Đăng ký

Quan điểm về tác phẩm Bạch Đằng giang phú của Trương Hán Siêu

2,137 từ

“Bạch Đằng giang phú” của Trương Hán Siêu đã gợi lên trong lòng người đọc Việt Nam bao đời nay một cảm hứng hào hùng và bi tráng về những chiến công hiển hách trên sông Bạch Đằng của dân tộc ta.
Anh (chị) hãy phân tích một số lời văn tiêu biểu trích chọn từ bài phú để làm sáng tỏ ý kiến trên.

Trương Hán Siêu là một vị trọng thần của triều đại nhà Trần, vừa có tài về chính trị lại rất giỏi về văn chương. Đương thời, ông là một nhân vật nổi tiếng, được nhà vua và nhân dân kính trọng. Lúc còn trẻ, đã từng là môn khách của Trần Hưng Đạo. Khi ông qua đời, vua Trần đã truy Lặng tước Thiếu Bảo cho ông và ông được thờ ở Văn Miêu. Tác phẩm văn chương của ông lưu lại không nhiều. Nhưng với một Bạch Đang giang phú cũng đủ để lại một dấu ấn muôn thuở trong lịch sử văn chương Việt Nam. Có nhà nghiên cứu nhận xét rằng: “Bạch Đằng giang phú của Trương Hán Siêu đã gợi lên trong lòng người đọc Việt Nam bao đời nay một cảm hứng hào hùng và bi tráng về những chiến công hiển hách trên sông Bạch Đằng của dân tộc ta”, ý kiến trên là hoàn toàn chính xác.
 
Ta hãy trở về với bài phú và chỉ cần dừng lại ở những đoạn, những câu tiêu biểu cũng đủ minh chứng cho nhận xét trên.
 
Bài phú được cấu trúc theo lối kể chuyện của hai giọng kể khác nhau: giọng của người “khách” đi viếng cảnh và giọng của các bô lão của vùng ven sông nhưng cả người khách ấy và các vị bô lão ấy, xét cho cùng, đều là sự phân thân của tác giả Trương Hán Siêu mà thôi.

Cảm hứng hào hùng và bi tráng trước hết được thể hiện qua cảm xúc của nhân vật “khách” khi đối diện với dòng sông Bạch Đằng lịch sử. Trước mắt người khách - và cũng chính là tác giả - hình ảnh một dòng sông mênh mông, vừa dài vừa rộng đang cuộn cuộn sóng. Màu nước, màu trời như hoà làm một, xanh biếc bao la, đẹp và thoáng đạt đến nao lòng:
 
“Bát ngát sóng kình muôn dặm
Thướt tha đuôi trĩ một màu
Nước trời: một sắc; phong cảnh: ba thu”
 
Nhưng khi nhìn vào hai bên bờ bài chỉ thấy “lau lách” “san sát” chạy dài, tự nhiên một cảm giác hoang vắng bỗng dâng lên trong lòng tác giả:
 
“Bờ lau san sát, bến lách đìu hiu”
 
Có ai biết rằng, chính nơi đây, cảnh chiến trường đã xảy ra thật quyết liệt: “Sông chìm, giáo gãy, gò đầy xương khô”.
 
Nhà thơ đang hồi tưởng lại những chiến công hiển hách của dân tộc với một niềm tự hào, kiêu hãnh. Cũng niềm cảm hứng trước dòng sông lịch sử này, trong Cửa biển Bạch Đằng, Nguyễn Trãi viết:
 
“Ngạc chặt, kìm băm non lởm chởm
Giáo chim gươm gãy bãi giăng giăng”
 
Bạch Đằng giang đã trở thành địa danh lịch sử. Tên tuổi của Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán, của Lê Hoàn phá Tông, Trần Quốc Tuấn đánh bại quân Nguyên - Mông... mãi mãi in bóng xuống lòng sông lịch sử này. Thật đúng như lời ca của các bô lão:
 
“Sông Đằng một dải dài ghê,
Sóng hồng cuồn cuộn tuôn về bể Đổng.
Những người bất nghĩa tiêu vong,
Nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh”
 
Nhưng bên cạnh niềm cảm hứng hào hùng, tác giả - “khách” cũng không giấu nổi một tâm trạng buồn thương, tiếc nuôi, ngậm ngùi:
 
“Buồn vì cảnh thảm,
Đứng lặng giờ lâu.
Thương nỗi anh hùng đâu vắng tá,
Tiếc thay dấu vết luống còn lưu”
 
Nỗi hoài niệm này chính là vì nghĩ đến sự hi sinh xương máu của biết bao anh hùng, nghĩa sĩ đã vì nền độc lập của Tổ quốc, vì sự tồn vinh của dân tộc mà sẵn sàng ngã xuống. Nỗi buồn đó cũng chính một biểu hiện của lòng biết ơn sâu sắc đối với bao thế hệ anh hùng của dân tộc. Nỗi buồn cho hành trình xây dựng và bảo vệ đất nước minh. Đúng là “bi” mà “hùng”, “bi”  “tráng” vậy.
 
Cảm hứng hào hùng và bi tráng đó còn biểu hiện trong lời kể chuyện của các bô lão với “khách”. Đoạn văn kể về chiến công của “Trùng Hưng nhị thánh bắt Ô Mã”, của “Ngô chúa phá Hoàng Thao”. Nhưng chủ yếu là kể về chiến tích của “Trùng Hưng nhị thánh”. Lời kể mang đậm chất anh hùng ca, giọng điệu sảng khoái, hào hùng. Từ lúc ra quân đến lúc chiến thắng biết bao nguy kịch đã phải trải qua. Ta mạnh nhưng địch cũng hung bạo vô cùng. Nhưng nhờ đất hiểm, tướng tài, đức cao, quân lính anh dũng nên cuối cùng ta đã chiến thắng vẻ vang:
 
“Đến nay, nước sông tuy chảy hoài,
Mà nhục quân thù khôn rửa nổi.
Tiếng thơm còn mãi.
Bia miệng không mòn”
 
Suy ngẫm về những chiến công oai hùng của một thời đã qua, các bô lão cũng ngậm ngùi không khác gì “khách” viếng cảnh:
 
“Đến chơi sông chừ ủ mặt
Nhớ người xưa chừ lệ chan”
 
Đó là một cách nhìn, cách đánh giá lịch sử rất đúng đắn, rất phù hợp với quan điểm của chúng ta ngày nay. Bởi không có chiến công nào mà không gán với những mất mát, hi sinh.
 
Vừa tự hào vừa thương tiếc, đó là mạch cảm xúc chủ đạo của bài phú, từ đó tạo nên một cảm hứng hào hùng và bi tráng trong lòng độc giả bao đời nay mỗi khi đọc lại bài phú về sông Bạch Đằng. Đó cũng chính là giá trị vĩnh hằng của một tác phẩm văn học đích thực.