Đăng ký

BÀI CẢM NHẬN BÀI CA NGẤT NGƯỞNG CỦA NGUYỄN CÔNG TRỨ HAY NHẤT- VĂN 11

3,591 từ Cảm nhận

BÀI CẢM NHẬN BÀI CA NGẤT NGƯỞNG- NGUYỄN CÔNG TRỨ

    Bài ca ngất ngưởng cũng được Nguyễn Công Trứ viết theo thể hát nói. Bài thơ là bức tranh tự họa chân thực nhất về con người của tác giả: một con người tự do, phóng khoáng và ngạo nghễ với tài năng xuất chúng của chính mình. Cùng tìm hiểu bài cảm nhận bài ca ngất ngưởng dưới đây để hiểu rõ hơn về bức tranh đó.

Cảm nhận bài ca ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ- CungHocVui

Chân dung Nguyễn Công Trứ

Mở bài

      Nói đến những nhà thơ tiêu biểu ở nửa đầu thế kỷ XIX không thể không nhắc đến Nguyễn Công Trứ. Đây là nhân vật nổi tiếng trong lịch sử, ông hăm hở và nhiệt huyết với việc lập thân, lập nghiệp, hết sức đề cao chí làm trai và có cách sống rất độc đáo, luôn tự do, phóng túng. Nguyễn Công Trứ được coi là một trong những nhà thơ nổi tiếng nhất đương thời, ông có công lớn trong việc đưa thể hát nói thành thể thơ có khả năng biểu hiện những tình cảm phong phú và tinh tế, nhất là biểu hiện cá tính của riêng tác giả. 

Xem thêm:

Nhân cách nhà nho chân chính trong bài ca ngất ngưởng

Dàn ý phân tích vẻ đẹp nhân cách nhà nho chân chính trong bài ca ngất ngưởng

Thân bài cảm nhận bài ca ngất ngưởng

      Bài ca ngất ngưởng là một tác phẩm được sáng tác sau khi tác giả từ quan về quê nhà sống cuộc sống ẩn dật, tự do. Đây cũng là lúc chất ngạo nghễ, ngất ngưởng vốn có của Nguyễn Công Trứ được bộc lộ một cách đầy đủ nhất. Bởi tuy là một nhân vật có bản lĩnh, giàu cá tính, nhưng khi còn đang làm quan, Nguyễn Công Trứ cũng không thể sống một cách tự do, ngất ngưởng theo ý mình, ông vẫn phải tuân thủ những luật lệ, những quy củ của triều đình. 

      Cái độc đáo và cá tính của Nguyễn Công Trứ được thể hiện ngay từ tiêu đề của bài thơ: Bài ca ngất ngưởng. “Ngất ngưởng” là từ dùng để chỉ thế cao mà không vững trải, dễ đổ vỡ, nghiêng ngả. Ngoài ra, ngất ngưởng còn có dùng để chỉ thái độ tự thỏa mãn, hài lòng và có phần ngạo nghễ của những người có thực tài trong xã hội. Trong cả bài thơ, tính luôn tiêu đề, từ “ngất ngưởng” được nhắc đến năm lần. Mỗi lần nhắc đến, ông có một cách “ngất ngưởng” rất riêng.

      Nguyễn Công Trứ mở đầu bài thơ Bài ca ngất ngưởng bằng một câu chữ Hán có tính chất tuyên ngôn thể hiện cái chí làm trai: 

                                                            Vũ trụ nội mạc phi phận sự

      Đây chính là điều mà Nguyễn Công Trứ luôn tâm niệm trong cuộc đời và sự nghiệp của mình. Mọi việc trong trời đất chẳng có việc nào không là phận sự của người làm trai. Ở đây, tác giả tự tin vào bản thân mình, tin vào tài năng và tin mình có thể đảm đương nhiều việc trong trời đất. Theo quan niệm của Nguyễn Công Trứ, đã sinh ra phận làm trai trong trời đất, thì nhất thiết phải có “danh gì với núi sông”, phải làm được những việc lớn lao, phải được ghi vào sử sách cho thế hệ sau được biết. 

 

 Cảm nhận Bài ca ngất ngưởng - Nguyễn Công Trứ

Cảm nhận Bài ca ngất ngưởng - Nguyễn Công Trứ

      Cái hay của câu thơ mở đầu chính là đã lồng ghép vào trong đó triết lý sống đúng đắn và tình cảm chân thành của tác giả. Xã hội chỉ tiến bộ khi và chỉ khi con người tự khẳng định mình và ra sức cống hiến, phải cố gắng cao nhất làm được một việc gì đó có ích cho đời để có thể tự hào với mọi người. Khát vọng đó, quyết tâm đó là chính đáng, và rất đáng trân trọng. Tiếp đó, Nguyễn Công Trứ tự xưng tên mình, tự khẳng định tài năng của mình: 

                                                      Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng

      Câu thơ này có  thể hiểu theo nhiều cách khác nhau. Có cách hiểu cho rằng: ông Hi Văn, một con người tài giỏi đã vào vòng cương tỏa của triều đình. Và do đó, ông không thể sống theo cách như mình muốn. Cách hiểu thứ hai cho thấy ông Hi Văn bị sự bó buộc khi làm quan. Tuy nhiên, đây cũng là điều kiện để tác giả có thể bộc lộ được tài năng.

