Đăng ký

Số phận của Kiều qua cảm nhận 8 câu thơ cuối Kiều ở Lầu Ngưng Bích

4,126 từ Cảm nhận

Số phận bi thương của Kiều qua cảm nhận 8 câu thơ cuối Kiều ở Lầu Ngưng Bích

    Cảm nhận 8 câu thơ cuối Kiều ở lầu Ngưng Bích giúp bạn có thêm kiến thức về đoạn trích này cũng như biết được cái hay cái tài tình của đại thi hào Nguyễn Du. Đồng thời, cảm thương trước số phận và tâm trạng buồn đau của nàng Kiều nói riêng, thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ nói chung.

Số phận của Kiều qua cảm nhận 8 câu thơ cuối Kiều ở Lầu Ngưng Bích

Cảm nhận của em về 8 câu thơ cuối Kiều ở lầu Ngưng Bích

Mở bài cảm nhận 8 câu thơ cuối Kiều ở lầu Ngưng Bích

                        “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu

                    Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?”

                                (trích Truyện Kiều – Nguyễn Du)

    Trong thơ ca trung đại Việt Nam, Truyện Kiều được xem là tác phẩm mang theo hồn dân tộc “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn...” (Phạm Quỳnh). Ở “Kiều”, ta thấy hết được cái tài, cái tình của một đại thi hào dân tộc. Nguyễn Du lấy thiên nhiên làm nền cho con người, dùng cảnh vật nói hộ cảm xúc của nhân vật. Đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” là một ví dụ điển hình cho bút pháp tả cảnh ngụ tình của nhà thơ. Song ở 8 câu thơ cuối của đoạn trích, Nguyễn Du vẽ ra trước mắt người đọc một bức tranh thiên nhiên đầy tâm trạng  với cặp từ “Buồn trông....”, đây là cặp từ mở đầu cũng là cặp từ trải dài trong suốt tám câu thơ.

Xem thêm:

Phân tích 6 câu đầu Kiều ở lầu ngưng bích

Cảm nghĩ của em về đoạn trích Kiều ở lầu ngưng bích

Thân bài cảm nhận 8 câu thơ cuối Kiều ở lầu Ngưng Bích

    Tám câu cuối của đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” thuộc phần 3 “Gia biến và lưu lạc”. Sau khi bị lừa bán vào lầu xanh, Kiều có ý định tự vẫn, lo sợ Kiều chết đi Tú Bà dùng mưu kế giam lỏng Kiều ở lầu Ngưng Bích, tại đây Kiều nhìn cảnh vật bốn bề hoang vắng lòng đau buồn với nỗi nhớ khôn nguôi:

                        “Buồn trông cửa bề chiều hôm

                    Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa

                        Buồn trông ngọn nước mới sa

                    Hoa trôi man mác biết là về đâu

                        Buồn trông nội cỏ rầu rầu

                    Chân mây mặt nước một màu xanh xanh

                        Buồn trông gió cuốn mặt duềnh

                    Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.”

    Tám câu thơ với bốn cặp câu được phân chia rõ ràng chính là bốn bức tranh tâm trạng của người phụ nữ mang số phận bi thương. Trong tám câu thơ ấy, từng câu từng chữ đều nói lên sự nhớ thương khôn nguôi nhưng không thể hiện trực tiếp mà thông qua cảnh vật. Thế mới thấy được Nguyễn Du là bậc thầy trong việc đặc tả nội tâm của nhân vật, chỉ bằng tám dòng thơ lục bát, ông đã dựng nên bốn bức tranh tâm trạng đặc sắc.

Số phận của Kiều qua cảm nhận 8 câu thơ cuối Kiều ở Lầu Ngưng Bích

Kiều mang nhiều tâm trạng của người phụ nữ mang số phận bi thương

    Mở đầu câu thơ là điệp từ “buồn trông” được sử dụng một cách độc đáo, điệp từ nào được lặp lại tất cả bốn lần nhằm tạo nên nhịp điệu trầm buồn sâu lắng cho đoạn thơ, hay nói một cách khác nó như những con sóng vỗ nối tiếp nhau cứ nhấp nhô lên xuống, đó chính là con sóng lòng của Kiều lúc ấy.

