Cảm nhận về khổ thơ thứ 1 bài Nhớ Rừng của Thế Lữ hay, chi tiết nhất
Cảm nhận về khổ thơ thứ 1 bài Nhớ Rừng - Thế Lữ
Hãy cùng CungHocVui đến với bài cảm nhận về khổ thơ thứ 1 bài Nhớ rừng để tìm hiểu về hoàn cảnh đáng thương của con hổ và sự căm phẫn, chán nản của nó khi sống trong vườn bách thú với đầy giả tạo, tù túng. Để qua đây hiểu rõ hơn phần nào tâm sự của con hổ bị nhốt trong cũi sắt, phải sống trong cảnh tù đày nhưng luôn hoài niệm về quá khứ huy hoàng nơi núi rừng đại ngàn. Đồng thời, đây cũng là nỗi làm của tác giả trước số phận của đất nước khi bị thực dân Pháp xâm lược.
Văn mẫu cảm nhận về khổ thơ thứ 1 bài Nhớ rừng
Mở bài cảm nhận về khổ thơ thứ 1 bài Nhớ rừng
Nhắc về bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ, trong cuốn Thi nhân Việt Nam Hoài Thanh đã từng nhận xét: "Đọc đôi bài, nhất là bài Nhớ rừng, ta tưởng chừng thấy những chữ bị xô đẩy, bị dằn vặt bởi một sức mạnh phi thường. Thế Lữ như một viên tướng điều khiển đội quân Việt ngữ bằng những mệnh lệnh không thể cưỡng lại được". Đoạn văn đầu tiên của Nhớ rừng hiện lên với tiếng gầm đầy phẫn uất của loài chúa sơn lâm bị đày vào cảnh tù túng, giam cầm chính là minh chứng nổi bật cho tài năng sử dụng từ ngữ một cách đặc sắc của Thế Lữ. Đặc biệt, đây không chỉ là lời oán than của con hổ, mà còn là nỗi lòng của những con người đang bị kìm hãm bởi xã hội thực dân tàn bạo lúc bấy giờ.
Xem thêm:
Cảm nhận khổ 3 bài thơ Nhớ rừng
Phân tích và làm rõ giá trị nghệ thuật trong bài thơ nhớ rừng
Thân bài cảm nhận về khổ thơ thứ 1 bài Nhớ rừng
Mở đầu tác phẩm, người đọc hẳn sẽ có ấn tượng đặc biệt với lời đề từ “Lời con hổ ở vườn bách thú?”. Việc mượn lời con hổ trong vườn bác thú chính là một lựa chọn vô cùng khéo léo và phù hợp, nó giúp tác giả có thể thỏa sức thể hiện niềm khao khát tự do mãnh liệt cùng tình yêu nước thầm kín của mình.
Qua hình ảnh vị chúa sơn lâm đang bị giam cầm trong vườn bách thú, nhà thơ đã thể hiện cảnh ngộ đau thương khi bị tước mất tự do cùng những nỗi niềm u uất của nhân dân trong cảnh nước mất nhà tan, trở thành nô lệ của bọn thực dân. Con hổ nuối tiếc thời oanh liệt nơi núi rừng đại ngàn cũng như chính nhân dân ta đang nuối tiếc quá khứ hào hùng dẹp tan quân giặc ghi danh vào sử sách muôn đời của dân tộc. Đồng thời, đây cũng chính là một cách khơi gợi lòng yêu nước thầm kín của nhân dân.
Cảm nhận về khổ thơ đầu trong bài nhớ rừng
Không chỉ thế, trong thời điểm bài thơ được sáng tác, các tác phẩm văn nghệ gặp phải sự kiểm soát vô cùng nghiêm ngặt của bọn thực dân. Vì thế, mượn lời con hổ trong vườn bách thú cũng là cách giúp tác giả vượt qua sự kiểm duyệt của chúng, đồng thời thể hiển kín đáo, bóng bẩy những tâm sự của riêng mình.
Bài thơ mở đầu với một không gian nhỏ hẹp vô cùng tù túng và bức bách, cũng chính là nơi mà con hổ bị giam cầm. Nỗi cô đơn, sự bực bội cùng bao niềm căm phẫn của con hổ được tác giả thể hiện một cách trọn vẹn qua từng lời thơ đặc sắc. Từ đó, người đọc có thể cảm nhận được một phần nào tình cảnh mất tự do, mất đi quá khứ oanh liệt của loài chúa sơn lâm từng thống trị cả một khu rừng hoang dại:
“Gặm một khối căm hờn trong cũi sắt
Ta nằm dài trông ngày tháng dần qua
Khinh lũ người kia ngạo mạn ngẩn ngơ
Giương mắt bé giễu oai linh rừng thẳm”
Việc sử dụng từ “gặm” đã lột tả trọn vẹn sự bức bối bị dồn nén dai dẳng, lâu dài chẳng thể nào nguôi ngoai khiến tâm trạng loài chúa sơn lâm luôn trong tình cảnh bị vây hãm trong bế tắc, chỉ cầu được giải thoát. “Khối căm hờn” chính là những thù hằn, căm phẫn mà con hổ tích tụ từng ngày một, để rồi nên hình nên dạng thành một khối đầy phẫn uất. “Trong cũi sắt” chính là hiện thực đau thương khi con hổ phải sống trong một không gian nhỏ hẹp, mất tự do.