      Hi Văn là biệt hiệu của Nguyễn Công Trứ. Trước ông, bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương cũng có lần xưng danh:

                                                Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi

                                                Này của Xuân Hương đã quệt rồi

                                                                                                (Mời trầu)

      Và tác giả truyện Kiều cũng đã từng xưng hiệu trong Độc Tiểu Thanh kí: 

                                                Bất tri tam bách dư niên hậu

                                                Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?

                                                (Không biết ba trăm năm sau nữa

                                                Thiên hạ ai người khóc Tố Như)

      Nhưng từ cổ chí kim, chưa từng có ai dám xưng danh rồi lại dám khẳng định rằng mình là người có tài năng như Nguyễn Công Trứ. Ở đây, tác giả nói về mình tựa như nói về người khác: 

                                                Khi thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông,

                                                Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng,

                                                Lúc bình Tây, cờ đại tướng,

                                                Có khi về Phủ doãn Thừa Thiên

      Cảm nhận bài ca ngất ngưởng, ta thấy câu thơ trên bộc lộ niềm tự hào về tài năng văn võ song toàn của mình. Tuy vậy, cái hay của đoạn thơ xuất phát từ thái độ chân thành, hồn nhiên và sự trung thực của tác giả. 

Cảm nhận bài ca ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ- CungHocVui

Sự cá tính, ngạo nghễ của Nguyễn Công Trứ

      Cá tính và sự ngạo nghễ, khác người của ông không chỉ có vậy: 

                                                Đô môn giải tổ chi niên.

                                                Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng.

                                                Kìa núi nọ phau phau mây trắng,

                                                Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi.

                                                Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì,

                                                Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng.

      Cảm nhận bài ca ngất ngưởng, ta thấy con người Nguyễn Công Trứ có sự tương phản gay gắt: bò vàng lại đeo đạc ngựa, còn tay kiếm cung mà lại từ bi, đi chùa mà lại mang theo cả ...một đôi dì. Điều ấy khiến cho kẻ hiền lành, thoát bụt cũng cảm thấy nực cười. Sự nực cười của bụt chính là sự cái lắc đầu của thế tục lúc bấy giờ về thái độ sống của ông. Điều đó thể hiện hành động của tác giả lúc bấy giờ là khác thường, đi ngược lẽ phải, đối nghịch với những quan điểm Nho giáo xưa

      Có lẽ vì một lẽ đơn giản ngay trong tiềm thức, trong ý thức sâu xa của mình, ông đã không quan tâm đến cái được, cái mất ở đời. Bấy giờ lẽ đời được mất, khen chê với ông đều không còn quan trọng. Bởi tâm hồn ông chỉ có ca, tửu, cắc, tùng, “không phật, không tiên, không vướng tục”. Một thái độ sống vượt lên tất cả, nhưng ẩn sâu bên trong lại là một tình yêu nước ấm nóng.

                                                Được mất dương dương người tái thượng,

                                                Khen chê phơi phới ngọn đông phong.

      Câu kết bài thơ, Nguyễn Công Trứ nhấn mạnh thêm một lần nữa cảm hứng ngất ngưởng bằng câu: Trong triều ai ngất ngưởng như ông? Câu nghi vấn nhưng lại chính là câu khẳng định: trên đời này không ai độc đáo, ngạo nghễ, ngất ngưởng bằng Nguyễn Công Trứ. Con người ấy tự tin vào tài năng và tin tưởng vào quan điểm sống của mình nên đã rất bản lĩnh và ngạo nghễ vượt lên trên thói thường trong xã hội để sống và làm điều mình thích. 

      Nhưng dù ngất ngưởng, ngông ngạo đến đâu, ông vẫn hiểu rất rõ trách nhiệm của mình đối với cuộc đời, với nhân dân và đất nước. Bài thơ là tuyên ngôn khẳng định cá tính, sự mong muốn vượt ngoài quan điểm đạo đức Nho gia thông thường. Đối với riêng Nguyễn Công Trứ, ngất ngưởng, cá tính và ngạo nghễ là lối sống phải có thực danh và thực tài.

Xem thêm:
Soạn bài ca ngất ngưởng chi tiết

Phân tích bài ca ngất ngưởng hay nhất

Kết bài

      Ngày nay, lối sống và cách sống ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ cần được tiếp thu có chọn lọc và cân nhắc. Tuy nhiên, bài thơ Bài ca ngất ngưởng khích lệ người đọc hãy sống mạnh mẽ, hãy sống có ích để cuộc đời mình ngày một có ý nghĩa, không chấp nhận một cuộc sống tẻ nhạt, khuôn khổ. Trên tất cả, Bài ca ngất ngưởng là một trong những tác phẩm thành công và để lại dấu ấn sâu sắc nhất của Nguyễn Công Trứ trong lòng người đọc.

      Trên đây là phần cảm nhận Bài ca ngất ngưởng cho các bạn tham khảo. Để hình dung cụ thể hơn cách thức triển khai các luận điểm cho bài viết, các bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm những bài văn mẫu do Cungvuihoc tổng hợp.