Đăng ký

Suy nghĩ của anh (chị) về lời phát biểu của một nhạc sĩ: Năm hai mươi tuổi, tôi nói: “Tôi và Mô-da", ...

2,909 từ

Suy nghĩ của anh (chị) về lời phát biểu của một nhạc sĩ: Năm hai mươi tuổi, tôi nói: “Tôi và Mô-da", Năm ba mươi tuổi, tôi nói: “Mô-da và tôi, Năm bốn mươi tuổi, tôi nói: "Chỉ có Mô-da”.

Khổng Tử đã từng nói: “Nam nhi tam thập nhi lập, tử thập nhi bất hoặc, ngũ thập tri thiên mệnh". Tuổi tác và sự từng trải khiến cho con người nhìn nhận cuộc sống một cách xác thực hơn. Phải chăng đó cũng chính là lí do khiến cho một nhạc sĩ phát biểu:

Năm hai mươi tuổi, tôi nói: “Tôi và Mô-da"
Năm ba mươi tuổi, tôi nói: “Mô-da và tôi
Năm bốn mươi tuổi, tôi nói: "Chỉ có Mô-da”.

Ai là người không trải qua tuổi trẻ đầy mộng mơ, tuổi trẻ của những ước mơ và khát vọng cao đẹp? Tuổi trẻ là tuổi của sự sống và sức sống đầy niềm đam mê và những ý tưởng. Họ tin vào những điều mình có thể làm và không ngần ngại để thử sức. Nhưng vì đầy mộng mơ nên có khi những mơ ước của họ lại trở thành mộng tưởng. Họ tự tin vào mình nên dễ trở thành tự phụ, hiếu thắng. Tuổi trẻ mang đến cho con người sức mạnh nhưng cũng không quên để lại cho họ “gót chân Asin” mà nếu không biết tự khắc phục thì sẽ dễ dàng bị quật ngã. Bởi vậy nên mới có chuyện như nhạc sĩ kia: "Khi hai mươi tuổi, tôi nói: “Tôi và Mô-da". Hai mươi tuổi, đó là con số chỉ mang tính chất ước lệ nhưng lại có giá trị biểu đạt lớn. Nhắc đến tuổi hai mươi, người ta nghĩ ngay đến những người trẻ tuổi, những người đang đầy nhiệt huyết muốn “xông pha" vào cuộc sống. Nhưng đó cũng là tuổi của những bồng bột sốc nổi, đôi khi trơ thành tự phụ, hiếu thắng. Họ nhắc đến cái “Tôi” của mình nhiều và mong muốn được thề hiện nó ở mọi lức, mọi nơi. Khi cái “Tôi" quá lớn, nó được đặt lên trên tất cả những người xung quanh. Và lúc ấy, một “cậu" nhạc sĩ đang tập vào nghề cũng có thể tự tin mà cho phép mình nói rằng: "Tôi và Mô-da”. Nhắc đến tên mình trước tên tuổi của một nhà soạn nhạc lừng danh, đó là cách nói có phần kiêu ngạo và tự phụ. Nó xuất phát từ quan niệm về một cái tôi quá lớn cũng như những bồng bột, hiếu thắng của bản thân thường thấy ở tuổi trẻ.
 
Thời gian qua đi, bước sang tuổi ba mươi (một lần nữa đây cũng là một con số mang tính ước lệ), những thăng trầm làm cho con người trở nên chín chắn hơn, suy nghĩ thấu đáo hơn. Bên cạnh đó, đây cũng có thể coi là thời kì sung mãn nhất về thể chất và tinh thần. Ý thức rõ về mình và những người xung quanh nhưng sức mạnh tổng hợp ấy vẫn khiến họ đầy tự tin: '"Năm ba mươi tuổi, tôi nói: "Mô-da và tôi". Đến dây Mô-da đã được đặt lên trên cái tôi nhưng không chỉ đơn giản như vậy. Người ta vẫn bất gặp một cái tôi đầy kiêu hãnh ngay sau đó. “Tôi" không còn đứng trước Mô- da nhưng dường như người nói vẫn đang đặt mình ngang hàng với Mô-da: Bên cạnh Mô-da còn là tôi. Và tôi cũng sẽ làm được những điều không kém Mô-da. Cách nói tuy đã có phần “khiêm tốn" hơn chàng trai hai mươi tuổi trước đó nhưng vẫn rất tự tin, không còn hiếu thắng nhưng vẫn mang chút gì đó như là sự tự hài lòng về bản thân. Nhưng đến “năm bốn mươi tuổi" thì mọi thứ đã thay đổi, người nhạc sĩ nói: "Chỉ có Mô-da”. Đến giờ Mô-da giữ vị trí độc tôn. Chỉ có Mô-da và Mô-da mà thôi, ngoài ra không còn ai khác. Cách nói này mang đến cho chúng ta nhiều suy ngẫm. Không thể cho rằng người nhạc sĩ nói thế vì đến giờ phút này thì ông ta không làm nên được gì. Thực ra đây là một cách nói nhưng cũng chính là một quan niệm, một bài học sâu sắc về cuộc sống. Khổng Tử nói nam nhi "tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập tri thiên mệnh", nghĩa là ở độ tuổi bốn mươi thì người ta không còn điều gì để phải nghi hoặc nữa và khi năm mươi tuổi thì đã đạt đến độ biết được cả mệnh trời. Có thể, ở độ tuổi bốn mươi, nghĩa là khi đã đi qua nửa cuộc đời, những thất bại, thành công, hạnh phúc, khổ đau,... khiến người ta nhận ra cuộc sống không hề giản đơn, nó không có chỗ cho những hiếu thắng, tự phụ, và ta chỉ là một hạt cát trong biển trời mênh mông, những điều ta biết chỉ là một giọt nước nhỏ trong đại dương tri thức... Đó là sự “tiệm ngộ" của một người đã được trải qua những thăng trầm trong cuộc sống. Nhưng điều quan trọng hơn, ta nhận ra đằng sau câu nói ấy thấp thoáng bóng dáng của một con người trải nghiệm, điềm đạm, biết mình biết người, bóng dáng của con người tuổi tác đã đạt đến độ “nhi bất hoặc", “tri thiên mệnh”...

