Nguyên lí về đạo thần chủ trong bài Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn
Nguyên lí về đạo thần chủ trong bài Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn
Xác định nguyên lí về đạo thần chủ
Đối với một bài văn nghị luận như Hịch tướng sĩ, phần đầu là phần lập thuyết. Sứ mạng của nó là phải đặt được những viên gạch đầu tiên. Nền móng có chắc, bền thì ngôi nhà văn chương mới vững chắc. Lập thuyết ở đây dựa vào đạo thần chủ. Đạo thần chủ không phải là đạo vua tôi nhưng cũng là đạo vua tôi, lấy quan hệ dưới (tì tướng) nên chủ tướng làm gốc. Nếu bề tôi đối với nhà vua phải tuyệt đối trung thành thì trong quân đội giữa dưới và trên cũng thế. Chỉ có điều: nội dung của đạo thần chủ này được trình bày có hai khía cạnh đáng quan tâm.
Thứ nhất, nó không được nói lên bằng cách phát ngôn trực tiếp. Thông qua những tấm gương của các bậc trung thần từ xưa đến nay, từ xa đến gần, từ quan hệ vua tôi đến quan hệ thần chủ, tác giả đã nêu lên một nguyên lí bất di bất dịch của kỉ cương. Thần hành đạo của tư tưởng Nho gia đã vượt ra ngoài phạm vi của những giáo điều từ chương cứng nhắc. Khi lấy thực tiễn thay cho lí luận thì bản thân thực tiễn cũng là một cách lí luận, và cách này, trong những trường hợp cụ thể nào đó như: “Các người con nhà võ tướng, không hiểu văn nghĩa” chẳng những dễ hiểu hơn mà còn có sức thuyết phục hơn.
Thứ hai, khi đạo thần chủ đã là một đạo lí thánh hiền thì nó trở thành phổ biến, ở đây không nhất thiết phải phân biệt địch - ta. Chẳng thế mà khi quân dân nhà Trần đương phải đối mặt với giặc Mông - Nguyên mà tác giả không ngần ngại lấy những tấm gương của chính đời Nguyên làm mẫu mực: “Cốt Đãi Ngột Lang là người thế nào, tì tướng của ông là Xích Tu Tư lại là người thế nào, mà xông vào chỗ lam chướng xa xôi nghìn trùng, đánh bại được quân Nam Chiếu trong vài tuần...”. Cái nhìn đầy chất văn hóa này, ta còn gặp trong Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1945 ngót bảy trăm năm sau đó.