Thực hành phỏng vấn và trả lời phỏng vấn Ngữ văn 11
Thực hành phỏng vấn và trả lời phỏng vấn Ngữ văn 11
Bài viết hôm nay Cunghocvui xin giới thiệu với các bạn về cách phỏng vấn và trả lời phỏng vấn ngắn nhất!
I. KIẾN THỨC CẨN NHỚ
Nắm được những yêu cầu cơ bản và cách thức thực hiện phỏng vấn cũng như trả lời phỏng vấn.
1. Mục đích, tầm quan trọng của phỏng vấn và trả lời phỏng vấn
Trên cơ sở trả lời câu hỏi ở mục I, có thể rút ra hai điều sau đây:
a) Phỏng vấn và trả lời phỏng vấn là hoạt động thường gặp trong cuộc sống của con người hiện đại nhằm nhiều mục đích khác nhau để con người có thể hiểu biết nhau hơn, chung sống tốt hơn bằng giao lưu, học hỏi lẫn nhau. (Cho ví dụ).
b) Một xã hội thực sự dân chủ văn minh không thể không chú ý đến vai trò quan trọng của các hoạt động phỏng vấn chính là vì thế (những điều đã nói trong mục a trên đây).
2. Những yêu cầu cơ bản đối với hoạt động phỏng vấn
Hoạt động phỏng vấn gồm ba bước nối tiếp nhau: chuẩn bị phổng vấn, tiến hành phỏng vấn, biên tập sau khi phỏng vấn.
a) Chuẩn bị phỏng vấn
- Trước hết, cần xác định rõ ra điều cơ bản:
+ Chủ đề phỏng vấn (phỏng vấn về điều gì). + Mục đích phỏng vấn (phỏng vấn để làm gì). + Đối tượng phỏng vấn (phỏng vấn ai, một hay nhiều người).
- Nhưng như thế vẫn chưa đủ. Bản thân người phỏng vấn còn cần phải chuẩn bị thêm những điều sau đây:
+ Tìm hiểu kĩ, sâu, toàn diện về chủ đề phỏng vấn để chủ động trong khi phỏng vấn.
+ Tìm hiểu kĩ người được phỏng vấn (về vị trí xã hội, nghề nghiệp, trình độ, tính cách, giới tính, tuổi tác...) để có cách phỏng vấn phù hợp và có hiệu quả.
+ Trên cơ sở đó, đối chiếu với mục đích phỏng vấn, đề ra một hệ thống câu hỏi để phỏng vấn.
- Câu hỏi phỏng vấn phải có nội dung, cấu trúc như thế nào để đạt được mục đích phỏng vấn? Đây là khâu đặc biệt quan trọng trong bước chuẩn bị phỏng vấn.
+ Câu hỏi cần được sắp xếp theo một hệ thống lôgic nhằm khai thác những thông tin cần thiết của người được phỏng vấn để phục vụ cho mục đích phỏng vấn của mình. Hệ thống câu hỏi trên Tuổi trẻ Online, 30-11-2006 là một hệ thống câu hỏi tốt để phục vụ cho việc tuyển dụng người khi phỏng vấn các ứng viên. (Hỏi 6 câu như vậy sẽ biết được khá rõ và đầy đủ năng lực, nguyện vọng và bản lĩnh của các ứng viên để có thể quyết định nhận hay không nhận).
+ Nên dùng những câu hỏi mở (không dùng những câu hỏi định hướng, áp đặt) để có thể thu nhập được nhiều thông tin cần thiết về một vấn đề nào đó. Chẳng hạn, về vấn đề giao thông hiện nay, người phỏng vấn nên chọn câu thứ hai là câu hỏi gợi mở được nhiều ý cho người trả lời hơn câu thứ nhất (với câu này, họ chỉ có thể trả lời là “không”).
Soạn bài: Thực hành phỏng vấn và trả lời phỏng vấn
b) Tiến hành phỏng vấn.
Về bước này, bản thân anh (chị) chưa có dịp thực hiện, nhưng đã chứng kiến thường xuyên trên truyền hình, báo chí,... nên cũng có thể hình dung được quá trình tiến hành phỏng vấn được diễn ra như thế nào giữa người phỏng vấn (phóng viên) và người thực hiện phỏng vấn (nhiều loại người). Ở đây, cần lưu ý ba điều cần thiết trong bước này:
- Câu hỏi chuẩn bị sẵn chỉ là cái khung để dựa vào đó mà tiến hành phỏng vấn. Trong thực tế, nhiều khi, do câu trả lời của người được phỏng vấn mà phải có thêm những câu hỏi khác, đòi hỏi người phỏng vấn phải hết sức nhạy cảm và chủ động để giải quyết tốt các tình huống nảy sinh ngoài dự kiến của mình.
- Ngoài sự khiêm tốn, nhã nhặn và chăm chú lắng nghe, người phỏng vấn cần có thái độ tôn trọng, nhiệt tình với người được phỏng vấn, tạo ra một không khí hòa hợp, hiểu biết lẫn nhau của cuộc phỏng vấn.
