Nghị luận xã hội về lòng tự trọng - Viết bài tập làm văn số 1
Với bài tập làm văn số 1 lớp 11: Nghị luận xã hội về lòng tự trọng, Cunghocvui xin gửi đến các bạn phần Nghị luận xã hội về lòng tự trọng hay nhất và đầy đủ nhất ngay sau đây. Cùng tham khảo các bạn nhé!
Bài làm
Mỗi một con người khi sinh ra không thể quyết định hình hài cũng như giới tính của mình, thế nhưng lại quyết định được tính cách, phẩm chất và giá trị của bản thân thông qua quá trình sống và thể hiện trong giao tiếp xã hội. Một trong những đức tính tốt đẹp của con người đó chính là lòng tự trọng. Có thể nói, lòng tự trọng đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành nên phẩm chất cá nhân, nó quan trọng hơn cả những yếu tố ngoại hình ở bên ngoài. Bất kì ai có lòng tự trọng và biết giữ gìn lòng tự trọng ấy cho bản thân và người khác thì đều được mọi người quý trọng, đều dễ dàng thực hiện những mong muốn trong cuộc sống.
Vậy lòng tự trọng là gì? Tại sao lòng tự trọng lại cần thiết và quan trọng đối với mỗi cá nhân đến như vậy? Tự trọng chính là ý thức được giá trị của bản thân, là coi trọng, là giữ gìn danh dự, phẩm giá của mình. Một người có lòng tự trọng là một người ý thức được vị trí, giá trị của mình đối với gia đình, đối với bạn bè, đối với xã hội. Họ hiểu rất rõ bản chất cũng như địa vị xã hội của mình ở đâu, họ làm những điều để chứng minh cho phẩm chất trong sạch của mình, tuyệt đối không vị kỷ và bao che cho cái xấu, không vì tiền bạc mà bị mua chuộc, để đánh mất đi lòng tự trọng. Lòng tự trọng còn được thể hiện ở việc muốn khẳng định bản thân với mọi người, quyết không để bị coi thường và sỉ nhục khi bị những người khác vu oan cho mình. Lòng tự trọng là việc tập trung khai thác những điểm mạnh, những lợi thế của bản thân để khẳng định tài năng cũng như là sự đóng góp của mình cho xã hội. Nói tóm lại, lòng tự trọng là yếu tố bên trong, là cái không thể nhìn thấy được nhưng lại cảm nhận được thông qua các cử chỉ, hành động của một người đối với những người xung quanh và với chính bản thân họ. Lòng tự trọng khiến cho con người ta trở nên tự tin hơn, sống đúng với lương tâm và biết bảo vệ giá trị, danh dự, nhân phẩm của mình trước các yếu tố bên ngoài.
Trong lịch sử, lòng tự trọng đã được đề cao thông qua câu chuyện thái sư Trần Thủ Độ quyết không nâng đỡ người họ hàng của vợ mình mà yêu cầu ông ta phải chặt đứt ngón chân cái để phân biệt với những vị quan khác. Câu chuyện này được đưa vào chương trình dạy ở cấp bậc tiểu học để dạy cho các em về lòng tự trọng của con người. Vị Thái sư là một người quyền cao, chức trọng nhưng không hề vụ lợi cá nhân. Ông đặt lòng tự trọng của mình lên hàng đầu, quyết không bao che và làm điều trái với lương tâm. Ở xã hội hiện đại, ta thấy lòng tự trong được thể hiện ở khắp mọi nơi. Đã có những bài báo phải đính chính và xin lỗi khi viết những thông tin sai sự thật về nhân vật được nói đến, gây tổn hại đến danh dự và lòng tự trọng của họ, buộc họ phải đứng lên yêu cầu cơ quan báo chí đó xin lỗi và gỡ bài. Khi bị bạn bè chê bai, trêu chọc vì học kém, không ít bạn học sinh đã cố gắng chăm chỉ để chứng minh cho những nhận xét không đúng kia, cũng là để bảo vệ cho lòng tự trọng của mình. Nếu một người nhân viên văn phòng làm rất tốt công việc của anh ta nhưng thường xuyên bị rầy la, mắng nhiếc bởi vì người sếp khó tính thì anh nhân viên đó chắc chắn sẽ tìm một nơi tốt hơn, nơi được người khác coi trọng và đối xử tử tế, tốt bụng. Lòng tự trọng không chỉ được thể hiện ở thái độ phản kháng trước các yếu tố tác động mà còn được thấy thông qua việc một cá nhân biết cách nhận những sai sót, những điều chưa đúng của mình để tiến bộ hơn, sẵn sàng hạ cái tôi cá nhân của mình xuống vì lẽ phải.
Xem thêm Các đề văn nghị luận xã hội - Viết bài tập làm văn số 1 lớp 11
Đó là những biểu hiện của một người có lòng tự trọng. Vậy một người khi không có lòng tự trọng thì sẽ như thế nào? Nếu không có lòng tự trọng, trước hết, người đó sẽ đánh mất đi giá trị của bản thân. Một người luôn chịu sự chê bai hay trách móc, thậm chí là đổ oan nhưng vẫn không hề lên tiếng bảo vệ bản thân, tìm ra sự thật thì người đó chắc chắn đã khiến cho danh dự và nhân phẩm của chính mình bị chà đạp nặng nề. Thứ hai, không có lòng tự trọng thì dễ dàng đi theo cái xấu. Bởi lẽ một người không có cái tôi, không có sự liêm sỉ thì ai bảo cũng nghe, ai lôi kéo cũng được, họ có thể bị mua chuộc bằng tiền, bằng các vật chất, của cải khác.... Nếu người có lòng tự trọng là người luôn tôn thờ những việc làm đúng đạo lí, sống đúng với lương tâm, đúng với đạo đức thì một người không có lòng tự trọng sẽ dễ dàng bỏ qua những tiêu chuẩn đó, dễ dàng bị sa vào những cái xấu, những cái đi ngược lại với chuẩn mực xã hội. Và cuối cùng, người không có lòng tự trọng thì sẽ không thể tiến bộ được, thậm chí là bị thụt lại so với những người khác. Họ sẽ không biết nhận lỗi khi họ sai, không thấy hổ thẹn khi bản thân yếu kém, từ đó không có động lực để cố gắng hơn.
Lòng tự trọng phải được điều chỉnh hợp lí, sao cho vừa đủ và không ảnh hưởng đến những vấn đề khác. Lòng tự trọng quá cao sẽ dẫn đến việc hay tự ái, tự cao, tự đại và xem thường người khác. Ngược lại, lòng tự trọng quá thấp thì không khẳng định được bản thân, đánh mất con người thật của mình. Do vậy, mỗi chúng ta cần phải cố gắng trau dồi và hoàn thiện mình, sử dụng lòng tự trọng một cách hợp tình, hợp lí.
Ngoài lòng tự trọng, con người còn có rất nhiều những phẩm chất khác như: lòng trung thực, sự vi tha, lòng yêu thương con người.... Ta không nên quá tập trung vào một khía cạnh mà quên mất đi vẫn còn rất nhiều những đức tính tốt đẹp khác cần phải được rèn dũa hằng ngày. Có như vậy thì ta mới càng trở nên tốt hơn, hoàn thiện được bản thân mình hơn để cống hiến cho xã hội, cho tổ quốc.
Thông qua bài viết Nghị luận xã hội về lòng tự trọng, Cunghocvui hi vọng đây sẽ là bài viết hữu ich dành cho các bạn học sinh. Chúc các bạn học tốt!