Vì sao sông núi nước Nam được xem là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên ở nước ta
Vì sao sông núi nước Nam được xem là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên ở nước ta
Dọc theo bề dày lịch sử dân tộc Việt Nam, đã có biết bao áng văn được khắc lên như một sự khẳng định chủ quyền lãnh thổ một cách kiên định và “Sông núi nước Nam” cũng là một trong số đó. Bài thơ như một bản cáo trạng hùng hồn đanh thép khẳng định chủ quyền lãnh thổ và thể hiện tinh thần chống giặc ngoại xâm bất khuất của dân tộc ta.
Tại sao “Sông núi nước Nam được xem là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên”
Mở bài
Bài thơ Nam quốc sơn hà là bài thơ thuộc thể thất ngôn tứ tuyệt, hiện vẫn chưa rõ tác giả là ai nhưng cũng có những nguồn ghi chép lại người sáng tác ra bài thơ là Lý Thường Kiệt. Đây là áng văn không rõ xuất xứ được mọi người truyền tai nhau qua những truyền thuyết. Có truyền thuyết cho rằng năm 1077, quân Tống do Quách Quỳ chỉ huy kéo vào bờ cõi nước ta. Vua Lý Nhân Tông lệnh Lý Thường Kiệt mang quân ra phòng ngự ở phòng tuyến sông Như Nguyệt. Bỗng một đêm, quân sĩ nghe văng vẳng trong đền thờ hai anh em Trương Hống và Trường Hát tiếng ngâm bài thơ:
“Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đặng hành khang thủ bại hư.”
Hay theo bản dịch nghĩa:
“Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành phân định tại sách trời
Cớ sao lũ giặc kia xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.”
Thân bài lý giải vì sao sông núi nước Nam được xem là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên ở nước ta
Đây là bài thơ nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam, một lời tuyên bố kiên quyết về chủ quyền và quyền tự chủ của nhân dân Đại Việt. “Sông núi nước Nam” còn được xem là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước Việt Nam bởi nó là lời khẳng định chủ quyền của nước ta cùng với thái độ kiên quyết đẩy lùi ngoại xâm được thể hiện qua nhiều khía cạnh.
“Sông núi nước Nam” là một lời tuyên bố trịnh trọng, một lời khẳng định vững chắc về chủ quyền, lãnh thổ muôn đời nay được nối truyền qua bao thế hệ “Sông núi nước Nam vua Nam ở”. Bởi chỉ có những bậc đế vương phương Nam, những triều đại hào hùng đã lãnh đạo nhân dân khắc ghi nên những chiến công oanh liệt mới được quyền ngự trị nơi đây. Đất nước này do một tay vua Nam dựng lên, giang sơn này do một tay vua Nam gìn giữ, bọn ngoại xâm cướp nước không có quyền xâm lăng lãnh thổ mà ta dựng nên.
Chủ quyền lãnh thổ rõ ràng đã được ghi chép tại “sách trời”: “Rành rành phân định tại sách trời”. Việc mà bọn chúng xâm phạm đến lãnh thổ nước ta chính làm làm trái lại thiên ý, trái với những gì mà sách trời đã ghi nên. Chính vì thế, hành động phi nghĩa của chúng chính là nghịch thiên, là không tuân theo mệnh lệnh của đấng tối cao.
Một lãnh thổ có những triều đại hào hùng, có lịch sử kéo nghìn năm văn hiến, có chủ quyền được phân định rạch ròi thì lãnh thổ ấy xứng đáng có được những tự do, những chủ quyền của riêng mình. Nói “Sông núi nước Nam” chính là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc ta quả không sai bởi chỉ thông qua vỏn vẹn bấy nhiêu từ mà chủ quyền quốc gia đã được khẳng định một cách hào hùng, các triều đại lịch sử được hiện lên một cách đầy uy nghi.
Xem thêm:
Nếu cảm nghĩ về bài sông núi nước Nam
Sông núi nước Nam: Hoàn cảnh sáng tác, nội dung và dàn ý
“Sông núi nước Nam” đáp ứng được yêu cầu tối thiểu của một bản tuyên ngôn độc lập là sự tuyên bố với cả thế giới nền độc lập, lãnh thổ Việt Nam đã là những thứ bất di bất dịch, được lịch sử ghi chép rõ ràng. Bằng thể thơ thất ngôn tứ tuyệt với thể thơ hùng hồn, đanh thép, “Sông núi nước Nam” khẳng định chủ quyền một cách đanh thép cùng với tinh thần bất khuất, ý chí sắt đá không thể lay chuyển nổi của quân dân ta.
Nếu nói khẳng định chủ quyền là điều kiện cần thì việc thể hiện tinh thần sẵn sàng ngã xuống, hy sinh cho từng tấc đất quê hương là điều kiện đủ khiến “Sông núi nước Nam” là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam.
Hai câu cuối của bài thơ thể hiện tinh thần sắt thép của hàng triệu nhân dân Việt Nam trường tồn qua biết bao thế hệ. Đó là thứ tinh thần vững chắc không có gì lay chuyển được tồn tại trong dòng máu của mỗi con người Việt Nam. Kiên cường, bất khuất chống ngoại xâm, sẵn sàng đứng lên theo tiếng gọi Tổ Quốc. Ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền khỏi tay mọi giặc thù được thể hiện trong mỗi linh hồn Việt Nam từ già, trẻ, lớn, bé ai cũng sẵn sàng đứng lên khi Tổ quốc lâm nguy.
Chỉ cần non sông gấm vóc Việt Nam còn tồn tại, mọi thế lực thù địch lăm le bờ cõi ta nhất định sẽ bị diệt trừ, không một thế lực nào được phép phá vỡ đi nền độc lập được ta xây dựng bao đời.
Đây cũng là bài thơ đầu tiên trong lịch sử văn học Việt Nam dám nêu cao nền độc lập dân tộc, chủ quyền lãnh thổ một cách hùng hồn, đanh thép. Dân tộc Việt Nam vốn chỉ là những người nông dân chân lấm tay bùn nhưng với lòng tự tôn dân tộc đậm đà cùng với tài chỉ huy tài ba của những nhà thao lược tài giỏi luôn luôn giữ vững bờ cõi mà thế hệ trước đã dựng nên.
Kết bài
Sau “Sông núi nước Nam” còn có “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi và “Bản tuyên ngôn độc lập” của Hồ Chí Minh được xem là những áng văn chính trị có giá trị dân tộc sâu sắc. Cả ba đều khẳng định được chủ quyền dân tộc một cách rõ ràng cùng tinh thần chống giặc ngoại xâm bất khuất, kiên trung của dân tộc ta. Mỗi bài một cách thể hiện, một giọng văn khác nhau nhưng “Sông núi nước Nam” luôn được xem là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên và có ý nghĩa nhất định đối với dân tộc Việt Nam.