                        “Buồn trông cửa bể chiều hôm

                    Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa”

    Tại nơi “khóa xuân” này lại chỉ có mình nàng với bốn bề vắng lặng, nhìn cảnh vật xung quanh mênh mông mà lòng buồn da diết. “Chiều hôm” làm cảnh cảnh vật nhuốm màu buồn bã, vào thời gian này chúng ta thường thấy những đàn chim bay về tổ, những chiếc thuyền ngoài khơi cũng cập bến trở về. Thế nhưng “cánh buồm xa xa” trong bức tranh Kiều đang thấy, phải chăng là chính Kiều ngay lúc này phải chịu cảnh tha hương.

    Hình ảnh “cửa bể” càng làm không gian trở nên rộng lớn hơn, trước sự bao la và im ắng ấy, ai lại chẳng thấy buồn bã đến mức tê dại. Trong bóng chiều tà, cảnh vật như dần chìm vào mờ ảo, thoát ẩn thoát hiện, lại hiện lên một cánh buồm lẻ loi. Cánh buồm đó tựa như niềm tin và sự mong mỏi còn sót lại trong Kiều về ngày đoàn viên, sum họp với gia đình.

    Nhưng đau đớn thay khi quay về với thực tại nàng chẳng thể ngưng dòng cảm xúc. Có thể thấy, sự khéo léo trong cách Nguyễn Du miêu tả tâm trạng của Thúy Kiều về nỗi nhớ quê nhà, nhớ cha mẹ, ông vẽ nên một màu buồn bã từ không gian và thời gian một cách tự nhiên, để rồi bật lên một tia hy vọng duy nhất là hình ảnh cánh buồm từ đó thể hiện sự chán chường của nhân vật.

Xem thêm:

Phân tích tâm trạng Kiều khi ở lầu ngưng bích

Đóng vai Kiều kể lại Kiều ở lầu Ngưng Bích

    Đến với bức tranh thứ hai, nhà thơ muốn cho người đọc cảm nhận được tâm trạng của Kiều trước bi kịch của cuộc đời mình: 

                        “Buồn trông ngọn nước mới sa

                    Hoa trôi man mác biết là về đâu”

    Giữa dòng nước có một cánh hoa trôi lênh đênh, dập dềnh trong vô định, cánh hoa ấy cứ bị dòng nước cuốn trôi đi chẳng biết điểm dừng là đâu, nó không thể quyết định được bến bờ mà nó mong muốn. Dòng nước kia thực chất chính là ẩn dụ cho dòng đời, còn cánh hoa là thân phận của Kiều chẳng biết đi đâu về đâu, chẳng thể tự mình quyết định tương lai chính mình.

    Người cũng như hoa, hoa nở đẹp đến mấy rồi cũng sẽ tàn, cũng sẽ bị vùi dập. Từ láy “man mác” được sử dụng nhằm diễn tả sự suy tư trăn trở về số kiếp của Kiều, câu thơ cũng là câu hỏi mà nàng tự hỏi chính mình “về đâu?” nhưng nàng lại chẳng có câu trả lời. Càng nghĩ càng thấy lòng rối bời, càng lo sợ trước những điều sắp xảy đến, dưới ánh mắt của Kiều lúc này mọi vật đều mờ ảo, đều vô định. 

    Để rồi từ sự hoài nghi về số kiếp nàng muốn nương mình vào chân mây vào ngọn cỏ:

                        “Buồn trông nội cỏ rầu rầu

                    Chân mây mặt đất một màu xanh xanh”

    Trong bức tranh này, Nguyễn Du chọn màu xanh làm màu chủ đạo nhưng màu xanh ấy không phải là xanh hi vọng, màu xanh tươi mà là màu xanh héo úa. “Nội cỏ” kia chẳng xanh tươi như trong cảnh ngày xuân “cỏ non xanh tận chân trời”, cũng qua rồi cảnh “êm đềm trướng rủ màn che”.

    Giờ đây Kiều bơ vơ, trơ trọi một mình chỉ mong nương nhờ vào cỏ cây. Những cỏ cây kia cũng buồn cho kiếp người mà “rầu rầu”, ở đây tác giả không dùng buốn rầu mà sử dụng rầu rầu, để kéo dài nỗi buồn. Câu “Chân mây mặt đất một màu xanh xanh” cũng là câu thơ nhấn mạnh nỗi buồn của Thúy Kiều thể hiện qua màu xanh xác xơ và lụi tàn. 

    Ở bức tranh cuối cùng, cảnh vật chẳng còn yên ắng nữa:

                        “Buồn trông gió cuốn mặt duềnh

                    Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.”

