Phát biểu cảm nghĩ của em về lòng tự hào dân tộc trong bài thơ “Sông núi nước Nam” của Lí Thường Kiệt
Phát biểu cảm nghĩ của em về lòng tự hào dân tộc trong bài thơ “Sông núi nước Nam” của Lí Thường Kiệt.
A. Hướng dẫn làm bài
- Đề bài yêu cầu phát biểu cảm nghĩ của em về lòng tự hào dân tộc trong bài thơ “Sông núi nước Nam” (“Nam quốc sơn hà”).
- Biểu cảm dựa trên ý bài thơ “Nam quốc sơn hà” từ những tình cảm, cảm xúc chân thật của bản thân về tình yêu đất nước và lòng tự hào dân tộc.
- Bài làm cần đủ những ý chính sau:
Mở bài:
+ Lòng tự hào dân tộc được thể hiện trong những tác phẩm thơ văn rất phong phú, đa dạng.
+ Tiêu biểu trong số đó là qua bài thơ “Nam quốc sơn hà” ( Sông núi nước Nam).
Thân bài:
+ Giới thiệu khát quát về bài thơ: hoàn cảnh đọc, vấn đề tác giả, gọi là “thơ thần”...
+ Lòng tự hào dân tộc thể hiện trong bài thơ ở hai ý cơ bản:
• Khẳng định chủ quyền lãnh thổ, dân tộc: Nước Nam là của người Nam -> đặt vị thế của nước Nam ngang hàng với nước phương bắc, khẳng định một cách chắc chắn, là một tư tưởng tiến bộ.
• Kẻ thù không được xâm phạm. Nếu xâm phạm thì thế nào cũng chuốc phải thất bại thảm hại. -> khẳng định niềm tin, sức mạnh và chiến thắng tất yếu của dân tộc.
+ Đánh giá về bài thơ:
• Bài thơ trực tiếp nêu rõ ý tưởng bảo vệ độc lập, kiên quyết chống ngoại xâm.
• Cảm xúc, thái độ mãnh liệt, sắt đá đã tồn tại băng cách ẩn vào bên trong ý tưởng
-> phải biết nghiền ngẫm, suy cảm mới thấy được.
Kết bài:
+ Bài thơ ra đời trong hoàn cảnh chiến đấu ác liệt đã trở thành nguồn sức mạnh tinh thần to lớn, động viên quân ta anh dũng chiến đấu và chiến thắng.
+ Bài thơ ra đời đã gần ngàn năm nhưng ý nghĩa to lớn, sáu sắc của nó vẫn còn nguyên vẹn, xứng đáng là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta.
B. Bài văn mẫu
Trong lịch sử dân tộc Việt Nam đã từng có nhiều bản tuyên ngôn độc lập được vang lên oai hùng. Mỗi bản tuyên ngôn ấy đều gợi lên trong lòng người đọc tinh thần yêu nước mãnh liệt. Và không ai là không biết, không thuộc bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta, bài thơ thần “Sông núi nước Nam” tương truyền của Lí Thường Kiệt với niềm tự hào dàn tộc sâu sắc.
Theo truyền thuyết, bài thơ ra đời trong những năm kháng chiến chống Tống của nhân dân ta. Vào một đêm, từ đền thờ trên sông Như Nguyệt quân sĩ bỗng thấy vang lên tiếng ngâm bài thơ này. Từ âm điệu đến lời lẽ đều chắc nịch, mạnh mẽ và tràn đầy niềm tự hào. Nó tiếp thêm cho quân ta sức mạnh, niềm tin vững vàng vào dân tộc, vào chiến thắng không xa của cuộc chiến đấu.
Xuyên suốt bài thơ, cảm hứng tự hào dân tộc được bộc lộ rõ nét. Nó được vang lên ngay từ dòng thơ đầu tiên. Chữ “đế” nằm ngay ngắn cuối câu thơ cho thấy sự bề thế, vững vàng của dân tộc Việt. Dân tộc ta cũng xưng đế, cũng là một quốc gia ngang hàng với dân tộc ở phương Bắc. Nước Nam của người Nam ở, nước Nam là của vua Nam đã định cư tự bao đời. Nước Nam rất tự hào vì có một lãnh thổ riêng, có vị hoàng đế anh minh. Điều này đã được sách trời định sẵn, rõ ràng. Tạo hóa đã phân định như thế, đã cho mỗi dân tộc một vùng đất, một mảnh trời riêng. Không phải nhân dân Việt vô cớ khẳng định mà dựa vào sách trời thiêng liêng. Cụm từ “tiệt nhiên” với giọng thơ thật dứt khoát đã khẳng định điều sách trời đã định là không thể khác. Tuy tác giả có sử dụng đến yếu tố thần linh nhưng lại rất hợp với lòng người, được mọi người tôn sùng nên càng tạo ra sức mạnh thần kì. Con người tin vào lẽ tự nhiên như những gì nó vốn có. Và nếu đi ngược lại với quy luật ấy hẳn sẽ bị trừng phạt thích đáng.
Để thể hiện lòng tự hào dân tộc sâu sắc, tác giả còn nêu ra những gì là riêng có của người Việt Nam, đó là lãnh thổ và chủ quyền. Hai yếu tố vững vàng ấy là cơ sở để xác định một quốc gia độc lập thì dân tộc ta đương nhiên bình đẳng và có thể sánh ngang với bất kì đất nước nào. Bài thơ có hình thức thiên về biểu ý nhưng vẫn trực tiếp nêu rõ ý tưởng bảo vệ non sông, bảo vệ nền độc lập của nhân dân ta. Ý tưởng đó dù nằm ở bề sâu nhưng thể hiện bằng thái độ rất quyết liệt, dứt khoát, tuyên bố với kẻ thù xâm lược rằng, đã dám đến đây xâm lược thì chắc chắn sẽ phải chuốc lấy thất bại, một thất bại ê chề, nhục nhã. Cảm xúc, thái độ mãnh liệt ấy đã tồn tại bên trong ý tưởng nhưng người đọc vẫn có thể suy ngẫm ra điều đó và cảm nhận được mạch cảm xúc đang trào dâng trong lòng tác giả. Cảm xúc càng ấn kín thì càng làm cho ý nghĩa, giá trị của nó thêm sâu sắc, cách thể hiện cũng mạnh mẽ, dứt khoát lạ thường.
Đây quá là bài thơ thần với giọng điệu tràn đầy sinh lực, vừa đĩnh đạc, trang nghiêm vừa khẳng định, mạnh mẽ. Từ đó làm cho tinh thần tự hào dân tộc với ý chí kiên quyết bảo vệ độc lập, đánh bại kẻ thù càng được bộc lộ rõ ràng, chân thực. Thật xứng đáng là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của đất nước, một khúc tráng ca đậm khí phách anh hùng của thời đại nhà Lí.