Soạn bài Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải - Văn hay lớp 9
Với bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải, Cunghocvui xin gửi đến các bạn phần Soạn bài mùa xuân nho nhỏ hay nhất và đầy đủ nhất. Cùng tham khảo qua bài viết dưới đây nhé!
Câu 1 (Trang 57 SGK Ngữ văn 9 tập 2)
- Mạch cảm xúc bao trùm toàn bộ bài thơ: Từ những cảm xúc, sự rung động trước vẻ đẹp của thiên nhiên, của mùa xuân, nhà thơ Thanh Hải thể hiện tình yêu quê hương, đất nước và khát vọng được hòa mình vào cái ta chung. Tác giả mong muốn được cống hiến cho đất nước dù đang nằm trên giường bệnh.
- Bố cục :
Bài thơ được chia làm 4 phần như sau:
Phần 1: Khổ thơ đầu
Nội dung: Cảm xúc của nhà thơ Thanh Hải trước mùa xuân của thiên nhiên, của đất trời
Phần 2: Khổ 2 + 3
Nội dung: Cảm xúc trước mùa xuân của đất nước, của dân tộc và con người
Phần 3: Khổ 4 + 5
Nội dung: Những suy nghĩ và ước muốn được cống hiến của nhà thơ Thanh Hải
Phần 4: Khổ thơ cuối
Nội dung: Lời ngợi ca vẻ đẹp của quê hương, đất nước
Xem thêm Giới thiệu về Thanh Hải và bài thơ Mùa xuân nho nhỏ
Dàn ý phân tích Mùa xuân nho nhỏ
Cảm nhận và suy ngẫm về bài thơ Mùa xuân nho nhỏ
Câu 2 (Trang 57 SGK Ngữ văn 9 tập 2)
Bức tranh mùa xuân thiên nhiên được hiện lên thật đẹp :
- Đó là những hình ảnh giản dị, tươi tắn: bông hoa, cánh chim, bầu trời....
- Bức tranh thiên nhiên có âm thanh tươi vui, rộn rã của những tiếng chim, có màu sắc hài hoà giữa màu xanh của dòng sông và màu tím của bông hoa - nét đặc trưng của xứ Huế mộng mơ, cũng là quê hương của nhà thơ Thanh Hải
- Không gian bức tranh là một khoảng cao rộng, với dòng sông, mặt đất và bầu trời bao la.
- Nhà thơ hướng tình cảm của mình đến những con người làm nên lịch sử "người cầm súng - người ra đồng".
- Mùa xuân như tiếp thêm khí thế, nghị lực cho con người trên mặt trận xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chính họ đã làm nên mùa xuân đất nước.
Qua hai khổ thơ đầu, Thanh Hải đã thể hiện niềm trân trọng và say sưa, ngây ngất của mình trước vẻ đẹp và sức sống của mùa xuân đất nước.
Câu 3 (Trang 57 SGK Ngữ văn 9 tập 2)
Điều tâm niệm của nhà thơ là khát vọng hoà nhập và dâng hiến cho đời.
- Ước nguyện ấy được thể hiện bằng những hình ảnh thơ giản dị.
- Điệp ngữ ta làm đã nhấn mạnh ước nguyện được cống hiến một cách chân thành và tha thiết.
- Tất cả thể hiện lên ước muốn được hòa mình vào cái ta chung, được cống hiến cho đời của nhà thơ Thanh Hải, ông nguyện dùng tất cả những năm tháng của cuộc đời mình để hiến dâng cho đất nước.
Câu 4 (Trang 57 SGK Ngữ văn 9 tập 2)
Nghệ thuật của bài thơ Mùa xuân nho nhỏ:
- Sử dụng thể thơ năm chữ, có nhịp điệu, gợi âm hưởng tha thiết, mạnh mẽ
- Hình ảnh thơ đẹp, giản dị nhưng lại thể hiện lên ước muốn lớn lao, cao cả
- Giọng điệu bài thơ có sự thay đổi qua từng khổ thơ, từ sự tươi vui, rộn rã qua những hình ảnh thiên nhiên, rồi đến giọng điệu tự hào, xen lẫn chút suy tư về mùa xuân, về lịch sử của đất nước và cuối cùng là khao khát cháy bỏng, mãnh liệt được cống hiến cho đời.
- Hình ảnh mùa xuân gợi nhiều liên tưởng, mùa xuân của thiên nhiên - mùa xuân của đời người - mùa xuân của đất nước
- Bài thơ có tính nhạc, rất giống với dân ca.
Câu 5 (Trang 57 SGK Ngữ văn 9 tập 2)
- “Mùa xuân nho nhỏ” là một sáng tạo độc đáo, một phát hiện mới mẻ của nhà thơ.
- Hình ảnh “mùa xuân nho nhỏ” là một ẩn dụ đẹp, là biểu tượng cho những gì tinh tuý của mỗi con người.
- Thể hiện quan điểm về sự thống nhất giữa cái riêng với cái chung.
- Thể hiện ước nguyện của nhà thơ muốn làm một mùa xuân nhỏ góp vào mùa xuân lớn của đất nước.
Thông qua phần Soạn bài Mùa xuân nho nhỏ, Cunghocvui hi vọng đây sẽ là một tài liệu hữu ích dành cho các bạn. Chúc các bạn học tốt!