    Hai câu thơ là sự hội tủ đủ âm thanh, hình ảnh và tâm trạng của nhân vật. Nếu gió thổi nước trôi nhằm tô đậm thêm sự bơ vơ trơ trọi của Kiều thì hình ảnh “gió cuốn mặt duềnh” tạo nên cái động cho bức tranh. Cảnh vật lúc này không còn hiu hắt và yên tĩnh nữa, mà hiện lên trước mắt chúng ta những gợn sóng nhỏ được gió thổi mà nên.

    Nhưng không dừng lại ở đó, hình ảnh tiếp theo lại một lần nữa đưa cảm xúc buồn bã lo sợ kia lên đỉnh điểm, đó chính là âm thanh” ầm ầm” của tiếng sóng “kêu quanh ghế ngồi”. Nó gợi tâm trạng hãi hùng của Kiều, nàng tuyệt vọng trước nghịch cảnh đã đẩy nàng vào chốn lầu xanh, nàng lo sợ trước những điều sắp diễn ra mà ngay cả nàng cũng chẳng thể đoán trước được. Tiếng sóng kia cũng như một hồi cảnh báo cho Kiều về những tai họa sắp đổ xuống đầu nàng, đó là âm thanh cảnh tỉnh nàng về những điều sắp sửa diễn ra trong tương lai.

Xem thêm:

Cảm nhận vẻ đẹp và tài năng của Thúy Kiều

Cảm nhận đoạn trích chị em Thúy Kiều

    Như vậy, tám câu thơ cuối của đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” đã diễn tả được thân phận lênh đênh chìm nổi, nỗi xót xa, lo sợ trước số phận trôi dạt của Kiều . Đồng thời giúp người đọc thấy được sự cảm thương trước số phận người phụ nữ của Nguyễn Du.

    Ông đồng cảm trước những biến cố mà họ phải vượt qua, ông xót xa trước bi kịch cuộc đời đã mang đến cho họ nhiều bất hạnh. Từ đó thấy được giá trị nhân văn của tác phẩm, tác giả đã lồng ghép vào đó những suy nghĩ cũng như bài học cho người đọc có thể suy ngẫm và cảm nhận.

    Xét về phương diện nghệ thuật, chúng ta không thể không thán phục trước ông. Bởi ông là bậc thầy trong việc sử dụng thủ pháp đặc tả nội tâm nhân vật, không những thế ông còn kết hợp với bút pháp tả cảnh ngụ tình làm câu thơ như sống dậy len lỏi vào tâm hồn mỗi người mà bừng lên những cảm xúc thực.

    Mỗi bức tranh, ông chọn ra cho chúng những điểm nhấn riêng biệt, những màu sắc chủ đạo làm nên nét độc đáo, song chúng vẫn có cùng một điểm chung là lột tả sự buồn bã, tê dại bên trong tâm hồn Thúy Kiều. Mỗi bức tranh đều được miêu tả theo một trình tự nhất định, từ xa đến gần, từ trong ra ngoài,... tất cả làm nên cái hay của đoạn thơ.

Kết bài cảm nhận 8 câu thơ cuối Kiều ở lầu Ngưng Bích

    Tám dòng thơ là tâm huyết của Nguyễn Du, đó cũng chính là tuyệt tác của thơ ca trung đại Việt Nam. Với cách sử dụng thể thơ lục bác mang đậm hồn dân tộc, Nguyễn Du đã chấm phá thêm những nét vẽ đặc sắc mà ít ai làm được. Ông viết về phụ nữ, nhưng lại đi vào chi tiết từ chân dung cho đến tâm hồn và cả số phận họ, ông am hiểu sâu rộng về Nho giáo, nhưng không vì thế mà coi khinh phụ nữ.

    Ông là người chịu cúi xuống, xót thương cho thân phận khốn khổ của những người phụ nữ bị xã hội phong kiến xem nhẹ, vùi dập, và ông viết về Thúy Kiều – một trong những người phụ nữ bị xã hội dày vò về thể xác lẫn tinh thần. Qua đó, ta mới thấy hết được cái tài trong thơ Nguyễn Du, ông xứng đáng là đại thi hào dân tộc, là niềm tự hào của cả dân tộc Việt Nam. Rồi mai đây, Truyện Kiều sẽ còn sống mãi trên văn đàn, để lại tiếng vang lớn cho bạn bè thế giới, còn Nguyễn Du sẽ trở thành huyền thoại cho văn học Việt. Tóm lại, tám câu thơ mang giá trị nghệ thuật và nhân văn sâu sắc, Nguyễn Du đã gửi gắm vào đó toàn bộ cảm xúc và tài năng của một thi nhân vừa tài năng và tâm huyết.

shoppe