Văn nghị luận: Trong thế giới AIDS, im lặng là chết
Lời cảnh báo trên của Tổng thư ký LHQ Ko-phi An-nan mang nhiều thông điệp đáng quan tâm. Sự phân biệt đối xử, kỳ thị và thái độ thờ ơ của cộng đồng lẫn chính phủ các quốc gia đang mang lại nhiều cái chết thương tâm không đáng có vì căn bệnh này.
Nhắn nhủ với báo giới bên lề Hội nghị Quốc tế AIDS lần thứ 15 được tổ chức tại Băng-cốc, Thái Lan, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ko-phi An-nan nói: "Nếu có điểu chúng tôi đã học được qua hai thập kỷ AIDS hoành hành, thì đó là trong thế giới của AIDS, im lặng là chết... Là những người thuộc giới truyền thông, các bạn hãy đem căn bệnh này ra khỏi bóng tối và hãy để mọi người nói về nó một cách cởi mở và có hiểu biết".
Đối với giới lãnh đạo các nước, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ko-phi An-nan nhấn mạnh: cần nói về AIDS với quan điểm tự hào, không phải là điều đáng xấu hổ. Các nước nghèo cần nhận thức rõ thảm hoạ AIDS và công khai thông báo thực trạng lây nhiễm HIV/AIDS ở nước mình, từ đó có được sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Thực chất, đối với các nước nghèo, vấn đề lớn chưa hẳn là thiếu nguồn tài chính quốc tế hỗ trợ cho chương trình phòng chống AIDS mà là thiếu các điều kiện cơ sở hạ tầng để thực hiện tốt các chương trình điều trị và phòng bệnh. Còn ở các nước giàu, điều kiện cơ sở vật chất đầy đủ cũng chưa đảm bảo thành công trong cuộc đấu tranh với AIDS, mà chính là cần sự quan tâm không phân biệt đối xử với mọi tầng lớp, thành phần nhiễm bệnh. Đơn cử ngay tại nước Mĩ, xã hội vẫn tự hào về những giá trị nhân quyền và văn minh, tình trạng phân biệt chủng tộc và thái độ thờ ơ của giới lãnh đạo cũng gây ảnh hưởng đến cuộc chiến chống AIDS. Vấn để người Mĩ gốc Phi nhiễm HIV tại nước này đang ngày càng gia tăng khi có hơn 50% số người nhiễm HIV ở Mĩ là người da màu. Nhưng trong 5323 áp phích tuyên truyền và 445 bài phát biểu tại Hội nghị Quốc tế lần thứ 15 về AIDS, trong đó có nhiều bài phát biểu của Mĩ, không có một dòng nào nhắc đến tình trạng lây nhiễm HIV/AIDS của người Mĩ gốc Phi.
Đối với cộng đồng xã hội, để tạo được bầu không khí cởi mở cho những bệnh nhân AIDS tự tâm sự và trao đổi, cũng như để mọi người dân có kiến thức phòng chống lây nhiễm, cần xoá bỏ những tư tưởng kỳ thị và phân biệt. Tổ chức lao động quốc tế mới đây kêu gọi mọi người lao động nên tự nguyện thử HIV, xem đây là hoạt động thường kỳ. Một quan chức hoạt động trong lĩnh vực phòng chống AIDS cấp độ toàn cầu từng nhận định, nếu 90% số người nhiễm HIV không biết mình nhiễm bệnh, coi như sự nghiệp phòng chống HIV/AIDS đã thất bại, một hiện trạng đang xảy ra ngay tại các nước đang phát triển. Hội nghị về AIDS tại Thái Lan cũng đề cập đến vấn đề này và khuyến khích thử nghiệm HIV thường kỳ, áp dụng đối với các bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại các bệnh viện, trung tâm y tế. Những người này nếu được yêu cầu thử luôn cả virus HIV nhưng họ có thể từ chối nếu không muốn.
Theo đánh giá của Tổng thư ký Liên hợp quốc Kô-phi An-nan, thảm hoạ AIDS không chỉ là vấn đề sức khỏe mà còn đe doạ trực tiếp đến tiến trình phát triển của nhân loại. Nhưng kể từ hội nghị quốc tế cuối cùng về AIDS được tổ chức năm 2002 đến nay, tốc độ hoành hành của dịch bệnh đã gia tăng chóng mặt khi có đến 6 triệu người thiệt mạng so với tổng số 20 triệu bệnh nhân đã chết vì AIDS kể từ khi phát hiện ca đầu tiên vào năm 1981. Trên thế giới hiện có 38 triệu người nhiễm AIDS, riêng trong năm 2003 có đến 4,8 triệu ca nhiễm mới. Căn bệnh cũng đang đe dọa ngày càng lớn đến phụ nữ và trẻ em khi có đến hơn nửa số người nhiễm bệnh ở độ tuổi trưởng thành là phụ nữ, còn số trẻ em bị mồ côi vì mất cha, mẹ do AIDS đang ngày càng tăng. Trẻ em cũng khó có cơ hội được chữa trị AIDS do thiếu thuốc riêng thích hợp.
(Theo Tạp chí Những vấn đề chính trị - xã hội, số 8/2004, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh)
Xem thêm >>> Một số lưu ý khi viết bài văn nghị luận
Trên đây là bài viết văn nghị luận mà bạn có thể tham khảo, mong rằng bài viết sẽ cung cấp thêm kiến thức bổ ích cho bạn. Chúc bạn học tập tốt <3