Xem thêm;
Nếu xuất xứ và chủ đề bài thơ nhớ rừng
Phân tích tâm trạng con người trong bài thơ nhớ rừng
Từ đó, chỉ với một câu thơ, Thế Lữ đã có thể tái hiện toàn vẹn hoàn cảnh đáng thương cùng sự u uất khi sống trong cảnh tù túng của con hổ. Trong sự giam hãm ấy, dù cho hừng hực căm thù, dù nuôi quyết tâm thoát khỏi, con hổ cũng chẳng thể nào tránh được thực tại. Vì thế, nó chỉ có thể “nằm dài” một cách chán chường, tuyệt vọng mà lặng lẽ “trông ngày tháng dần qua”.
Cảm nhận khổ thơ đầu bài thơ Nhớ rừng
Càng tù túng, càng uất hận bao nhiêu thì sự khinh bỉ trước những kẻ ngoài kia càng nhiều bấy nhiêu. “Khinh lũ người kia ngạo mạn ngẩn ngơ”. “Lũ người” ở đây có thể được hiểu là những kẻ đã bắt giam, khiến con hổ phải lâm vào cảnh tù đày đáng hận như hiện tại. Thế giới con người và thế giới động vật là hai thế giới hoàn toàn khác nhau, nhưng chỉ vì lòng tham không đáy của con người mà con hổ phải chịu cảnh sống trong tù đầy một cách phi lý như hiện tại.
Vì thế, đối với con hổ, lũ người này chỉ là lũ “ngạo mạn ngẩn ngơ”, cậy vào sức mạnh của mình mà dương dương tự đắc, thậm chí không biết xấu hổ. Đây cũng chính là niềm phẫn uất của tác giả trước lũ cướp nước xâm phạm hòa bình, độc lập dân tộc của một quốc gia một cách trắng trợn, vô đạo đức. Vì chúng mà nhân dân ta bị đẩy vào cảnh sống tù túng, giam hãm, mất đi tự do, mất cả hạnh phúc. Qua đó, nhà thơ cũng thể hiện sự coi thường, chế giễu những hành động phi lý của chúng. Câu thơ “giương mắt bé giễu oai linh rừng thẳm” chính là cái nhìn đầy ngạo nghễ, kiêu hùng của loài chúa sơn lâm thống trị chốn “oai linh rừng thẳm”.
“Nay sa cơ, bị nhục nhằn tù hãm
Để làm trò lạ mắt, thứ đồ chơi
Chịu ngang bầy cùng lũ gấu dở hơi
Với cặp báo chuồng bên vô tư lự”
Trở về với hiện tại, con hổ càng thấm thía cảnh ngộ đáng hờn của mình, đó là sự “sa cơ lỡ vận” nên đành chấp nhận sống cuộc sống “nhục nhằn tù hãm”. Sự nhận thức về thời thế, hoàn cảnh của chính mình đã khiến loài chúa sơn lâm ấy càng thêm nhục nhã căm hờn. Đường đường là chúa tể nơi rừng xanh đại ngàn, từng thống trị trên cả muôn loài, từng được sải từng bước rộng trên thảo nguyên hoang vu rộng lớn trước ánh mắt sùng bái, lo sợ của vạn vật, vậy mà giờ đây phải sống trong cảnh tù đày đáng hận khiến nỗi đau khổ như được nhân lên gấp bội.
Đau khổ hơn nữa là khi nó phải làm những việc tầm thường, vô vị mà nó chán ghét và khinh bỉ vô cùng “làm trò lạ mắt thứ đồ chơi”. Quá khứ oai hùng càng khiến hiện thực bị sa cơ, bị vây hãm bởi thứ tù túng, giả tạo xung quanh trở nên đau đớn. Vị chúa tể muôn loài ấy dường như đã thực sự bất lực trước tháng ngày vô nghĩa, phải chịu cảnh ngang hàng với “lũ gấu dở hơi”, với “cặp báo chuồng bên vô tư lự”.
Xem thêm:
Phân tích bức tranh thiên nhiên tứ bình trong bài nhớ rừng
Dàn ý phân tích bức tranh tứ bình
Cùng sống trong cảnh tù túng, nhưng dường như không phải loài vật nào cũng có tâm trạng chán chường, phẫn uất như con hổ. Lối sống tự do, hơn người nay lại phải chịu chung cảnh ngộ với những loài vật dở hơi, vô tư lự. Có lẽ chúng còn chẳng ý thức được mình đang sống trong hoàn cảnh như thế nào, nên không biết tức giận, chẳng biết phản kháng, càng không có phẫn uất.
Đó cũng chính là đánh giá của nhà thơ về một bộ phận con người đang sống trong cảnh nước mất nhà tan, mất đi tự do, trở thành nô lệ, nhưng vẫn không biết lo sợ, không biết đứng lên đối phó, phản kháng mà chỉ nằm dài người phó mặc cho số phận.
Kết bài cảm nhận về khổ thơ thứ 1 bài Nhớ rừng
Qua khổ thơ thứ nhất của bài thơ Nhớ rừng, Thế Lữ không chỉ khắc họa nên tâm trạng chán chường, đau khổ trước thực tại tù túng của con hổ, mà đó còn là nỗi lòng của ông trước cảnh nước mất nhà tan, nhân dân phải sống trong cảnh lầm than bởi sự tàn ác của bọn thực dân.
Xem thêm:
Cảm nhận về bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ
Đó là bài văn mẫu cảm nhận về khổ thơ thứ 1 bài Nhớ từng mà bạn có thể tham khảo khi có nhu cầu. Đừng quên đọc thêm các bài văn mẫu khác tại CungHocVui!