Đăng ký

Sự đánh thức tinh thần về đạo thần chủ ở tướng sĩ dưới quyền trong bài Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn

2,703 từ

Sự đánh thức tinh thần về đạo thần chủ ở tướng sĩ dưới quyền trong bài Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn

Đánh thức tinh thần về đạo thần chủ ở tướng sĩ dưới quyền

Đây là phần quan trọng nhất của bài văn. Cách thức tỉnh của Trần Quốc Tuấn về nội dung vô cùng phong phú và nghệ thuật diễn đạt rất thấu lí đạt tình.

a) Khơi gợi lòng ái quốc trung quân và đạo thần chủ ở các tướng sĩ nói cho thật đúng thì bài văn không chỉ thu hẹp ở đạo thần chủ.

Ngay phần mở đầu, tác giả đã mở ra một biên độ rộng. Những tấm gương trung thần nghĩa sĩ xả thân là “bỏ mình vì nước” như Kỉ Tín, Do Vu, Kính Đức, Cảo Khánh, v.v là xuất phát từ đạo trung quân. Đến phần này cũng thế. Khi viết những câu như: “Huống chi ta cùng các ngươi sinh phải thời loạn lạc, lớn gặp buối gian nan. thì trách nhiệm giữa “ta” và “các ngươi” ở vào vị thế ngang hàng. Đó là bổn phận của tinh thần trung quân ái quốc. Lòng căm thù được khơi lên như một trận bão hướng về phía quân thù cũng là từ đó nổi lên. Để rồi từ cái chung mới đi đến cái riêng, từ rộng đến hẹp. Trước vận nước nghiêng ngả như ngàn cân treo sợi tóc, lòng căm giận quân thù xâm lược ở người chủ tướng giằng xé, vật vã ngày đêm: “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối; ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa...” là những câu văn tự bạch thống thiết biết bao! Bằng cách nói khoa trương, ước lệ nhưng rất chân thành, người viết khắc họa thành công một tâm trạng. Còn gì mạnh mẽ hơn bầu máu nóng sục sôi. Những cụm từ như “xả thịt lột da”, “nuốt gan uống máu” quân thù là tương ứng với tội ác mà kẻ xâm lược gầy ra (“uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ”). Tuy nhiên, hai đoạn văn có cùng một phong cách ấy là hướng về phía quân thù. Còn đối với tướng sĩ của mình, Trần Quốc Tuấn lại có một giọng văn khác hẳn. Thông qua đoạn văn kể việc, tác giả gợi ra cách đối xử rất ân tình. Còn gì chu đáo hơn khi người chủ tướng biết chăm lo, săn sóc: “Các ngươi ở cùng ta coi giữ binh quyền đã lâu ngày, không có mặc thì ta cho áo, không có ăn thì ta cho cơm; quan nhỏ thì ta thăng chức, lương ít thì ta cấp bổng; đi thủy thì ta cho thuyền, đi bộ thì ta cho ngựa”.. Giọng văn ấm áp, vỗ về như tình nghĩa cha con mặc dù có khiêm tốn, nhưng Trần Quốc Tuấn không thể không tự hào, hay ít nhất là không có gì phải ân hận: “Cách đối đãi so với Vương Công Kiên, Cốt Đãi Ngột Lang ngày trước cũng chẵng kém gì”.
 
Như thế thì trách nhiệm của các tướng sĩ phải như thế nào trước nước điêu linh, với tư cách người đứng đầu quân đội một dạ, một lòng trọn vẹn. Dù không nói ra, người đọc đã có thể hình dung.

b) Phê phán thói hưởng lạc cá nhân quay lưng với vận nước của các tướng sĩ dưới quyền.
Hai biểu hiện lệch lạc được phê phán gay gắt là sự vô cảm, thờ ơ trước vận nước và tệ hưởng lạc cá nhân, về sự thờ ơ, vô cảm, bằng lối văn biền ngẫu đầy âm điệu, tác giả đánh vào lòng tự trọng, vào sự sỉ nhục của kẻ cầm quân thời loạn. Giọng văn không khỏi bực tức, xót xa: “Nay các ngươi nhìn chủ nhục mà không biết lo, thấy nước nhục mà không biết thẹn. Làm tướng triều đình phái hầu quân giặc mà không biết tức; nghe nhạc thái thường để đãi yến ngụy sứ mà không biết căm”. Mạch văn dồn dập như tinh thần dân tộc được phát ngôn với bao nhiêu uất giận ngập tràn. Tình cảm nén chặt nhất quán với tâm trạng “căm tức chưa xả thịt lột da, nuốt gan uốg máu quân thù” mà đoạn trên đã nói. Nhưng sự phân tích sắc sảo nhất phải là ở đoạn tiếp theo khi lên án tệ hưởng lạc cá nhân. Những biểu hiện của cách sống này được khái quát hóa bằng cách ăn chơi: chọi gà, cờ bạc, vui thú vườn ruộng, quyến luyến vợ con, v.v...