Câu nói của người nhạc sĩ đưa ra cho chúng ta một “lẽ thường" (ở mức độ nhiều hay ít) mà không ai có thể tránh khỏi: Con người ta trưởng thành dần theo thời gian. Cùng với những va chạm trong cuộc sống, những từng trải, thành công và thất bại, họ sẽ hiểu hơn về chính bản thân mình, hiểu hơn về những người xung quanh cũng như cách sống mình cần phải có. Không chỉ có vậy, nó còn mang đến cho những người trẻ tuổi một bài học thấm thía về những sai lầm thường mắc phải ở độ tuổi của mình, nhận thấy những thiếu sót trong nhận thức về bản thần và những người xung quanh, nhờ thế họ sẽ trưởng thành và ngày càng trở nên hoàn thiện hơn.

Thực tế cho thấy, câu chuyện về cuộc chạy đua giữa thỏ và rùa của nhà thơ La Phông ten không phải là hiếm ở mọi thời. Thơ tuy thông minh, nhanh nhẹn nhưng chỉ vì sự kiêu căng, ngạo mạn, coi thường người khác mà đã phải nhận lấy thất bại ê chề: thua một chú rùa - kẻ được coi là chậm chạp bậc nhất - trong cuộc thi chạy. Ai có thể chắc chắn rằng trong mình không còn tồn tại một chú thỏ như thế? Đó là khi ta hiếu thẳng đến mức thái quá mà làm những điều bồng bột; là khi trước những thắng lợi thành công trước mắt ta dễ tự hài lòng với bản thân mình, coi mình hơn người không chịu cố gắng; là khi ta không đánh giá đúng năng lực bản thân nhưng lại coi thường khả năng của người khác... Xung quanh ta có biết bao người trẻ tuổi đang chôn vùi tuổi thanh xuân của mình trong tệ nạn xã hội, trong những đam mê ngông cuồng và phá phách. Họ muốn khẳng định cái tôi của mình theo một cách riêng mà không biết rằng mình đang lạc đường. Còn biết bao bạn trẻ không biết quý trọng những gì mình đang có trên tay để vun đắp cho nó ngày càng đẹp đẽ hơn. Họ tự mãn và đang tự phung phí mà không ý thức hết được tầm quan trọng của chúng... Khi chú thỏ ngừng trò chơi hái hoa bắt bướm và ngẩng lên để nhận ra sai lầm của mình thì đã quá muộn. Rùa đã chạy về tới gần đích. Mọi sự cố gắng của thỏ lúc này cũng đều chỉ là vô ích. Con người cũng thế thôi, nếu như không biết mình biết người để không ngừng cố gắng hoàn thiện bản thân thì trước sau gì cũng sẽ phải gánh lấy những thất bại đáng tiếc, như chú thỏ kia đã từng phải gánh chịu...

Tuổi trẻ chưa có đủ thời gian để chiêm nghiệm thực tế cuộc sống như những người đã đứng ở dốc bên kia cuộc đời. Nhưng họ đang được trang bị cho mình những kiến thức cần thiết từ chính những người đi trước ấy để có thể sống tốt hơn. Vậy thì còn chờ gì nữa mà không nắm bắt ngay lấy những điều đó để cố gắng ngay từ bây giờ. Tận dụng thời gian và những gì mình đang có để không phải chờ đến khi hai mươi, ba mươi, hay bốn mươi tuổi mà ngay từ bây giờ ta cũng có thể tự tin nói: Không phải “Tôi và Mô-da" hay “Mô-da và tôi” mà là “chỉ có Mô-da" nhưng dù sao thì “Mô-da là Mô-da và Tôi là Tôi”.