Soạn bài: Một thời đại trong thi ca
1.Tác giả
- Hoài Thanh (1909 – 1982) tên khai sinh là Nguyễn Đức Nguyên. Ông xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước ở xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.
- Hoài Thanh là nhà phê bình văn học xuất sắc nhất của văn học Việt Nam hiện đại. Ông là tác giả của nhiều công trình có giá trị:Văn chương và hành động (1936), Thi nhân Việt Nam (1942), Có một nền văn hóa Việt Nam (1946), Quyền sống của con người trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du (1949), Nói chuyện thơ kháng chiến (1950), Phê bình và tiểu luận (3 tập- 1960, 1965, 1971).
2. Tác phẩm
Một thời đại trong thi ca là tiểu luận mở đầu cuốn Thi nhân Việt Nam, tổng kết một cách sâu sắc phong trào Thơ mới. Đoạn trích thuộc phần cuối của bài tiểu luận.
Câu 1 (trang 104 sgk Ngữ Văn 11 Tập 2):
Cái khó trong việc tìm ra tinh thần Thơ mới:
- Thơ thời nào cũng có cái hay, cái dở, cái kiệt xuất, cái tầm thường, lố lăng,
- “Tinh thần Thơ mới” khó là không phải ranh giới thơ mới- thơ cũ rạch ròi, dễ nhận ra. Vì “Âu là ta cũng đành phải nhận ra rằng tời đất hông phải dựng lên cùng một lần với thế hệ chúng ta. Hôm nay đã phôi thai từ hôm qua và trong cái mới vẫn còn rớt lại ít nhiều cái cũ...”
Từ đó, tác giả đã nêu ra cách nhận diện:
- “Khốn nỗi, cái tầm thường, cái lố lăng chẳng phải riêng thời nào và muốn hiểu tinh thần thơ cho đúng đắn, phải sánh bài hai với bài hay vậy”.
- “... muốn rõ đặc sắc mỗi thời phải nhìn vào đại thể”.
Câu 2 (trang 104 sgk Ngữ Văn 11 Tập 2):
Điều cốt lõi mà thơ mới đưa đến cho thi đàn Việt Nam bấy giờ là “cái tôi”. Theo nhà thơ:
+ “Cứ đại thể thì tất cả tinh thần thời xưa – hay thơ cũ – và thời nay – hay thơ mới – có thể gồm lại trong hai chữ tôi và ta. Ngày trước là thời chữ ta, bây giờ là thời chữ tôi”.
+ Bản chất chữ tôi: Quan niệm con người cá nhân trong sự giải phóng, trỗi dậy, bùng nổ của ý thức cá nhân (Cái nghĩa tuyệt đối của nó).
+ Hành trình: chập chững, lạ lẫm – được quen biết – được cho là đáng thương và tội nghiệp.
Câu 3 (trang 104 sgk Ngữ Văn 11 Tập 2):
Chữ “tôi, với cái nghĩa của nó” lại “đáng thương” và... “tội nghiệp”:
- Đó là bi kịch của cái tôi nhỏ bé tội nghiệp, “mất hết cốt cách hiên ngang ngày trước”.
- Bi kịch của cái tôi: mất bề rộng (không tìm được tiếng nói chung với cuộc đời), chỉ còn bề sâu (trốn chạy vào ý thức cá nhân).
- Bi kịch của “cái tôi” bàng hoàng và thiếu một lòng tin đầy đủ, không còn có thể nương tựa vào một cái gì bất di bất dịch như cái ta thuở trước.
=> Những bi kịch có tính chất xã hội: Thơ mới nói lên cái bi kịch đang diễn ngấm ngầm phản chiếu tâm lí một thế hệ, những thất vọng, hi vọng của cả thế hệ.
Câu 4 (trang 104 sgk Ngữ Văn 11 Tập 2):
Các nhà thơ lãng mạn cũng như “người thanh niên” bấy giờ đã giải tỏa bi kịch đời mình bằng cách: gửi cả vào tiếng Việt. “Họ yêu vô cùng thứ tiếng trong mấy mươi thế kỉ đã chia sẻ buồn vui với cha ông. Họ dồn tình yêu quê hương trong tình yêu tiếng Việt”. Vì họ nghĩ “Tiếng Việt là tấm lụa xứng đã hứng vong hồn những thế hệ qua” và họ tin vào lời nói triết lí “Truyện Kiều còn tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn”.
Câu 5 (trang 104 sgk Ngữ Văn 11 Tập 2):
Một thời đại trong thi ca là một tiểu luận phức tạp, phong phú nhưng người đọc vẫn thấy dễ hiểu và hấp dẫn bởi:
- Cách đặt vấn đề và giải quyết vấ đề một cách thuyết phục, khoa học.
- Những lập luận của bài viết luôn có sức thuyết phục cao vì nó gắn chặt chẽ với những nhận định, những luận điểm có tính khái quát với những ví dụ có tính minh chứng cụ thể, đa dạng, giàu sức thuyết phục.
- Bài viết có tầm nhìn bao quát về “cái tôi”, “cái ta”, có sự so sánh giữa các câu thơ và nhà thơ cũ, mới trong diễn biến lịch sử chứ không nhìn nhận vấn đề một cách đơn giản một chiều.
Câu 1 (trang 104 sgk Ngữ Văn 11 Tập 2):
Sự khác biệt cơ bản giữa chữ tôi thơ mới và chữ ta thơ cũ:
- Thơ văn xưa thường nói lên những cảm xúc chung của cả lớp người, loại người, kiểu người. “Cái tôi” nếu có cũng chỉ ẩn mình dưới “cái ta” chung ấy.
- “Cái tôi” trong Thơ mới, nó đã tách bạch, đứng riêng rẽ một mình, bộc bạch những gì sâu kín nhất ngay trong bản thể của nó.
Câu 2 (trang 104 sgk Ngữ Văn 11 Tập 2):
Lòng yêu nước của các nhà thơ mới đã gửi lòng yêu nước thương nòi của mình vào tiếng Việt “đã hứng vong hồn dân tộc những thế hệ qua”. Họ tin rằng vận mệnh dân tộc gắn với vận mệnh tiếng Việt đồng thời qua thơ mình, họ muốn làm cho tiếng Việt giàu đẹp hơn.
Câu 3 (trang 104 sgk Ngữ Văn 11 Tập 2):
Qua bài tiểu luận, chúng ta thấy được tấm lòng ưu ái của các nhà thơ mới và thế hệ thanh niên đương thời. Họ là những thi nhân đang sống trong tâm trạng mòn mỏi, tù túng của thân phận mất nước. Họ chưa tìm ra phương hướng, mục tiêu để đứng lên giành lại độc lập cho dân tộc. Bởi vậy, tấm lòng sâu nặng với non sông đành gửi vào trong tình yêu tiếng Việt.