Đăng ký

Ý nghĩa của cuộc chiến đấu giữa Đăm Săn với Mtao Mxây

2,146 từ

Ý nghĩa của cuộc chiến đấu giữa Đăm Săn với Mtao Mxây

Có ý kiến cho rằng, cuộc chiến của Đăm Săn với Mtao Mxây tuy có mục đích cụ thể là giành lại vợ, nhưng vẫn có ý nghĩa và tầm quan trọng đối với lợi ích của toàn cộng đồng. Qua đoạn trích “Chiến thắng Mtao Mxây”, hãy chứng minh.

Trong kho tàng văn học dân gian vô cùng phong phú của dân tộc Việt Nam, sử thi Tây Nguyên chiếm vị trí đặc biệt cả về số lượng lẫn chất lượng. Trong đó, nổi tiếng nhất là sử thi anh hùng Đăm Săn.
 
Sử thi Đăm Săn viết về đề tài chiến tranh. Toàn bộ thiên sử thi tập trung ca ngợi tài năng, sức mạnh, vẻ đẹp phi thường của người anh hùng - tù trưởng Đăm Săn. Một trong những chiến công nổi bật của Đăm Săn là chiên thắng Mtao Mxây - tên tù trưởng thù địch, giành lại được vợ của mình. Có ý kiến cho rằng: “Cuộc chiến của Đăm Săn với Mtao Mxây tuy có mục đích cụ thể là giành lại vợ, nhưng vẫn có ý nghĩa và tầm quan trọng đối với lợi ích của toàn cộng đồng”. Ý kiến này đã khái quát nội dung ý nghĩa của đoạn trích “Chiến thắng Mtao Mxây”.
 
Sau khi nghe Mtao Mxây cướp vợ của mình, Đăm Săn đã đến thẳng nhà Mtao Mxây để thách đấu. Mục đích của chàng là giết được kẻ thù, giành lại người vợ hiền yêu quý - Hơ Nhị - của mình. Với ý thức của một người đàn ông, Đăm Săn không thể chịu nổi nỗi nhục bị người khác cướp vợ của mình. Nhất là, chàng lại là một tù trưởng có bản tính “ngang tàng từ trong bụng mẹ”. Chàng có thể chết dưới mũi giáo, đường gươm của kẻ thù chứ không thể chịu nổi nỗi nhục ấy. Nhất định chàng phải trả thù, chàng phải chiến đấu với Mtao Mxây để giành lại vợ của mình.

Và chàng đã chiến đấu bằng cả sức mạnh. Cuộc chiến diễn ra hết sức căng thẳng. Mtao Mxây do có chiếc áo giáp bảo vệ nên đã mấy lần mũi giáo thần của Đăm Săn đâm trúng nhưng hắn vẫn không chết. Không nản chí, Đăm Săn vẫn quyết tâm chiến đấu đến cùng. Khi đã thấm mệt, chàng “vừa chạy vừa ngủ” và mộng thấy ông Trời, ông Trời đã chỉ “điểm yếu” nơi vành tai Mtao Mxây cho chàng. Chính sự mách bảo ấy đã giúp cho Đăm Săn chiến thắng kẻ thù. Khi bị Đăm Săn lấy chiếc chày mòn ném trúng vành tai, bộ áo giáp trên người không còn nữa, Mtao Mxây hoảng sợ bỏ chạy. Nhưng hắn chạy đến đâu cũng bị Đăm Săn rượt đuổi theo đến đó. “Hắn tránh quanh chuồng lợn, Đăm Săn phá tan chuồng lợn, hắn tránh quanh chuồng trâu, Đăm Săn phá tan chuồng trâu”. Và đến khi “hắn ngã lăn ra đất”, nằm dưới ngọn giáo của Đăm Săn, hắn vội cầu xin Đăm Săn tha mạng: “ơ diêng, ơ diêng, để ta làm lễ cầu phúc cho diêng một trâu! Ta cho thêm diêng một voi”. Nhưng cái giá phải trả của một kẻ đã cướp vợ người không thể khác được. Câu trả lời của Đăm Săn đã như một bản kết án tử hình: “Sao ngươi còn cúng trâu cầu phúc cho ta? Chẳng phải vợ ta ngươi đã cướp, đùi ta ngươi đã đâm rồi sao?”. Chàng đã giết chết Mtao Mxây, rửa được nỗi nhục cho bản thân và giành lại vợ của mình.
 
Cuộc chiến đấu của Đăm Săn với Mtao Mxây tuy có mục đích riêng là giành lại vợ, nhưng vẫn có ý nghĩa và tầm quan trọng đối với lợi ích của toàn cộng đồng.
 
Trong lịch sử hình thành các dân tộc, các bộ tộc, bộ lạc, đứng đầu là các tù trưởng như Đăm Săn đã mở rộng đất đai, tích luỹ của cải bằng những cuộc chinh phạt, mà nguyên nhân trực tiếp bao giờ cũng do sự tranh chấp tài sản, đất đai hay nô lệ, trong đó thường có sự tranh giành phụ nữ. Cho nên, cuộc chiến giành lại Hơ Nhị cũng chỉ là cái nguyên cớ trực tiếp. Ý nghĩa gián tiếp, khách quan, và cùng là ý nghĩa lịch sử của những cuộc chiến này là sự mở rộng lãnh thổ, phát triển buôn làng. Điều đó không chỉ có ý nghĩa đôi với cá nhân Đăm Săn hay Hơ Nhị, ma còn có ý nghĩa đối với cá dân tộc Ê-đê. Nó phản ánh một dấu mốc lớn trong lịch sử hình thành dân tộc Ê-đê.
 
Chính vì lẽ dó, chiến thắng của Đăm Săn mới được miêu tả như một kì tích, có cả Ông Trời giúp đỡ, và trở thành niềm vui, niềm tự hào của cả buôn làng.
 
Tất cả tôi tớ trong nhà, dân trong làng đều vui sướng, nhộn nhịp trong buổi tiệc mừng chiến thắng của tù trưởng. “Các chàng trai đi lại ngực đụng ngực, các cô gái đi lại vú đụng vú. Cảnh làng một tù trưởng nhà giàu trông sao mà vui thế”. Và họ tự hào rằng họ đã có được một tù trưởng, đầu đội khăn nhiễu, vai mang nải hoa, đánh đâu đập tan đó, vây đâu phá nát đó như chàng.
 
Chiến công của Đăm Săn còn đem đến niềm vui, niềm tự hào cho nhiều buôn làng khác. “Các khách tù trưởng đều từ phương xa đến”. Họ đến là để chia vui, mừng cho chiến thắng của Đăm Săn. Sau chiến thắng ấy danh tiếng của Đăm Săn vang lừng khắp nơi “danh vang đến các thần, tiếng lừng khắp núi, đông tây đâu đâu cũng nghe thấy danh tiếng”. Uy tín, sức mạnh của chàng tăng lên gấp bội. Người ta tự hào “ca ngợi Đăm Săn là một dũng tướng chắc chết mười mươi cũng không lùi bước”. “Đăm Săn hiện ra là một tù trưởng mới giàu lên, đang tràn đầy sức trai, tiếng tăm lừng lẫy”.
 
Như vậy, cuộc chiến của Đăm Săn với Mtao Mxây có mục đích riêng là để giành lại người vợ nhưng lại có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với cả cộng đồng. Đoạn trích “Chiến thắng Mtao Mxây” là một trong những bản hùng ca ca ngợi tài năng và sức mạnh của người anh hùng Đăm Săn, ghi lại dấu mốc của một thời kì lịch sử của dân tộc Ê- đê.