- Kết thúc phỏng vấn, người phỏng vấn phải nói lời “cám ơn” với người được phỏng vấn.
c) Biên tập sau khi phỏng vấn
Trừ những cuộc phỏng vấn được phát trực tiếp trên truyền hình hay trên sóng phát thanh, các cuộc phỏng vấn khác, nếu thấy cần thiết, có thể biên tập lại cho phù hợp với chủ đề và mục đích phỏng vấn nhằm đạt kết quả cao hơn cho cuộc phỏng vấn. Tuy nhiên, cần đảm bảo tính trung thực, khách quan của cuộc phỏng vấn, có nghĩa là phải hết sức tôn trọng những lời nói của người được phỏng vấn đồng thời tôn trọng cả ánh mắt, nét mặt, cử chỉ của họ khi trả lời phỏng vấn, bởi lẽ chính họ là người chịu trách nhiệm về những lời nói của mình. Vì vậy, khi biên tập:
- Tuyệt đối không; được sửa lại lời nói của người được phỏng vấn. Nếu muốn sửa lại chỗ nào hoặc cắt đi phần nào, phải trao đổi với họ và chỉ được sửa lại khi họ đồng ý.
- Hoàn toàn được ghi lại nét mặt, ánh mắt, cử chỉ của người phỏng vấn trả lời như ta đã thấy trên truyền hình và cả trên mặt báo (trên báo viết thường chọn những tấm ảnh tiêu biểu nhất).
3. Những yêu cầu đối với người trả lời phỏng vấn
Đối với người trả lời phỏng vấn, có hai yêu cầu đặt ra:
a) Phải nêu thật trung thực, rõ ràng ý kiến của mình về điều được hỏi, với thái độ thẳng thắn, chân thành.
b) Phải trả lời sao cho hấp dẫn, dễ hiểu, gây hứng thú cho người nghe (người đọc) (như câu trả lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nhà báo nước ngoài về tình hình chiến dịch Điện Biên Phủ đã nêu trong SGK).
II. LUYỆN TẬP
A. Gợi ý giải bài tập trong SGK
- Bài tập 1 và bài tập 3: anh (chị) tự làm
- Bài tập 2: Thử nêu câu trả lời để anh (chị) tham khảo: Khuyết điểm lớn nhất của tôi là mãi đến hôm nay mới đến đây (cơ quan xin việc) để được phỏng vấn. Lý do vì tôi rất yêu thích và muốn được làm việc ở cơ quan này nhưng vì người yêu của tôi lại không thích nên cứ chần chừ mãi mất gần hai năm.
B. Bài tập bổ sung
Xem xét tình huống sau và trả lời các câu hỏi ở dưới:
Để thu thập tư liệu cho chuyên mục "Trang vàng truyền thống" của tờ báo Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trường em nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, em được giao nhiệm vụ phỏng vấn các nhân vật sau:
- Thầy (cô) hiệu trưởng;
- Một thầy (cô) giáo đã dạy học lâu năm tại trường;
- Bác lao công đã gắn bó với trường từ ngày thành lập đến nay;
- Anh (chị) bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trường;
- Một học sinh là đoàn viên TNCS Hồ Chí Minh.
Ví dụ về phỏng vấn và trả lời phỏng vấn:
1. Với mỗi đối tượng, em dự định sẽ phỏng vấn về vấn đề gì?
2. Em sẽ chuẩn bị hệ thống câu hỏi như thế nào cho từng đối tượng?
3. Với mỗi đối tượng, em sẽ chuẩn bị lời mở đầu và kết thúc như thế nào?
4. Giả định em là người được phỏng vấn, với mỗi câu hỏi nêu ra, em sẽ có phương án trả lời như thế nào? Cho ví dụ cụ thể về trường hợp thứ năm: em là một học sinh, đoàn viên TNCS Hồ Chí Minh của trường.
5. Giả định em đã hoàn thành bài phỏng vấn đối với 5 nhân vật nói trên, khi đưa nội dung phỏng vấn đó vào chuyên mục “Trang vàng truyền thống” của tờ báo Đoàn, em sẽ biên tập bài phỏng vấn theo hình thức như thế nào? (theo hình thức hỏi đáp trực tiếp, theo lối tường thuật, hoặc chỉ trích dẫn những đoạn hỏi - đáp tiêu biểu, có ý nghĩa nhất đối với từng đối tượng được phỏng vấn).
Bài luyện tập này gồm cả hai công đoạn: phỏng vấn và trả lời phỏng vấn. Tuy nhiều đối tượng, nhiều câu hỏi đặt ra nhưng lại cụ thể, có gợi ý để các em dễ trả lời. Các em có thể tự suy nghĩ trên tình huống đặt ra của đề bài để thực hiện bài luyện tập này.
Trên đây là toàn bộ kiến thức mà Cunghocvui muốn chia sẻ về Thực hành phỏng vấn và trả lời phỏng vấn Ngữ văn 11!