Nói cho đúng thì những ham muốn mà Trần Quốc Tuấn nêu ra không có tội nêu đó là thời bình. Vì, là con người, ai cũng có quyền được hưởng thụ hạnh phúc cá nhân. Thậm chí nó còn là mục đích của mọi cuộc đấu tranh, trong đó có cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Nhưng vấn đề là ở chỗ: Khi vận nước đang ở vào lúc mất còn, “quốc gia hữu sự” thì cách sống cá nhân trở nên lạc lõng. Cái khéo léo và cũng thật nghiêm khắc của Trần Quốc Tuấn là sử dụng biện pháp “lấy gậy ông để đập lưng ông”, lấy chính hình thức ăn chơi làm vũ khí để chống lại thói ăn chơi. Sự phê phán trực diện này vô cùng độc đáo: “Nếu có giặc Mông Thát tràn sang thì cựa gà trống không thể đâm thủng áo giáp của giặc, mẹo cờ bạc không thể dùng làm mưu lược nhà binh... Bằng cách phân tích đó, sự đúng sai đã có thể rạch ròi như giữa đen và trắng. Tuy nhiên, sai lầm không thể đáng trách ở sự sai lầm. Nó còn đáng tiếc ở hậu quả, ở sự trả giá. Sư trả giá này lại có một liên hệ hữu cơ mang tính chất dây chuyền. Bởi khi nước mất thì nhà tan. Hàng triệu con người sẽ cùng chung số phận. Nếu theo dõi cả đoạn văn, lúc đầu nói đến sự vô cảm hoặc thói ăn chơi, tác giả cũng dùng đại từ “các ngươi” thì đến lúc này đã có sự mở rộng khái niệm “ta cùng các ngươi”: “Lúc bấy giờ, ta cùng các ngươi sẽ bị bắt, đau xót biết chừng nào! Để rồi chốt lại bằng một câu hỏi tu từ rất đắc địa, rất thấm thìa, hỏi mà tự nó đã khẳng định, đã trả lời: “Lúc bấy giờ, dẫu các ngươi muôn vui vẻ phỏng có được không?”.
 
c) Khuyên nhủ lẽ đúng sai, hơn thiệt.
Trong bối cảnh nước sôi lửa bỏng lúc này, cách sống tức thời là phải góp phần bảo toàn được chủ quyền, lãnh thố. Cơ hội còn hay mất chỉ cách nhau có gang tấc mà thôi. Lấy hai câu “đặt mồi lửa vào dưới đống củi” và “kiềng canh nóng mà thổi rau nguội” là tác giả nhấn vào ý này, cái ý nắm lấy thời cơ trước khi quá muộn. Công việc phải làm cũng chĩ là công việc nhà binh. Những yêu cầu của nó thì nếu không quyết tâm không thể nào làm được. Ấy là “Huấn luyện quân sĩ, tập dượt cung tên; khiến cho người người giỏi như Bàng Mông, nhà nhà đều là Hậu Nghệ, có thể bêu được đầu Hốt Tất Liệt ở cửa khuyết, làm rữa thịt Vân Nam Vương ở Cảo Nhai”. Thời cơ giống như cái lẫy nỏ, còn mũi tên bắn đi nhằm vào hai cái đích: nước và nhà song song tồn tại. Đó là những câu văn biền ngẫu với kết cấu bè đôi nhưng gió đã thổi chiều. Tối trỏ nên sáng, buồn trở thành vui. Đoạn văn thật khoan hòa êm thuận. Còn gì đẹp đẽ hơn cái cảnh điền viên “chẳng những thái ấp của ta mãi mãi vững bền, mà bổng lộc các ngươi cũng đời đời hưởng thụ; chẳng những gia quyến của ta được êm ấm gối chăn, mà vợ con các ngươi cũng được bách niên giai lão...”.