẹ nhàng, đơn giản mà cực kỳ tinh tế.
- Truyện ngắn “Hai đứa trẻ” in trong tập “Nắng trong vườn” được ra đời dựa trên những câu chuyện cảnh đời nơi phố huyện Cẩm Giàng, Hải Dương quê ngoại nhà văn với những kỉ niệm tuổi thơ khó quên. Tác phẩm là tiếng lòng của những gia đình sống trong phố huyện nghèo và bức tranh thiên nhiên cực kỳ đẹp tại nơi đây.
Thân bài:
Bức tranh phố huyện lúc chiều tàn
- Âm thanh: những âm thanh đặc trưng, vô cùng sống động -> tiếng trống thu không nhỏ dần từ xa vọng lại, tiếng ếch nhái kêu râm ran, tiếng muỗi vo ve -> đây là những âm thanh thường nhật, âm thanh của thiên nhiên và con người.
- Màu sắc lúc chiều tàn: “Chân trời phương Tây đỏ rực lửa cháy và những áng mây ánh hồng như hòn than sắp tàn”, “màu đen của dãy tre làng cắt hình rõ rệt trên nền trời” => cảnh chiều tàn báo hiệu một ngày sắp kết thúc, mọi thứ dần trở về với quỹ đạo của nó -> tạo cảm giác tàn lụi, gợi nỗi buồn thấm thía, phố huyện trở nên xác xơ, tiêu điều.
- Bóng đêm đang dần xâm chiếm -> ngày tàn đến nhanh hơn
- Tâm trạng của liên: xao xuyến một nỗi buồn man mác trước thời khắc ngày tàn -> tâm hồn nhạy cảm, tinh tế.
Khung cảnh chợ tàn
- Khung cảnh chợ huyện lúc tàn xác xơ với : “trên nền chợ đầy rác rưởi, vỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn và lá mía”, mùi ẩm mốc bốc lên
- Hinh ảnh con người hiện lên với nỗi khổ cực: Những đứa trẻ nghèo nhặt rác, nhặt thanh nứa, thanh tre, tất cả những gì có thể dùng được,... -> Liên đồng cảm với những đứa trẻ đó.
- Những phận đời sống trong bóng tối:
+ Mẹ con chị Tí ngày mò cua bắt tép, tối lại đội cái chõng tre tàn ra sân ga bày bán với một hy vọng còm cõi như chõng hàng của chị.
+ Bà cụ Thi xuất hiện trong bóng tối và trở về cũng đi lần vào bóng tối...Thấp thoáng sau họ là một bà cụ móm phải cho thuê bớt một gian hàng ọp ẹp, một người cha mất việc.
=> Tất cả những con người ấy sống đơn điệu từ ngày này qua ngày khác. Nhịp sống lặp đi không thay đổi nói lên cái mòn mỏi, vô nghĩa của kiếp người trong xã hội cũ. Con người không chỉ chịu đựng cuộc sống nghèo mà còn phải chịu đựng cuộc sống uể oải, nhàm chán.
=> Hình ảnh chị em Liên với tâm hồn ngây thơ, thương cảm cho những phận đời bất hạnh và sự nghèo khó nơi phố huyện nghèo. Đó cũng là tiếng lòng của nhà văn.
- Nghệ thuật:
+ Truyện giàu chất thơ;
+ Cảm thức tinh tế, rung cảm tuyệt vời của nhà văn;
+ Lời kể thủ thỉ, nhẹ nhàng, hình ảnh giàu sức gợi.
Kết bài:
- Bức tranh thiên nhiên, con người nơi phố huyện nghèo hiện lên vô cùng chân thực, có cả hình ảnh, âm thanh, màu sắc và ngửi được mùi ẩm mốc ngai ngái của đất.
- Độc giả cũng phải động lòng, suy tư trước giọng văn giàu chất thơ, tinh tế và mang cảm thức nhân đạo của Thạch Lam.